“Ông hoàng số học” Lại Đức Thịnh: Bước ngoặt lớn cuộc đời

Vào… “thiên đường” toán học

Sau khi thủ đô giải phóng (10/1954), hầu hết sinh viên ở Nam Ninh về nước. Thịnh cũng vừa học xong năm nhất và về học tiếp năm hai tại trường ĐHSP Khoa học Hà Nội, là trường đại học đầu tiên được thành lập sau ngày hòa bình. Giáo sư Lê Văn Thiêm làm Hiệu trưởng.

Nhiều nhà giáo ở Nam Ninh cũng chuyển về Hà Nội. Đây là điều vô cùng may mắn và hạnh phúc đối với Thịnh, vì họ hiểu anh qua ba năm giảng dạy và chung sống ở Đào Giã, một năm ở Nam Ninh. Họ biết anh là sinh viên giỏi, rất say mê và có năng lực về toán. Đây chính là bệ đỡ, một thuận lợi vô giá giúp Thịnh làm nên kỳ tích “Huyền thoại câu số 5”.

Sau khi tốt nghiệp, Thịnh được biên chế, dạy ở khoa Toán – Lý, bộ môn giải tích. Anh vinh dự được “sánh vai” cùng các bậc thầy, các “cây đa cây đề” xây dựng khoa toán lớn mạnh. Được các bậc tiến bối giúp đỡ, nhất là GS Ngô Thúc Lanh, anh khẩn trương vạch kế hoạch chuyên môn và học ngoại ngữ. Dự giờ thầy giảng, soạn giáo án, rồi lên lớp những giờ đầu tiên trên giảng đường đại học. Anh say sưa, khao khát khám phá, tìm kiếm những “đường cong tuyệt mỹ” của toán giải tích và đại số.

Một giáo trình ông làm chủ biên xuất bản 40 năm về trước

Vẫn như xưa, anh thường quên ăn, quên ngủ, miệt mài ở các thư viện. Với vốn tiếng Pháp ít ỏi, anh có thể dịch được những đề toàn hay để tự giải. Chỉ hai năm sau ngày ở lại khoa, cuối năm 1958, Thịnh được cử đi Nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Một bước ngoặt lớn trong cuộc đời và sự nghiệp được mở ra. Anh học Nghiên cứu sinh ở khoa Toán, Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (MGU). Thầy hướng dẫn anh là một Giáo sư, Viện sỹ lừng danh, đứng đầu Liên Xô về chuyên ngành số học, ông A.O Ghenphon – người giải được bài toán thứ 7 của Hinbe.

Thư viện quốc gia Matxcova, thư viện của trường Lômônôxốp có cơ man nào là sách, là tài liệu, bằng đủ các thứ tiếng. Một chân trời khoa học mới bao la, một đại dương kiến thức mênh mông đang rộng mở. Anh như lạc vào mê cung, thiên đường của toán học. Sau hơn ba năm, bản thảo Luận án Tiến sĩ của anh được Hội đồng Khoa học trường thông qua và khen ngợi. Còn hơn nửa năm nữa, anh lo việc bổ sung, sửa chữa Luận án và viết báo gửi cho tạp chí khoa học chuyên ngành.

Năm 1963, Luận án của anh “Số các ước trong một góc” được bảo vệ thành công trong niềm vui chung của Giáo sư hướng dẫn, của cả khoa Toán trường Lômônôxốp. Họ còn ngợi khen anh nhiều hơn vì trước khi bảo vệ, Thịnh đã có tới hai bài báo – một phần kết quả của Luận án, được công bố trên tạp chí khoa học danh tiếng GAHCCCP của Viện Hàn Lâm. Bạn bè quốc tế nơi “đôm” anh ở rất ngưỡng mộ “Thịnh số học”.

Với mỗi Nghiên cứu sinh, chỉ cần có một bài được đăng trong tạp chí này (đăng trong tạp chí này phải được một Viện sỹ hàn lâm giới thiệu) đã là mơ ước rồi. Riêng Lại Đức Thịnh lại có tới hai bài. Rất phục. Mười bốn năm sau, 1977, khi Nguyễn Tiến Tài, một đồng nghiệp, một học trò “tri âm tri kỷ” của Thịnh sang làm Nghiên cứu sinh ở chính nơi Thịnh đã theo học, vẫn còn được nghe “những dư âm” trân trọng, yêu mến của những người từng biết Thịnh trước đây.

Nén hương tưởng nhớ người thầy xa xưa

Cuối năm 1963, Tiến sĩ Lại Đức Thịnh về nước. Anh trở lại khoa Toán và giảng dạy ở bộ môn đại số. Hai năm sau ngày Thinh về nước, khoa Toán cũng như tất cả các khoa khác đều phải đi sơ tán vì cả nước có chiến tranh. Ở nơi sơ tán, thầy trò tự làm lớp học, bếp ăn, tự đào hầm tránh bom đạn. Ăn không đủ no, ngủ không yên giấc, đèn dầu tù mù không đủ sáng cho những đêm thâu anh ngồi soạn giáo án, viết sách. Một năm đôi lần, dịp hè hay tết, anh lọ mọ tìm đường đi thăm hai cô con gái nhỏ và vợ đang sơ tán theo trường cấp ba Xuân Đỉnh.

PGS.TS Lại Đức Thịnh – người hồn nhiên trước đời thường
nhưng say đắm trong chuyên môn

Chính trong hoàn cảnh này, Tiến sĩ Lại Đức Thịnh đã cho ra đời các giáo trình giảng dạy có giá trị thuộc chuyên ngành giải tích, số học. Chẳng hạn: “Giáo trình số học” tập 1, NXBGD 1967; “Giáo trình số học” tập 2, NXBGD 1969; “Giáo trình giải tích”- NXBGD 1977 và một số công trình khác… Từ Liên Xô về một năm thì anh được đề bạt làm Chủ nhiệm bộ môn giải tích (1964-1966) rồi chủ nhiệm bộ môn Đại số (1966-1979).

Năm 1981, Tiến sĩ Lại Đức Thịnh được phong học hàm Phó Giáo sư. PGS luôn tâm huyết, sống chết với nghề. PGS.TS Thịnh là con người chất phác, đôn hậu, thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy, ông luôn hết mình với thầy với đồng nghiệp và học trò.

Người thầy mà ông rất kính trọng là Giáo sư Ngô Thúc Lanh. Mọi bước trưởng thành của PGS.TS Thịnh đều có công lớn của GS Ngô Thúc Lanh. Đi Nghiên cứu sinh về nước, hôm sau là Thịnh vội vã đến thăm thầy học. Kể cả khi đã là một Phó giáo sư Tiến sĩ danh tiếng, nhưng mỗi khi gặp các thầy học cũ là Thịnh vội xuống xe, ngả mũ, cúi đầu chào rồi mới lên xe đi tiếp.

PGS.TS Thịnh có nhiều học trò yêu quý. Song có lẽ “Bá Nha Tử Kỳ” nhất là các nhà giáo Nguyễn Tiến Tài và Nguyễn Hữu Hoan. Họ vừa là học trò, vừa là đồng nghiệp của ông. Ông luôn chia sẻ với họ những vấn đề học thuật, những buồn vui, trăn trở rất riêng tư trong cuộc sống, cùng suy ngẫm về thái thế nhân tình.

Ông sống xa lạ với sự bon chen, danh lợi. Ông đã từng từ chối làm Chủ nhiệm khoa Tiểu học khi trường đề cử ông năm 1983, nhưng ông lại sẵn sàng đạp xe đạp giữa nắng hè, vượt sáu mươi cây số từ Hà Nội về Khoái Châu để dự sinh nhật một tuổi con đầu lòng của trò Nguyễn Hữu Hoan.

Lại Đức Thịnh là thế, xa lạ, hồn nhiên đến vô tư trước đời thường nhưng say đắm trong chuyên môn. Thấy ông cao gầy, đầu đội nón lá, đôi dép lốp đã cũ, quần áo tuềnh toàng, nụ cười hồn hậu… người ta dễ nghĩ đến một Đônkihôtê xứ Tây Ban Nha thời Phục Hưng.

Tháng 6 -1991, PGS.TS Lại Đức Thịnh đã vĩnh viễn ra đi cùng người vợ thân yêu do một tai nạn giao thông. Cả trường ĐHSP và khoa Toán bàng hoàng, thương tiếc cho một tài năng, môt nhân cách. “Ông hoàng số học” không còn nữa!

Hai mươi sáu năm trôi qua, từ ngày PGS.TS Lại Đức Thịnh mất, nhà giáo hưu trí Nguyễn Tiến Tài vẫn nhớ về ông như một người thầy, một chính nhân quân tử, với một trí tuệ sáng chói và sâu sắc.

Nhân dịp chín mươi năm ngày sinh của PGS.TS Lại Đức Thịnh, thay mặt lớp hậu thế, xin thắp nén nhang thơm tri ân và tưởng nhớ một người thầy xa xưa ấy.

Đài Lân
Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc