Là một trong hai cá nhân được vinh danh là nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam tại Giải thưởng Khoa học Quốc gia năm 2016 LOréal vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (LOréalFor Women in Science), Tiến sĩ, Trung tá Nguyễn Thị Mùa – Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) liên tục được tặng nhiều danh hiệu khác trên cương vị là một nữ chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân.
Và để có được những vinh dự đó, nhà khoa học mang màu áo lính này đã phải trải qua biết bao gian nan, vất vả trong công việc nghiên cứu và cả những thiệt thòi khi ít có thời gian bên gia đình…
Từ niềm đam mê
Đó là những chia sẻ rất thực lòng của Tiến sĩ, Trung tá Nguyễn Thị Mùa, Phó trưởng phòng Nghiên cứu khoa học – Công nghệ và kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Cục PCCC&CNCH – Bộ Công an) khi nói về quãng đường đầy gian nan để đến với những thành công trong nghiên cứu khoa học của mình.
Trung tá Mùa cho biết, chị tốt nghiệp đại học chuyên ngành vật lý chất rắn tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, với mong muốn giảng dạy cho học viên các trường đại học nên chị Mùa đã theo học cao học và làm nghiên cứu sinh tại Đại học Bách khoa.
Sau đó, chị đã có thời gian giảng dạy tại Trường Đại học PCCC trước khi chuyển sang công tác tại Cục PCCC&CNCH. Tuy nhiên, niềm đam mê khoa học đã đến với chị từ rất lâu.
Sau đó nhờ những thuận lợi trong quá trình nghiên cứu khi được làm việc với một số giáo sư đầu ngành ở nước ngoài về chuyên ngành khoa học vật liệu càng khiến chị thổi bừng thêm đam mê, tâm huyết các công trình nghiên cứu khoa học.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mùa nhận giải thưởng “Phụ nữ Công an tiêu biểu” năm 2016
Sự đam mê nghiên cứu ấy đã đưa chị đến với rất nhiều đề tài như: Chủ nhiệm đề tài cấp Bộ về “Nghiên cứu chế tạo vải chịu nhiệt có chứa Neoprene (Ne) dùng trong công tác phòng cháy chữa cháy” – đề tài đang được đề xuất ứng dụng để sản xuất trang phục chữa cháy dùng trong công tác PCCC; Chủ nhiệm đề tài cấp Bộ về “Nghiên cứu vật liệu chống cháy trên cơ sở nhựa Polyetylen và các phụ gia ứng dụng trong công tác phòng cháy chữa cháy”;
Thư ký một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia về “Tự động hoá phép đo các thông số siêu dẫn nhiệt độ cao phục vụ đào tạo”, tham gia thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về “Nghiên cứu chế tạo vật liệu siêu dẫn nhiệt độ cao chứa BSCCO bằng phương pháp Sol – gel” và hơn chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và tương đương.
Trong những đề tài nói trên, nhiều đề tài đã được nghiệm thu và ứng dụng trong công tác giảng dạy của Trường Đại học PCCC như “Ứng dụng phần mềm tin học để giải các bài toán nhiệt động kỹ thuật và truyền nhiệt trong phòng cháy chữa cháy”.
Và khi nói về đề tài gần đây nhất của mình đó là vải chịu nhiệt dùng trong công tác phòng cháy chữa cháy, Trung tá Mùa chia sẻ: “Hiện tại chúng ta vẫn chưa tự sản xuất được các trang phục chịu nhiệt chất lượng cao. Số trang phục cấp cho lính cứu hỏa vẫn còn hạn chế và được nhập hoàn toàn ở nước ngoài với giá rất cao. Hơn nữa, trang phục mua ở nước ngoài có một yếu điểm đó là không vừa với kích cỡ người Việt. Để giải quyết điều đó, tôi đã nghiên cứu ra loại vải chịu nhiệt sử dụng công nghệ nano. Mẫu vật liệu chịu nhiệt này có các thông số đạt tiêu chuẩn Việt Nam và nước ngoài như độ bền nhiệt đến 554 độ C, và thời gian chịu nhiệt 15 phút. Khi đưa vào ứng dụng để may thành trang phục chống cháy sẽ giúp giảm giá thành, các chiến sĩ cứu hỏa sẽ được trang bị đồng bộ hơn…”.
Theo đó, cơ duyên dẫn đến ý định hoàn thành công trình nghiên cứu vải chịu nhiệt của chị Mùa xuất phát từ những năm tháng làm công tác giảng dạy tại Trường Đại học PCCC. Khi ấy, là một giảng viên, chị cảm nhận sâu sắc hơn về những khó khăn vất vả của những người lính làm công tác PCCC. Họ sẵn sàng liều mình để chiến đấu với “giặc lửa” để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.
Ngoài các công trình nghiên cứu khoa học, chị Mùa còn có 34 bài đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế, biên soạn hai cuốn sách chuyên khảo dùng cho hệ đào tạo tại Đại học PCCC và hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh làm các luận án thạc sĩ, tiến sĩ…
Tiến sĩ, Trung tá Nguyễn Thị Mùa
Khó khăn và đánh đổi
Để có được thành công ngày hôm nay, Tiến sĩ, Trung tá Nguyễn Thị Mùa đã phải vượt qua biết bao trở ngại. Vốn dĩ, làm khoa học đã là một việc khó, phụ nữ làm khoa học còn khó khăn hơn rất nhiều. Bởi lẽ, ngoài việc là một người nghiên cứu khoa học, là một người lính thì chị còn mang trọng trách của một người mẹ, người vợ.
Chị nói: “Tôi phải sắp xếp thời gian của mình một cách khoa học, hài hòa để có thể vừa làm công việc nghiên cứu, vừa chăm sóc được gia đình. Từ khi còn nhỏ, tôi đã rèn cho các con biết tự lập, tự làm được những việc nhỏ để phụ giúp bố mẹ. Tôi luôn nghiêm khắc, kỉ luật về mặt thời gian nhưng cũng thường xuyên chia sẻ với các con về mọi vấn đề. Giờ đây hai cháu đã tạo thành một thói quen, sau bữa ăn 15 phút là tự giác ngồi vào bàn học bài”.
Tuy nhiên, một ngày chỉ có 24 giờ nên để hoàn thành được hết công việc của cơ quan, của gia đình và tiếp tục nghiên cứu, chuyện làm việc đến đêm đối với chị đã trở thành một thói quen.
Chị chia sẻ, để có thể tiếp tục đam mê của mình cho đến ngày hôm nay 99% là do sự ủng hộ của gia đình. Điều đó hẳn cũng đúng bởi theo những kỉ niệm mà chị đã kể, nếu không có sự ủng hộ vô điều kiện từ gia đình, chắc chắn chẳng có người vợ, người mẹ nào có thể kiên trì theo đuổi đam mê được như vậy.
Theo đó, khi con lớn mới được hai tuổi thì chị Mùa phải sang Đan Mạch du học 3 năm. Thời điểm đó, công nghệ chưa phát triển nên việc liên lạc về với gia đình còn khó khăn. Hơn nữa thời gian của hai nước lệch nhau đến 6 tiếng nên khi chị kết thúc với những bài học thì chồng và con đã đi ngủ. Nỗi nhớ nhà, nhớ con nhiều lần đã khiến nữ chiến sĩ này thấy nản lòng. Nhưng được sự động viên của chồng, chị lại tiếp tục cố gắng học thật tốt để sớm hoàn thành khóa học.
“Những ngày đó, tôi là người Việt duy nhất trong lớp nên cũng không có người để cùng sẻ chia hay chí ít là trao đổi về bài học. Đôi khi lại khóc vì nhớ nhà, nhớ con nhưng rồi sau mỗi buổi nói chuyện với chồng thì lại có thêm động lực”, chị Mùa chia sẻ.
Những tấm bằng khen chị Mùa nhận được trong năm 2017
Rồi ở bên xứ người, chị dồn hết tâm trí của mình để học thật tốt và hoàn thành sớm công trình nghiên cứu để về nước. Có những ngày chị quên cả ăn vì phải theo dõi lò đốt để điều chỉnh nhiệt độ. Chị cho biết với những thí nghiệm thực tế này phải theo dõi từng phút để điều chỉnh cho phù hợp nên phải hết sức tập trung. Có những buổi thực nghiệm kéo dài đến tận 2 giờ sáng.
Ba năm trôi qua, chị Mùa hoàn thành khóa học về nước và mang bầu cháu thứ hai. Cho đến sát ngày sinh, chị vẫn lên bục giảng để bảo vệ luận án Tiến sĩ rồi sau đó xách cả máy tính đến bệnh viện sinh con. Rồi khi có hai đứa con, nhờ sự giúp đỡ của gia đình, chị vẫn tiếp tục niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình. Các con của chị cũng đã quen với cảnh mẹ đi công tác xa nhà và cũng hiểu được công việc của mẹ nên rất tự lập. Chính điều đó cũng an ủi phần nào cho một người mẹ đã “trót yêu” khoa học như Trung tá Nguyễn Thị Mùa.
Ngoài những khó khăn trong cuộc sống nói trên, chị Mùa cho biết một vấn đề mà các khoa học gia ở nước ta gặp phải đó là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất.
Trong mỗi công trình nghiên cứu, do trang thiết bị tại chỗ còn nhiều yếu kém nên chị thường xuyên phải gửi mẫu ra bên ngoài như Trường Đại học Bách khoa hay Viện KHCN, một số mẫu còn phải gửi sang nước ngoài để kiểm tra. Mỗi đề tài đều được ấp ủ, nghiên cứu tài liệu từ rất lâu trước khi kí hợp đồng triển khai bởi chỉ được cấp kinh phí hoàn thành trong 2 năm. Nếu sau thời gian đó, công trình chưa thành công sẽ phải bỏ tiền túi ra để đền bù hợp đồng và tiếp tục công trình nghiên cứu của mình.
Nói về khó khăn trong công tác nghiên cứu khoa học, chị Mùa cho biết: “Làm khoa học thì thí nghiệm thất bại là chuyện bình thường, mình lại phải làm lại. Nhưng với một số đề tài, mình phải suy nghĩ xem sau 2 năm có còn thời sự, còn ứng dụng được hay không. Mỗi sản phẩm mình đưa ra phải qua nhiều khâu kiểm tra, đủ các tiêu chuẩn thì mới được duyệt”.
Như vậy, tính rủi ro của một công trình là rất lớn, phải là những người thật sự tâm huyết, thật sự đam mê mới có thể theo đuổi đến cùng một công trình khoa học. Nhất là đối với một nữ khoa học gia như Tiến sĩ, Trung tá Nguyễn Thị Mùa. Với chị, ngoài mục đích hoàn thành công việc, đam mê của mình thì những nghiên cứu này khi ứng dụng sẽ giúp ích cho nhiều người.
Và để ghi nhận những thành tích đạt được trong công tác chuyên môn cũng như các công trình nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ, Thiếu tá Nguyễn Thị Mùa đã hai năm liên tiếp được Bộ Công an tặng giải thưởng Phụ nữ tiêu biểu trong Công an nhân dân và giải thưởng Kova năm 2016 cho Phụ nữ có thành tích trong công tác Nghiên cứu khoa học. Cùng với đó là rất nhiều giải thưởng, bằng khen của lực lượng Cảnh sát, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ Bộ Công an…
Trâm Phong
Nguồn: cstc.cand.com.vn/anh-hung-mac-thuong-phuc/Nu-tien-si-voi-nhung-giai-thuong-cao-quy-463846/