Lê Thị Xuân Thùy, sinh năm 1981, tại Ðà Nẵng, đi du học tại Nhật Bản khi còn là sinh viên đại học (ÐH) năm thứ nhất. Năm 2012, chị được cấp bằng Tiến sĩ chuyên ngành Khoa học sự sống và môi trường tại Trường ÐH Tô-ku-si-ma (Nhật Bản) với luận án nghiên cứu các phương pháp thân thiện với môi trường để xử lý nước nhiễm i-on kim loại nặng. Trở về Việt Nam, công tác tại Trường ÐH Bách khoa (ÐH Ðà Nẵng) với mong muốn cống hiến hết mình giúp ích cho cộng đồng, đặc biệt là cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường, các sáng chế, đề tài NCKH của chị phần lớn đều hướng đến lợi ích của người dân và cộng đồng.
TS Lê Thị Xuân Thùy, giảng viên Khoa Môi trường, trường Đại học Bách khoa – ÐH Ðà Nẵng |
Nói về niềm hạnh phúc được theo đuổi đam mê NCKH, chị Thùy xúc động cho biết, khi làm nghiên cứu sinh tại Trường ÐH Tô-ku-si-ma, với sự hướng dẫn, hỗ trợ tận tình của các nhà khoa học, chị nhận ra con đường để đưa các thành quả NCKH vào thực tiễn phải xuất phát từ tâm huyết và lao động thật sự. Kết quả đến nay, chị là tác giả duy nhất của hai giải pháp, sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ gồm “Thiết bị lọc nước ngầm đa năng” (Bằng độc quyền số 1692 cấp ngày 4-4-2018) và “Phương pháp xử lý nước thải nhiễm i-on kim loại nặng bằng vật liệu từ tính phủ a-xít ga-ma-pô-ly-glu-ta-míc (Gama-PGM) (Bằng độc quyền số 1698 ngày 9-4-2018).
Chị Thùy chia sẻ, để có được hai bằng sáng chế là kết quả nhiều năm tìm tòi nghiên cứu giải pháp ứng dụng thực tiễn. Những giải pháp đó đều hướng đến lợi ích của người dân, cộng đồng. Sáng chế “Thiết bị lọc nước ngầm đa tầng” xuất phát từ việc người dân nhiều vùng, nhất là ở nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa đang phải sống trong môi trường bị ô nhiễm, nguồn nước ngầm không bảo đảm chất lượng, nhiễm phèn, nhiễm mặn…
Từ đó, chị đầu tư không ít công sức, trí tuệ, kinh phí để sáng chế thành công thiết bị lọc nước ngầm đa năng. Cũng từ sáng chế này, chị tiếp tục hướng dẫn nhiều nhóm sinh viên thực hiện đề tài NCKH, đề tài thạc sĩ liên quan chất lượng nguồn nước trước và sau khi sử dụng thiết bị lọc nước ngầm đa năng. Thiết bị nghiên cứu khi đưa về những vùng sâu, vùng xa như xã đảo và các huyện vùng núi Quảng Nam được người dân đón nhận, sử dụng với độ hài lòng cao.
Là nhà khoa học, cho nên chị Thùy luôn trăn trở với những vấn đề đặt ra từ thực tiễn cuộc sống. Làm sao để người dân và doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc xử lý nguồn nước thải bị ô nhiễm một cách triệt để. Ðối với doanh nghiệp, nếu nước thải có tái sử dụng được thì trước khi xả ra môi trường vẫn phải tách i-on kim loại nặng ra khỏi nước. Ðây là tâm huyết để tiếp tục nghiên cứu, hiến kế các giải pháp khoa học hữu ích, thiết thực với đời sống. Vì vậy, nghiên cứu “Phương pháp xử lý nước thải nhiễm i-on kim loại nặng bằng vật liệu từ tính phủ a-xít ga-ma-pô-ly-glu-ta-míc (Gama-PGM)” ra đời trên nền tảng đã học tại Nhật Bản.
Từ việc sử dụng Gama-PGM – là vật liệu của một giáo sư tại Trường ÐH Tô-ku-si-ma nghiên cứu thành công, chị đề xuất giải pháp và nghiên cứu ứng dụng phù hợp thực tiễn của Việt Nam để giúp cho các nhà máy xử lý nước thải giải pháp mới. Ngoài ra, chị Thùy còn chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu được đánh giá cao như: Nghiên cứu áp dụng phương pháp từ tính sử dụng hạt γ-PGM trong xử lý nước thải nhiễm kim loại nặng; Nghiên cứu xử lý nước và thu hồi kim loại nặng tại hồ Nam sân bay Ðà Nẵng bằng phương pháp tuyển nổi sử dụng gam-ma-pô-ly-glu-ta-míc a-xít…
“Những gì có thể giúp ích cho xã hội thì tôi luôn nỗ lực làm, vì đó là trách nhiệm và tâm huyết của một nhà khoa học. Việc được công nhận và cấp bằng sáng chế với tôi đây là niềm vinh hạnh và sự khích lệ đối với những người làm NCKH và giảng dạy vì cộng đồng”, TS Lê Thị Xuân Thùy chia sẻ.
Bài và ảnh: Anh Đào – Nguyên Anh