PGS. Phan Văn Ban sinh năm 1934 trong gia đình nhà nho có tiếng ở “đất học” xứ Nghệ – làng Xuân Tiêu, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành. Bố ông là cán bộ lão thành cách mạng, giáo viên của Trường Tiểu học Pháp – Việt Yên Thành.
Sau khi tốt nghiệp Trường Thiếu sinh quân, chàng trai Phan Văn Ban trở thành sinh viên khóa đầu của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp loại xuất sắc, thông thạo nhiều ngoại ngữ và thể hiện khả năng tinh tường trong nghiên cứu, chàng cử nhân trẻ xứ Nghệ Phan Văn Ban được giữ lại làm giảng viên của trường.
PGS Phan Văn Ban, người có nhiều đóng góp cho sử học Việt Nam và Nghệ An.
Năm 1960, theo tiếng gọi của quê hương, thầy giáo trẻ Phan Văn Ban trở về công tác tại Trường Đại học Sư phạm Vinh với nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy Lịch sử và chuẩn bị cho sự ra đời của Khoa Lịch sử đầu tiên ở Nghệ An. Trong thời gian chờ đợi, ông dạy Lịch sử thế giới cho Ban Văn – Sử, rồi dạy Lịch sử Việt Nam cổ, trung đại cho Khoa Ngữ Văn.
Trong thời kỳ khó khăn gian khổ này, thầy giáo Phan Văn Ban đã cố gắng vượt khó, làm tốt công tác giảng dạy; trau dồi, hoàn thiện kỹ năng ngoại ngữ tiếng Pháp, Anh, Nga, Bồ Đào Nha, đồng thời cùng với các nhà giáo Phạm Huy Phương, Hoàng Văn Lân chuẩn bị những bước nền móng đầu tiên để thành lập Khoa Lịch sử vào năm 1968.
Năm 1969, khi Khoa Lịch sử khai giảng khóa đầu tiên, ông được cử làm Phó Chủ nhiệm khoa phụ trách công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Năm 1977, ông được cử giữ chức Chủ nhiệm Khoa Lịch sử cho đến năm 1990. Trong thời kỳ công tác tại Trường Đại học Sư phạm Vinh, ông say sưa nghiên cứu Lịch sử thế giới cận, hiện đại và quan hệ quốc tế, cùng nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử Việt Nam.
Năm 1984, ông đã được Nhà nước phong tặng học hàm PGS Sử học. Cũng trong thời gian này, PGS Phan Văn Ban được các nước Liên Xô (cũ), Angola mời làm chuyên gia, vừa nghiên cứu khoa học, vừa giúp nước bạn một số vấn đề liên quan đến chuyên ngành lịch sử.
Với kiến thức sâu rộng và phương pháp truyền đạt hấp dẫn, thầy giáo Phan Văn Ban đã để lại cho các thế hệ cán bộ, sinh viên trưởng thành từ giảng đường Đại học Vinh cũng như ngoài xã hội những ấn tượng sâu sắc, khó phai mờ. Với khả năng uyên thâm, thầy luôn gợi mở cho sinh viên, học viên cao học những hướng nghiên cứu mới, khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo và là người truyền lửa đam mê cho rất nhiều thế hệ sinh viên.
Là một ông đồ Nghệ, PGS. Phan Văn Ban cũng nổi tiếng với sự chính trực, ngay thẳng, hết mình vì khoa học – giáo dục và tình thương yêu học trò, tinh thần giúp đỡ đồng nghiệp tận tâm. Sau khi hết tuổi quản lý năm 1990, ông có thời gian để chuyên tâm vào công tác nghiên cứu, giảng dạy, nhất là đào tạo cao học. Về hưu năm 2000, nhưng ông vẫn tiếp tục làm việc cho Khoa Lịch sử thêm 12 năm nữa.
Trong suốt thời gian gần 50 năm nghiên cứu và giảng dạy, lúc đang là công chức cũng như dù đã nghỉ hưu, ông đã công bố rất nhiều công trình khoa học có giá trị, tạo được dấu ấn trong giới nghiên cứu và mang lại nhiều điều mới mẻ, sâu sắc cho các thế hệ nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên. Ông là người đã trực tiếp biên soạn chương trình Đại học Sư phạm Lịch sử, Cao học Lịch sử Việt Nam, Cao học Lịch sử thế giới, tham gia góp ý chương trình đào tạo Nghiên cứu sinh Lịch sử thế giới và giảng dạy cho hàng chục lớp sinh viên, học viên cao học.
Năm 2013, khi PGS tròn 80 tuổi, Ban Chủ nhiệm Khoa Lịch sử và các thế hệ học trò đã sưu tầm, tuyển chọn các công trình khoa học mà ông từng công bố để xuất bản cuốn sách nhan đề: “Phan Văn Ban – Một chặng đường sử học”.
Nghiên cứu sâu về lịch sử thế giới, về quan hệ quốc tế, nhưng PGS. Phan Văn Ban vẫn luôn đau đáu với quê hương Nghệ An. Ông là chủ nhiệm đề tài “Con người Nghệ An trong lịch sử” – một công trình có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của ngành khoa học xã hội tỉnh nhà. PGS. Phan Văn Ban cũng là Chủ tịch danh dự của Hội Sử học tỉnh Nghệ An.
Trong những năm gần đây, sức khỏe ông giảm sút, song vẫn tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Sau 6 tháng chống chọi với căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ngày 24/10, PGS. Phan Văn Ban đã ra đi mãi mãi. Sự ra đi của thầy là một nỗi đau thương, mất mát vô bờ bến với gia đình, bè bạn, người thân và các thế hệ sinh viên.
Nguyên Khoa
Nguồn:baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201510/pgs-su-hoc-phan-van-ban-ong-do-nghe-tai-nang-2638060/