Qua cầu Chương Dương theo hướng cầu Đuống, chúng tôi tìm về làng Tình Quang – nơi chôn rau cắt rốn và gắn bó cả cuộc đời của GS.TS Hoàng Văn Hành, nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện khoa học Xã hội Việt Nam. Làng Tình Quang nay là phường Giang Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, nằm ngay bên bờ đê sông Đuống. Đường làng đã rải bê tông chứ không còn lầy lội như những ngày xưa cậu bé Hoàng Văn Hành cắp sách đến trường.
Nhắc đến GS Hoàng Văn Hành, người làng đều biết danh bởi cho đến nay, ông vẫn là nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ duy nhất trong làng. Theo người thân cho biết, ông được mệnh danh là “ông quan chân đất” bởi sự gần gũi, giản dị trong đời sống và hòa đồng với mọi hoạt động của xóm làng … Ông đã giúp làng xã xây dựng bộ tư liệu lịch sử làng và đình để được Bộ Văn hóa công nhận là di sản văn hóa.
Trong căn nhà nhỏ của gia đình ông, xen lẫn tiếng cười đùa vang nhà của các cháu, bà quả phụ Trương Thị Hồ nhớ lại: “Hai chúng tôi là người cùng làng, cưới nhau vào năm vỡ đê Mai Lâm (năm 1956-Tg). Ông Hành tuy làm khoa học, ở cương vị cao, nhưng khi về nhà ông sống rất giản dị cùng vợ con”. Bà vẫn nhớ những bữa cơm đạm bạc chỉ có mì hạt và sắn nạo thời bao cấp, mấy mẹ con để dành cơm cho ông, nhưng ông thường san sẻ cho cả nhà. Khi các con tập nấu cơm, “trên sống dưới khê, tứ bề nhão nhoét”, ông vẫn hài hước pha trò rồi vui vẻ ăn, không một lời chê bai, trách mắng.
Tuy làm tại Viện Ngôn ngữ ở trung tâm Hà Nội, nhưng ngày ngày, GS Hoàng Văn Hành vẫn cọc cạch chiếc xe đạp cũ để về nhà. Đầu những năm 90, khi kinh tế gia đình khá giả hơn, ông sắm được chiếc xe Babetta rồi “lên đời” xe DD để đi lại. Nhiều lần, dân làng nói với bà Hồ: thấy ông Hành đang hì hụi ngồi sửa xe ở dọc đường, tội quá!. Giản dị là vậy, ông vẫn thường an ủi vợ, không có của thì gắng cho các con ít chữ, thắt lưng buộc bụng cho con ăn học. Tình thương của ông chắt chiu hết nơi bốn người con. Ông không bao giờ nặng lời quát mắng hay đánh con. Con gái cả Hoàng Thị Dung nhớ lại: hồi cô ôn thi cấp ba, nhưng vẫn mải đi chơi với các bạn. Ông gọi cô về, không trách mắng mà chỉ xoa đầu và nói: “Con gái bố giỏi nhỉ!”. Lần khác, con gái Hoàng Yến mượn được quyển truyện hay nhưng phải trả gấp, buổi tối sau khi học xong cô ngồi đọc đến khuya, GS Hành pha sữa mang đến cho con và nhẹ nhàng, “Con gái uống sữa rồi đi ngủ, khuya rồi”. Chỉ những lời nhẹ nhàng, từ tốn ấy nhưng khiến cô cảm thấy có lỗi và nhớ suốt đời.
Các con của ông cũng không thể nào quên hình ảnh ông còng lưng cắm cúi làm việc vào những ngày cuối tuần ở nhà. Ấn tượng ấy cũng hằn sâu trong tâm thức của cô con gái Hoàng Yến, khiến cô viết nên bài văn xuất sắc từ hồi lớp 6 với chủ đề cảm xúc khi thức dậy thấy cha đang làm việc, được cô giáo tuyên dương và giữ làm bài văn mẫu. Đôi lúc, để phụ giúp vợ con, GS Hành săm sắn ra đồng cùng vợ cấy cày. Có lần, dân làng hò nhau ra xem “cả nhà ông Hành đi cấy” như một hiện tượng lạ. Theo lời bà Trương Thị Hồ, không những cấy giỏi, GS Hành còn nấu ăn ngon và khéo tay, thường tự tay cắt tóc cho các con gái.
Khoảnh khắc hạnh phúc cùng các con, Tết Mậu Dần (1998)
GS.TS Hoàng Văn Hành (thứ ba từ trái)
Trong dòng hồi ức về người chồng, người cha kính yêu, GS Hành còn là người ảnh hưởng lớn đến nhân cách và con đường sự nghiệp của các con. Cô con gái út Hoàng Thị Nhung hiện đang nối nghiệp cha, công tác tại Viện Ngôn ngữ. Trong ký ức của cô, từ nhỏ cô đã sợ cha, đặc biệt, sự im lặng của ông là hình phạt nặng nề nhất với cô. Theo lời khuyên của cha, cô đi vào lĩnh vực ngôn ngữ và càng học càng cảm thấy hay. Khi về công tác tại Viện Ngôn ngữ học, cô nhớ mãi lời của ông trong một buổi nói chuyện với thế hệ trẻ của Viện: “Mỗi người làm việc ở Viện nghiên cứu nên xác định cho mình một hướng đi”. Câu nói ấy đã dẫn dắt để cô tự tìm hướng nghiên cứu riêng cho mình trong lĩnh vực từ điển, đối chiếu tiếng Việt và tiếng Pháp.
Cô con gái Hoàng Yến tâm sự: “Trên đường chúng con đi, thuận lợi nhiều nhưng áp lực cũng rất lớn. Chúng con luôn ý thức và có thái độ lao động khoa học nghiêm túc, luôn biết mình cần phải cố gắng nhiều hơn, vì đam mê và danh dự của bản thân và cao hơn hết thảy là uy tín của cha, là danh dự của gia đình. Chặng đường phía trước còn nhiều gian khó, nhưng con tin mỗi bước chúng con đi đều có cha nâng bước…”
Mới đây, trong bài làm văn tả về ông nội của mình, cô bé Thùy Dương viết về ông một cách đầy tự hào: “Trong gia đình em có rất nhiều người làm công việc lao động trí óc, nhưng người mà em kính mến và khâm phục nhất là ông nội của em. Ông tên là Hoàng Văn Hành. Ông là một trong những giáo sư hàng đầu của Việt Nam nghiên cứu về ngôn ngữ học. Dáng người ông dong dỏng cao, ông luôn nở nụ cười tươi rói và hiền hậu. Ông sống rất giản dị và gần gũi với mọi người. Ông đã có hàng trăm cuốn sách được xuất bản. Em rất tự hào về ông nội em. Em mong ước lớn lên sẽ trở thành nhà ngôn ngữ học như ông nội em”.
GS.TS Hoàng Văn Hành đã đi xa qua một thập kỷ, nhưng những tình cảm yêu mến, kính trọng với niềm tự hào của vợ và các con cháu dành cho ông vẫn vẹn nguyên. Trong không gian ngôi nhà nhỏ ấm cúng, hình bóng của ông vẫn còn đâu đây – một nhà khoa học tên tuổi nhưng bình dị đến lạ lùng.
GS.TS Hoàng Văn Hành từng là Hiệu trưởng trường Phổ thông Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình (1954-1958);
Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Ty Giáo dục tỉnh Hòa Bình (1958-1960);
Từ năm 1964, ông công tác tại Viện Ngôn ngữ học và đảm nhiệm các chức vụ: Viện trưởng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Ngôn ngữ (1991-1995); Nghiên cứu viên cao cấp, Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội; Ủy viên Ban chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam (1995-2001).
Các công trình tiêu biểu bao gồm “Từ ngữ tiếng Việt trên đường hiểu biết và khám phá”; “Từ láy tiếng Việt: Hình thái cấu trúc – từ láy – từ ghép – chuyển loại”,…
Trần Bích Hạnh
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam