Nước ta có gang từ bao giờ?

Năm 1974, ông Hoàng Văn Khoán bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ ở Liên Xô và về nước rồi trở lại công tác ở bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch sử, trường ĐH Tổng hợp HN. Chuyến đi tu nghiệp ở Liên Xô lần này, ông Khoán đã học được phương pháp nghiên cứu kim tướng học của các nhà khảo cổ học Liên Xô (phương pháp nghiên cứu kim loại dựa trên những kiến thức về hóa học hiện đại). Thời điểm đó, kim tướng học hoàn toàn mới lạ ở Việt Nam và chưa có ai biết về nó. Ngay khi về nước, ông Khoán liền ứng dụng phương pháp ấy để nghiên cứu nguyên liệu và cách chế tạo các hiện vật khảo cổ học như liềm, rìu, đục, dao, đinh, kiếm… mà trước đó các nhà khảo cổ học Việt Nam xếp chung vào nguyên liệu sắt.

Dưới sự hướng dẫn của PTS Hoàng Văn Khoán, bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch sử, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội đã nghiên cứu chiếc cuốc ở Gò Chiền Vậy tại xã Kim Hoàng, huyện Hoài Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội) – hiện vật do Viện Khảo cổ học khai quật và đưa ra kết luận: chiếc cuốc ở Gò Chiền Vậy đã được chế tạo bằng phương pháp đúc từ một loại gang, trong kim loại học gọi đó là gang rèn. Sau nghiên cứu này, ông Khoán còn tiến hành nghiên cứu trên nhiều loại công cụ khác nhau và phát hiện chiếc rìu M37 ở Đông Sơn là loại dụng cụ cổ nhất được đúc bằng gang. Ông đã có thể khẳng định về thời gian xuất hiện gang ở nước ta. Từ nghiên cứu này, PTS Hoàng Văn Khoán đã viết bài “Nước ta có gang từ bao giờ” và được đăng tạp chí Khảo cổ học số 2 năm 1978.

Để tìm hiểu sâu hơn về nội dung bài viết này, kính mời quý vị tới tham quan Triển lãm Thẳm sâu trong từng kỷ vật tại Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam ở Cao Phong, Hòa Bình.

Hoàng Thị Kim Phượng