Ông ngoại – một người bạn lớn của tôi

Tôi rất xúc động và cảm thấy may mắn khi đất nước đã nhớ đến những nhà khoa học có đóng góp cho nền khoa học nước nhà nói chung và ông ngoại tôi nói riêng. Đây thực sự là một tín hiệu vui và việc làm cần thiết cho thế hệ trẻ của đất nước sau này. Tôi rất cảm ơn những thành viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã dành công sức và tâm huyết để xây dựng một di sản văn hóa cho tương lai.

Nói về ông ngoại tôi – PGS Hoàng Bá Long[1], những kỉ niệm và cảm xúc với ông chắc phải mất vài ngày, vài tháng mới kể hết. Có thể nói trong gia đình, ông là người gắn bó và đi liền với tuổi thơ của tôi nhất. Do bố mẹ còn bận rộn đi làm, ông là người thường xuyên đưa đón và chơi với tôi, là người đầu tiên dạy tôi tiếng Pháp và truyền cảm hứng về nước Pháp cho tôi để rồi mang đến ước mơ du học Pháp cho tôi sau này.

Với tôi, ông thật là gần gũi, thân thương, nên khi cô giáo ra đề bài tập làm văn với chủ đề về người thân, tôi nghĩ ngay đến ông. Dạo đó, tôi mới chỉ học lớp 3 hay lớp 4 gì đó (năm 1995-1996). Tôi viết bài văn về ông với tất cả tình cảm chân thật của mình, sau đó chép lại để tặng ông nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam 20-11. 

Lời chúc mừng ngày 20-11 của cháu Nguyễn Thanh Diệp gửi ông ngoại – PGS Hoàng Bá Long

Bài văn được viết với tình cảm chân thật mà tôi luôn dành tặng ông. Tuy chưa bao giờ được lên giảng đường nghe ông dạy (mặc dù đó mãi mãi là một ước mơ của tôi), nhưng tôi cũng đã có may mắn được chứng kiến những buổi dạy tiếng Pháp hoặc hướng dẫn thêm về chuyên môn tại nhà của ông cho các anh chị sinh viên trường Dược. Ông dạy mà không lấy học phí nhưng phải thực sự nghiêm túc theo học mới trụ được vì nếu không ông sẽ từ chối. Cả anh trai tôi và tôi cũng đã được ông dạy tiếng Pháp. Lúc đó, anh trai tôi theo học rất nghiêm túc nên tiến bộ rất nhanh trong khi tôi vì quá gần gũi với ông nên đã không tiến xa. Các cụ vẫn có câu “dao sắc không gọt được chuôi”, chính là trường hợp của tôi với “những buổi học làm sứt mẻ tình ông cháu” mà tôi có nói đến trong bài văn tặng ông. Tuy vậy, những câu tiếng Pháp đầu đời đó đã luôn để lại trong tôi những hình ảnh đẹp về nước Pháp cũng như văn hóa Pháp để rồi giờ đây, tôi đang sống và làm việc tại Pháp.

Với cá nhân tôi, ông luôn là tấm gương lớn để tôi noi theo. Sinh ra trong một gia đình có 10 anh em, ông luôn là học sinh và sinh viên xuất sắc nhất trường với các bằng khen và giải thưởng toàn Đông Dương, là người anh lớn của gia đình và được các em yêu mến và nể trọng. Ông tôi có nguyện vọng học ngành Dược, nhưng vì nhà đông anh chị em, nên bố mẹ ông muốn ông theo học cử nhân Luật để sau 3 năm là tốt nghiệp (ngành Dược phải học 5 năm) và đã có thể kiếm tiền phụ bố mẹ nuôi các em. Vì trách nhiệm con trưởng mà bố mẹ đặt lên vai, ông đã vâng theo lời bố mẹ nhưng vẫn không từ bỏ mơ ước của chính mình nên ông đã học song song cả hai trường Đại học Luật và Y-Dược. Với lòng yêu nước và nỗ lực không ngừng, ông đã trở thành một trong những nhà khoa học hàng đầu trong ngành Hóa dược. Nghị lực của ông còn thể hiện ngay trên đôi bàn tay phải bị trúng đạn, chỉ cử động được ngón trỏ và ngón cái nhưng ông vẫn ngày đêm viết bài giảng, chấm bài cho sinh viên hay nghiên cứu khoa học; hay việc ông đã cai hút thuốc chỉ trong vòng một ngày khi phát hiện mình bị ung thư và cũng thương cháu không muốn cháu bị ảnh hưởng bởi khói thuốc;cũng như việc ông chiến đầu chống lại bệnh ung thư trong suốt 5-6 năm trời mặc dù lúc đầu bác sĩ chẩn đoán chỉ sống được 3 tháng.

PGS Hoàng Bá Long cùng cháu ngoại Nguyễn Thanh Diệp tại công viên Thủ Lệ, khoảng năm 1994

Không chỉ noi gương ông trong cách làm việc và phấn đấu, tôi còn may mắn được ông truyền ảnh hưởng qua cách sống chính trực và cách nhìn đầy đấu tranh và xây dựng của ông. Hồi bé, tuy không hiểu hết nhưng mỗi lần ngồi nghe ông tâm sự với bạn bè đồng nghiệp, tôi đã hiểu thế nào là tiêu cực, là kết bè cánh, là tham nhũng và phải đấu tranh chống lại. Giọng ông luôn sang sảng và đầy phê phán khi nhắc đến những bất cập trong trường cũng như ngoài xã hội. Ông đã cống hiến cả đời cho cách mạng bằng sức lực, bằng tri thức và bằng cả những ý kiến đóng góp xây dựng xã hội khi đã hòa bình. Với một xã hội thời đổi mới đầy cám dỗ và cạm bẫy về vật chất và quyền lực, ông vẫn luôn vững lòng với cách sống chính trực mà chưa một lần bị gục ngã. Ví dụ như việc ông không vào Đảng vì tránh những vấn đề vây cánh ở trường nhưng luôn nói với con cháu rằng: “Không nhất thiết phải là Đảng viên mới đóng góp được cho đất nước, con hãy sống và làm việc hết mình cũng đã là xây dựng đất nước lành mạnh và tươi đẹp rồi”.

Các câu chuyện và tấm gương về ông thì rất nhiều nhưng tôi chỉ muốn nói: dù trên chiến trường, ông là một chiến sĩ anh dũng và quả cảm; trên bục giảng, ông là một giáo viên “thét ra lửa” và nghiêm nghị khiến nhiều sinh viên e ngại; tại trường Đại học Dược Hà Nội ông là một nhà nghiên cứu được nhiều thế hệ nể trọng thì ở nhà, ông vẫn mãi là người ông hết mực yêu thương con cháu. Các anh chị sinh viên hay bạn bè đến nhà chơi đều ngỡ ngàng trước cảnh hai ông cháu chơi đùa với nhau. Không ai nghĩ rằng một giáo sư “khét tiếng” ở trường mà ở nhà lại bị một đứa bé 7 tuổi (là tôi) nhổ râu, trêu trọc hay “lôi ra dạy học” (ngày trước tôi cũng thích làm giáo viên nên hay giả vờ dạy ông những môn tôi được học ở trường).

Dù ông đã ở một nơi xa nhưng tôi tin rằng ông vẫn luôn dõi từng bước trưởng thành của mình và tôi luôn tâm niệm phải cố gắng phấn đấu để xứng đáng là đứa cháu yêu quí của ông.

ThS Nguyễn Thanh Diệp

Cháu ngoại PGS Hoàng Bá Long

 

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam trân trọng giới thiệu với quý bạn đọc toàn văn bài “Lời chúc mừng”:

 

Ông ơi! Hôm nay là ngày 20-11, con chúc mừng ông: “Vạn thọ vô cương-Sống lâu trăm tuổi-An khang thịnh vượng-Sức khỏe dồi dào”. Con yêu ông lắm. Ông đừng nói chuyện “không vui” nữa mà cứ lạc quan, yêu đời để còn sống với con đến khi con lấy chồng chứ ông!?… Con xin tặng ông cả bài văn con tả ông, đây là tâm huyết của con đấy!

Bài văn

Hôm nào đi học về, ông tôi luôn mừng tôi về một cách vui vẻ và hỏi: “Tý hôm nay đi học có vui không?”. Ông rất yêu quý tôi.

Ông đã già lắm rồi, ông đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng ông vẫn rất lạc quan yêu đời. Ông là một giáo sư về hưu. Chính vì thế nên ông có một tiếng nói sang sảng như ông đang giảng bài vậy, nhưng đặc biệt nhất là ông có một tiếng cười rất sảng khoái, thoải mái và rất to. Khuôn mặt ông phúc hậu, hiền từ. Ông đã làm bộ đội chống Pháp, khi chiến đấu ông đã bị thương ở cánh tay phải và không cử động được ba ngón cuối. Mỗi khi trở trời, ông lại đau ê ẩm cả người. Đôi mắt ông tôi đã đục dần theo năm tháng dạy các anh chị sinh viên nên người. Mái tóc ông đã phủ trắng chỉ còn lơ thơ vài sợi tóc đen. Nhìn mái tóc của ông, tôi hiểu rằng mỗi sợi là sự quan tâm, lo lắng cho các lớp trẻ sau này. Trong nhà, tôi và ông thường trêu nhau làm cả nhà buồn cười, bố mẹ tôi thường bảo: “Hai ông cháu như diễn kịch”. Những lúc như vậy, gia đình nhỏ bé của tôi lại tràn ngập tiếng cười hạnh phúc. Tuy vui tính nhưng ông vẫn nghiêm khắc trong việc học tập của tôi. Ông vẫn luôn nhắc nhở tôi ngồi học phải ngay ngắn để khỏi bị cận thị và động viên tôi học thêm tiếng Pháp với ông. Mỗi khi tôi không thuộc từ mới ông lại phạt tôi phải chép lại hai dòng từ đó. Ông tôi gọi những buổi học đó là buổi học “làm sứt mẻ tình ông cháu”. Thực ra hai ông cháu tôi sống với nhau rất vui vẻ và hòa thuận.

Đối với tôi, ông không chỉ là một người ông hết mực thương yêu cháu mà còn là một người thày và một người bạn lớn của tôi.

 

* Con gái PGS Hoàng Bá Long và là mẹ của ThS Nguyễn Thanh Diệp.

[1] Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Hóa dược, trường Đại học Dược Hà Nội.