Cảm phục trước sự gan dạ, dũng cảm của những người lính được “tôi luyện trong lửa”, bằng niềm đam mê với các công trình khoa học, sau một thời gian nghiên cứu, những sản phẩm giúp nâng cao hiệu quả trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã được chị hoàn thành, giới thiệu và đón nhận sự đánh giá cao của các ban, ngành.
Trước những công trình đóng góp thiết thực đó, Tiến sĩ, Thiếu tá Nguyễn Thị Mùa, Phòng Nghiên cứu khoa học – công nghệ và kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Cục Cảnh sát PCCC&CNCH – Bộ Công an) được vinh danh là một trong năm nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam năm 2016 tại Giải thưởng Khoa học Quốc gia năm 2016 L’Oréal Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (For Women in Science).
Tôi gặp Thiếu tá Nguyễn Thị Mùa tại trụ sở Bộ Công an, số 47 Phạm Văn Đồng, Hà Nội. Nét mặt tươi vui, chị đang say mê giới thiệu với các đại biểu có mặt tại gian trưng bày về các công trình nghiên cứu khoa học của mình.
Dành trọn những phút ít ỏi giờ nghỉ giải lao, chị chia sẻ với tôi về công trình của mình. Đó là những nghiên cứu đang chờ được ứng dụng trong chế tạo mẫu vải chịu nhiệt dùng trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Mẫu vật liệu chịu nhiệt này có các thông số đạt tiêu chuẩn Việt Nam và nước ngoài như độ bền nhiệt đến 554 độ C, độ bền cơ học > 20kN/m và thời gian chịu nhiệt 15 phút.
Kể về cơ duyên, rồi những quyết tâm để hoàn thành công trình nghiên cứu này, chị bảo: “Khi đặt chân vào làm công tác giảng dạy tại Trường Đại học PCCC, lúc đó mình càng cảm nhận thực sự sâu sắc hơn về nhiệm vụ của các chiến sĩ PCCC, những con người quả cảm trong đấu tranh với “giặc lửa” để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho tất cả mọi người.
TS, Thiếu tá Nguyễn Thị Mùa.
Cùng với đó, trước những vụ do “bà hỏa” gây ra, thiệt hại nặng nề đã thôi thúc mình tìm tòi nghiên cứu, vận dụng những kiến thức đã học từ các thầy cô, đồng nghiệp để chế tạo ra các vật liệu có khả năng chống cháy, ngăn cháy…”.
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành vật lý chất rắn tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, với mong muốn giảng dạy cho học viên các trường đại học nên chị Mùa đã theo học cao học và làm nghiên cứu sinh tại Đại học Bách Khoa.
Từ những thuận lợi trong quá trình nghiên cứu sinh khi được làm việc với một số giáo sư đầu ngành ở nước ngoài về chuyên ngành khoa học vật liệu càng khiến chị thêm đam mê, tâm huyết các công trình nghiên cứu khoa học (NCKH).
Điều đó đã đưa chị tới với rất nhiều đề tài như: Chủ nhiệm đề tài cấp Bộ về “Nghiên cứu chế tạo vải chịu nhiệt có chứa Neoprene (Ne) dùng trong công tác phòng cháy chữa cháy” – đề tài đang được đề xuất ứng dụng để sản xuất trang phục chữa cháy dùng trong công tác PCCC; Chủ nhiệm đề tài cấp Bộ về “Nghiên cứu vật liệu chống cháy trên cơ sở nhựa Polyetylen và các phụ gia ứng dụng trong công tác phòng cháy chữa cháy”; Thư ký một đề tài NCKH cấp Quốc gia về “Tự động hoá phép đo các thông số siêu dẫn nhiệt độ cao phục vụ đào tạo”, tham gia thực hiện một đề tài NCKH cấp Nhà nước về “Nghiên cứu chế tạo vật liệu siêu dẫn nhiệt độ cao chứa BSCCO bằng phương pháp Sol – gel” và hơn chục đề tài NCKH cấp Bộ và tương đương.
Nhiều đề tài đã được nghiệm thu và ứng dụng trực tiếp trong công tác giảng dạy của Trường Đại học PCCC như “Ứng dụng phần mềm tin học để giải các bài toán nhiệt động kỹ thuật và truyền nhiệt trong phòng cháy chữa cháy”…
Cùng với đó là hàng chục bài báo được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế; xuất bản hai cuốn sách chuyên khảo dùng cho hệ đào tạo Đại học Phòng cháy chữa cháy…
Thời gian dành cho công tác chuyên môn chiếm khá nhiều, vậy nên để hoàn thành các công trình NCKH, theo chị Mùa, phải sắp xếp thời gian biểu thật hợp lý, luôn tự tạo cho mình niềm hứng khởi và cần thật sự có lòng đam mê. Thiếu sự đam mê sẽ khiến bản thân không còn sự kiên trì, mất đi yếu tố cần thiết để đi đến tận cùng vấn đề muốn giải quyết.
Cũng theo chị Mùa, gia đình là nền tảng vô cùng quan trọng và chị luôn thấy bản thân mình thật may mắn khi có chồng và hai con luôn hiểu, chia sẻ. Đây cũng là động lực lớn nhất giúp chị hoàn thành công việc theo đúng kế hoạch.
Đam mê nghiên cứu khoa học, từ những thực tiễn tích lũy theo năm tháng, Thiếu tá Nguyễn Thị Mùa luôn tâm niệm một điều rằng, chính con đường khoa học đã thúc đẩy chị phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành, để phục vụ một cách hiệu quả nhất cho cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Ghi nhận những thành tích đạt được trong công tác chuyên môn cũng như các công trình NCKH, Tiến sĩ, Thiếu tá Nguyễn Thị Mùa được Bộ Công an tặng giải thưởng Phụ nữ tiêu biểu trong Công an nhân dân năm 2015 và đang được Bộ Công an đề xuất nhận giải thưởng Kova năm 2016 cho Phụ nữ có thành tích trong công tác NCKH. Cùng với đó là rất nhiều giải thưởng, bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ Bộ Công an…
Xuân Trường
Nguồn: cand.com.vn/Guong-sang/Nu-Tien-si-va-nhung-cong-trinh-chong-giac-lua-428625/