Sinh viên Toán bị xếp nhầm khoa Sử
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Vĩnh Bảo (Hải Phòng), suốt thời học sinh, cậu học trò Nguyễn Quang Ngọc chưa khi nào nghĩ mình sẽ theo học chuyên ngành lịch sử. Cuối những năm 1960, khi dự thi vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cậu đăng ký học khoa Toán. Nhưng đến khi xếp lớp, do một sự nhầm lẫn nên cậu tân sinh viên lại có tên trong danh sách sinh viên khoa Sử.
Cậu làm đơn đề nghị nhà trường kiểm tra lại. Và trong khi chờ có kết quả, cậu vẫn học ở khoa Sử của Trường tổng hợp.
Tưởng là tình cờ, rồi hoá ra có duyên. Niềm đam mê sử học đến với chàng sinh viên bắt đầu từ một buổi học, ngồi nghe Giáo sư Trần Quốc Vượng giảng bài. Ông Ngọc kể lại: “”Chưa khi nào tôi nghe một bài giảng có lượng kiến thức rộng lớn, bao trùm nhiều lĩnh vực như vậy. Cũng chưa khi nào tôi lại gặp một phong cách giảng dạy thuyết phục, cuốn hút đến như vậy”. Ông mới vỡ lẽ “Sử học cũng có những điểm tương đồng với toán học: cùng chung nguyên tắc tối thượng là trung thực, khách quan, nhiều chiều. Nếu không đảm bảo nguyên tắc này, chỉ tán tụng một chiều thì sử sẽ thiếu chân thực, người ta chán”.
Ông lại phát hiện ra một “cây đại thụ” trong làng sử học Việt Nam là GS Hoàng Xuân Hãn cũng vốn là nhà toán học. Bước ngoặt trong cuộc đời đã đến. Giấy gọi về học tại khoa Toán đã được chuyển đến tay, nhưng cậu sinh viên lại “lọ mọ” lên gặp Ban Giám hiệu, xin được ở lại làm sinh viên khoa Sử. Nhắc lại chuyện cũ, ông cười: “”Lạc chân” vào vườn Sử, nhận ra đam mê của mình là đây, và “”bén rễ” cùng khu vườn ấy cả cuộc đời”.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, chàng sinh viên khoa Sử cũng như nhiều bạn cùng lứa khác xếp bút lại để lên đường tòng quân. Chiến trường gian khổ, nhưng đôi lúc vẫn nhớ da diết những bài giảng trên lớp, những đề tài sử học. Chàng lính trẻ vẫn tiếp tục nuôi mơ ước: “Hết chiến tranh, nhất định mình sẽ tiếp tục gắn bó với sử học”. Ước nguyện ấy rồi cũng thành hiện thực, Giáo sư Ngọc nhớ lại: “Người ta học đại học chỉ mất vài năm, tôi thì học mất đến những 10 năm. Hoà bình lập lại, tôi xuất ngũ, tiếp tục về học khoá học còn đang dở dang”.
Chi tiền riêng cho việc chung
Yêu cầu đặt ra với người nghiên cứu sử là phải đi nhiều nơi, và bây giờ ngồi lại, Giáo sư Ngọc không thể nhớ hết mình đã từng đặt chân đến những nơi nào. Các đề tài về làng xã, nông thôn và nông dân Việt Nam là một mối quan tâm của ông. Ông đã từng đi đến từng buôn làng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ để tìm những dấu tích, tài liệu liên quan đến phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn. Từng “quần nát” các xóm làng ở đồng bằng Bắc Bộ để tìm hiểu về nền kinh tế làng xã cổ truyền, , về vấn đề tổ chức, quản lý làng xã, về hương ước và tục lệ của làng xã thời xưa… Những kết quả nghiên cứu này không chỉ được phổ biến trong nước, mà còn được ông giới thiệu ra nhiều nước trên thế giới thông qua những Hội thảo khoa học quốc tế. Để đưa kết quả nghiên cứu vào phục vụ cuộc sống, giáo sư Ngọc cũng chính là người đã lập ra Trung tâm nghiên cứu phát triển nông thôn của Trường Đại học quốc gia. Ông cũng đã tổ chức thành công nhiều lớp học về quản lý và hoà giải thôn làng ở nhiều tỉnh phía Bắc.
Nhưng những kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông trong nghiên cứu sử vẫn là quá trình đi tìm tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Năm 1994, ông được giao làm chủ trì đề tài Lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng sa và Trường Sa. Gần mười năm kỳ công lục tung các kho sách Hán Nôm, các Trung tâm lưu giữ ở Trung ương và địa phương, bước chân in dấu trên dải đất ven biển miền Trung, lặn lội nhiều lần ra đảo Lý Sơn, Phú Quý… Rồi tranh thủ các chuyến công tác nước ngoài, cứ rảnh rỗi là lại vào các thư viện tìm bản đồ, tìm tài liệu, nhờ người cộng tác. Miệt mài sưu tập, tìm kiếm, nhóm chuyên gia đã cho ra đời bộ hồ sơ Tư liệu về lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường sa. Bộ hồ sơ này được giới khoa học đánh giá là khá toàn diện, phong phú và chuẩn xác, khẳng định một cách khách quan và khoa học quá trình khẳng định chủ quyền của đất nước với những vùng biển đảo này.
Giáo sư Ngọc cười nhắc lại chuyện cũ: “Tôi đã từng bỏ tiền túi nhờ người sao chép những tài liệu quý ở nước ngoài. Có lần phải trả cho một thư viện ở Nga cả ngàn đô la. Vợ con kêu ca nhưng mình cứ làm. Lỡ đam mê rồi, tính toán gì đến tiền bạc nữa”.
Những khó khăn nhà khoa học gặp cũng không phải là ít. Ông ngậm ngùi kể lại một câu chuyện buồn: “Vào một số Trung tâm lưu trữ quốc gia để tìm tài liệu. Giấy giới thiệu của Ban biên giới Chính phủ, của Bộ Ngoại giao… cấp chưa “nhằm nhò” gì mà họ còn đòi giấy của… Ban bí thư TW nữa cơ. Vào đọc rồi ghi chép, khi ra cửa thì người ta thu lại sổ. Tôi có lúc đã phải kêu lên: “Chúng tôi làm đề tài Nhà nước giao, làm cho Nhà nước chứ có làm cho cá nhân đâu mà các anh gây khó khăn đến vậy?””
Sử học vẫn là lĩnh vực “đắc địa”
Giáo sư Ngọc tổng kết một số liệu khá lý thú: trong vòng mười năm trở lại đây, điểm thi tuyển vào Khoa Sử luôn thuộc vào hàng cao nhất trong các khoa của Trường Đại học Quốc gia.
Ông Ngọc nói: “Điều đó chứng tỏ học sinh sinh viên vẫn thích học sử. Những người chuyên ngành sử vẫn có thể tìm được những công việc và cơ hội đắc địa. Học sử không đơn giản chỉ là đọc tài liệu. Học sử là học kiến thức liên ngành. Cách học và cách làm việc trong khoa học sử đòi hỏi tư duy lô gic cao nên môn học này gần với cách học của khoa học tự nhiên”.
Giáo sư Ngọc nhận định, không nên có cái nhìn phiến diện rằng sinh viên khoa sử, khi ra trường phần lớn đều đi làm trái nghề là một “thất bại”, mà thậm chí có thể coi đó là một thành công trong giáo dục. “Chẳng có đủ chỗ làm để sinh viên cứ học sử xong là vào Viện sử, hay thành nhà khoa học lịch sử… Thực tế cho thấy sinh viên sử làm giỏi ở rất nhiều lĩnh vực khác như báo chí hay du lịch… Những nghề đòi hỏi kiến thức đa ngành, kiến thức văn hoá xã hội đều có thể là “mảnh đất đắc địa” cho người học sử”.
Gần 40 năm gắn bó với ngành khoa học lịch sử Việt Nam, Giáo sư Ngọc đã trải qua nhiều chức vụ. Nhưng ông luôn tự nhận: “Tôi luôn tâm niệm mình là một nhà nghiên cứu khoa học lịch sử, dù trong thực tế tôi vẫn được phân công làm cán bộ quản lý, và còn là một người viết báo”. Góp sức xây dựng Khoa Sử Trường Đại học Quốc gia thành tập thể anh hùng lao động (Nhà nước phong tặng năm 2000) trong thời kỳ ông làm chủ nhiệm khoa, ông khiêm tốn nói: “Vinh dự này thuộc về tập thể, thuộc về công sức của các thế hệ trong khoa, chứ không phải đề cao một ai”.
Bốn mươi năm đam mê sử, ông đã là chủ biên và tác giả của hàng chục cuốn sách, chủ trì nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước. Nhiều học trò của ông nay đã thành đạt, giữ nhiều cương vị quan trọng. Được Nhà nước phong chức danh Giáo sư, Tiến sỹ; phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú và tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3, nhưng nói về mình, người thầy này chỉ ngắn gọn một câu: “Đôi lúc nhìn lại, có cảm tưởng mình mới làm được ít quá mà nhận được hơi nhiều”. Thành công đến từ đam mê, ông vẫn nói với các học trò của mình: “Cơ hội luôn chào đón những người học sử. Điều quan trọng là có đam mê, có quyết tâm vượt qua khó khăn, chứng minh sự thật. Học sử, vì thế, chính là học để góp phần tạo nên nhân cách con người”
Phạm Giang
Nguồn: This entry was posted in Ký ức nhà khoa học. Bookmark the permalink.