Ông “Lộc xỉ”

Từ một anh lính Cụ Hồ, năm 1956 Nguyễn Văn Lộc thi vào Khoa Mỏ – Luyện kim, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp ông được phân về khu gang thép Thái Nguyên làm trưởng ca lò cao số 1. Gắn bó với công việc nơi đây, ông mới hiểu được câu nói “luyện kim là luyện xỉ” – tức kim loại luyện ra tốt hay xấu phụ thuộc vào chất lượng của xỉ. Vì vậy, việc nghiên cứu về xỉ là tất yếu với ngành luyện kim mà ông gắn bó. Năm 1966, ông được cử sang trường Thép và Hợp kim Mátxcơva làm nghiên cứu sinh. Năm 1969 ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ với đề tài nghiên cứu về xỉ. Sau đó ông về công tác tại Khoa Luyện kim trường Đại học Bách khoa Hà Nội, để vừa giảng dạy vừa có thời gian tiếp tục theo đuổi niềm đam mê. Năm 1978, ông quay lại trường Thép và Hợp kim Mátxcơva làm nghiên cứu sinh bậc 2. Sau 4 năm, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về cấu trúc lý tưởng của xỉ lỏng trong lò cao. Từ thành công đó là sự nối tiếp ra đời các công trình nghiên cứu về xỉ có tính ứng dụng trong ngành Luyện kim Việt Nam.

Bà Tạ Kim Mai chia sẻ về niềm đam mê nghiên cứu xỉ của chồng

Trong buổi làm việc với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ngày 3-2-2015, cầm trên tay 3 bằng sáng chế của chồng, trong đó có bằng sáng chế “Phương pháp luyện gang lò bằng có xỉ với cấu trúc chuẩn trong lò cao”, được cấp năm 1984 , bà Tạ Kim Mai tâm sự “Ông nhà tôi yêu “cô xỉ” hơn cả gia đình. Và để có những bằng sáng chế này ông đã hy sinh cả đời mình cho tình yêu ấy”.

Lê Thị Hoài Thu