Nữ giảng viên sở hữu 33 bài báo quốc tế

Duyên nợ với Hóa Sinh

Tiến sĩ (TS) Lê Thị Lý là giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM). Chị sinh năm 1978 tại Lâm Đồng, trong một gia đình có mẹ là giáo viên mầm non, cha là một nhà địa chất.

Tuổi thơ của chị Lê Thị Lý gắn với kỷ niệm đẹp về những mái trường thân yêu ở Bảo Lộc, những buổi mang cơm lên phòng thí nghiệm cho cha mỗi khi ông làm việc quên bữa. Ngay từ lúc ấy, cô học trò trường làng đã rất thích thú quan sát những mẫu đất đá nhiều màu sắc và những tấm bản đồ zic zắc.

Tốt nghiệp Trường THPT Bảo Lộc, thi đậu cùng lúc 3 trường đại học, chị chọn Trường ĐH Sư phạm TPHCM để bắt đầu con đường vào đời của mình.

TS Lê Thị Lý

Lý giải điều này, chị cho biết, một phần vì từ nhỏ đã rất thần tượng và xem cô giáo dạy hóa cấp 3 (Bùi Thị Quốc Nga) như người mẹ. Hình ảnh cô theo chị cho đến sau này khi chị trở thành giảng viên.

Trong quãng thời gian học đại học, chị Lý đã nổi bật là một thành viên tích cực trong các hoạt động tập thể. Tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Lê Thị Lý được giữ lại trường làm giảng viên. Chị đã được các thầy cô ở khoa Hóa của trường động viên tiếp tục học lên nữa. Trong đó, người có ảnh hưởng lớn nhất trong sự nghiệp của chị là TS Lê Trọng Tín.

Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, nữ giảng viên trẻ tiếp tục tìm cơ hội để “đào sâu” hơn nữa kiến thức chuyên ngành hóa sinh.

Năm 2004, chị nhận được học bổng tiến sĩ tại Mỹ theo chương trình của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF). Những ngày đầu mới sang Mỹ, chị rất bỡ ngỡ khi lần đầu làm quen với kiến thức về y dược và công nghệ sinh học quốc tế.

Nhưng với bản tính ham học hỏi, chị nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới. Sự cần mẫn trong học tập và nghiêm túc trong nghiên cứu của Lê Thị Lý đã được các giáo sư, đồng nghiệp ở Mỹ đánh giá cao.

Nói về những người thầy ảnh hưởng đến chuyện học Tiến sĩ ở Mỹ, TS Lý cho biết: “Giáo sư Trương Nguyện Thành (Đại học Utah) là một chuyên gia trong lĩnh vực hóa tính toán và thiết kế dược phẩm. Còn Giáo sư Klaus Schulten (Đại học UIUC) là một trong những người đứng đầu thế giới về sinh học tính toán.

Trong thời gian đó, thầy Thành chủ nhiệm dự án CSEO (tổng kinh phí là 3,2 triệu USD do NSF tài trợ), còn thầy Klaus chủ nhiệm dự án Trung tâm mô phỏng Sinh học phân tử quốc gia Hoa Kỳ (tổng kinh phí là 6 tỉ USD do NIH tài trợ).

Có thể nói, tôi đã may mắn học được rất nhiều kinh nghiệm về nghiên cứu và tầm nhìn từ họ khi tham gia các dự án tầm cỡ này”.

Cũng trong thời điểm này, chị Lê Thị Lý đã gặp PGS.TS Hồ Thanh Phong (Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế TPHCM) trong hội nghị của VEF và sau đó, chị nhận lời về công tác tại trường. Mặc dù, thỉnh thoảng nhận được lời mời của một số tổ chức nghiên cứu ở nước ngoài nhưng chị quyết tâm gắn bó với trường vì “muốn phục vụ ngay tại đất mẹ”.

33 bài báo quốc tế

Những ngày cuối năm ở Trường ĐH Quốc tế TPHCM, ngoài giờ lên lớp, chị còn tập trung vào các dự án nghiên cứu của mình. Chị cho biết: “Các kết quả nghiên cứu quan trọng của tôi phần lớn là liên quan đến bệnh cúm A, đăng trên các tạp chí như PLOSONE, PLOS Computational Biology hay Medicinal Chemistry Research.

Gần đây, tôi đã mở rộng nghiên cứu của nhóm sang tiểu đường loại II và các dữ liệu genomics nhưng chưa đạt nhiều kết quả như kỳ vọng. Các nghiên cứu của tôi đều nhắm đến định hướng phát triển thuốc và tôi rất chú trọng đến nguồn thảo dược phong phú tại Việt Nam”.

Khi nhắc đến bài báo đã từng gây chú ý trong giới nghiên cứu trước đây, nữ tiến sĩ khiêm tốn kể: “Đó là một kỷ niệm không thể quên. Năm 2009, dịch cúm A với biến chủng H1N1 và H1N5 bùng phát dữ dội trên thế giới, dẫn đến hàng ngàn ca nhiễm.

Tamiflu được xem là loại thuốc trị loại cúm này hữu hiệu nhất và được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Bằng công trình nghiên cứu của mình, tôi đã có một bài báo nêu rõ nguyên nhân kháng thuốc của loại thuốc trị cúm này – một vấn đề cả thế giới quan tâm lúc bấy giờ”.

Và ngay sau đó, Tạp chí Plos Computational Biology – nơi bài báo được gửi tới – đã đề nghị 6 chuyên gia lĩnh vực này phản biện kết quả nghiên cứu của bài báo trên. Sau 9 tháng, qua 2 lần chỉnh sửa, bài báo đã được chấp nhận đăng vào năm 2010, sau đó được 17 công trình nghiên cứu khác về cúm A trích dẫn, với chỉ số ảnh hưởng là 4.83. Đây là một thành quả hiếm có với một tiến sĩ trẻ của Việt Nam lúc bấy giờ.

Mỗi năm, TS Lê Thị Lý có khoảng 6 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, một nửa trong đó là các tạp chí chuyên ngành uy tín, thuộc danh sách ISI.

“Một bài báo quốc tế chỉ có thể ra đời sau vài ba năm, kể từ khi bắt đầu nghiên cứu cho đến khâu trả lời phản biện. Để có một bài báo ISI, người nghiên cứu phải đọc rất nhiều bài báo ISI khác, tham dự nhiều hội nghị quốc tế để tiệm cận với tri thức mới và đeo đuổi chuẩn mực quốc tế trong nghiên cứu. Nhưng quan trọng trên hết là niềm đam mê nghiên cứu, có niềm đam mê sẽ vượt qua được mọi rào cản” – chị chia sẻ.

Tính đến năm 2014, TS Lý đã sở hữu tổng cộng 33 bài báo quốc tế uy tín được thế giới đánh giá cao. Dù thế, niềm vui lớn lao hơn với chị là những bài báo quốc tế của sinh viên do chính mình hướng dẫn.

Sau 4 năm, TS Lý đã hướng dẫn sinh viên thực hiện thành công 13 bài báo đăng trên các tạp chí ISI. Trong đó, có tới 9 bài báo mà những sinh viên do chị hướng dẫn là tác giả đứng đầu.

Đáng nói hơn, từ những thành tích nghiên cứu này mà 5 sinh viên của Khoa Công nghệ sinh học đã xuất sắc giành được học bổng tiến sĩ tại các trường ĐH danh tiếng thế giới như: Cornell University (Mỹ), University of Paris XI (Pháp), University of Melbourne (Úc), SISSAI (Ý)… Đặc biệt, có những sinh viên được nhận học bổng đặc cách từ ĐH lên thẳng nghiên cứu sinh, không cần qua thạc sĩ do có tới 3 bài báo ISI.

Chị cũng vừa được mời làm điều phối viên của dự án gLINK, đây là chương trình học bổng Eramus Mundus danh giá của EU (http://www.glink-edu.eu/). “Công việc này tốn rất nhiều thời gian nhưng tôi vẫn quyết tâm tham gia để mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và giành các suất học bổng giá trị cho sinh viên Việt Nam” – TS Lý chia sẻ.

Hạnh phúc giản đơn

Khi tôi hỏi, điều gì hiện tại mang lại niềm hạnh phúc cho chị? TS Lý không ngần ngại chia sẻ, dù có một đam mê rất lớn cho công việc nghiên cứu nhưng chị vẫn giữ lựa chọn ban đầu là một nhà giáo.

Cho đến bây giờ, chị vẫn còn nhớ như in cảm giác tự hào, xúc động khi nhận được cuộc điện thoại lúc nửa đêm từ một sinh viên báo tin nhận được học bổng tiến sĩ.

Tổ ấm của TS Lê Thị Lý

Chị thổ lộ: “Ngày xưa, khi còn là sinh viên, thầy cô thường ví nghề dạy học như những người đưa đò. Mình nghe nhiều nhưng chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa của câu nói. Nhưng đến khi hướng dẫn sinh viên làm quen với nghiên cứu và có bài báo ISI đầu tiên, cũng là lúc các em chuẩn bị đi du học, mình mới thấy thấm thía.

Và động lực duy nhất để mình theo đuổi công việc không dễ dàng này là tin rằng sẽ đào tạo được nhiều nhà khoa học trẻ cho Việt Nam trong tương lai”.

Hiện tại, chị cảm thấy may mắn khi các thầy cô ngày trước giờ là đồng nghiệp vẫn tiếp tục liên lạc, góp ý tận tình. “Người ta nói ‘Cô giáo như mẹ hiền’, tôi thấy quả thật như vậy. Các cô thường xuyên ân cần hỏi thăm, động viên tôi phấn đấu. Các cô còn là người bạn lắng nghe, chia sẻ cùng tôi nhiều khó khăn trong cuộc sống. Và tôi biết thêm, đó chính là vẻ đẹp của nghề giáo mà tôi đang đeo đuổi” – TS Lý tâm sự.

Hằng ngày, dù công việc bận rộn, chị vẫn dành thời gian để chơi với con. Công việc cuối ngày có mệt thế nào thì sáng hôm sau đồng nghiệp ở trường vẫn thấy chị đi làm với sự hào hứng, bởi chị rất yêu thích công việc của mình. Với chị dạy học là niềm vui và nghiên cứu là đam mê.

Thái Khuê
Nguồn: www.giaoducthoidai.vn