Ông bác sĩ “không nhớ” mình là thương binh

“Ban nhạc” thầy thuốc

Vũ Quang Bích sinh năm 1927 ở thị xã Phúc Yên, là con thứ tư trong gia đình đông con nên anh học đến hết lớp “nhất” (tương đương lớp 6 ngày nay), trình độ đủ để xóa mù, là phải nai lưng ra đồng vì miếng cơm manh áo. Khó khăn là vậy, nhưng sự ham mê cứ đẩy anh đêm đêm chăm chỉ dùi mài tự học, đặc biệt là môn học “cao cấp” thời bấy giờ – tiếng Pháp. Cách mạng tháng Tám thành công, anh ruột Bích là Vũ Duy Trác làm Tiểu đoàn trưởng đã đưa Bích vào làm trinh sát của Chi đội (kể như trung đoàn) Giải phóng quân Vĩnh Phú. Đầu năm 1946, Ban Quân y Vệ quốc đoàn (tiền thân của Cục Quân y) chiêu sinh lớp y tá khóa I. Anh là một trong số 30 người thi đậu trên 300 sĩ tử dự thi. Tốt nghiệp, anh được phân công công tác về Quân dân Y viện Thái Nguyên (Quân dân Y viện duy nhất của An toàn khu – ATK thời chống Pháp) do bác sĩ Trương Tấn Lập làm Viện trưởng với vị trí y tá trưởng bên quân y.

Đầu năm 1949, theo lệnh Cục Quân y thành lập đoàn giải phẫu mặt trận 4 (MT4), anh Bích cùng với 20 cán bộ nhân viên của Quân y vụ Liên khu I, Ban Quân y tỉnh Lạng Sơn dưới sự chỉ huy của bác sĩ quân y, Vụ trưởng Lê Văn Ốc đi phục vụ cho MT4 Lạng Sơn. Hồi ấy, anh Bích là một y tá trưởng giỏi về tổ chức điều hành các mặt chuyên môn nghiệp vụ, nhưng điều khiến nhiều người nhớ tới anh là khả năng làm báo tường rất đẹp và chơi đàn ghita như gió, khi cần, vị y tá trưởng còn kiêm luôn cả… họa sĩ vẽ nguyên bộ tranh minh họa trong các tập Giải phẫu chi trên, chi dưới… nổi tiếng của GS. Đỗ Xuân Hợp thời đó.

Đoàn giải phẫu MT4 triển khai trên bờ sông Vân thuộc huyện Văn Mịch, tỉnh Lạng Sơn. Quân ta thắng lớn, thương vong giảm, nên cứ sau giờ làm việc buổi chiều, “ban nhạc” gồm ba cây đàn ghita Lê Văn Cờ, Nguyễn Văn Nghĩa, Vũ Quang Bích lại rủ nhau đến gốc cây trám già bên sông Vân hòa tấu cùng cây đàn măng-đô-lin Lê Hoàng, nữ y tá Ban quân y tỉnh Lạng Sơn.

Trong cái khung cảnh nửa nên thơ, nửa lạ lẫm đó, tiếng đàn hát ngân nga bay bổng khiến bà con địa phương dù chật vật công việc đồng áng cũng tranh thủ ghé mắt cùng nhóm thương bệnh binh (TBB) đến đứng vòng trong vòng ngoài không khác gì có đoàn văn công. “Họ đi chiến đấu mà cứ như đi thi văn nghệ…”, câu nói ấy, ở hoàn cảnh ấy lại càng khiến cho người ta thầm cảm phục những con người vốn luôn đặt lý tưởng lên trên cả tính mạng quý giá của mình. Một lần, trời chập choạng tối, Vũ Quang Bích trong một khắc hứng khởi đã xuất thần, sáng tác nên bản nhạc Trăng trên sông Vân, nhạc điệu lời ca như dừng dựng vẻ đẹp và thơ mộng của dòng Vân uốn lượn, ôm ấp cánh đồng Văn Mịch rợp trắng cánh cò… Thế rồi cũng trong những buổi “biểu diễn miễn phí” ấy, nhạc phẩm Mưa biên khu viết về người chiến sĩ Vệ quốc đang chiến đấu dũng cảm trong mưa chiều biên giới đã được Bộ chỉ huy MT4 khen ngợi và cho ấn hành rộng rãi, cổ vũ khí thế bộ đội đang chiến đấu trên mặt đường số 4 rực lửa.

Kết thúc chiến dịch, Vũ Quang Bích thi đỗ vào lớp Quân y sĩ khóa 2. Do kết quả học tập tốt, ra trường, anh được giữ lại làm trợ giáo môn Giải phẫu kiêm Trưởng ban giáo vụ, giáo tài trường Quân y sĩ. Đầu năm 1956, anh được cử đi tu nghiệp ở trường Đệ tứ quân y đại học đóng ở Tây An, Trung Quốc. Cùng đi có GS. Đỗ Xuân Hợp, BS. Nguyễn Thành Châm, BS. Nguyễn Hữu Mô và 3 đồng chí phiên dịch Cương, Chính, Uẩn. Năm 1962, sau khi tốt nghiệp, Vũ Quang Bích được bố trí làm Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh Viện Quân y 103.

Thương binh vẫn làm… bác sĩ

      Mười năm công tác liên tục ở chiến trường Tây Nguyên, đơn vị anh đã hứng chịu hàng chục lần bom đạn và ngấm chất độc dioxin do máy bay Mỹ rải bừa bãi xuống khắp khu rừng núi trú quân của bệnh viện. Hậu quả chất độc hóa học màu da cam cùng với di chứng các vết thương cũ dần tàn phá sức khỏe của anh. Tuy nhiên, anh vẫn nghiến răng chịu đựng, kiên trì rèn luyện kết hợp với điều trị.

Đầu năm 1966, Vũ Quang Bích làm Phó đoàn cán bộ khung của một bệnh viện lớn do BS. Nguyễn Văn Âu làm trưởng đoàn đi “B”. Trong chuyến đi này bỗng xảy ra sự cố lớn, anh bị thoát vị bẹn chếch ngoài bên phải to bằng nắm tay, đi lại vướng víu rất khó chịu. Để cố theo kịp đơn vị, anh vẫn “ngậm bồ hòn làm ngọt” giấu nhẹm, tự làm đủ mọi biện pháp, kể cả chèn ép lỗ thoát vị bằng một cuộn băng nhỏ rồi đóng khố chặn lại không cho khối thoát vị tụt xuống. Nhưng biện pháp chạy chữa kiểu “thủ công” này chẳng kéo dài được lâu, khối thoát vị tụt xuống quá to, có nguy cơ bị thắt nghẽn nên anh đành phải lên bàn mổ để chính Viện trưởng Lê Cao Đài trực tiếp thực hiện trên đường vượt Trường Sơn.

Tai chưa qua thì nạn lại tới, vừa tiếp tục lên đường, không may anh bị sụt hầm gãy đốt bàn chân 4 bên phải. Con đường phía trước dường như đã khép lại, đoàn trưởng Nguyễn Văn Âu động viên anh ở luôn trạm giao liên điều trị, nếu không khỏi thì phải quay ra miền Bắc. BS. Nguyễn Huy Đại đã băng bó cố định, an ủi anh rồi cùng với mọi người tiếp tục lên đường.

Loay hoay thế nào, trạm giao liên lại bố trí anh ở cùng lán với những anh em đào ngũ (còn gọi là “B quay”). Để một người lấy lý tưởng để sống với đám “sợ đạn” ngày ấy có khác nào… tra tấn tinh thần. Anh đã trăn trở bao đêm để thoát ra khỏi cảnh bế tắc này bằng cách vận động đồng chí y tá của trạm tác động với đồng chí Trạm trưởng và Chính trị viên cho vào ở cùng với anh em giao liên, rồi nhờ họ ra “bãi khách” gặp đoàn nào có y tế cũng xin bông băng và thuốc men thêm. Trong thời gian ở trạm, cũng đang an dưỡng với tư cách thương binh, Vũ Quang Bích vẫn không quên chức phận của một người thầy thuốc, anh tổ chức khám bệnh, điều trị cấp cứu sốt rét ác tính cho giao liên, nói chuyện về cách phòng bệnh cho toàn trạm. Gần một tháng tích cực tự điều trị ở Trạm giao liên 11, anh đã thuyết phục được đồng chí trạm trưởng cho một giao liên dẫn đường mang giúp ba lô, còn anh chống gậy tập tễnh đi vào chứ nhất định không chịu làm anh “B quay”, dù với bệnh tình và thương tích ấy, anh có thể đàng hoàng trở về như một chiến binh thực thụ.

Vào tới đơn vị, anh lao vào việc cấp cứu điều trị cho thương bệnh binh luôn. Sau một thời gian ngắn, nhờ năng lực và nhiệt thành, anh được bổ nhiệm vào chức Viện phó Viện 211 Tây Nguyên anh hùng. Năm 1970, trong lần bệnh viện được lệnh di chuyển gấp để tránh B52 hủy diệt, do vẫn cố nán lại để thu dọn, anh bị một mảnh bom làm gãy 2 xương sườn bên phải. Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng”, phải tập trung cáng cho thương bệnh binh nặng, ông Viện phó nhất quyết đi bộ chứ không chịu nằm cáng: “Tôi còn đi được, hãy dành cáng cho anh em nặng”. Sau lần này, cả xương sườn ông đều “dính” lệch “can hóa xấu”.

Chính vì vậy, trong lần ra Bắc họp năm 1974, thấy anh quá yếu, cấp trên giữ lại để bồi dưỡng thêm sức khỏe, nhưng anh tha thiết xin vào lại ngay để kịp có mặt nhận trọng trách chỉ huy quân y mặt trận giải phóng Tây Nguyên.

 PGS.TS.BS. Vũ Quang Bích cùng vợ. Ảnh: T.L

Tuổi hưu, trí chẳng “hưu”

Mãi đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh được về lại Học viện Quân y. Suốt thời gian Vũ Quang Bích làm Chủ nhiệm Bộ môn kiêm Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, Phó Giám đốc Quân y viện 103, Chủ tịch Hội đồng giám định bệnh tâm thần toàn quân, anh đã dốc trí lực cùng tập thể xây dựng Viện 103 thành Bệnh viện anh hùng. Năm 1977 -1980, anh được đi tu nghiệp thêm ở nước CHDC Đức rồi về lại Viện 103 công tác. Trong suốt thời gian dài phục vụ, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng tới 12 tấm Huân chương cao quý các loại. Không những thế, anh còn tranh thủ dành nhiều thời gian nghiên cứu, tự học sâu về chuyên ngành Nội thần kinh và ngoại ngữ (Pháp, Anh, Đức, Trung) để luôn luôn tiếp cận được với nền y học hiện đại của thế giới, giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị và giảng dạy cho các lớp cao học ở Học viện Quân y.

Cuối năm 1995, sau 50 năm mang danh hiệu “anh bộ đội Cụ Hồ”, đại tá, PGS.TS. Thầy thuốc ưu tú Vũ Quang Bích về hưu ở tuổi 68, nhưng ông đâu có chịu nghỉ. Với kiến thức y học phong phú, kinh nghiệm thực tế dồi dào cộng với tâm huyết, ông đã dành nhiều thời gian, công sức và trí tuệ, viết nhiều bài báo chuyên ngành đăng trên các Tạp chí y học. Và đặc biệt, ông còn ngày đêm nghiên cứu, biên soạn, xuất bản được 13 đầu sách chuyên khảo thần kinh học, có quyển dày tới hơn 500 trang. Ngoài ra ông còn tư vấn miễn phí cho bất kỳ bệnh nhân nào, ở bất cứ đâu có thư hoặc “phôn” đến hỏi về bệnh tật của mình. Khi được hỏi về những cống hiến cho Ngành y nước nhà, Vũ Quang Bích chỉ cười nhưng xen lẫn niềm tự hào: “Tất cả là nhờ tôi có hậu phương vững chắc” và đọc lại những câu thơ mà ông đã dành tặng vợ một cách trìu mến: “Vợ lính từ xưa đã khổ rồi/ Cả hai là lính khổ nhân đôi/ Đường dài gánh nặng em bươn chải/Thương lắm đành lòng nén chịu thôi!”. 

 

                                                                                                                   TTƯT. BS. Tạ Lưu (Anh hùng LLVT nhân dân)

                                         Nguồn: suckhoedoisong.vn/2010012209558494p61c89/ong-bac-si-khong-nho-minh-la-thuong-binh.htm