Sinh năm 1960, PGS Đinh Thị Bích Lân là một trong số ít giảng viên của Đại học Huế được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Chị tốt nghiệp đại học chuyên ngành Thú y tại Viện Thú y Matxcơva năm 1986. Tám năm sau là thực tập sinh tại ĐH Obihiro, Nhật Bản. Từ năm 1996-2000, chị là nghiên cứu sinh của đại học Gifu, một trong những trường đại học nổi tiếng đào tạo về Thú y, thuộc ĐH Obihiro của Nhật Bản.
Ít ai biết rằng, nữ PGS này ban đầu là sinh viên Y khoa. Chị là một trong những sinh viên ưu tú được chọn đi du học ở Cộng hòa liên bang Xô Viết, niềm ao ước của rất nhiều người lúc bấy giờ. Tuy nhiên, với chị Lân, lúc đó lại là nỗi buồn, vì đang là sinh viên trường Y, bỗng dưng lại được cử đi học Thú y. “Nhưng rồi chính các thầy giáo Nga lại đem đến cho mình sự tự tin. Ngay trong buổi khai giảng, trước 300 sinh viên đến từ nhiều nước khác nhau, các thầy giáo Nga đã khẳng định, đi theo ngành Thú y, các trò đừng nghĩ rằng chỉ để chữa bệnh cho các loại động vật gia súc, mà các trò đang đi theo một con đường rất cao quí khác, đó là tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng, qua đó bảo vệ khỏe cho cộng đồng. Nỗi buồn của tôi đã nhanh chóng bị xóa mất, thay vào đó là niềm hân hoan đi theo con đường mới”. Nữ PGS nhớ lại.
Những năm tháng ở Nga cũng là thời gian Đinh Thị Bích Lân thấu hiểu rằng, thành tựu của khoa học chính là động lực để phát triển đất nước. Vì vậy chị nung nấu phải học thật tốt để trở thành một nhà khoa học giỏi, góp phần xây dựng đất nước khi trở về.
Năm 40 tuổi, tốt nghiệp nghiên cứu sinh tại ĐH Gifu Nhật Bản, vừa làm giảng viên khoa Chăn nuôi Thú y của trường ĐH Nông lâm Huế, tiến sĩ Đinh Thị Bích Lân bắt đầu hết mình cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
Từ những năm đầu tiên của thập niên 2010, nhiều người đã rất quen thuộc với hình ảnh cặp vợ chồng giảng viên trẻ của trường ĐH Nông lâm Đinh Thị Bích Lân và Phùng Thăng Long miệt mài và gần như dốc sức mình cho những nghiên cứu về các giống lợn lai nạc máu ngoại. Tranh thủ những nguồn vốn từ nhà nước cũng có, tự bỏ tiền túi cũng có, ròng rã gần 10 năm trời, cụm công trình nghiên cứu “Lai tạo và hoàn thiện qui trình công nghệ sản xuất các tổ hợp lợn lai ¾ máu ngoại mới có năng suất và tỉ lệ nạc cao” của thầy Long và cô Lân đã thu được những thành công đáng ghi nhận, góp phần phục vụ phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Cụm công trình này đã được trao giải B Giải thưởng Cố đô về Khoa học Công nghệ tỉnh TT Huế năm 2011, sau đó đã được chuyển giao đến các hộ nông dân cũng như nhiều trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn TT Huế cũng như các tỉnh lân cận, đem lại hiệu quả kinh tế tốt cho các hộ chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.
Năm 2007, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường & Công nghệ sinh học ĐH Huế, phụ trách mảng Công nghệ sinh học. Cũng trong năm này, chị được phong học hàm Phó Giáo sư. Viện này sau đó được tách làm đôi. PGS.TS Đinh Thị Bích Lân được phân công làm PGĐ Trung tâm Ươm tạo và Chuyển giao Công nghệ ĐH Huế. Từ năm 2014, chị được bổ nhiệm làm Viện phó Viện Công nghệ sinh học Đại học Huế khi đơn vị này được tách ra hoạt động độc lập.
Dù ở cương vị nào, PGS Đinh Thị Bích Lân cũng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình, vừa tham gia công tác đào tạo sau đại học ở trường đại học Nông lâm, vừa làm quản lý ở Viện và không ngừng theo đuổi những công trình nghiên cứu khoa học mới ở lĩnh vực Miễn dịch học và Vắcxin.
Năm 2012, chị vinh dự giành giải nhất Giải thưởng Sáng tạo khoa học & công nghệ tỉnh TT Huế với công trình “Nghiên cứu sản xuất que chẩn đoán nhanh bệnh ký sinh trùng Toxoplasma ở người và gia súc”. Nhóm tác giả công trình mà PGS. TS Đinh Thị Bích Lân là những người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu và sản xuất thành công que thử này, dựa trên việc ứng dụng kỹ thuật gene cloning và phương pháp sắc ký miễn dịch- một công nghệ mới trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Với que thử này, bằng một phương pháp rất đơn giản là nhỏ huyết thanh của người hoặc vào đệm mẫu của que thử, trong vòng 10 phút sẽ xác định ngay có nhiễm bệnh hay không để điều trị kịp thời. Một ưu điểm nổi trội của sản phẩm khoa học này là dễ sản xuất, giá thành rẻ, dễ sử dụng và có thể thực hiện thí nghiệm chẩn đoán ở bất cứ nơi nào.
Tính từ năm 2008 đến nay, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân đã chủ trì và tham gia hàng chục đề tài, công trình nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có những đề tài lớn cấp nhà nước, cấp Bộ trọng điểm. Có hàng chục bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài. Chị cũng là tác giả của 2 giáo trình phục vụ đào tạo ngành Thú y tại các trường đại học nông lâm trên cả nước.
Tại Viện Công nghệ sinh học Đại học Huế, tiếp tục phát triển các đề tài đã được nghiệm thu, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân cùng các cộng sự ở đây cũng đã sản xuất thành công các sản phẩm khoa học khác như KIT chẩn đoán nhanh các bệnh lây nhiễm khác ở gia súc, gia cầm; hay sản phẩm kháng thể phòng trị bệnh cầu trùng ở gà, bệnh tiêu chảy do Ecoli ở lợn, bệnh Cryptosporidium parvum ở bò; văcxin tái tổ hợp phòng trị bệnh Ecoli ở lợn. Nhận xét về PGS.TS Đinh Thị Bích Lân, PGS.TS Nguyễn Quang Linh, Phó Giám đốc Đại học Huế khẳng định, PGS Bích Lân là một nhà khoa học nữ giỏi, có uy tín không chỉ ở Đại học Huế mà còn trên cả nước. Những công trình nghiên cứu của chị được Hội đồng khoa học quốc gia đánh giá cao và chị đã nhận được nhiều lời mời chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên cả Đại học Huế và PGS.TS Đinh Thị Bích Lân đều muốn giữ lại, vì đó là thương hiệu không chỉ của chị mà còn của Đại học Huế, nơi chị đã gắn bó hơn 30 năm qua. “Tôi mong muốn những nhà khoa học sẽ có một chính sách riêng, ưu đãi để những sản phẩm khoa học của mình được ứng dụng phục vụ xã hội, phục vụ con người, góp phần phát triển đất nước”. Nói về những công trình nghiên cứu được đánh giá có tính ứng dụng cao, có thể ứng dụng ngay và rẻ của mình, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân chia sẻ trăn trở của chị.
Ở tuổi 55, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân đang ở độ tuổi chín muồi trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Một điều thú vị là không dừng lại ở lĩnh vực thú y, nhà khoa học còn rất hứng thú với các nghiên cứu về các loại cây trồng với mong muốn tạo ra được những sản phẩm sạch, có chất lượng cao phục vụ xã hội. Trong những khoảnh vườn nhỏ tại Viện Công nghệ sinh học, luôn có những diện tích cho việc nghiên cứu thử nghiệm này, và chị cũng đã có những thành công nhất định như sản xuất rau mầm, xà lách, các loại cà chua Nhật Bản, đậu bắp, thanh long ruột đỏ, hay mô hình trồng rau thích ứng với biến đổi khí hậu. Một vài sản phẩm đã được thị trường đón nhận.
Tại Viện Công nghệ sinh học, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân luôn là một đầu tàu vững vàng trong việc đào tạo, hướng dẫn hoạt động nghiên cứu khoa học. Với sự nhiệt tâm của chị, Viện Công nghệ sinh học Đại học Huế hiện nay đã có một đội ngũ cán bộ khoa học trẻ vũng vàng và giàu tâm huyết với nghề nghiệp.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha là cán bộ tình báo hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân luôn có một chỗ dựa khá vững vàng cho những hoạt động khoa học của mình. Chị cũng có một gia đình nhỏ hạnh phúc với người chồng luôn sát cánh, ủng hộ vợ trong nghiên cứu khoa học. Nhưng vượt lên trên hết vẫn là niềm đam mê và mong muốn được cống hiến. Đinh Thị Bích Lân đã khẳng định được bản lĩnh nhà khoa học của mình, mà không phải ai, dù có đầy đủ điều kiện thuận lợi cũng có thể làm được. Và chị vẫn còn nhiều trăn trở, vẫn nỗ lực hết mình cho con đường khoa học mà chị đã chọn.
Nguyên Thu
Nguồn: Bản tin Đại học Huế – Số 96/ http://hueuni.edu.vn/