Ở ranh giới “mong manh”

Khi cầm bút viết bài này tôi thấy rất khó, vì Trung tâm Cúm quốc gia nhỏ bé này đã có quá nhiều người khai thác, nhiều bài viết về họ khi họ lập chiến công hiển hách: phân lập virus SARS-Cov-2, đưa Việt Nam trở thành một trong bốn nước đầu tiên trên thế giới nhận dạng thành công loại virus đang làm mưa làm gió toàn cầu. Nhưng, khi làm việc trực tiếp và cảm nhận tất cả những cảm xúc, trạng thái nhiều chiều mà họ đã trải trong thời gian qua, ngòi bút tôi không dừng lại được. Ý nghĩ phải viết một điều gì đó về tập thể đa phần là phụ nữ, tuy mong manh nhưng tinh thần làm việc thép cứ thôi thúc tôi.

Sẵn sàng đối đầu kẻ thù vô hình

“Làm ở đây, chúng tôi chấp nhận và sẵn sàng đương đầu với các loại dịch bệnh. Chúng tôi không có lựa chọn khác, đó là nhiệm vụ rồi” – PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiêm Giám đốc Trung tâm Cúm quốc gia, Khoa Virus mở đầu cuộc nói chuyện với nụ cười hiền nhưng lời khẳng định thì chắc nịch. Quả thật, nói đến làm việc với virus, tiếp xúc với nguy cơ dịch bệnh hàng ngày, người ngoài chuyên môn sẽ thấy đây thật là nơi đáng sợ nhưng những người ở trong cuộc thì coi đó là công việc thường ngày như cơm bữa.

Khi dịch SARS-CoV-2 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào đầu tháng 12-2019, toàn bộ hệ thống y tế của Việt Nam, trong đó có hệ thống Y tế dự phòng đã bắt đầu khởi động với tâm thế sẵn sàng đối đầu với nó. Với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nói chung và Trung tâm Cúm quốc gia nói riêng, ngay khi chưa có ca bệnh nào tại Việt Nam, Viện đã lên kế hoạch chuẩn bị, Trung tâm Cúm quốc gia đã tìm tế bào vật chủ để “bắt” virus này. Giống như đứng trước những cơn giông báo bão, có được tâm thế chủ động, họ đã sẵn sàng gồng mình để hứng chịu những đợt gió lốc mạnh nhất.

Chiều tối 28 tháng Chạp năm Kỷ Hợi (tức 22-1-2020), mẫu bệnh phẩm của ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên được đưa đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Lúc đó Việt Nam chưa có quy trình chuẩn cũng như mẫu chứng dương để chẩn đoán virus. ThS Ứng Thị Hồng Trang, một trong ba thành viên đầu tiên làm việc với mẫu, kể lại: “Từ sáng sớm 29 Tết chúng tôi làm việc liên tục đến 1-2 giờ đêm để giải trình tự gen, công việc mà bình thường chúng tôi làm trong một tuần liền. Trong đêm tối đen, ba cái bóng trắng chúng tôi vẫn đi lại trong Viện từ khu này đến khu khác để đưa mẫu đi kiểm tra, vì máy móc không tập trung một chỗ”.

Trung tâm Cúm quốc gia đã xác định rất rõ nhiệm vụ của mình là phải nhanh chóng nghiên cứu tác nhân bệnh mới nổi, phân lập virus để tìm hiểu đặc điểm cơ chế sinh bệnh, phát triển hệ thống chứng dương, phục vụ chẩn đoán nhanh, kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch và phục vụ phát triển sinh phẩm, thuốc kháng virus và vắc xin phòng chống bệnh. Kể từ hôm đó, liên tục trong 180 ngày, Trung tâm Cúm quốc gia nhận mỗi ngày hàng ngàn mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán và nghiên cứu virus.

Nhớ lại những ngày diễn ra đại dịch, PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó Trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kể lại một cách bi hài: “Hàng ngày bước vào đến Trung tâm là đã thấy các Trung tâm Phòng ngừa bệnh tật các tỉnh (CDC) xếp hàng như thời bao cấp để giao thùng mẫu cho chúng tôi, rồi vội vàng quay đi như vừa trút một gánh nặng, một mối nguy hiểm, thậm chí không cần lấy lại thùng xốp, thiết bị tích lạnh… Đó cũng là điều dễ hiểu vì tâm lí sợ hãi với dịch bệnh là rất thường tình, kể cả với người trong ngành y”.

Trong những ngày cao điểm, có thể đến 1700-1800 mẫu bệnh phẩm/ngày, trong khi năng lực xét nghiệm bình thường của Trung tâm chỉ khoảng 500-600 mẫu/ngày. “Nhiều hôm bơi trong đống mẫu, bóc từng mẫu như bóc giò, nhìn đến ngao ngán. Nhưng chúng tôi không được phép chậm trễ, có khi phải xử lý đến tận đêm để kịp chạy mẫu trả kết quả vì cả bác sĩ và bệnh nhân đang chờ” – ThS Ứng Thị Hồng Trang chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng

Tích lũy kinh nghiệm qua từng vụ dịch

Cách đây 17 năm, lần đầu tiên đối mặt với virus SARS, những cán bộ Phòng Thí nghiệm Cúm (nay là Trung tâm Cúm quốc gia) hồi đó thực sự chưa có hiểu biết gì về kẻ thù này. PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai nhớ lại, ngày 5-3-2003 là ngày đầu tiên bà và vài đồng nghiệp đến Bệnh viện Việt – Pháp lấy mẫu bệnh phẩm. Do quy định của Bệnh viện không được đeo khẩu trang vì họ quan niệm như thế là thiếu thân thiện với bệnh nhân, nên nhóm nghiên cứu hoàn toàn không có một phương tiện bảo hộ nào, có mang theo khẩu trang nhưng không dám đeo, cứ “tay không bắt giặc”. Thời diễn ra dịch SARS, phòng thí nghiệm “made in Việt Nam” là phòng thí nghiệm bình thường, không đủ chuẩn vẫn cứ làm phân lập virus SARS, định danh được virus vào tháng 4-2003. Năm 2005, tổ chức JICA mới đưa ra hướng cần xây dựng phòng an toàn sinh học cấp 3, nâng cấp cơ sở vật chất. Phòng an toàn cấp 3 thao tác với virus sống, áp suất âm để không khí không thể lọt ra ngoài.

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai

Sau lần đầu đó, Khoa Virus còn trải qua nhiều vụ dịch như cúm gia cầm A/H5N1, A/H1N1 đại dịch 2009… Công việc dồn dập nhưng qua mỗi vụ dịch, các đồng nghiệp trong nhóm lại có thêm kinh nghiệm trong việc lựa chọn hướng chẩn đoán, lựa chọn các dòng tế bào cảm nhiễm phù hợp để phân lập được virus cúm. Ngoài cơ sở vật chất được nâng cấp thì kinh nghiệm cũng là đóng góp cho thành công trong phân lập SARS-CoV-2 ngay từ lần đầu tiên.

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai kể: quy trình làm việc trong phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3 có rất nhiều công đoạn công phu. Muốn phân lập được virus, cần lấy tế bào có khả năng cảm nhiễm rồi nuôi tế bào, đánh thức tế bào trong môi trường nitrogen, kiểm tra tế bào xem có sạch hay không, có đủ khỏe hoặc nhiễm các tác nhân khác hay không… Virus sau khi gây nhiễm trên tế bào, được theo dõi 7 ngày, nếu cần thiết phải cấy chuyển ít nhất 3 lần, có nghĩa là trong 21 ngày mới có được tế bào cần thiết để phục vụ phân lập. Quá trình ấy rất hên xui. Và vì vậy, việc phân lập virus theo đó cũng khó nói trước điều gì, bệnh phẩm không đạt yêu cầu, tế bào không tương thích cũng không thành công.
“Chính vì vậy, khi phân lập ba mẫu bệnh phẩm đầu tiên thành công sau 72 giờ, kiểm tra sự nhân lên của virus bằng sinh học phân tử và nhuộm tế bào, nhận kết quả mỹ mãn vào ngày 7-2-2020, không thể tả được cảm giác sung sướng vỡ òa lúc đó của tất cả chúng tôi” – PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai chia sẻ. .

Sẽ còn phải tiếp tục dấn thân

Tập thể Trung tâm Cúm quốc gia có 12 người, hầu hết còn khá trẻ (sinh từ 1976 đến 1987). Mỗi người chuyên một vấn đề nhưng biết tất cả các vấn đề, tinh thần làm việc nhóm rất tốt. Họ làm việc hết mình và chơi cũng hết mình. Họ làm không chỉ vì lương mà gắn bó vì môi trường làm việc và cơ hội được học tập, đào tạo.

Trong những ngày đầu chống dịch SARS-CoV-2, họ đã không có Tết. Mùng 1, mồng 2 Tết vẫn làm việc từ sáng đến tối. Họ quên luôn cả việc chúc mừng năm mới. Không có một ngày nghỉ nào trong suốt hơn ba tháng, trong đó có 70 ngày quần quật. Lãnh đạo khoa cũng như nhân viên đều lao vào làm mẫu. Cả người đã đến tuổi nghỉ hưu cũng hăng hái đi làm. Quên hết tất cả, chỉ một điều khiến họ quan tâm: làm sao để đưa ra kết quả chính xác nhất.

Trang phục như phi công vũ trụ và chiếc khẩu trang khó thở không làm giảm cường độ làm việc của tập thể cán bộ nơi đây

“Căng thẳng trong công việc có lúc tột độ, khiến con người rơi vào trạng thái “đơ”, gần như không có cảm xúc. Công suất làm việc tăng hàng chục lần so với bình thường, nhiều khi khó giải thích vì sao lại có thể làm được như vậy”- PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai kể. “Có chị nhận tin mẹ chồng mất mà vẫn vào làm việc bình thường, thông báo với chúng tôi tin đó xong mọi người vẫn làm việc như không có chuyện gì xảy ra. Vài chục phút sau chị ấy mới giật mình nói: “Thôi chết, mình phải đi về đã”. Và cũng chỉ khi ấy, tất cả mới nhớ ra là chị ấy có tin buồn. Đó không phải là sự vô cảm bình thường, mà thật sự, sự căng thẳng liên tục đã làm cho cảm xúc bị đơ”.

Đến nay, cơn bão COVID đã tạm đi qua, còn rất nhiều việc sẽ phải làm tiếp: đánh giá đặc điểm virus học, nguồn gốc virus, phân lập virus đánh giá các bộ KIT, đánh giá phát triển vắc xin, kháng thể. Và, tất cả vẫn đang đòi hỏi họ phải tiếp tục dấn thân. Tôi tin, những người phụ nữ có vẻ yếu mềm đó sẽ vượt qua mọi thử thách.

Trần Bích Hạnh

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam