Nữ giáo sư Việt từng được đề cử giải Nobel hòa bình

GS Lê Thị Quý GS Lê Thị Quý

Người đặt nền móng cho các mô hình phòng chống bạo lực gia đình

GS Lê Thị Quý là người đặt nền móng cho các mô hình phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) ở nhiều địa phương; là người đầu tiên gióng hồi chuông nghiên cứu lĩnh vực phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới và cùng với Viện Nghiên cứu Thanh niên lập những mô hình hỗ trợ những phụ nữ là nạn nhân trở về tại Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương từ những năm 1997 – 2000.

Ở Việt Nam, GS Lê Thị Quý còn là nhà khoa học đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy về khoa học Giới, Lí thuyết Nữ quyền, Gia đình học, Xã hội học gia đình. Cô đã có tiếng nói đóng góp quan trọng xây dựng Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 và các luật khác liên quan đến Giới như Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình.

Gặp giáo sư Lê Thị Quý ngoài đời, ai cũng phải ngạc nhiên trước sự nhanh nhẹn, trẻ trung, quyết đoán và sôi nổi của một nhà khoa học nữ ở độ tuổi 65. Hỏi chuyện về chủ đề nghiên cứu Giới, Nữ quyền, cô có thể say sưa nói hàng tiếng đồng hồ không chán, không mệt.

Đặc biệt, khi nói về các mô hình phòng chống bạo lực gia đình tại Thái Bình, Nam Định – vốn nhận được sự quan tâm ủng hộ của cộng đồng, xã hội vì tính nhân văn và hiệu quả của nó – giọng nói của vị nữ giáo sư luôn ẩn chứa những tình cảm tiếc nuối, buồn lòng trước thực trạng này ở nhiều địa phương vẫn còn chưa được kiểm soát.

Đồng cảm với những người cùng giới phải chịu đựng nhiều nỗi thiệt thòi trong cuộc sống, cô chia sẻ cảm xúc phẫn nộ và đau lòng trước những tội ác bạo hành phụ nữ mà mình đã tận mắt chứng kiến ở một số nơi, đặc biệt nông thôn.

Nhờ có sự nhạy cảm và đồng cảm sâu sắc ấy, giáo sư Lê Thị Quý, vốn là một sinh viên, sau đó là tiến sĩ ngành Lịch sử, từng là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam, lại bén duyên với công việc giảng dạy, nghiên cứu về Xã hội học, đặc biệt là những chuyên ngành sâu về Giới, buộc phải đụng chạm, tiếp xúc với những vấn đề gai góc trong cuộc sống như: bạo hành phụ nữ, nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em…

Luôn ám ảnh những hình ảnh tàn khốc của cuộc chiến tranh.

Nghiên cứu khoa học là công việc vất vả và đòi hỏi sự đam mê, kiên trì, thậm chí nhiều hi sinh mới có thành quả, điều ấy hoàn toàn đúng với cuộc đời của GS Lê Thị Quý. Với tính cách quyết liệt, xốc vác, ưa hoạt động, lại sinh ra trong một gia đình theo Nho học, nề nếp, lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh nên cô sớm có ý thức tự lập, biết chấp nhận hoàn cảnh và luôn nỗ lực vượt khó.

Từ bé cô đã ham học, đặc biệt học giỏi các môn Văn, Sử. Khi trở thành sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cô theo học ngành Lịch sử – một sự lựa chọn mà đến giờ cô vẫn cảm thấy là đúng đắn.

Con đường để một nhà nghiên cứu và thực hành Xã hội học luôn sống hết mình, nhiệt thành và có trách nhiệm trước mọi công việc, với GS Lê Thị Quý cũng có nhiều kỉ niệm. Cô kể, năm 1972, khi đã trở thành phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam, thường trú tại Hải Phòng, một lần trên đường đi lấy tin ở huyện Thủy Nguyên, sáng sớm đạp xe ngang một khu chợ nhỏ đông vui, tràn đầy tiếng nói cười.

Bản thân cuộc đời và nghị lực hoạt động khoa học của cô là nguồn cảm hứng sống cho nhiều phụ nữ 

Buổi tối, sau khi vượt sông quay về, lại đi ngang qua khu chợ đó, cô hoảng sợ. Khu chợ nhỏ hoang tàn vì bom Mỹ. Trước mắt chỉ còn bãi đất đầy xác người họp chợ vô tội. Những tấm chiếu tạm đắp xác, vây quanh khói hương. Tiếng khóc thương nỉ non, ai oán. Căm thù khiến cô không sao khóc được, cổ họng nghẹn cứng và không thể ăn được cơm nhiều giờ sau đó.

Nhiều năm sau, cô vẫn không thôi ám ảnh những hình ảnh tàn khốc của cuộc chiến tranh. Cảm giác trái tim thắt lại, đau nhói nhưng không thể khóc. Tình đồng bào và những ám ảnh đó thổi bùng lên trong cô khát khao đấu tranh cho bình đẳng, công bằng bằng chính ngòi bút của mình.

Ở độ tuổi còn quá trẻ, trải nghiệm qua ranh giới giữa sự sống và cái chết, cô cảm nhận rõ ràng hơn nhiều cung bậc cảm xúc. Cô nói: Chính cuộc đời đã dạy một người phụ nữ như tôi phải luôn kiên cường và tìm cách vượt qua khó khăn nhưng cũng dạy tôi biết yêu thương và xót xa trước những số phận bất hạnh.

Bước ngoặt cuộc đời

Một bước ngoặt đến với cuộc đời và sự nghiệp của GS Lê Thị Quý vào năm 1975, sau giải phóng miền Nam, cô cùng gia đình vào TP Hồ Chí Minh và về nhận công tác tại Ban Sử của Viện Khoa học Xã hội tại TP Hồ Chí Minh. Thời gian này, không chỉ nghiên cứu Lịch sử mà cô còn bắt đầu tiếp xúc với Xã hội học qua chính người bạn đời – GS Đặng Cảnh Khanh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên).

Giai đoạn 1977 – 1981 là những năm cả đất nước khó khăn, đặc biệt đối với những gia đình trí thức. Thiếu thốn vật chất nhưng cô vẫn gồng mình lên chịu đựng, vượt qua và kiên trì với khoa học. Đồng lương của hai vợ chồng chỉ đủ những bữa cơm rau dưa đạm bạc.

Chồng cô dạy thêm, cô viết phiếu thư viện để trang trải tiền ăn, mặc. Có những hôm cơm chẳng có thức ăn. Cô từng ngồi từ sáng đến tối trong thư viện với cái bụng rất đói. Nhưng chính trong những năm tháng này, cô bắt đầu có những nghiên cứu đầu tiên về nạn mại dâm tại Sài Gòn.

Vượt qua những khó khăn của cuộc sống với một tinh thần bền bỉ, đánh đổi bằng những năm tháng xa gia đình, chồng con, cô sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh và nhận bằng Tiến sĩ tại Viện hàn lâm khoa học năm 1989.

Về Hà Nội, cô được phân công làm Thư kí tòa soạn Tạp chí Khoa học và Phụ nữ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ (Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam).

Chính trong thời gian này, cô ngạc nhiên nhận thấy ở đâu đó trong một đất nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam mà vẫn còn nhiều phụ nữ bị chồng đánh đập dã man, trong khi họ chỉ âm thầm chịu đựng; nhiều phụ nữ bị buôn bán, bị bắt buộc làm mại dâm.

Cô không tin đó là số phận của họ. Cô tìm hiểu sâu hơn về nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em, bạo lực gia đình lúc đó được coi là những vấn đề “nhạy cảm” không ai muốn làm… và nhận thấy sợi dây liên kết các vấn nạn này thành một vòng tròn oan nghiệt với cuộc sống của nhiều người phụ nữ.

Vào những năm 90 của thế kỉ trước, đây là những vấn đề không dễ tiếp cận và khai thác. Lúc đó, khi theo đuổi hướng nghiên cứu này, cô gặp nhiều khó khăn như sự ngăn cản từ nhiều phía và sự bất hợp tác từ chính các nạn nhân.

Thời gian này, cô thường xuyên đạp xe lên trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà ở Đông Anh, trực tiếp đến các khu vực là điểm nóng về tệ nạn mại dâm tại Hà Nội để phỏng vấn, lấy thông tin về các đối tượng nghiên cứu – một tinh thần xả thân và kiên trì mà không phải nhà khoa học nào cũng dám chấp nhận.

Chính tinh thần xả thân này đã giúp cô có được những thành công bước đầu trong việc đưa nạn mại dâm thành vấn đề nghiên cứu khoa học và đóng góp nhiều giải pháp với Ủy ban phòng chống AIDS quốc gia, Bộ Lao động Thương binh Xã hội lúc đó. Sau đó là những nghiên cứu ngăn chặn nạn bạo hành gia đình tại Hà Nội, Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định, Thừa Thiên Huế và các tỉnh khác.

Một trong số 1000 phụ nữ trên thế giới được đề cử giải Nobel hòa bình.

Năm 1996, cùng với một số nhà nghiên cứu Hà Lan, Campuchia, Thái Lan, giáo sư Lê Thị Quý là người đầu tiên triển khai dự án về Phòng chống buôn bán phụ nữ qua biên giới ở Việt Nam.

Kết quả của dự án là công trình Các vấn đề về buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới xuất bản năm 2000, để ngay sau đó, đề tài về nạn buôn bán người được đưa lên bàn thảo luận tại nhiều hội thảo chính thức cấp quốc gia và quốc tế. Đồng thời, kế hoạch bảo vệ, giúp đỡ nạn nhân của nạn buôn bán người hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống bắt đầu được đặt ra trong toàn xã hội.

Nhờ những nghiên cứu tiên phong và gây tiếng vang về bình đẳng giới tại Việt Nam, ngay từ năm 1992, cô được UNESCO, UNIFEM và nhiều quốc gia mời tham dự hội thảo, nghiên cứu, thuyết trình, được Quĩ Fulbright mời giảng tạị trường đại học Clark (bang Massachussett) của Mỹ.

Năm 2005, cô là một trong số 1000 phụ nữ trên thế giới được đề cử giải Nobel hòa bình.

Cho đến nay, cô là học giả uy tín và quen thuộc của Việt Nam tại nhiều diễn đàn, sự kiện khoa học quốc tế về các chủ đề Giới, Nữ quyền, Công tác xã hội… Năm 2010, cô trở thành nữ giáo sư đầu tiên của ngành Xã hội học. Nhưng có lẽ ít ai biết, phải đến tuổi 40, cô mới bắt đầu đi học những từ tiếng Anh đầu tiên.

Trước khi gặt hái thành công, cô cũng trải qua những vấp váp, những lần đấu tranh với sự nản lòng của chính bản thân sau một vài lần thuyết trình bị “hỏng” vì không đủ tiếng Anh để diễn đạt; những đêm thức khuya phải uống nước chè đặc để thắng cơn buồn ngủ và viết; những lần lặn lội lên tận Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên để nghiên cứu, thuyết trình cho cộng đồng; những lần bị mệt nhưng vẫn gắng lên giảng đường…

Đây là những cửa ải không phải lúc nào cũng dễ vượt qua đối với những nhà khoa học Việt Nam khi muốn nâng cao năng lực và hội nhập quốc tế. Nhưng chính phẩm chất kiên trì, không ngại khó, ngại khổ và luôn đối mặt với những vấn đề hóc búa của khoa học đã giúp cô thành công dù cuộc đời vẫn luôn gặp những khó khăn.

Bên cạnh sự nghiệp khoa học và hoạt động xã hội với những thành tích đáng ghi nhận, GS Lê Thị Quý còn có một tổ ấm gia đình thật sự hạnh phúc. Đó là một gia đình từng có nhiều thế hệ cùng tham gia nghiên cứu khoa học, và ít nhiều đều để lại những thành tựu. Có lẽ chính điều đó đã góp phần chắp cánh để một phụ nữ bề ngoài tưởng như “yếu đuối” như cô đã dám “dấn thân” đau đáu suốt đời trong sự nghiệp đấu tranh vì quyền bình đằng giới cho phụ nữ.
 

GIÁO SƯ, TIẾN SĨ LÊ THỊ QUÝ

    • Năm sinh: 1950.

    • Quê quán: Bắc Ninh.

    • Tốt nghiệp đại học tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1967 (nay là trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội).

    • Nhận bằng Tiến sĩ Lịch sử tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 1989.

    • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 2002.

    • Được công nhận chức danh Giáo sư năm 2010.

    • Thời gian công tác tại trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội: 2001 – 2010.

Thanh Hà/Dân trí

Nguồn:vtc.vn/nu-giao-su-viet-tung-duoc-de-cu-giai-nobel-hoa-binh.538.593316.htm