Khởi đầu từ những điều giản đơn
Vũ Thanh sinh ra và lớn lên ở vùng đất mỏ thị xã Cẩm Phả[1], tỉnh Quảng Ninh, nhưng trên giấy khai sinh ghi địa chỉ quê nội ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Trong gia đình, anh trai và chị dâu Vũ Thanh đều làm phóng viên báo, đài tại tỉnh Quảng Ninh nên nhà có nhiều sách báo. Nhờ vậy, cậu rất ham đọc. Khi học cấp I, cậu đọc những truyện như: Người cá, Không gia đình, Thủy hử, Tây du ký, Tam quốc diễn nghĩa, Robinson Cruxo… Lớn hơn, cậu đọc những tác phẩm của các nhà văn như Lep Tônxtôi, Victor Hugo, Lỗ Tấn…, những tác phẩm của nhiều nhà văn Việt Nam hoặc các bản dịch từ văn học nước ngoài.
Thỉnh thoảng, đồng nghiệp của anh trai đến nhà chơi, trao đổi những vấn đề về văn học, báo chí, được nghe mọi người bàn luận giúp cậu tiếp thu nhiều kiến thức mới. Hằng tuần, báo Thiếu niên Tiền phong ra số mới, Vũ Thanh đến bưu điện Cẩm Phả tìm mua. Có khi ra đến nơi, báo đã bán hết, cậu đứng đợi xem ai đọc xong thì xin mua lại. Ngày đó, tỉnh Quảng Ninh là khu công nghiệp nên kinh tế phát triển, vì vậy đây là nơi tập trung nhiều trí thức, nhiều kỹ sư các ngành nghề. Ở các công ty than như Thống Nhất, Đèo Nai, mỏ than Cọc Sáu (nay là Công ty than Cọc Sáu, thuộc tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam) phong trào văn hóa, văn nghệ rất phát triển. Họ thường tổ chức những buổi trao đổi về văn học và mời diễn giả là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Cậu bé Thanh may mắn được nghe GS Hoàng Thiếu Sơn, các nhà thơ, nhà văn như Xuân Diệu, Huy Cận, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi… trao đổi về các tác phẩm như Truyện Kiều, Hòn Đất, Bất khuất, Sống như anh… khiến cậu rất thích thú.
Thời học sinh, thành tích học tập của Vũ Thanh cũng rất khá, khi học cấp II, cấp III cậu đều được chọn tham gia cuộc thi học sinh giỏi văn tỉnh Quảng Ninh. Năm học lớp 10 trường cấp III Cẩm Phả (nay là trường Trung học phổ thông Cẩm Phả), cậu còn được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi văn miền Bắc (thời kỳ này chưa có kỳ thi học sinh giỏi Văn toàn quốc và nhiều tỉnh còn chưa có lớp chuyên Văn). Năm đó, đề thi yêu cầu phân tích và chứng minh vẻ đẹp đất nước qua những câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:
Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
Kết quả cuộc thi không có thí sinh đạt giải nhất, còn Vũ Thanh được tổng điểm 14/20 và đạt giải tư, phần thưởng là một bức tranh sơn mài. Trên bức tranh ghi dòng chữ “Vũ Thanh đạt giải văn miền Bắc năm 1976-1977”. Những năm học phổ thông Vũ Thanh còn đạt giải nhất cuộc thi tiếng Nga của tỉnh Quảng Ninh. Trong lễ chào cờ sáng thứ hai, trò Thanh được thầy Hiệu trưởng tuyên dương. Không chỉ học tốt môn văn, ngoại ngữ, Vũ Thanh còn có năng khiếu hội họa. Cậu từng theo học lớp hội họa và có nhiều bức vẽ gửi lên báo Thiếu niên Tiền phong đã được đăng.
Vũ Thanh còn tham gia các cuộc thi viết do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức và từng đạt giải C trong cuộc thi viết vẽ. Cậu nhận được giải thưởng là một hộp màu do nước ngoài sản xuất. Bức tranh của cậu còn được báo Thiếu niên Tiền phong gửi tham dự Cuộc thi vẽ tranh của thiếu nhi quốc tế tổ chức ở Liên Xô và được trưng bày trong triển lãm tại nước bạn. Một số bạn bè Liên Xô đã gửi thư đến Việt Nam để kết bạn với Vũ Thanh. Nhưng ngày đó tiếng Nga của cậu còn hạn chế nên chưa thể đọc được những bức thư bạn bè Liên Xô gửi. Điều này đã trở thành động lực để Vũ Thanh quyết tâm học giỏi tiếng Nga. Nhờ vậy, sau này khi đi học nghiên cứu sinh ở Liên Xô, Vũ Thanh có nhiều thuận lợi.
Nuôi dưỡng tình yêu văn học
Tốt nghiệp phổ thông năm 1977, Vũ Thanh có một tháng để ôn tập ba môn ngữ văn, lịch sử, địa lý chuẩn bị cho kỳ thi vào khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội). Hơn một tháng sau kỳ thi tuyển sinh đại học, cậu nhận được thông báo đỗ vào trường Tổng hợp với tổng điểm ba môn đạt 18,5. Lớp cấp III của cậu có 10 bạn cũng đỗ đại học, trong đó hai bạn Lương Mạnh Hùng và Phạm Xuân Đồng cùng đỗ vào trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. (Sau này ông Lương Mạnh Hùng là Tổng biên tập Báo Quảng Ninh, còn ông Phạm Xuân Đồng là giảng viên trường Đại học Thủy lợi). Thời điểm đó, công nghệ thông tin chưa phát triển, việc hướng nghiệp cho học sinh chưa được phổ biến rộng rãi nên Vũ Thanh hình dung sau khi tốt nghiệp đại học cậu có thể trở thành nhà báo, nhà văn như anh, chị đồng nghiệp của anh trai. Sau này, khi vào học năm thứ nhất đại học cậu mới biết sinh viên tốt nghiệp khoa Ngữ văn có thể trở thành giảng viên hoặc nhà nghiên cứu văn học.
Nhận được giấy báo đỗ đại học, Vũ Thanh và hai bạn Mạnh Hùng, Xuân Đồng rất vui mừng, chuẩn bị hành lý lên Hà Nội nhập học. Dạo đó việc đi lại giữa các tỉnh thật khó khăn. Ba cậu đi từ Cẩm Phả đến Hòn Gai rồi đi tàu thủy sang Hải Phòng và ngủ một tối ở bến tàu, sáng hôm sau đi tàu hỏa lên Hà Nội, mất hơn một ngày mới đến thủ đô. Đêm đầu tiên ở Hà Nội, ba người ở nhờ nhà họ hàng của bạn Xuân Đồng trên phố Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng). Bà của bạn Đồng thuê một chiếc xích lô từ ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội) chở hành lý về Hàng Bột, còn Vũ Thanh, Xuân Đồng và Mạnh Hùng chạy bộ theo sau. Thỉnh thoảng, trên đường thấy có nhà mở tivi, ba cậu tò mò dừng lại xem. Không để ý, xích lô đã đi một quãng xa, cả ba lại chạy nhanh đuổi theo để không bị lạc. Những năm đại học, Vũ Thanh ở cùng phòng với Lương Mạnh Hùng tại ký túc xá trường Tổng hợp. Mặc dù Vũ Thanh, Mạnh Hùng và Xuân Đồng không ở cùng một nơi nhưng ba người vẫn giữ liên lạc thường xuyên. Ngày đó, không chỉ cuộc sống của sinh viên mà ngay cả giảng viên cũng đều nghèo khó, vất vả. Bữa cơm chỉ có rau muống, cá mắm. Có khi cả năm mới được ăn một bữa thịt gà công nghiệp.
Hàng tháng sinh viên nam được học bổng 18 đồng, sinh viên nữ được 18,5 đồng. Số tiền học bổng hàng tháng đủ để chàng sinh viên Vũ Thanh chi tiêu sinh hoạt. Đôi khi cậu được bố mẹ chu cấp thêm để có tiền mua sách, vở. Thỉnh thoảng cậu viết truyện, bài gửi đăng trên báo Phụ nữ Việt Nam, báo Thiếu niên Tiền phong. Công việc này vừa giúp Vũ Thanh trau dồi khả năng viết lách, vừa giúp cậu có thêm một chút tiền tiêu pha.
Khoa Ngữ văn niên khóa 1977-1981 đông sinh viên, 2/3 lớp là những sinh viên đã từng tham gia quân đội. Khóa học được chia thành các lớp gọi là Văn A (là lớp Vũ Thanh học), Văn B, Ngôn ngữ và Hán nôm, mỗi lớp có gần 100 người. Chủ nhiệm khoa là GS Hoàng Xuân Nhị. Sinh viên lên lớp vào buổi sáng hoặc chiều từ thứ hai đến thứ bảy, đôi khi sinh viên phải học cả ngày. Nhiều buổi học do không đủ giảng viên, sinh viên hai lớp phải ghép lớp học chung trong một buổi. Nhưng do số lượng sinh viên đông, ngày đó thầy, cô chưa có thiết bị hỗ trợ như micro nên có nhiều người không nghe được giảng viên giảng bài. Thỉnh thoảng trường Tổng hợp tổ chức hoạt động tình nguyện cho sinh viên tham gia như đào sông Tô Lịch, đào đắp phòng tuyến sông Cầu, đến Chi đoàn thanh niên ở các tỉnh như Hải Dương để trao đổi, giao lưu với học sinh cấp III… Vũ Thanh còn tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ do đoàn thanh niên trường tổ chức. Trong các buổi giao lưu, họ mời những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Đăng Khoa, Trương Đăng Dung… đến nói chuyện.
Ngoài những giờ lên lớp, Vũ Thanh dành thời gian lên thư viện của khoa Ngữ văn để tìm đọc thêm tài liệu, mượn sách của bạn bè đọc tham khảo, nghiên cứu thêm. Vũ Thanh thật may mắn được học, được tiếp xúc với nhiều giảng viên giỏi, những nhà nghiên cứu nổi tiếng như các GS Trần Quốc Vượng, Nguyễn Tài Cẩn, Đỗ Đức Hiểu, Trần Đình Hượu, Đinh Gia Khánh, Phan Ngọc, Nguyễn Lộc, Lê Đình Kỵ, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức… Chàng sinh viên trẻ không chỉ ngưỡng mộ kiến thức mà còn chịu ảnh hưởng nhiều từ nhân cách của thầy cô. Cậu nhận thấy, khi tranh luận về một vấn đề, thầy cô luôn nhìn nhận dưới góc độ khoa học, khách quan, không phê phán mang tính chỉ trích, mà luôn có ý thức xây dựng để sinh viên phát triển. PGS Vũ Thanh tâm sự: Những giảng viên trường Tổng hợp đều có kiến thức uyên bác, tư duy sắc bén, không bao giờ nhìn nhận vấn đề một chiều. Họ luôn nhiệt huyết với công việc, tìm ra những cái hay, cái đẹp trong nghiên cứu. Mỗi bài giảng đều được họ chuẩn bị một cách kỹ càng, không dập khuôn theo giáo trình[2].
Ngoài những giờ giảng bài trên lớp, giảng viên còn tổ chức những buổi seminar cho sinh viên trao đổi. Thời điểm những năm 70, tuy việc nghiên cứu khoa học cho sinh viên của trường Đại học Tổng hợp chưa phát triển như hiện nay nhưng mỗi năm trường cũng tổ chức 1-2 hội thảo khoa học dành cho sinh viên và mời những giảng viên, nhà nghiên cứu nổi tiếng tham dự. Từ năm học thứ hai, mỗi năm Vũ Thanh đều viết bài gửi tham gia hội thảo khoa học với các vấn đề liên quan đến Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều, Văn học phương Tây. Qua mỗi lần tham dự, ông lĩnh hội được thêm nhiều kiến thức và rút ra kinh nghiệm cho bản thân khi làm nghiên cứu.
Năm thứ tư đại học, Vũ Thanh đăng ký làm luận văn tốt nghiệp chuyên ngành văn học Việt Nam. Khi đó, lớp đại học của ông một nửa lớp đủ điều kiện làm luận văn. Số còn lại không đủ điều kiện sẽ thi hai môn thay thế là Lý luận văn học và Văn học Việt Nam. Dưới sự hướng dẫn của GS Hà Minh Đức, Vũ Thanh thực hiện đề tài luận văn tốt nghiệp “Tiểu thuyết Việt Nam viết về đề tài chiến tranh sau năm 1975”. Cậu xin giấy giới thiệu của trường Tổng hợp để đến Thư viện Quốc gia, Thư viện Khoa học xã hội, Thư viện Quân đội, gần như cậu dành toàn bộ thời gian ở thư viện tìm tài liệu phục vụ nghiên cứu đề tài. Hoàn thành đề cương luận án, cậu xin thầy Đức góp ý và được thầy nhận xét viết tốt, có ý tưởng hay. Ông Vũ Thanh chia sẻ: Thầy Đức làm việc rất thận trọng, trong nghiên cứu thầy luôn tôn trọng tài liệu[3]. Trong luận văn của mình, thông qua những tác phẩm tiểu thuyết về đề tài chiến tranh, Vũ Thanh không chỉ phân tích để thấy được cuộc chiến của những người lính ở tiền tuyến mà còn thấy cả sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ ở hậu phương.
Tình yêu văn học đơm hoa kết trái
Năm 1981, ông bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp. Hai lớp văn A và B chỉ có hai sinh viên nam đạt điểm 10 luận văn, trong đó có Vũ Thanh. Lớp Hán Nôm cũng có một sinh viên đạt điểm 10 luận văn tốt nghiệp. Ông tâm sự: So với luận án thì luận văn tốt nghiệp của sinh viên chỉ là đề tài nghiên cứu nhỏ bé. Nhưng đó là đề tài tôi yêu thích, luận văn đạt điểm 10 làm tôi rất mừng và cảm thấy công sức mình bỏ ra đã được thầy, cô đánh giá tốt. Đây cũng là một bước tiến trong việc nghiên cứu của tôi, giúp tôi có phương pháp làm việc và nhận thấy bản thân có khả năng làm nghiên cứu[4].
Nghiên cứu sinh Vũ Thanh (thứ hai từ trái), khi ông học tập tại Liên Xô năm 1989
Vũ Thanh được chuyển tiếp nghiên cứu sinh trong nước. Gần một năm ở trường Đại học Tổng hợp, thấy cuộc sống của học trò vất vả, không có nhà ở, chưa được vào biên chế nên không có tem phiếu mua thực phẩm… thầy Đức đã giới thiệu Vũ Thanh về công tác tại Viện Văn học, thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). PGS Vũ Thanh tâm sự: Với tôi, thầy Hà Minh Đức như ân sư[5]. Ông rất trân quý tình cảm thầy dành cho mình, nhưng với cuộc sống nghèo khó của một sinh viên nghèo mới ra trường, cậu học trò Thanh ngày đó chẳng có gì để cám ơn thầy mình. Năm 1988, Vũ Thanh thi nghiên cứu sinh và được đi học ở Viện Văn học Thế giới mang tên M. Gorki thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga tại Moskva.
Năm 1992, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) và trở về công tác tại Viện Văn học, được phân công phụ trách công tác đào tạo Sau đại học của Viện. Đến năm 2003, ông được giao đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng Nghiên cứu văn học Việt Nam cổ trung đại. Năm 2007, Vũ Thanh chuyển sang làm công tác giảng dạy, đào tạo tại khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 2009, ông được bổ nhiệm Phó trưởng khoa phụ trách đào tạo Sau đại học và nghiên cứu khoa học của khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Đại biểu dự Hội thảo Quốc tế "Quá trình hiện đại hóa văn học Nhật Bản và các nước trong khu vực văn hóa Đông Á: Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc (từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX)", Thành phố Hồ Chí Minh, 3-2010.
Từ trái sang: GS Huỳnh Như Phương, PGS A. Socolov (Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga),
NNC Lại Nguyên Ân, PGS Vũ Thanh, GS Trần Đình Sử
Từ tháng 2 – 2014, PGS Vũ Thanh đảm nhiệm chức vụ Phó viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Bên cạnh công tác quản lý, ông vẫn chuyên tâm với việc nghiên cứu. Đến nay ông đã tham gia và là chủ nhiệm 10 đề tài nghiên cứu các cấp, là tác giả 40 bài báo và báo cáo khoa học, được đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Ngoài ra, ông biên soạn và tham gia biên soạn 22 cuốn sách, giáo trình, góp phần thúc đẩy sự phát triển của công tác giảng dạy và nghiên cứu văn học. PGS Vũ Thanh còn tham gia đào tạo đại học và sau đại học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, là giảng viên kiêm nhiệm tại Học viện Khoa học xã hội, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Cho đến nay, ông đã hướng dẫn thành công 7 luận án tiến sĩ chuyên ngành Văn học và 35 luận văn thạc sĩ chuyên ngành Văn học và Việt Nam học.
Tình yêu với văn học được vun đắp suốt trong những năm tháng tuổi trẻ và cả trong mấy chục năm công tác đã làm nên những trái ngọt trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy văn học của PGS.TS Vũ Thanh.
Nguyễn Thị Hằng
___________________________
* PGS.TS Vũ Thanh, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
[1] Nay là thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
[2] Tài liệu ghi âm PGS.TS Vũ Thanh, ngày 19-9-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] Tài liệu ghi âm PGS.TS Vũ Thanh, ngày 19-9-2021, đã dẫn.
[4] Tài liệu ghi âm PGS.TS Vũ Thanh, ngày 19-9-2021, đã dẫn.
[5] Tài liệu ghi âm PGS.TS Vũ Thanh, ngày 19-9-2021, đã dẫn.