PGS Nguyễn Hoành Khung với việc nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng

PGS Nguyễn Hoành Khung (1938-2023), quê Thái Bình. Từ nhỏ, nhờ có kho sách của bố (cụ Nguyễn Danh Hoàn) mà Nguyễn Hoành Khung đã sớm hình thành thói quen và niềm yêu thích đọc sách, đặc biệt là sách văn học. Việc "bơi trong đống sách, báo ấy" đã trở thành món đặc sản về văn hóa mà ông có được. Nguyễn Hoành Khung đọc và yêu thích nhiều tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại, trong đó có các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đăng trên Hà Nội báo. Ông sớm có những cảm nhận riêng về các tác phẩm của nhà văn này. Khi tốt nghiệp khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp (1960), dù các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng trong giai đoạn này, “gần như” bị cấm lưu hành[1] nhưng ông vẫn đến phòng đọc đặc biệt của thư viện Quốc gia để tìm đọc. Ông quan tâm tìm hiểu sâu những nhận định của độc giả, của giới nghiên cứu phê bình về Vũ Trọng Phụng.

Khi chia sẻ với chúng tôi về quá trình nghiên cứu Vũ Trọng Phụng, PGS Nguyễn Hoành Khung đã dẫn dắt từ một sự kiện diễn ra vào năm 1987 để gợi nhớ đến bối cảnh xã hội, trong đó có đời sống văn học thời điểm đó cũng như lịch sử vấn đề. Đó là buổi nói chuyện về Vũ Trọng Phụng vào sáng chủ nhật, ngày 6-12-1987 do một nhóm người yêu thích Vũ Trọng Phụng tổ chức. Ông Nguyễn Hoành Khung dù không là thành viên của Hội Nhà văn nhưng nhiều lần được mời đi nói chuyện về văn học cho các đối tượng khác nhau, ông cũng là diễn giả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) là đại hội đổi mới toàn diện – đổi mới về tư duy chính trị, kinh tế, văn hóa văn nghệ, là bước ngoặt quan trọng của lịch sử Việt Nam. Theo PGS Nguyễn Hoành Khung chia sẻ: Riêng về văn hóa văn nghệ thì sự đổi mới thời điểm ban đầu chưa quyết liệt lắm, do đó không khí còn đụng độ cái cũ đang còn thống trị và cái mới đặt ra một cách bức xúc. Nói về chuyện Vũ Trọng Phụng thì rất dài. Thời điểm đó, với giới văn học và xã hội, Vũ Trọng Phụng là tên tuổi cấm kỵ, suốt mấy thập kỷ tác phẩm của Vũ Trọng Phụng bị đào sâu chôn chặt, gần như không được nói đến. Cho nên, việc tổ chức buổi nói chuyện công khai về Vũ Trọng Phụng, và dường như có tính chất đề cao, kỷ niệm, là hết sức đặc biệt. Sau này báo chí nhắc đến buổi nói chuyện ấy coi là buổi kỷ niệm nhân dịp 70 năm sinh Vũ Trọng Phụng. Lúc đầu, bản thân tôi cũng không nghĩ chuyện kỷ niệm. Nội dung của buổi nói chuyện quanh quẩn, tập trung vào vấn đề, chủ yếu điểm duyệt lại lịch sử nghiên cứu phê bình Vũ Trọng Phụng[2].

Buổi nói chuyện diễn ra ở một phòng nhỏ nằm trên gác 3 của Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô – phòng của Câu lạc bộ đọc sách do các cán bộ về hưu thành lập. Người phụ trách câu lạc bộ này, ông Nguyễn Hoan, không thuộc lớp trí thức, vốn là công nhân cơ khí nhưng yêu văn chương, rất nhiệt tình, hăng hái, rất tâm huyết với vấn đề Vũ Trọng Phụng. Nhân khi Giám đốc Cung văn hóa đi Liên Xô, ông lẳng lặng tổ chức buổi nói chuyện “lậu” về Vũ Trọng Phụng. Do tổ chức bí mật nên không có giấy mời hay đăng báo, lại không có điện thoại, nên đích thân người tổ chức đạp xe đi tìm, mời những người cần thiết, rồi mọi người báo cho nhau, ai quan tâm thì đến nghe. Ban tổ chức đã mời được những người cần thiết nhất nên buổi nói chuyện rất cảm động. Đó là một số văn nghệ sĩ thân thiết với Vũ Trọng Phụng. Trong đó tiêu biểu là nhà thơ Vũ Đình Liên là hàng xóm, bạn học thân thiết từ thời học trường Hàng Vôi, cũng là bạn văn, qua lại thân thiết với gia đình kể cả sau khi Vũ Trọng Phụng đã mất. Ông Liên phát biểu, vừa khóc, vừa đọc 2 bài thơ.

Thứ hai là nhà văn Đồ Phồn (tức Bùi Huy Phồn), người nổi tiếng với hai câu đối trong lễ viếng Vũ Trọng Phụng: Cạm bẫy người: tạo hóa khéo căng chi, qua “Giông tố” tưởng nên “Số đỏ”/“Số độc đắc” văn chương vừa trúng thế, bỗng “Dứt tình”, “Không một tiếng vang”[3]. Trong buổi nói chuyện, ông Đồ Phồn rưng rưng nói: Tôi sung sướng được sống đến hôm nay để được nghe buổi nói chuyện về nhà văn lớn, người bạn thân thiết mà tôi suốt đời quý và ân hận[4]. Ông Đồ Phồn kể lại lời đặn của nhà văn Nguyên Hồng[5] (khi nhà văn sống ở Bắc Giang) với ông rằng: Hễ các anh ở Sư phạm có tọa đàm về Vũ Trọng Phụng thì gọi tớ về. Có phải chống gậy tớ vẫn về, nói cho hả, cho đã thì chết mới đỡ ân hận. Nếu cứ để Vũ Trọng Phụng bị án oan như vậy, liệu khi chúng mình chết, có dám nhìn mặt Vũ Trọng Phụng không?[6]. Và hôm ấy ông Đồ Phồn tâm sự: Hôm nay tôi được nghe như thế này, tôi cảm thấy tôi có thể chết được rồi[7].

PGS Nguyễn Hoành Khung chia sẻ: Nghe ông Đồ Phồn nói vậy, tôi xúc động lắm, nhưng vẫn thấy Vũ Trọng Phụng có cái gì đó phức tạp. Do vậy, trong bài nói chuyện của mình, tôi phân tích một số yếu tố phức tạp trong tác phẩm Giông tố và lập luận rằng các thiên tài thường rất phức tạp, cái phức tạp của Vũ Trọng Phụng là ít. Như vậy, tôi đã góp phần hóa giải cái án “phức tạp” của Vũ Trọng Phụng. Đồng thời, tôi còn ủng hộ Nguyễn Đăng Mạnh khi ông ấy có bài viết khoa học, có căn cứ mới mẻ, bằng các tác phẩm cụ thể chứng minh, nhìn lại Vũ Trọng Phụng là nhà văn lớn, tư tưởng tiến bộ… Dù còn điểm này điểm khác nhưng Nguyễn Đăng Mạnh là người đi đầu, có nhiều cái đổi mới[8].

Thứ ba, họa sĩ Mạnh Quỳnh – người nổi tiếng, quen thuộc với người dân Hà Nội, cũng là người gắn bó, thân thiết với Vũ Trọng Phụng. Xưa kia hai người thường đi cùng nhau, Vũ Trọng Phụng sáng tác, Mạnh Quỳnh vẽ minh họa. Hôm ấy, ông Mạnh Quỳnh kể lại kỷ niệm đi theo Vũ Trọng Phụng để vẽ minh họa cho phóng sự Vẽ nhọ bôi hề – viết về cuộc đời các nghệ sĩ sân khấu cải lương, tuồng. Nhận được lời mời đến dự buổi nói chuyện, ông rất xúc động, thức suốt đêm dưới ánh nến để vẽ chân dung Vũ Trọng Phụng theo trí nhớ. Vì thế, tại buổi nói chuyện đã có bức chân dung Vũ Trọng Phụng đội khăn xếp, mặc áo the, chứ không phải là mặc complet – hình ảnh Vũ Trọng Phụng mặc áo truyền thống in đậm trong tâm trí của nhiều người bạn thân thiết của ông.

Ban tổ chức mời cả cụ Lưu Trọng Lư – người đọc điếu văn khi Vũ Trọng Phụng mất. Nhưng ông Nguyễn Hoành Khung nhận được mảnh thư viết trên giấy xé ở quyển sổ tay của cụ Lư, trong thư cho biết: "do sức khỏe yếu quá, trời rét không đi được". Dù thiếu một người, nhưng tâm sự, ký ức của những người còn lại đã đủ khiến buổi lễ rất cảm động và thành công. Biết PGS Nguyễn Hoành Khung có nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng và từng nói chuyện ở nhiều nơi, nên ban tổ chức đã mời ông đến nói chuyện.

Hôm ấy trời rét, ông Nguyễn Hoành Khung đến từ 8 giờ, khi căn phòng còn khá vắng. Được mời mở đầu buổi nói chuyện, ông đã nói suốt 2 tiếng, nội dung xung quanh “vấn đề Vũ Trọng Phụng”, coi đó là một "vụ án" văn học. Về khái niệm "vụ án" văn học, theo PGS Khung lý giải: Lịch sử văn học Việt Nam, nhất là thời kỳ cận hiện đại thường nổ ra tranh luận xung quanh vấn đề gì đó, người này nói, người kia bênh, tranh luận tới “tóe lửa”, thận chí bị “đánh tơi bời”, nó đi ra ngoài phạm vi của văn học, nó còn là đụng độ quyết liệt về cả chính trị, khi ấy, vấn đề đó gọi là một vụ án văn học. Và chưa có vụ án nào gay gắt như vụ án Vũ Trọng Phụng. Bởi tham gia có đủ các tầng lớp trong xã hội, có cả giới trí thức, giới chính trị… gần như là cả xã hội[9].

Tiếp theo, ban tổ chức mời nhà thơ Vũ Đình Liên, nhà văn Đồ Phồn, họa sĩ Mạnh Quỳnh, nhà thơ Trần Lê Văn lên nói chuyện. Nhà thơ Trần Lê Văn rất xúc động, đã sáng tác và đọc bài thơ về Vũ Trọng Phụng ngay trong buổi nói chuyện.

Trong khi ấy, một vài nhà văn, nhà nghiên cứu vẫn đạp xe đi mời bạn – mời gọi những người tâm huyết với Vũ Trọng Phụng và nói: “hay lắm, hãy còn, đến đi!”. PGS Nguyễn Hoành Khung kể: Sau đó, mọi người ùn ùn kéo đến, chật cứng phòng, đứng chen cả ở cửa sổ. Buổi nói chuyện kéo dài đến 2h chiều chưa kết thúc. Chưa bao giờ có buổi nói chuyện kéo dài như vậy, lại vào ngày chủ nhật, mọi người bỏ cả ăn trưa[10]. Những người tham dự đều cảm thấy toại nguyện sau khi được chia sẻ và nghe nói chuyện về Vũ Trọng Phụng. Buổi nói chuyện có cả GS Hoàng Thiếu Sơn[11], nhà nghiên cứu (NNC) Lại Nguyên Ân đến dự và ngồi phía sau. Sau này, NNC Lại Nguyên Ân cũng đi sâu nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng như một chuyên đề. NNC Lại Nguyên Ân còn sang Mỹ, Pháp để sưu tầm tài liệu liên quan.

Trước khi kết thúc, 8 người tham gia nói chuyện hoặc phát biểu cùng đứng dưới bức tranh Vũ Trọng Phụng để chụp ảnh kỷ niệm, gồm: Trần Lê Văn, Nguyễn Hoành Khung, Vũ Đình Liên, họa sĩ Mạnh Quỳnh, ông Đồ Phồn… Tám người trong ảnh hôm ấy, đến nay chỉ còn PGS Nguyễn Hoành Khung còn sống.

PGS Nguyễn Hoành Khung tại buổi nói chuyện về Vũ Trọng Phụng, ngày 6-12-1987

Về thân thế, sự nghiệp của Vũ Trọng Phụng, PGS Nguyễn Hoành Khung cho biết: Vũ Trọng Phụng được chú ý từ khi 18-19 tuổi với tác phẩm đầu tay là Chống nạng lên đường đăng trên tờ Ngọ Báo, nhưng đồng thời theo dư luận thì ông bị "đánh" có lẽ ngay từ tác phẩm ấy, nghĩa là năm 1930. Sau này có người cho biết, Vũ Trọng Phụng bị ra tòa, có thể do nói chạm đến nhân vật nào đó, người ta kiện vì ông đăng báo những truyện khiêu dâm, tai tiếng như thế. Mỗi tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đều để lại những dấu ấn riêng, và PGS Nguyễn Hoành Khung đều có những cảm nhận sâu sắc. Ông chia sẻ: Vũ Trọng Phụng sáng tác liên tục. Năm 1933, ông cho ra phóng sự Cạm bẫy người – rất nổi tiếng – viết về nghề cờ bạc bịp. “Cạm bẫy” có lối viết, cáchđặt vấn đề rất đáng chú ý. Phóng sự Kỹ nghệ lấy tây (1934), tôi đọc và ngạc nhiên khi một người ngoài 20 tuổi mà lại viết hay, sắc sảo như vậy. Cuốn phóng sự này được báo chí lúc ấy ca ngợi, Vũ Trọng Phụng được gọi là “Ông vua phóng sự đất Bắc". Dòng chữ này được khắc trên Bia Mộ của Vũ Trọng Phụng. Nhưng tôi có nói với chị Vũ Mỵ Hằng và gia đình rằng không nên đắp danh hiệu ấy. Nói thế chưa đủ. Trước hết người ta biết ông là tác giả của Giông tố, Số đỏ – tiểu thuyết thiên tài đấy. Đằng này chỉ nói phóng sự thì chưa đủ. Cứ nói Vũ Trọng Phụng, tự tên ấy toát lên cái gì đó rồi[12].

PGS Nguyễn Hoành Khung đã đọc, nói chuyện với các nhà văn là bạn của Vũ Trọng Phụng và các nhà nghiên cứu để tìm hiểu về mọi mặt đời sống của Vũ Trọng Phụng từ khi sinh ra, đến khi qua đời, cho đến những nghiên cứu về ông sau này. Những thăng trầm do hoàn cảnh lịch sử, những năm 1939-1945, Vũ Trọng Phụng không có dịp được nói đến. Năm 1955, khi tác phẩm của Vũ Trọng Phụng còn chưa in lại, Nguyễn Đình Thi viết: "Vũ Trọng Phụng là tiểu thuyết trác tuyệt của văn học Việt Nam". Những năm 1955-1956, Vũ Trọng Phụng như từ cõi chết trở về chói lọi. Các nhà trường nói đến Vũ Trọng Phụng. Tưởng đâu chẳng còn vụ án Vũ Trọng Phụng nữa. Nhưng cuộc đời hay lắm! Bắt đầu vụ án trở thành nỗi oan khiên là sau khi có tập sách về Vũ Trọng Phụng[13], sách mỏng thôi, đề cao Vũ Trọng Phụng. Tên tuổi của người viết rất quen thuộc, là Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Đào Duy Anh…, những nhân vật quan trọng của Nhân văn, Giai phẩm. Lần này người ta đánh Vũ Trọng Phụng. Khi người ta nhìn Vũ Trọng Phụng là ở phía bên kia của phe phản động dễ nhìn ra nhiều tội lắm. Và Vũ Trọng Phụng trở thành vụ án vô phương cứu chữa. Đấy là năm 1956-1957[14]– PGS Nguyễn Hoành Khung chia sẻ.

Năm 1959, Viện Văn học được thành lập. Viện tổ chức hội thảo về Vũ Trọng Phụng với mục đích đơn giản là do nhu cầu nghiên cứu, lấy tài liệu… Viện mời các nhà văn ngày xưa biết Vũ Trọng Phụng, một số nhà nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng đến dự. Hội nghị trong mấy ngày thu được nhiều ý kiến hay và nhiều tài liệu mới về Vũ Trọng Phụng, từ đời tư, cuộc sống đến văn chương… Ý kiến sôi nổi vậy nhưng không có kết luận đặc biệt, chỉ nói rằng: Vũ Trọng Phụng là trường hợp rất phức tạp, không lý giải được, đầy mâu thuẫn. PGS Nguyễn Hoành Khung cũng đồng tính với ý kiến đó. Ông chia sẻ: Cuộc đời Vũ Trọng Phụng ngắn ngủi, nhưng ý kiến của các nhà văn về ông rất khác nhau. Nguyễn Tuân gọi là người con chí hiếu, người bạn tài chí, phân minh, nghèo nhưng không bao giờ xin ai, sòng phẳng, sống nghiêm chỉnh, đúng mực, giản dị. Một số người thì cho Vũ Trọng Phụng là lọc lõi, thạo đời, do ông tả đời rất lọc lõi và có thời ông ấy sống xa hoa. Đứng trước vấn đề phức tạp, đầy mâu thuẫn, vô phương như thế, có một số bài báo cho rằng Vũ Trọng Phụng có vấn đề về chính trị, tức là đề cao bọn Tờrốtkít và nói xấu Đảng, Lenin. Vì vậy, vấn đề Vũ Trọng Phụng phải treo lại. Đó là một sự cảnh giác hợp lý tại thời điểm bấy giờ[15].

Không có chỉ thị, văn bản nào về trường hợp Vũ Trọng Phụng nhưng thực tế rất quán triệt: “không in lại tác phẩm Vũ Trọng Phụng, cấm đọc, cấm lưu hành”. Sau này còn khó khăn hơn, gần như không mấy ai dám nghiên cứu, đề cao Vũ Trọng Phụng, nhưng người ta lại thoải mái, khuyến khích chỉ trích Vũ Trọng Phụng.

Sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), mặc dù đã đổi mới hầu hết mọi mặt, nhưng đối với hoạt động văn học vẫn "chưa thật sự được cởi trói". Tác phẩm Vũ Trọng Phụng vẫn bị “đào sâu chôn chặt”. Một số nhà văn, nhà nghiên cứu tâm huyết đã thử ra một số tập như Vỡ đê để thăm dò dư luận (ông Lý Hải Châu – Giám đốc Nxb. Văn học quyết định in); năm 1987, ông Lý Hải Châu tiếp tục mạnh dạn xuất bản Tuyển tập Vũ Trọng Phụng do ông Nguyễn Đăng Mạnh tuyển chọn giới thiệu. Tuy nhiên, tuyển tập vẫn chỉ nhận được thái độ lạnh nhạt của độc giả.

Những người yêu Vũ Trọng Phụng vẫn âm thầm nghiên cứu và tâm đắc về ông. Họ lẳng lặng tổ chức buổi nói chuyện về Vũ Trọng Phụng – sau này gọi là kỷ niệm tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt – Xô, ông Nguyễn Hoành Khung được mời đến và mở đầu buổi nói chuyện như đã nêu trên.

Hai năm sau, vào tháng 10-1989, ông Nguyễn Hoành Khung được mời  phát biểu có tính chất đề dẫn cho buổi nói chuyện “mang tính Nhà nước” về Vũ Trọng Phụng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ông lấy nội dung của bài nói chuyện năm 1987, chỉnh sửa lại cho ngắn gọn và đặt tên là “Nhìn lại và suy nghĩ xung quanh một “vụ án” văn học”. Ông cho biết: “Nhìn lại và suy nghĩ” là ông phỏng theo hồi ký của một Tổng tư lệnh Liên Xô trong chiến tranh vệ quốc. Ông là người nghiên cứu, trong bài nói này ông muốn điểm duyệt lại vấn đề. Chữ “nhìn lại” là từ ngữ có tính đặc trưng của thời đổi mới, đánh giá lại hiện tượng lịch sử và văn học, nhìn bằng con mắt đổi mới, trong đó có chuyện “chiêu tuyết” các tên tuổi bị vùi dập một cách bất công. NNC Lại Nguyên Ân đánh giá bài phát biểu của ông Nguyễn Hoành Khung rất giàu tư liệu và đánh giá ông là nhà nghiên cứu tâm huyết với Vũ Trọng Phụng. NNC Lại Nguyên Ân từng viết: Chúng ta không quên rằng di sản của Vũ Trọng Phụng có khoảng 30 năm (1957-1983 hoặc 1957-1987) bị cấm tái bản ở miền Bắc, những vẫn phải ghi nhận rằng việc nắm tài liệu về sáng tác của ông và dư luận về ông, ở các nhà nghiên cứu chuyên tâm (ví dụ ở miền Bắc như các nhà nghiên cứu Văn Tâm, Phan Cự Đệ, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Hoành Khung v.v…)[16]. Do vậy, NNC Lại Nguyên Ân đã mời ông Nguyễn Hoành Khung cùng làm sách về Vũ Trọng Phụng. Năm 1994, cuốn sách Vũ Trọng Phụng, con người và tác phẩm do PGS Nguyễn Hoành Khung và NNC Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, được Nxb. Hội Nhà văn ấn hành. Bài “Nhìn lại và suy nghĩ xung quanh một “vụ án” văn học” của PGS Nguyễn Hoành Khung được đưa vào như lời bạt. Cuốn sách này đã giúp hình dung một “lịch sử vấn đề” trong nghiên cứu và phê bình về Vũ Trọng Phụng, từ đương thời ông cho đến hiện tại. Cố nhiên mỗi dung lượng tài liệu, với cách chọn lựa có điểm nhấn riêng, tạo ra một cách hình dung ít nhiều khác biệt về tiến trình và các thời điểm quan trọng của dư luận phê bình nghiên cứu[17].

PGS Nguyễn Hoành Khung, năm 2018

Sau này, PGS Nguyễn Hoành Khung còn tiếp tục bổ sung bài đề dẫn của ông năm 1989 về Vũ Trọng Phụng, tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám thành bài “Lịch sử vấn đề Vũ Trọng Phụng” in trong sách Văn học Việt Nam 1930-1945 (Nxb. Giáo dục, 1999). Bài viết ấy được NNC Lại Nguyên Ân đánh giá có thể lấy làm đại diện cho cách“sơ kết” của khá đông người trong giới phê bình nghiên cứu[18].

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân còn cho rằng: PGS Nguyễn Hoành Khung cùng GS Nguyễn Đăng Mạnh, có lẽ là những người đầu tiên nêu nhận xét về sự khác biệt giữa một số đoạn trong bản in thành sách với bản đăng báo… Hiện tại bản in Giông tố năm 1937 của Nhà xuất bản Văn Thanh chưa tìm lại được; các sưu tập Hà Nội báo từng đăng Giông tốThị Mịch cũng rất hiếm, ngay ở các thư viện lớn. Các bản in Giông tố hiện hành đều lấy theo bản in của Nhà xuất bản Văn nghệ, Hà Nội, 1956, chắc hẳn bản này cũng có những dị bản[19].

 PGS Nguyễn Hoành Khung còn thống kê tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, in trong cuốn Tổng tập văn học Việt Nam (Nxb. Khoa học Xã hội, 2000). Cuốn Giáo trình văn học Việt Nam 1900-1945 (Nxb. Giáo dục) cho thấy, PGS Nguyễn Hoành Khung đã nghiên cứu truyện ngắn Vũ Trọng Phụng theo từng thời kỳ sáng tác gắn liền với sự thay đổi phức tạp tư tưởng của nhà văn. Ông nhận thấy có một số hạn chế Vũ Trọng Phụng vướng phải trong khoảng thời gian từ 1931 đến năm 1939. Đó là khi đề cập đến vấn đề đồng tiền, sự phê phán trở nên trừu tượng, siêu hình, mất đi ý nghĩa xã hội, vì nó nhằm vào tâm lý người đời chung chung, đề cập về tính ích kỷ hèn hạ của con người, nhưng không thấy được điều kiện xã hội nào đã làm nảy nở những thói xấu ấy…

PGS Nguyễn Hoành Khung được giới nghiên cứu đánh giá cao vì những nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng, tuy nhiên, số trang viết của ông về vấn đề này thật ít ỏi. Chẳng thế mà một học trò là PGS.TS Trần Văn Toàn gọi ông là “Văn khoa Lãn Ông”, bởi: Những gì thầy để lại bằng sự viết thật ít ỏi so với kho tri thức, hiểu biết mà thầy sở đắc[20]– PGS.TS Trần Văn Toàn chia sẻ.

Lê Thị Hằng

 


PGS Nguyễn Hoành Khung, chuyên ngành Văn học, nguyên Tổ phó Tổ văn học Việt Nam hiện đại, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

** Chiêu tuyết là làm sáng tỏ nỗi oan.

[1] PGS Nguyễn Hoành Khung cho biết: Bấy giờ không có văn bản bản nào cấm đọc tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, nhưng cũng có thể nói gần như là cấm, rất ít người dám đọc.

[2] Tài liệu ghi âm PGS Nguyễn Hoành Khung, 21-3-2019, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Tài liệu ghi âm PGS Nguyễn Hoành Khung, 21-3-2019, đã dẫn.

[4] Tài liệu ghi âm PGS Nguyễn Hoành Khung, 21-3-2019, đã dẫn.

[5] Bấy giờ nhà vănNguyên Hồng đã mất (năm 1982).

[6] Tài liệu ghi âm PGS Nguyễn Hoành Khung, 21-3-2019, đã dẫn.

[7] Tài liệu ghi âm PGS Nguyễn Hoành Khung, 21-3-2019, đã dẫn.

[8] Tài liệu ghi âm PGS Nguyễn Hoành Khung, 21-3-2019, đã dẫn.

[9] Tài liệu ghi âm PGS Nguyễn Hoành Khung, 21-3-2019, đã dẫn.

[10] Tài liệu ghi âm PGS Nguyễn Hoành Khung, 21-3-2019, đã dẫn.

[11] GS Hoàng Thiếu Sơn (1920-2005), chuyên ngành Địa lý. Ông yêu thích văn chương và cũng là một trong những diễn giả hay nói chuyện về văn học.

[12] Tài liệu ghi âm PGS Nguyễn Hoành Khung, 21-3-2019, đã dẫn.

[13] Năm 1956, nhà xuất bản Minh Ðức in tập “Vũ Trọng Phụng với chúng ta” gồm các bài viết của Ðào duy Anh, Phan Khôi, Nguyễn mạnh Tường, Trương Tửu, Hoàng Cầm, Văn Tâm.

[14] Tài liệu ghi âm PGS Nguyễn Hoành Khung, 21-3-2019, đã dẫn.

[15] Tài liệu ghi âm PGS Nguyễn Hoành Khung, 21-3-2019, đã dẫn.

[16] Lại Nguyên Ân, “Về công tác tư liệu và văn bản trong việc xuất bản và nghiên cứu di sản của ngòi bút Vũ Trọng Phụng”, tham luận tại hội thảo “Bản sắc hiện đại trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng” do Viện Văn học tổ chức nhân 90 năm sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng, Hà Nội, 15 và 16/10/2003, http://lainguyenan.free.fr/MMCC/VeCongTac.html

[17] Lại Nguyên Ân, “Về công tác tư liệu và văn bản trong việc xuất bản và nghiên cứu di sản của ngòi bút Vũ Trọng Phụng”, tài liệu đã dẫn.

[18] Lại Nguyên Ân, “Về công tác tư liệu và văn bản trong việc xuất bản và nghiên cứu di sản của ngòi bút Vũ Trọng Phụng”, tài liệu đã dẫn.

[19] Lại Nguyên Ân, “Về công tác tư liệu và văn bản trong việc xuất bản và nghiên cứu di sản của ngòi bút Vũ Trọng Phụng”, tài liệu đã dẫn.

[20] PGS.TS Trần Văn Toàn, "Văn khoa Lãn Ông – Nguyễn Hoành Khung, https://doanhnhanphaply.vn/van-khoa-lan-ong–nguyen-hoanh-khung-d14214.html