Giáo sư Phạm Gia Khôi sinh năm 1936 trong một gia đình tiểu tư sản trí thức. Mặc dù quê gốc tại làng Kim Liên (nay thuộc phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội), nhưng ông được sinh ra tại Hải Phòng, trong thời gian bố ông – ông Phạm Gia Chang (sinh năm 1906) đang làm việc tại Đài Thiên văn Phù Liễn, tỉnh Kiến An1]. Đến cuối năm 1939, gia đình ông về sống tại phố Triệu Việt Vương, Hà Nội.
Vì gia đình đông anh chị em, bố lại là người nghiêm khắc, thường đánh đòn, nên từ nhỏ, ông đã cảm nhận sự gần gũi, thân thiết hơn với mẹ – bà Nguyễn Thị Đỉnh (sinh năm 1911, quê gốc tại Hà Nội) và gia đình bên ngoại. Ông chia sẻ: “Mẹ tôi là một người mẹ hết ý, trên đời này hiếm có người mẹ nào thương yêu chồng con như mẹ kính yêu của tôi. Mẹ ân cần chăm sóc các con từng miếng ăn, giấc ngủ. Mẹ chỉn chu, động viên chồng con sống vui, sống tốt với mọi người[2]”.
Cậu Khôi thường được mẹ đưa sang chơi nhà ông ngoại Nguyễn Công Tiễu[3] tại phố Ngọc Hà, Hà Nội. Lúc đó, trong khuôn viên gia đình, cụ Tiễu đã cho xây dựng một vườn sinh thái nuôi các loài sinh vật để nghiên cứu, cụ gọi là Thủy thiên trang. Vốn tính tò mò, ưa khám phá, nên Phạm Gia Khôi rất thích thú mỗi lần đến Thủy thiên trang. Ông chia sẻ: “Tôi rất vui mỗi lần được chạy nhảy trong vườn rộng nhiều hoa trái sum suê, thích thú ngắm nhìn bộ sưu tập các loài bướm của ông ngoại[4]”. Ông cũng hay xin cụ Tiễu những chiếc ghim côn trùng nhỏ để uốn cong làm lưỡi câu cá.
Bấy giờ, điều kiện, công cụ làm việc nghiên cứu chỉ trên kính hiển vi, nên mắt cụ Tiễu bị ảnh hưởng nhiều, yếu dần rồi lòa hẳn. Hầu như lần nào đến chơi Thủy thiên trang, cậu bé Khôi cũng bắt gặp hình ảnh cụ Tiễu bên bàn làm việc bên bộ đồ viết chữ nổi Braille, với ngón tay dò chữ rất nhanh. Đồ đạc xung quanh bàn làm việc cũng được cụ Tiễu sắp xếp rất ngăn nắp, gọn gàng, quy củ, nên khi cần có thể với tay là lấy được mà không cần nhờ vả người khác. Mỗi lần đến thấy ông ngoại làm việc, cậu Khôi chỉ len lén đứng ngoài cửa phòng ngắm ông, vì sợ ảnh hưởng đến công việc của ông.
Những khi cháu ngoại Phạm Gia Khôi đến chơi, cụ Tiễu đều ân cần, trìu mến đón cháu vào lòng, và kiên nhẫn giải đáp hết mọi thắc mắc của đứa cháu ham học hỏi. Sau này GS.TS Phạm Gia Khôi bồi hồi nhớ lại: “Chính những lần gặp ông ngoại, nhìn thấy ông bên bàn làm việc, đã để lại ấn tượng sâu sắc với tôi về hình ảnh một nhà khoa học chân chính, để tôi cố gắng phấn đấu trở thành một nhà khoa học như ông[5]”. Ông Khôi nhớ lúc đó cụ Tiễu rất nghiêm khắc, yêu cầu các thành viên trong gia đình không được xê dịch đồ đạc cá nhân của cụ. Về ăn uống và sinh hoạt, cụ Tiễu cũng dặn dò người nhà chuẩn bị chu đáo, ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ. Những tác phong tưởng chừng giản dị ấy lại là những bài học sâu sắc đối với cậu bé Khôi, theo thời gian cậu không ngừng học hỏi.
Năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Phạm Gia Khôi theo gia đình sơ tán về quê ngoại ở làng Trà Bồ, xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Tại đây, cậu bắt đầu theo học tại trường tiểu học Trà Bồ. Từ thời tiểu học, Phạm Gia Khôi đã có năng khiếu và sở thích về toán, lý, thường đạt điểm cao trong các kỳ thi. Mặc dù không phải người chăm chỉ nhưng vì thông minh, chữ viết đẹp, nên cậu thường được thầy cô khen. Cũng vì viết chữ đẹp, nên cậu được cụ Tiễu nhận làm “thư ký”. GS.TS Phạm Gia Khôi hồi tưởng: “Lúc đó mắt ông ngoại tôi đã lòa, nên tôi thường giúp ông ngoại ghi chép lại những bài thơ cụ tự sáng tác, hoặc những nghiên cứu về sinh vật học[6]”.
GS.TS Phạm Gia Khôi xúc động nhớ lại những ký ức về ông ngoại Nguyễn Công Tiễu
Những khi cụ Tiễu và con rể (bố Phạm Gia Khôi) cùng đàm đạo thơ ca, cậu luôn ở bên cạnh để học hỏi. Cũng vì thế, lớn lên GS.TS Phạm Gia Khôi rất thích thơ ca, thường sáng tác thơ vào những dịp lễ tết và đọc cho gia đình nghe trong các buổi họp mặt. Ngoài thơ ca, cậu bé Khôi còn được cụ Tiễu dạy cách lấy lá số tử vi. Cậu háo hức, nuốt từng câu, từng chữ, và ngạc nhiên, khâm phục trình độ hiểu biết của ông ngoại. Lúc đó, mặc dù tử vi rất phức tạp nhưng cụ Tiễu đã kiên trì giảng dạy cho cháu về âm dương, ngũ hành, thập can, thập nhị chi…; các cung Mệnh Viên, Quan Lộc, Tài Bạch, Thiên Di, Huynh Đệ, Phụ Mẫu, Nô Bộc… Nhờ ham học hỏi, chỉ trong thời gian ngắn, Phạm Gia Khôi đã biết lập số tử vi trên 12 cung thiên bàn và địa bàn.
Sau này khi đã lớn, theo gợi ý của cụ Tiễu, Phạm Gia Khôi tiếp tục tìm đọc sách về tử vi ở Thư viện quốc gia. Ông cũng thử thực hành lập lá số tử vi cho nhiều người bạn, và được mọi người nghiệm thấy đúng. Có lần, trong khi dạy cháu học tử vi, cụ Tiễu buồn rầu nói: "Cháu ơi, không có gì đau lòng hơn, người thân yêu nhất của mình, những đứa con rứt ruột đẻ ra, mình yêu quý lắm, thương yêu lắm nhưng lại ra đi trước cả mình. Thà không biết thì hơn cháu ạ! Còn cháu cứ tiếp tục càng đi sâu càng tốt về môn khoa học tâm linh huyền bí này, rút kinh nghiệm nên tránh xem cho người thân thì hơn. Ông tin ở cháu!”[7].
Năm 1949, Phạm Gia Khôi theo gia đình trở về Hà Nội, tiếp tục những năm phổ thông và học cấp 3 tại trường Nguyễn Trãi, rồi thi đỗ vào trường Đại học Y dược khoa Hà Nội. Lúc đó cụ Nguyễn Công Tiễu cũng từ Hưng Yên trở về Hà Nội, nhưng Thủy thiên trang đã bị Pháp đốt phá. Căn nhà của cụ Tiễu vẫn ở phố Ngọc Hà nhưng diện tích đã bị thu hẹp lại.
Thời phổ thông và đại học, Phạm Gia Khôi vẫn thường đến thăm hỏi và lắng nghe cụ Tiễu chia sẻ về cách đối nhân xử thế. Mặc dù về cuối đời, cụ Tiễu rất yếu, mắt lòa và đi lại khó khăn, nhưng luôn dành thời gian lắng nghe Phạm Gia Khôi chia sẻ về cuộc sống và việc học tập. Tình cảm ông cháu vì thế mà luôn gắn bó khăng khít. Càng thương và kính trọng ông ngoại, Phạm Gia Khôi càng quyết chí học thành tài. Năm 1960, sau khi tốt nghiệp Đại học Y dược khoa Hà Nội, ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy tại Bộ môn Vật lý – Toán.
Năm 1976, khi đang đi thực tập sinh ở Hungari, ông nhận được thư của gia đình báo tin cụ Tiễu qua đời. Quá bàng hoàng và thương tiếc, nhưng ông cố giấu nỗi đau to lớn ấy, để quyết tâm hoàn thành tốt chương trình thực tập. Ngay khi về nước, với tất cả lòng thành kính thương nhớ, ông đến thắp nén nhang bên phần mộ của ông ngoại.
Luôn tâm niệm phải quyết tâm trở thành nhà nghiên cứu khoa học như ông ngoại, Phạm Gia Khôi miệt mài học hỏi và nghiên cứu. Với những đóng góp cho ngành Trang thiết bị y tế, ông được đề bạt làm Viện trưởng Viện Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế, giai đoạn 1987 – 1997, được phong hàm Phó giáo sư năm 1984 và Giáo sư năm 1992. Sau này, khi đã làm cha, làm ông, GS.TS Phạm Gia Khôi vẫn luôn tự nhắc nhở bản thân học tập tác phong của cụ Tiễu, có dịp họp mặt gia đình ông vẫn kể cho con cháu nghe những kỷ niệm về ông ngoại – cụ Nguyễn CôngTiễu.
Mỗi lần nhớ về những ký ức tuổi thơ, GS.TS Phạm Gia Khôi luôn cảm thấy tự hào vì mang trong mình hai dòng máu Phạm Gia và Nguyễn Công. Đối với ông, việc được theo học ông ngoại Nguyễn Công Tiễu từ thời thơ ấu là một may mắn. Ông ngoại đã truyền cho ông những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, tác phong khoa học, và luôn nhắc nhở ông: "Dù trong hoàn cảnh oái oăm nào, gian khổ hay khó khăn đến mấy thì con người ta vẫn phải sống tử tế, sống có ước mơ, hoài bão"[8].
Phạm Ngọc Hải
[2] Ghi âm hỏi thông tin GS.TS Phạm Gia Khôi, 22-7-2015, tài liệu lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[3] Nguyễn Công Tiễu (1892-1976) là nhà Nông học của Việt
[4] Ghi âm hỏi thông tin GS.TS Phạm Gia Khôi, 22-7-2015, tài liệu đã dẫn.