Khi nhắc đến nhà báo Đinh Thị Thúy Hằng – phóng viên kỳ cựu của Ban Thời sự (Đài truyền hình Việt Nam), nhiều khán giả tuổi trung niên vẫn giữ ấn tượng về một nhà báo năng nổ, có cái nhìn đa chiều, am hiểu chuyên môn và đặc biệt là lối dẫn chuyện sinh động, cuốn hút. Năm 1994, khi đang công tác tại Đài truyền hình Việt Nam, chị nhận được học bổng của Quỹ phát triển Úc (ADS) theo học thạc sĩ báo chí (1994-1996) và nhận tiếp học bổng đào tạo tiến sĩ chuyên ngành báo chí và truyền thông (1999-2003) của trường Đại học Tổng hợp Sydney (UTS). Cũng tại đây, song song với việc học, chị còn tham gia giảng dạy báo chí và truyền thông. Đây là quãng thời gian chị được tiếp xúc với những phương pháp giảng dạy mới hoàn toàn khác biệt với phương pháp giảng dạy truyền thống ở trong nước và bước đầu có những đam mê với nghề giáo… Hoàn tất khóa học, trở về Việt Nam, chị rời Đài truyền hình Việt Nam về công tác tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Có thể nói, sau 23 năm làm việc tại Đài truyền hình Việt Nam, từng trải qua nhiều vị trí công tác như phóng viên, biên tập viên, người dẫn chương trình, chủ nhiệm chương trình, quyết định chuyển về công tác tại Khoa Phát thanh -Truyền hình thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền của chị được coi là táo bạo và có phần gây “sốc” với nhiều người. Nhiều đồng nghiệp cho rằng chị đang từ “sông lớn về ngòi”, từ bỏ một môi trường tự do, năng động để đến với môi trường mô phạm, có phần gò bó với những quy chuẩn riêng. Song đối với chị, đây là một quyết định nghiêm túc, kết quả của sự suy nghĩ chín chắn bởi chị muốn được đem những kiến thức đã học được, đem những kinh nghiệm thực tế đã trải nghiệm để truyền đạt lại cho thế hệ trẻ những người làm báo Việt Nam… Ở nước ngoài, tính chuyên nghiệp, say mê của người giảng và người đi học được thể hiện rõ trong từng giờ lên lớp. Còn ở Việt Nam, tâm lý của người đi học vẫn mang tính thụ động, điều đó dễ làm mất đi cảm hứng cho giảng viên mỗi khi lên lớp. Để thay đổi suy nghĩ đó, trong mỗi giờ lên lớp, chị đã chủ động áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, đưa ra nhiều dạng bài tập thực hành để sinh viên phát huy sự sáng tạo trong tìm tòi, nghiên cứu, chú trọng yêu cầu sinh viên tự chủ động tải hoặc mua các phần mềm vi tính để thực hiện bài tập.
Năm 2006, Khoa Quan hệ công chúng và truyền thông được thành lập, chị được giao trọng trách là Trưởng khoa. Là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về lĩnh vực công chúng và quảng cáo, thời gian đầu mới đi vào hoạt động, Khoa gặp không ít khó khăn do thiếu nhân lực, không có tài liệu quy chiếu, 100% sách, tài liệu nghiên cứu đều phải dịch từ bản thảo nước ngoài…Với cương vị là một Trưởng khoa, là cán bộ quản lý, chị luôn trăn trở làm sao để có thể vừa làm tốt công tác quản lý, vừa có thể thực hiện công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trong quãng thời gian 8 năm đương nhiệm, chị đã mạnh dạn giao việc cho các giảng viên trẻ, thực hiện phân công công việc nghiên cứu, tổ chức cho sinh viên thực hành, tổ chức hoạt động ngoại khóa, quản lý sinh viên và quản lý hành chính của Khoa. Ngoài ra, chị và đội ngũ lãnh đạo khoa còn hướng dẫn các giảng viên trẻ tham gia các chương trình hợp tác với các cơ sở đào tạo quốc tế được tổ chức trong và ngoài nước. Ở Khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo không có tình trạng giảng viên trẻ phải đợi đến lượt phân công công việc bởi tất cả các giảng viên trong Khoa, không phân biệt tuổi tác, thâm niên công tác phải cùng tham gia giảng dạy và nghiên cứu trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau. Nhờ vậy, mỗi năm học, số giờ giảng của các giảng viên trẻ trong Khoa luôn vượt chuẩn từ 300- 500 tiết.
Thời gian đầu mới thành lập, do khối lượng công việc nhiều, chương trình đào tạo của Khoa có nhiều môn học về báo chí, phát thanh, truyền hình, nghiên cứu xã hội học, in ấn, xuất bản song cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu đề ra (như không có phòng máy vi tính riêng, không có studio phát thanh truyền hình…), chị đã quyết định xây dựng Website nội bộ để kịp thời cập nhật các bài giảng hay, các bài tập xuất sắc để sinh viên cùng tham khảo. Khoa cũng yêu cầu tất cả các sinh viên phải công bố bài tập trên internet để chống hiện tượng sao chép cũng như sức ỳ khi làm bài tập thực hành của mỗi sinh viên. Tất cả quy trình điều hành trong Khoa đều được thực hiện thông qua hệ thống thư điện tử. Mọi trao đổi, thảo luận giữa cấp quản lý và nhân viên, giữa các giảng viên và giữa giảng viên với các sinh viên đều theo nguyên tắc phải trình bày văn bản qua email. Cách quản lý này đảm bảo tiết kiệm được thời gian, có thể giải quyết công việc ngay trong ngày, vừa có thể lưu trữ mọi nội dung trao đổi, thảo luận nhằm giúp cho thông tin được chuyển tải nhanh chóng, rõ ràng, minh bạch. Bên cạnh đó, Khoa còn thực hiện chuyển hóa nội dung những cuốn sách thành dạng điện tử, video để tải lên mạng cho sinh viên truy cập; giao sinh viên chuyển ngữ nội dung các bài giảng từ tiếng Anh sang tiếng Việt, đăng tải qua các trang mạng xã hội để sinh viên xem ngoài giờ học. Ngoài ra, Khoa còn mở thêm trang facebook của Khoa và khuyến khích sinh viên mở các trang facebook riêng cho từng sự kiện lớn của Khoa, điều này đã thúc đẩy quá trình chuyển tải thông tin từ Khoa đến với từng sinh viên một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất.
Là người “tham công, tiếc việc”, bên cạnh vai trò là một Trưởng khoa, một giảng viên, PGS,TS Đinh Thị Thúy Hằng còn tham gia dẫn chương trình “Nòi giống Việt” của kênh truyền hình O2TV, là cố vấn Ban Dự án và trưởng đoàn giảng viên Việt Nam tham gia giảng dạy và trợ giảng các khóa học của Dự án “Đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo Việt Nam” do Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) tài trợ (giai đoạn 2004-2009), Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí Hội Nhà báo Việt Nam, là chủ nhiệm chương trình liên kết đào tạo quốc tế giữa Học viện Báo chí và Tuyên truyền với trường đại học Middlesex (Anh).
Ngoài ra, chị còn tham gia hơn 30 công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, thực hiện hướng dẫn thành công 04 nghiên cứu sinh, 30 thạc sĩ chuyên ngành báo chí và truyền thông, là tác giả của nhiều nghiên cứu về báo chí và truyền thông được đăng ở các tạp chí nghiệp vụ quốc tế, tác giả và đồng tác giả nhiều đầu sách đã được xuất bản như:“Cẩm nang đạo đức báo chí”, “PR: Kiến thức cơ bản và đạo đức nghề nghiệp”, “PR: Lý luận và Ứng dụng”, “Báo chí thế giới và xu thế phát triển”, “Cẩm nang phóng viên”, “Sử dụng báo chí để dạy báo chí – Cẩm nang dành cho những người đào tạo”…
Tâm huyết với nghề, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thay đổi để tạo nên phương pháp dạy và học mới với hiệu quả tiếp nhận, xử lý thông tin, kiến thức được nâng cao rõ rệt, PGS,TS Đinh Thị Thúy Hằng đã tạo được dấu ấn của mình, được đồng nghiệp, các thế hệ sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đánh giá cao. Đó là thành công, là ghi nhận cho những cố gắng của chị và cũng là niềm hạnh phúc của một nhà giáo hết lòng vì sự nghiệp trồng người.
Ban Thi đua – Khen thưởng
(Theo npa.org.vn)
Học viện Báo chí & Tuyên truyền
Nguồn: ajc.edu.vn/Tin-tuc-Su-kien/PGSTS-Dinh-Thi-Thuy-Hang-tam-guong-nu-can-bo-gioi/21505.ajc