GS.NSND Trần Bảng sinh trưởng trong gia đình có truyền thống làm nghệ thuật tại huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Phòng. Ông là con trai của nhà văn Trần Tiêu với nhiều tác phẩm nổi tiếng về nông thôn Việt Nam và là cháu ruột của Khái Hưng, một cây bút chủ chốt của nhóm Tự lực văn đoàn với nhiều truyện ngắn hay. Ngay từ nhỏ, Trần Bảng đã sớm được tiếp cận với nền văn hóa phương Tây thông qua những tác phẩm văn học trong nước và ngoài nước của cha và bác nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến con đường nghệ thuật của ông.
GS. NSND Trần Bảng
Năm 1951, Trần Bảng tham gia vào Đoàn văn công trung ương của Nha thông tin Hải Phòng, con đường đến với Chèo, rồi khôi phục nghệ thuật Chèo của ông cũng bắt đầu từ đó. Hơn nửa thế kỷ gắn bó cuộc đời với nghệ thuật Chèo Việt Nam, dù đảm nhiệm nhiều trọng trách như: Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu Bộ Văn hoá Thông tin; Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khóa I, nhưng nơi ông gắn bó nhất vẫn là Nhà hát Chèo Việt Nam. Đối với Trần Bảng, Chèo là một lĩnh vực nghệ thuật đậm sắc dân gian truyền thống với những làn điệu bay bổng thướt tha nhưng không kém phần thâm thúy và hài hước dễ đi vào lòng người. Nhiều tác phẩm chèo được ông cho là “di dản văn hóa dân tộc” cần phải được trân trọng và nuôi dưỡng như những đứa con tinh thần. Trần Bảng đã cùng các cộng sự của mình khai thác, bảo tồn các vở chèo cổ, lưu giữ nghệ thuật sân khấu của người xưa, đồng thời xây dựng vở diễn mới mang hơi thở và những thông điệp của cuộc sống hiện đại. NSND Trần Bảng nhớ mãi kỷ niệm khi vở chèo “Quan âm thị Kính” và “Súy Vân” được sánh vai cùng các tác phẩm ca kịch nổi tiếng thế giới trong dịp Liên hoan ca kịch quốc tế tại Đức, năm 1985. Khi đó ông đã khóc khi nhận được những tràng vỗ tay ủng hộ dài của khán giả quốc tế sau khi xem vở diễn chèo, mơ ước của ông khi bắt đầu đến với nghề Chèo đã thành hiện thực.
Đến nay đã gần 90 tuổi, GS. NSND Trần Bảng và vợ vẫn sinh sống, gắn bó với ngôi nhà của mình ở khu tập thể B1, Giảng Võ – nơi gắn nhiều kỷ niệm với "đôi bạn già", chắc bởi một lẽ ông luôn trân trọng, giữ gìn truyền thống, cũng như ông đã sống và cống hiến hết cuộc đời cho nghệ thuật Chèo Việt Nam.
Lưu Thị Thúy