Thầy là một trong những người đầu tiên của trường có học hàm PGS, làm nền tảng cho đội ngũ cán bộ khoa học chủ chốt của trường. Cho đến năm 2010, lần đầu tiên Học viện QLGD có Hội đồng chức danh cơ sở, và PGS Đặng Quốc Bảo là một trong những thành viên của Hội đồng, xem xét, tán thành để có thêm những ứng viên mới, trong đó có nhiều người thuộc thế hệ học trò của thầy, do chính tay thầy dìu dắt, được bổ sung vào đội ngũ PGS của Học viện.
Không biết có phải vì thế không mà với mọi cán bộ, giảng viên hay học viên cao học, nghiên cứu sinh (NCS) của trường, nguyên Hiệu trưởng, PGS.TS Đặng Quốc Bảo luôn được gọi là “thầy Bảo” một cách giản dị, gần gũi mà đầy kính yêu.
Có thể nói, trong những bậc “lão làng”, “gạo cội” của Học viện QLGD, hiếm ai có tinh thần hiếu học như PGS. TS Đặng Quốc Bảo. Từ khi là cậu giáo sinh vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm ở tuổi 20, thầy đã trăn trở, say mê với việc làm sao để hoàn thành sứ mạng “dạy tốt, học tốt” của nhà trường, để rồi từ những bài viết về người tốt việc tốt đầu tiên, trở thành cộng tác viên trung thành, tận tụy của báo ngành – tờ Giáo dục và thời đại hơn nửa thế kỉ nay.
Vốn xuất thân từ đào tạo về sư phạm toán, thầy có một tư duy logic rõ ràng, mạch lạc và vốn kiến thức cơ bản vững chắc. Nhưng để quản lý và bồi dưỡng các “cán bộ QLGD” với các chuyên ngành, ở những vị trí công tác đa dạng trong nhà trường, thầy cũng không ngừng bồi đắp cho mình những kiến thức không chỉ trong lĩnh vực lý thuyết và thực tế quản lý, mà cả các chuyên ngành hóa, lý, sử, sinh, văn…Người bạn, người thầy gần gũi nhất với thầy là sách vở.
Trong nhà thầy, ngoài mấy đồ đạc đơn sơ cần thiết là giá sách bao quanh với lượng sách mỗi ngày một thêm chất nặng. Gặp thầy nơi phòng làm việc, trong hội nghị hay phòng họp, đều thấy thầy mang theo một chiếc cặp lớn căng phồng tài liệu, và trên tay thầy lúc nào cũng là sách, báo.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo.
Điều đáng nói là đó không phải là “vật trang trí” hay “trưng bày” để “đánh bóng thương hiệu” như với một số người. Thầy thực sự đắm chìm trong sách vở với niềm say mê bất tận. Những người thực sự hiểu và quý thầy thường tặng thầy những cuốn sách hay. Và thầy cũng dành tặng những cuốn sách quý, hiếm, những bài báo hay cho những bạn tri âm, những học trò hay đồng nghiệp mà thầy quý mến.
Đặc biệt là hầu như thầy đã đọc tất cả những tư liệu đó – những cuốn sách, bài báo mới, cũ mà thầy được tặng hay muốn tặng cho người khác. Hơn nữa, có thể thấy ngay hiệu ứng từ việc đọc những công trình đó là những ý tưởng mới mẻ, độc đáo xuất phát từ tư duy hệ thống và phương pháp tích hợp nhạy bén của thầy rút ra từ việc đọc, được vận dụng ngay vào những bài báo khoa học, bài giảng cho học viên của thầy sau đó, mà thầy rất hay dùng cách nói khiêm tốn để diễn đạt: “tựa vào”…
Thật ít ai ngờ, một giáo viên toán và nhà quản lý như thầy lại đọc say sưa không dứt tùy bút “Thăm thẳm bóng người” của nhà văn Đỗ Chu qua bản photocoppy mà một học trò gửi tặng thầy ngay khi cuốn sách ra đời vào năm 2008. Thầy đọc với tất cả tấm lòng trân trọng, cảm ơn với cả người viết sách và người tặng sách.
Cũng không ngờ, ít lâu sau, trong một lần tư vấn cho chính học trò tặng cuốn sách đó về một bài học quản lý chẳng liên quan gì đến văn học, thầy chợt bảo: “Trong việc này, có lẽ ta nên làm như cụ Phán Men – Cụ Nguyễn Văn Tố, bậc trí thức đã được Cụ Hồ rất tôn trọng, lắng nghe. “Quân tử men tường mà đi”. Đấy, em có nhớ không, chính là chi tiết đó”.
Lúc đó, người học trò mới vỡ lẽ ra, thầy không phải cảm ơn món quà một cách khách sáo mà đã thực sự tâm đắc với cuốn sách và tìm được trong đó cho mình, cho trò những bài học quý. Sau khi đọc phản biện hồ sơ PGS cho một ứng viên là giảng viên trẻ và xuất thân khác chuyên ngành, vốn không phải là “trò ruột” của thầy, vì được đào tạo từ trường khác và chuyển đến từ cơ sở khác, thầy đã có một thái độ trọng thị và khích lệ đặc biệt khiến ứng viên này chuyển từ mặc cảm tự ti sang vững tin hơn để bảo vệ thành công báo cáo.
Thầy cũng không ngại khi nói với bạn trẻ: “Đọc công trình của bạn, tôi học được rất nhiều trong cách viết và diễn đạt. Thực sự, bạn có cách trình bày vấn đề rất thuyết phục và tư duy phân tích sâu sắc. Công trình có tác dụng phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong nhà trường, tại sao lại e ngại không phải là sách “giáo dục”? Vậy thế nào mới là “giáo dục?”. Những lời khẳng định của vị tiền bối với cái tâm sáng đã có tác dụng nâng đỡ thân phận khoa học của một nhà nghiên cứu trẻ.
Là một nhà khoa học giáo dục được đào tạo bài bản, hiện đại, nhưng trong các nghiên cứu, bài giảng của PGS.TS Đặng Quốc Bảo đều thấm đẫm tinh thần nhân văn kế thừa từ văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa Nho gia và tinh hoa tư tưởng Hồ Chí Minh mà thầy tâm huyết. Đặc biệt, thầy luôn trăn trở trước những bất cập của giáo dục hiện nay.
Thầy khắc khoải với việc đưa “Tiên học lễ” trở lại nhà trường như một “quy tắc vàng” trong giáo dục nhân cách trẻ, với những diễn giải mới mẻ trong nội hàm khái niệm. Thầy tin: “Một con người có mục tiêu học để làm người thì phải biết Tôn trọng, Phục tùng cái gì đã nhận thức được là Phải, luôn có lòng Trắc ẩn và Hổ thẹn khi có ý nghĩ lệch chuẩn”.
Thầy hy vọng: “Nếu hoạt động giáo dục coi đó là cái đích phải vươn tới thì quy tắc Tiên học lễ không chỉ cần thiết cho nhi đồng, thanh thiếu niên mà cho mọi người. Nó sẽ tạo nên các hiệu ứng tích cực cho sự phát triển bền vững của xã hội”.
Trong những lễ hội, thầy có thể đến và rời sớm. Nhưng bất cứ hội nghị hay seminar khoa học nào, dù là hội thảo quốc tế hay chỉ là sinh hoạt chuyên môn của một khoa, thậm chí tổ bộ môn, thầy vẫn là một trong những người có mặt đầu tiên và ở lại đến sau cùng với mái đầu bạc trắng, dù ngồi ghế chủ tọa, diễn giả hay chỉ là người dự bình thường. Thầy chăm chú lắng nghe, ghi chép, trao đổi, đáp lễ không chỉ với những học giả cao niên như GS Nguyễn Đình Chú, GS Phạm Phụ, GS Nguyễn Khắc Mai; những diễn giả đang giữ cương vị quản lý như TS Vũ Ngọc Hoàng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận…
Thầy chăm chú lắng nghe, học hỏi ở những người bạn cùng trang lứa như GS Nguyễn Khắc Phi, GS Trần Đình Sử, GS Văn Như Cương, GS Lê Đỗ Nhật Tiến… và bao giờ cũng gọi những đồng nghiệp của mình một cách đầy trọng thị là “thầy”: Thầy Phi, thầy Cương… và sẵn sàng nhận phần “nói sau”, thậm chí “rút lui” để nhường các “thầy” nói trước trong mọi diễn đàn, không chút tự ái, lăn tăn, vì “chẳng mấy khi mời được những vị khách quý, những bậc thầy như vậy để được học hỏi”.
Ngay cả khi đề tặng sách, báo cho đồng nghiệp (mà hầu hết vốn là học trò cũ), thầy thường trân trọng ghi “Kính tặng” hay “Kính biếu” PGS. TS. hay GS. TS…, còn phần mình thì chỉ ký tên giản dị, không kèm chức danh. Thầy luôn nhìn đối tượng giao tiếp ở vị trí hiện tại và tương lai, trong thế phát triển chứ không đặt họ ở vị trí khởi điểm ban đầu.
Cách nhìn đó giúp cho đối tượng luôn được đặt ở vị thế cao, luôn thấy mình được tôn vinh, tôn trọng. Ít ai biết được rằng, thầy vẫn tiếp tục vai trò của nhà giáo dục, ngay cả khi học trò đã bằng cấp chỉn chu. Khi đặt đối tượng vào vị thế cao, cũng chính là một cách ràng buộc anh ta phải xứng đáng và ứng xử theo vị thế đó. Khi nhà giáo dục tôn trọng, đề cao con người là cách để họ tạo ra những con người như mình mong muốn.
Các thế hệ học trò, đồng nghiệp học tập ở thầy, trước tiên có lẽ chưa phải là khối tri thức uyên thâm, đồ sộ, mà chính là ở chữ “lễ” khiêm cung, ở tinh thần “học nhi bất yếm, giáo nhân bất quyện” và đặc biệt là ở thái độ nâng niu, trân trọng với con người, với học trò và đồng nghiệp của thầy.
Nhiều học trò ngày một tiến xa. Thầy mỗi năm một già đi. Vẫn dáng đi nhanh nhẹn, nụ cười hiền, cử chỉ khiêm cung, từ tốn – sự đúng mực, hiền từ mà khiến không ai dám lỗ mãng hay cư xử “lệch chuẩn” trước mặt thầy. Vẫn ánh nhìn thấu thị, thấu suốt tâm can người đời. Vẫn vóc hạc, mình mai, thư sinh phong độ. Vẫn theo dõi đầy đủ tình hình chính trị, kinh tế, giáo dục… kim cổ, đông tây.
Vẫn khát khao học hỏi, trả món nợ tri thức, ngay cả khi tóc trắng hơn mây. Tà áo mỏng bay, để thấy dáng thầy gầy. Thầy rạng rỡ vui trước mỗi bước tiến của học trò xưa. “Con hơn cha là nhà có phúc”. Cũng có đôi khi thầy thoáng ưu tư, khi có những trò “tiến” xa hơn cả trên con đường tiếp cận “thị trường hóa giáo dục”.
Xung đột cũ mới, lạc hậu và tiến bộ… cùng với những đảo lộn hệ giá trị trong buổi giao thời là điều không tránh khỏi. Nhưng thầy không mệt mỏi. “Người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” ấy vẫn mang tinh thần của người lính đi đầu. Thêm một hạt giống lành là bớt đi một mầm cỏ dại. Tuổi ngoại cổ lai hy, thầy vẫn dang tay, mải mốt gieo trồng, bao dung, độ lượng.
Thầy tin tưởng: “Theo sức mạnh văn hiến của dân tộc mà giáo dục là nền tảng đã bồi đắp nên, chúng ta có quyền hy vọng giáo dục sẽ vượt qua các ngổn ngang, dở dang để tiếp tục thực hiện có kết quả các ý tưởng đã kiến tạo được”.
Một tháng 11 nữa lại về trong dòng chảy thời gian. Phước hạnh cho những thế hệ học trò như chúng tôi còn có thầy để được tựa vào nhân cách, bản lĩnh vững vàng trong hình thể mong manh ấy, bởi “Con có cha như nhà có nóc”. Vẫn là thầy bên ngọn đèn khuya, cần mẫn chấm bài, ngâm ngợi câu thơ cổ:
“Thế gian vạn sự giai bào ảnh
Thiên kiếp duy dư nhất điểm tình”
Xem ra hết thảy đều mây nổi
Còn với non sông, một chữ tình
(Đào Duy Anh dịch)
1-11-2016
Lê Thị Tuyết Hạnh
Nguồn: http://vnca.cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/PGS-TS-Dang-Quoc-Bao-Ban-linh-vung-vang-trong-voc-hac-mong-manh-416573/