Sau 5 giờ giảng dạy vất vả trên giảng đường, chị Nhung dường như vẫn tràn đầy năng lượng, rạng rỡ, niềm nở khi tiếp tôi. Câu chuyện của chị dẫn dắt tôi đi từ những vấn đề thời sự nóng hổi về pháp luật đất đai, thị trường bất động sản, việc định giá đất trong đền bù giải phóng mặt bằng… đến kinh nghiệm đi chợ chọn rau tươi, thịt ngon để chuẩn bị bữa ăn ấm cúng, chu đáo cho cả gia đình.
Nữ PGS.TS đa tài…
Sinh trưởng trong gia đình có hai thế hệ gắn bó với nghề giáo, ông nội là giáo viên Trường Bưởi (nay là Trường PTTH Chu Văn An – Hà Nội), bố là giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội nên chị yêu nghề dạy học ngay từ khi còn nhỏ. Chị từng ước mơ lớn lên sẽ thành cô giáo, theo nghề “cha truyền con nối” – nghề “trồng người”.
Chân dung PGS.TS Doãn Thị Hồng Nhung
Bảo vệ Luận án Tiến sĩ ngành Luật học cùng những cống hiến không mệt mỏi trong ngành giáo dục, chị được phong tặng chức danh PGS năm 2015 khi ở tuổi 46. Hàng ngày, chị miệt mài lên lớp giảng bài cho bao thế hệ sinh viên, học viên không chỉ tại Đại học Quốc gia Hà Nội mà còn ở nhiều trường khác như Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Huế, Đại học Ngoại thương…
Chị cho biết, nhiều em sinh viên, học viên dù đã trưởng thành, công tác ở trong và ngoài nước vẫn luôn tìm chị xin ý kiến tư vấn mỗi khi gặp khó khăn trong công việc, ứng dụng nghề nghiệp. Với chị, đó là vinh dự, trách nhiệm và hạnh phúc. Chị chia sẻ: “Ngày 8/3, 20/10, 20/11 hàng năm, căn nhà của tôi tràn ngập hoa tươi, điện hoa, tin nhắn, email, những lời chúc mừng… Hạnh phúc của nghề dạy học bình dị vậy đấy”.
Với tư cách thành viên tổ chuyên gia của Bộ Xây dựng, chị tham gia soạn thảo Luật Xây dựng năm 2003. Đây là cơ duyên đưa chị đến với ngành xây dựng và nhận được học bổng thế giới về Xây dựng Cơ sở pháp lý cho hoạt động thuê mua của Việt Nam tại Ý.
Khi trở về nước, chị khát khao cháy bỏng Việt Nam sẽ đẹp lên trong mắt bạn bè thế giới với những ngôi nhà ấm về mùa đông, mát về mùa hè, các đô thị bớt đi “xóm nước đen” và “những ngôi nhà ổ chuột”. Ý tưởng của chị là nền tảng cho việc triển khai thí điểm Dự án Nhà ở xã hội tại Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Bình Dương từ năm 2009, góp phần biến mong ước của nhiều người nghèo sống ở đô thị thành sự thật là có được mái nhà an toàn, phù hợp với khả năng tài chính của họ trong bối cảnh giá đất ngày càng tăng, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng xa…
Là hội viên Hội Nữ trí thức Việt Nam, chị đặc biệt cảm thông và đứng về phía những người vợ người mẹ và bảo vệ quyền lợi của họ. Thông qua tham luận, bài viết “Nữ quyền và quan hệ giữa vợ chồng – nhìn từ khía cạnh pháp lý của giấy chứng nhận quyền sở dụng đất trong Luật đất đai năm 2003”, “Pháp luật đất đai và vấn đề bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ” chị mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, “đòi” cho họ chỗ ở ổn định để đảm bảo đời sống của họ và con cái họ sau ly hôn…
…và bí quyết giữ ngọn lửa ấm gia đình
Một ngày bình thường của chị bắt đầu từ 5h30, chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng đứng lớp từ 7h và về nhà vào khoảng 20h. Những ngày không bình thường chị phải dậy sớm hơn rất nhiều, đó là những hôm chị đi dự hội thảo, đi giảng ở các tỉnh xa, khi cần chuẩn bị chu đáo hơn để trả lời phỏng vấn hay ghi hình. Khoảng thời gian 1,5 tiếng buổi sáng trước khi lên lớp, chị phân nhỏ đến từng phút không phí một giây cho các việc trong khâu chuẩn bị: 5 phút cho một vài động tác tập thể dục đơn giản, 5 – 10 phút cho việc phơi quần áo từ máy giặt, 30 phút đi chợ chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà trong ngày… Thời gian còn lại, chị dành chuẩn bị cho công việc của bản thân, ra khỏi nhà và có mặt ở cửa lớp rất đúng giờ.
Bận bịu là thế nhưng chị không cho phép mình dễ dãi với vấn đề an toàn thực phẩm, gìn giữ sức khỏe cho bản thân và các thành viên trong gia đình. Chị thường tự tay chế biến các món ăn, hạn chế việc chồng con phải ăn ở ngoài đến mức tối đa. Chị mua hoa quả rau củ theo mùa để tối thiểu lượng chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật. Tôm tép, cá nhỏ thường là sự lựa chọn ưu tiên trong thực đơn của chị. Chị bảo “Cá con rán giòn, tôm rang thịt, cá kho, thịt kho rất dễ ăn lại bổ sung đủ chất đạm, can-xi cho nhu cầu của cơ thể của mọi thành viên trong gia đình”.
Khoảng thời gian nghỉ khi trống tiết, chị mua rau cho 2 – 3 ngày, nhặt sẵn và cất vào tủ lạnh để lúc chế biến thuận tiện nhanh gọn. Chị cũng đầu tư chu đáo cho căn bếp với những thiết bị hỗ trợ việc nấu nướng nhanh gọn như lò vi sóng, lò nướng, nồi áp suất điện…
Mỗi sáng, từ những nguyên liệu đã sơ chế sẵn, vừa phơi quần áo chị vừa cắm nồi cháo hay đặt nồi xôi, làm nóng cơm trong lò vi sóng để rang nhanh hơn nên việc chuẩn bị bữa sáng không tốn nhiều thời gian. Hai bữa còn lại trong ngày với canh rau và các món ăn mặn cũng rất nhanh gọn, đảm bảo vệ sinh và cân bằng chất dinh dưỡng. Trước mỗi chuyến công tác xa nhà, chị lo chu toàn các bữa cơm bằng cách lên thực đơn và chuẩn bị thực phẩm đủ số suất, số bữa ăn bảo quản trong tủ lạnh cho chồng con.
Cuối tuần không phải là ngày nghỉ mà trái lại chị phải đứng lớp nhiều hơn, tham dự hội đồng chấm và phản biện luận văn tốt nghiệp của sinh viên, nghiên cứu sinh… Những đợt cao điểm, chị chỉ ngủ chưa đầy 4 tiếng/ngày. Đêm đến, khi cả nhà ngon giấc, chị trở dậy viết sách, viết báo, viết tham luận cho hội thảo khoa học, thả mình vào bàn phím để giải phóng những ý tưởng đang nung nấu trong đầu.
Chị chia sẻ, người phụ nữ nghiên cứu khoa học không chỉ chăm chỉ làm việc để duy trì niềm đam mê khoa học, cống hiến cho xã hội mà còn phải chu toàn việc chăm sóc gia đình, vì vậy họ rất hiếm thời gian nghỉ và chăm sóc bản thân. Với quỹ thời gian hạn hẹp đó, phải thật khéo léo thu xếp. Dù lịch làm việc dày đặc, chị vẫn luôn thu xếp để các thành viên trong gia đình được quây quần bên nhau nhiều hơn, con cháu bên ông bà, bố mẹ con cái tăng cơ hội chia sẻ tâm tư, vợ chồng bớt cách xa vì dòng chảy của cuộc sống.
Hai con chị luôn là con ngoan, trò giỏi. Nhớ lại kỷ niệm, chị nhòa lệ: “Ngày thi đỗ NCS cũng là ngày tôi biết mình mang thai cháu thứ hai. Khi ấy cháu đầu chưa đầy 4 tuổi, chồng sắp đi công tác xa 4 năm liền, con đường phía trước thật nhiều gian nan. Gia đình ủng hộ tôi theo đuổi sự nghiệp dù có phải bỏ thai. Nhưng tôi vẫn quyết giữ và cháu đã trở thành động lực thúc đẩy tôi viết luận án với sức mạnh gấp đôi”…
Ở chị Nhung có một sức hấp dẫn thật kỳ lạ. Chị luôn truyền cho bất cứ ai khi tiếp xúc với chị về lòng yêu đời, sự trân trọng mỗi giây mỗi phút của cuộc sống, lạc quan, tươi vui, làm việc chăm chỉ và vươn lên không ngừng.
Trần Thúy
Nguồn:
This entry was posted in Ký ức nhà khoa học. Bookmark the permalink.