Ông giáo già và những cuộc “trường chinh” cuộc đời





Những ngày cuối năm Giáp Ngọ, nhất là buổi sáng và chiều tối, không khí như quánh lại với sương càng làm cho những người có tuổi thêm co ro, thu mình. Vậy nhưng có một ông giáo già, ở cái tuổi gần bát thập vẫn cần mẫn chăm mấy thùng hẹ, luống diếp cá, ông bảo lao động cho người ấm lên, đối chọi với cái không khí, sương lạnh của thời tiết. Với ông con người sinh ra là phải lao động để trưởng thành và hoàn thiện nhân cách.
 
Từ giã quê nhà
 
Sinh ra trong một gia đình giàu lòng yêu nước, trên quê hương Đồng Khởi Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa). Từ nhỏ, trong ông tư tưởng yêu nước, hiến thân cho cách mạng đã được thẩm thấu một cách tự nhiên từ cha mẹ, quê hương thân thuộc. 

TS – NGƯT Nguyễn Xuân Đàm

Cậu bé Nguyễn Xuân Đàm được cha cho học hành tử tế trong thời buổi trường học hiếm hơn mọi thứ. Vừa học vừa chạy giặc, tăng gia sản xuất để có cái ăn, chằng chống trường học sau những đợt càn, hay dội bom của địch. Những công việc tưởng chừng như quá sức với những cậu học trò độ tuổi thiếu niên, nhưng chính nó là môi trường trui rèn không gì bằng. Học hết lớp 7 trường cấp 2 Tuy Hòa 2 (Phú Lộc, Hòa Thắng), cậu học trò Nguyễn Xuân Đàm cùng 11 bạn đồng niên khác ở Phú Yên phải ra tận An Nhơn (Bình Định) để học tiêp lớp 8. Chiến dịch Át-Lăng nổ ra, lúc nghỉ hè không trở lại trường được, Nguyễn Xuân Đàm tham gia du kích, xây dựng phong trào thanh niên ở Hòa Thịnh. Sau khi Hiệp định Giơnevơ ký kết, ngày 30/8/1954 Nguyễn Xuân Đàm có tên trong đoàn người tập kết ra Bắc, ông thuộc lớp học sinh miền Nam đầu tiên của tỉnh. Đêm chia tay gia đình, bà mẹ khóc đến sưng cả mắt vì nhà chỉ có một người con trai. Người cha cũng buồn không kém nhưng nén lòng, dặn dò con cố gắng học tốt và nếu được chọn lựa thì hãy chọn ngành nông nghiệp mà học vì quê mình chỉ làm ruộng hoặc ngành giáo, tuy thanh bần nhưng để đào tạo lớp người có ích.
 
Ra Hà Nội, Nguyễn Xuân Đàm được đưa sang Nam Ninh (Trung Quốc) vào Khu học xá (của Việt Nam nhưng trên đất nước Trung Quốc) học trung cấp sư phạm. Tháng 6/1956, Nguyễn Xuân Đàm về Hà Nội thi tuyển vào Đại học sư phạm Hà Nội khóa 3 (1956-1959). 3 năm kinh sử, với nỗi nhớ nhà, nhớ quê quay quắt, nhất là mỗi khi nghe tin giặc càn, ném bom, càng làm một sinh viên miền Nam như ông thêm quyết tâm trong học tập, và tốt nghiệp loại xuất sắc. Kỷ niệm sâu sắc trong quãng thời gian học đại học trên đất Bắc là ông được nhà trường chọn để tặng hoa cho Bác Hồ hai lần. Một lần đón Bác từ sân bay Nội bài sau chuyến thăm các nước XHCN (1957), một lần khác khi Bác Hồ tiếp ngài Chủ tịch hội đồng Xô Viết tối cao, nguyên soái Vô-rô-si-lốp của Liên Xô sang thăm (1958).
 
Với tấm bằng đại học chuyên ngành Văn học loại xuất sắc, Nguyễn Xuân Đàm được Bộ GD-ĐT chọn cử đi Liên Xô để giảng dạy môn Văn học Việt Nam ở Trường Đại học Lomonosov danh tiếng. Nhưng vì tuổi đời, tuổi nghề còn quá trẻ chàng sinh viên mới ra trường Nguyễn Xuân Đàm tiếp tục trui rèn thêm.
 
Năm 1959, Nguyễn Xuân Đàm về Trường Trung cấp Sư phạm Hà Tĩnh, một năm sau thì được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Vừa giảng dạy, vừa cùng học trò tăng gia sản xuất để phục vụ cuộc sống chiến đấu và xây dựng nhà trường trở thành trường học kiểu mẫu của miền bắc XHCN, trước khi có lệnh về Nam công tác. Những thử thách đầu đời, giúp anh giáo trẻ có thêm kinh nghiệm bản lĩnh trước khi đi B vào chiến khu “Ông Cụ” (mật danh của Trung ương Cục miền Nam).

Bài học phương pháp tư tưởng
 
Đây thực sự là một cuộc trường chinh. Trước khi thông báo ngày lên đường đi B, tháng 9/1963, thầy hiệu trưởng Nguyễn Xuân Đàm và một số cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được đưa lên khu căn cứ tỉnh Hòa Bình để huấn luyện quân sự 3 tháng, trong đó đặc biệt tăng cường sức mạnh, sức bền vốn là điểm yếu của một chiến sĩ cầm phấn, cầm bút.

Nhà giáo ưu tú, tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm, sinh năm 1937, quê xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa.
– Phó tiến sĩ khoa học giáo dục (1979) – Viện hàn lâm khoa học giáo dục Liên Xô.
– Huân chương quyết thắng hạng Nhất, Nhì, Ba.
– Huân chương giải phóng hạng Nhì, ba
– Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.
– Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng (1960)
– Huy chương Hội chữ thập đỏ; Huy chương vì sự nghiệp giáo dục, vì thế hệ trẻ, vì sự nghiệp công đoàn, vì sự nghiệp khoa giáo. Kỷ niệm chương ”Chiến sĩ Trường Sơn”.

 

Vậy là vượt Trường Sơn, Nam tiến. Đoàn chiến sĩ gồm những cán bộ giáo dục, giáo viên, nghệ sĩ và cán bộ chính trị, băng qua “cổng trời” ở Quảng Trị, xẻ dọc Tây Nguyên trên ngã ba Đông Dương… vào Nam. Trên ba lô mỗi người nặng 36 kg gồm một khẩu AK báng gấp, vật dụng, lương khô các loại. Những ngày đầu còn khỏe, hăng hái, về sau da bàn chân bong tróc đau rát, phải băng lại, cắn răng mà đi. “Mùa khô, cả dải Trường Sơn khô hạn, không nước uống, gặp con suối còn sót lại hóc nước đục mò, người và thú uống chung. Trong ba lô có một bộ đồ kaki, mình đem tặng anh bạn giao liên người Cơ-ho, vì tối đến rét căm căm mà bạn vẫn chỉ một chiếc khố phong phanh và cũng là để nhẹ bớt hành trang”– thầy Nguyễn Xuân Đàm nhớ lại trong niềm xúc động hào hùng.
 
Cuối tháng 5/1964, tức mất 5 tháng 10 ngày để đoàn hành quân đến đại bản doanh của Trung ương Cục miền Nam – chiến khu Dương Minh Châu, Tây Ninh.
 
Nghỉ xả hơi một ngày, mỗi người được bồi dưỡng một lon sữa bò và những bữa cơm no nê nấu bằng gạo đỏ, cùng với lá giang nấu cá khô, đậu phộng rang muối và tráng miệng bằng những thỏi đường thốt nốt… thơm ngon và lạ miệng, cứ như một buổi đại tiệc. Đầu tuần anh em trong đoàn công tác được giao nhiệm vụ. Nguyễn Xuân Đàm, bí danh Thanh Sơn được giao phụ trách công tác chuyên môn của Trường Giáo dục tháng Tám thuộc Tiểu ban giáo dục; đồng thời phụ trách giảng dạy môn văn học cách mạng. Sau làm Trưởng phòng sư phạm thuộc Tiểu ban Giáo dục miền Nam.
 
Đối tượng học viên rất đa dạng, trình độ không đồng đều. Tinh thần dũng cảm, kinh nghiệm hoạt động của họ thì có thừa, song những nhận thức mới về chính trị. Do đó, yêu cầu của lớp học được Ban tuyên huấn chỉ đạo chủ yếu là dạy những vấn đề cơ bản của các môn khoa học xã hội và chính trị.… từ đó rút ra phương pháp nhận thức, xem xét nhìn nhận sự vật, hiện tượng tự nhiên và xã hội, những kết luận đánh giá địch – ta, về quyết tâm và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam.
 
Thu hoạch lớn nhất của các học viên qua bài học là bước đầu hình thành phương pháp tư duy khoa học, cái nhìn biện chứng, phân tích tình hình cách mạng, qua đó củng cố vững chắc niềm tin tất thắng.
 
Môn chính trị đã giải quyết cơ bản. Cái khó là giảng dạy môn Văn học trong khi không có một tài liệu, bởi khi vào “Ông Cụ” không có điều kiện mang theo sách vở. Tất cả chỉ bằng trí nhớ và những kiến thức đã học và trải nghiệm ở miền Bắc, thầy giáo Thanh Sơn vắt óc soạn bài giảng. Đến lúc muốn “hết vốn”, may mắn qua kết nối cơ sở ở Phnôm-Pênh gửi đến quyển sách giáo khoa lớp 10. Thật quý hơn vàng, thầy giáo Thanh Sơn dựa theo đó mà mở rộng ra, liên hệ với thực tế thời cuộc mà giảng giải cho học viên. Trong buổi học phân tích cảnh chị Dậu bán con và ổ chó cho nhà nghị Quế, cả thầy và trò ngậm ngùi không cầm được nước mắt vì liên tưởng đến cảnh cha mẹ, đồng bào mình đang bị dày xéo, lòng căm thù và ý chí được nhân lên.
 
7 tháng cho khóa học ở Trường Giáo dục Tháng Tám kết thúc, cũng là lúc Mỹ tiến hành chiến tranh cục bộ ở miền Nam. Buổi sáng tháng 3/1965, bế giảng khóa học, cũng là lễ xuất quân hoành tráng của 125 học viên cán bộ tỏa về cơ sở, thầy trò chia tay nhau, mỗi người một nhiệm vụ mới.
 
Tình thế cách mạng lúc này bắt buộc nhà trường phải giải tán. Cán bộ giáo viên của cơ quan giáo dục Trung ương Cục phải phân rải xuống cơ sở tiếp tục tập hợp lực lượng tổ chức các lớp học bí mật ngay trong lòng dân, trước mũi của địch. Cứ như vậy, thầy giáo Thanh Sơn đã “luồn” khắp cả Nam kỳ lục tỉnh, nằm gai nếm mật ở Bến Tre, giữa rừng tràm U Minh hay tận Đồng Tháp Mười để làm công tác giáo dục phục vụ cách mạng miền Nam. Và trong một lần vượt Tiền Giang, Thanh Sơn đã sập ổ phục kích, nhưng may mắn thoát chết, được đồng đội đưa về tuyến sau. Sức khỏe của thầy giáo Thanh Sơn bị sa sút nghiêm trọng phải đưa ra Bắc để chữa. Đó là thời điểm cuối năm 1973, sau gần 10 năm, ông lăn lộn ở hầu khắp chiến trường Nam bộ.

Anh du kích miền Nam làm Tiến sĩ
 
Trải qua cuộc thập tử nhất sinh, năm 1974 thầy giáo Nguyễn Xuân Đàm được điều động về làm chuyên viên Vụ Văn xã (Ban Thống nhất Trung ương) và được đưa vào danh sách thi tuyển đầu vào sang Liên Xô tiếp tục làm Phó Tiến sĩ. 10 năm lăn lộn ở xứ bưng biền, đối diện với kẻ thù, xây dựng cơ sở giáo dục cách mạng, bây giờ phải thi đầu vào (70 người chỉ lấy 7 suất) và học tiếng Nga quả là một thách thức không phải để ai cũng có thể vượt qua. Nguyễn Xuân Đàm bất giác thở dài nghiệm lại cuộc đời sao quá nhiều thử thách. Ông nhớ đến ngày đầu tập kết ra Bắc học tập và lời dặn của cha, nhớ đến cuộc trường chinh vượt Trường Sơn vào Nam, nhớ đến hôm suýt sa vào tay địch, nghĩ đến gia đình ở quê hương Hòa Thịnh… cả nhà 10 người đã có 3 người là liệt sĩ… lòng tự trọng, quyết tâm trỗi dậy, Nguyễn Xuân Đàm tự hứa với lòng mình phải vượt qua thử thách này. 3 tháng ròng rã, Nguyễn Xuân Đàm ”bế quan” nghiền ngẫm. Kết quả không phụ người có chí, cái tên Nguyễn Xuân Đàm được ghi đầu bảng với số điểm cao nhất 23,5 điểm!
 
Từ biệt gia đình nhỏ khi vợ vừa sinh con đầu lòng, Nguyễn Xuân Đàm sang Liên Xô để tiếp tục sự nghiệp học tập để phục vụ đất nước. Đề tài mà ông chọn nghiên cứu là ”Kinh nghiệm của nhà trường Xô Viết trong việc hình thành thế giới quan của học sinh và sự vận dụng sáng tạo vào nhà trường ở Việt Nam”. Một khó khăn khác tiếp tục thử thách đó là học tiếng Nga. So với các nghiên cứu sinh (NCS) khác, họ có thời gian vài ba năm học ở Việt Nam, còn Nguyễn Xuân Đàm thì phải bắt đầu từ số không. Ở Viện hàn lâm khoa học giáo dục Liên Xô, các viện sĩ rất quý trọng ”anh du kích miền Nam” tóc đã hoa râm mà còn chụi khó học tập. Họ quý trọng còn bởi tinh thần chiến đấu của cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Vậy nên NCS Nguyễn Xuân Đàm được đích thân viện sĩ là Bí thư Đảng bộ của Viện trực tiếp hướng dẫn đề tài và một cô giáo chuyên dạy tiếng Nga.

Tới giờ này, ở tuổi gần 80, Nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm vẫn còn hình dung nét mặt cương nghị của nữ viện sĩ buộc ông phải học tiếng Nga, đại ý: ”Anh hãy đi đi, hãy nói đi, hãy đọc đi. Anh có thừa dũng cảm…” chính thái độ nghiêm nghị ấy đã chạm đến lòng tự ái của anh du kích miền Nam và khiến anh lao vào học tiếng Nga, viết báo khoa học, nhiều bài báo nghiên cứu đã được đăng tải trên các tạp chí khoa học danh tiếng của Nga, Đức và nhiều nước khác và hoàn thành đề tài xuất sắc trước thời hạn 6 tháng, trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.
 
Ngày bảo vệ đề tài của Nguyễn Xuân Đàm, có rất đông các giáo sư, viện sĩ, học giả của Nga và nhiều nước XHCN đến dự để phản biện, tìm hiểu, truy vấn. Lý do đề tài mà ông nghiên cứu rất mới, mang tính thời đại, thực tiễn cao. Kết quả bảo vệ luận án của NCS Nguyễn Xuân Đàm đạt loại xuất sắc, được Viện trưởng tặng thưởng cho lưu lại thêm 6 tháng với vai trò là cán bộ nghiên cứu của Viện.
 
Ngày trở về
 
4 năm đằng đẳng bên nước bạn, ngày trở về hai con đã lớn nhờ một tay vợ và sự cưu mang của ông bà ngoại. Đó là đầu năm 1979, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm (lúc đó học vị là Phó Tiến sĩ) biên chế vào Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.
 
Nếu như lúc trước, anh giáo trẻ Nguyễn Xuân Đàm cống hiến hết tuổi xuân của mình cho công cuộc xây dựng trường học ở miền Bắc, rồi giáo dục trong lòng địch ở miền Nam, giờ đây với kinh nghiệm và sở học của mình từ đất nước Liên Xô, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm tiếp tục cống hiến ở biên độ khác. Với vai trò Phó trưởng ban nghiên cứu giáo dục đạo đức chính trị, Ủy viên Hội đồng khoa học Viện khoa học giáo dục Việt Nam, Ủy viên Hội đồng thế giới quan khoa học cho thanh niên, học sinh các nước XHCN, trong giai đoạn 1980–1985, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm đã có nhiều đóng góp cho khoa học giáo dục và xây dựng nền giáo dục cách mạng thống nhất trong cả nước. Trong thời gian này, ông đã chủ biên, tham gia viết nhiều giáo trình, tài liệu, sách giáo dục phục vụ trong giàng dạy nhà trường như: Phương pháp đánh giá đạo đức (NXB Giáo dục 1983), Những vấn đề giáo dục học (NXB Giáo dục 1985), Hình thành thế giới quan khoa học – nhiệm vụ trung tâm của công tác giáo dục tư tưởng – chính trị – đạo đức của nhà trường XHCN Việt Nam (Viện KHGD – 1981), Phương pháp giảng dạy chính trị (dịch tiếng Nga – NXB Giáo dục 1985), Giáo dục đạo đức cho học sinh THCS, THPT (Viện KHGD 1982-1983), Chương trình giáo dục ngoại khóa trong nhà trưởng phổ thông (Bộ GD-ĐT)…
 
Theo yêu cầu thời cuộc, những năm đầu đổi mới, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm được điều động về Phú Khánh. Được tham gia xây dựng, cống hiến cho quê hương là điều mà ông hằng mong muốn, nên không ngần ngại đưa cả gia đình, dù vợ con đang an cư ở Thủ đô.
 
Từ năm 1985-1989, với vai trò Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Khánh, kiêm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm dồn hết tâm sức cho hoạt động giáo dục. Tất cả những kinh nghiệm tích lũy được ông bung ra xây dựng nền giáo dục tỉnh Phú Khánh nói chung và Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang nói riêng. Trong những đóng góp nổi bật của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm là đưa lao động công nghiệp và nông nghiệp vào thực hành đào tạo giáo viên, tạo sản phẩm trực tiếp bổ trợ cho lý thuyết; mở rộng liên kết đào tạo; mở mới các khoa ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp hệ đại học… Ông chính là người đề xuất mở khoa Đoàn Đội cho giáo sinh mà sau này được Bộ GD-ĐT nhân rộng điển hình cả nước. ”Thời điểm đó hội đồng sư phạm nhà trường, thầy và trò hăng hái lắm, nhưng cũng vấp phải không ít định kiến và sự trì trệ. Đó thật sự là một cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm nhớ lại.
 
Rồi tái lập tỉnh 1/7/1989. Đèo Cả là mốc giới cho cả một hành trình trở về cố hương. Từ một ”con cưng” của ngành giáo dục khi còn tỉnh Phú Khánh, trở về Phú Yên, gia tài vị tiến sĩ Phó giám đốc Sở, kiêm Hiệu trưởng Trường cao đẳng sư phạm Nha Trang chỉ vỏn vẹn một cái bu gà, khạp đựng mắm và sách vở, giáo trình tiếng Nga. ”Đó là một chương buồn trong cuộc đời. Nhưng với tôi đó âu cũng là thử thách một đời người” – Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm hồi ức về một đoạn quá khứ.
 
Phú Yên sau tái lập tỉnh, hệ thống giáo dục phổ thông chắp vá thiếu trước hụt sau, khó khăn trăm bề. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm lại bắt tay vào một cuộc trường chinh mới, xây dựng nền giáo dục tỉnh nhà.
 
Nhiệm vụ đầu tiên và đau đáu là phải ”giải quyết” trên 300 sinh viên con em tỉnh Phú Yên đang theo học Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang dang dở phải trở về quê theo lệnh tách tỉnh. Bằng nhiều cách, thầy giáo nguyên hiệu trưởng mời giảng viên các Trường Cao đẳng Sư phạm ở Đại học Quy Nhơn, Quảng Ngãi về tiếp tục giảng dạy và cấp bằng tốt nghiệp cho tất cả các em.
 
Với vai trò Phó giám đốc, rồi Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm quyết tâm chấn hưng nền giáo dục quê nhà phát triển từ hệ thống giáo dục phổ thông cho đến giáo dục chuyên nghiệp, mở rộng phong trào học ngoại ngữ, tiến dần lên xã hội học tập. Gần 10 năm, từ 1989 – 1998, ông cùng các đồng sự ngành giáo dục, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh đã xây dựng một hệ thống giáo dục cơ bản, toàn diện ở các cấp học. Những thành tựu nổi bật của nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm như: Đề án quản lý toàn diện ngành giáo dục (được áp dụng từ năm 1994, có tác dụng rất lớn trong việc phát triển và đổi mới ngành giáo dục của tỉnh). Đề án này là tiền đề để đến ”năm học 1995-1996, Bộ GD-ĐT khen thưởng ngành giáo dục Phú Yên (9/11 chỉ tiêu) đứng vào hàng 3 trong toàn quốc; Những kinh nghiệm tốt trong quản lý toàn ngành của Phú Yên đã đóng góp vào những bài học lý luận và thực tiễn về công tác quản lý giáo dục và đến năm 1998 trên toàn quốc đã có đến 46/61 tỉnh áp dụng mô hình này” (Lịch sử Giáo dục Phú Yên 1945-2005); Chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất và các điều kiện nâng cấp Trường trung cấp sư phạm trở thành Cao đẳng Sư phạm (9/1995), rồi lên Trường Đại học Phú Yên (2007); phục hồi và xây dựng trường THPT chuyên Lương Văn Chánh; Trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ tại chức (Trung tâm giáo dục thường xuyên) góp phần xây dựng xã hội học tập, chuẩn hóa trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; Thực hiện quyết liệt công tác phổ cập giáo dục, phát triển hệ thống trường mầm non, xây dựng phong trào học ngoại ngữ rộng rãi trong nhà trường và xã hội… Với cái tâm trong sáng, tấm lòng nhân hậu, nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm đặc biệt quan tâm đến giáo dục con em đồng bào dân tộc ít người, trẻ em thiệt thòi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ông mong muốn tất cả đều biết cái chữ, đều được đến trường để tự khai sáng tương lai. Với tấm lòng ấy, ông là người sáng lập ngôi trường dân tộc nội trú cấp tỉnh, các huyện, Trường niềm vui (nay là Trung tâm giáo dục hòa nhập cộng đồng), Trung tâm vòng tay ấm… Nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm tự bạch: ”Người thầy giáo lấy chữ Tâm, chữ Đức làm đầu, lấy sự hy sinh, phục vụ làm lẽ sống; lấy sự học tập suốt đời, nâng cao tầm trí tuệ và nghệ thuật sư phạm là lý do tồn tại và lòng tự trọng của bản thân; lấy sự phát triển và trưởng thành của học sinh làm động lực và niềm hạnh phúc của cuộc đời”.
 
Chừng ấy năm công tác, việc làm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm khó có thể kể một cách chi tiết, đầy đủ. Với những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp giáo dục từ những năm miền Bắc xây dựng XHCN đến chiến trường miền Nam đầy ác liệt và những năm tháng sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất cũng như hơn một thập kỷ đầu tiên đất nước đổi mới, nhà giáo, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1994.
 
Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm nghỉ hưu theo chế độ từ năm 1998. Nhưng từ ấy đến nay (và sẽ còn tiếp tục khi còn sức khỏe), ông giáo già vẫn miệt mài lao động, tham gia giảng dạy ở các trường đại học ở TP Hồ Chí Minh, tham gia các hội, đoàn thể. Ông là chủ biên của những cuốn sách đã xuất bản: Dân ca – ca dao trên vùng đất Phú Yên, Lịch sử giáo dục Phú Yên (1945-2005), Ký ức về Trường giáo dục tháng Tám (1963-1965)… Hiện, ông đang là chủ nhiệm đề tài khoa học ”Tiến sĩ Phú Yên”. Ông hy vọng công trình này sẽ là sự minh chứng cụ thể cho tư tưởng ”Hiền tài là nguyên khí quốc gia” của dân tộc ta, là sự tôn vinh, tri ân đối với những người làm công tác nghiên cứu khoa học. Những ngày khỏe, ông đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh để sưu tra tư liệu, gặp gỡ nhân vật; những ngày chồn chân, ông lại trở về căn nhà nhỏ ở số 10 Lương Tấn Thịnh (TP Tuy Hòa) để viết lách; và chăm lo công tác khuyến học của dòng họ Nguyễn (xã Hòa Thịnh) trong vai trò trưởng tộc.
 
Với ông, cuộc đời con người là hành trình lao động và sáng tạo. Lao động cũng là giáo dục chính là tư tưởng xuyên suốt của nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm. Và bên cạnh ông, lặng lẽ dõi theo, hi sinh hết sức mình cho những cuộc ”trường chinh” của ông là một người vợ, người mẹ của ba đứa con thành đạt. Bà là một nhà giáo đáng kính: Nguyễn Thị Oanh, cựu giáo viên Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, cũng là cô Bí thư Đoàn trường Cấp 3 Hoàn Kiếm (Hà Nội) năm xưa.

Ông Lê Văn Hữu – Chủ tịch Hội Khuyến học Phú Yên – Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (1994-2000):

Anh Đàm là người có công lớn đối với ngành giáo dục của tỉnh

Phải nói Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm là người có công lớn trong việc hình thành, xây dựng hệ thống giáo dục của tỉnh Phú Yên từ lúc tái lập tỉnh. Từ những ngày đầu vô cùng khó khăn, nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm đã từng bước gầy dựng đưa giáo dục Phú Yên phát triển theo kịp các địa phương trong cả nước. Anh có cách quản lý sư phạm rất hiệu quả, là người có suy nghĩ rất mới mẽ và hành động quyết liệt.

Theo tôi, Nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm là người có nhiều sáng kiến và tư tưởng tiến bộ trong giáo dục. Đó là tư tưởng lao động và giáo dục; xây dựng xã hội học tập, toàn dân học tập. Và hơn hết, nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm có một tấm lòng với ngành giáo dục, ông chính là người khởi xướng, sáng lập những ngôi trường đặc biệt, dạy cho học sinh con em người đồng bào dân tộc ít người, trẻ em khuyết tật, lang thang cơ nhỡ.

Trần Quới
Nguồn: http://lienhiephoiphuyen.com.vn/