Học nhạc vì bố thích
PGS. TS Đỗ Doãn Lợi mở đầu câu chuyện như vậy khi nói về người cha của mình: PGS Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (giai đoạn 1969 – 1983).
Mới thoạt nghe tưởng cha – con nhà hai lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai này lạnh lùng với nhau. Nhưng không phải vậy. Nghe những lời tâm sự đầy tình cảm của PGS.TS Đỗ Doãn Lợi, mới thấy ông dành cho người bố của mình ngoài tình cha – con thiêng liêng, còn là sự tôn trọng đặc biệt.
PGS.TS Đỗ Doãn Lợi chia sẻ: Bố tôi không biết gì về âm nhạc. Tôi nói thế vì gần như chẳng bao giờ thấy ông hát và chưa bao giờ thấy ông chơi một nhạc cụ gì. Ấy thế nhưng cụ rất thích con cái theo học nhạc. Không hiểu sao cái “thích” của cụ cứ ngấm vào chúng tôi. Tôi học ở Nhạc viện 6 năm, Khánh Hỷ (*) cũng học tận 7 năm. Còn anh trai cả và cậu em út thì học Violon hệ dự thính. Sau đó vì biết mình khó thành tài trên con đường nghệ thuật, chúng tôi trở lại học văn hóa bình thường và thi vào trường Đại học Y Hà Nội. Anh cả và em út của tôi thì học trường Đại học Giao thông và Bách khoa.
Từ bé, tôi đã cảm nhận bố mẹ mình là những người làm việc rất cần cù, nghiêm túc. Bố mẹ thường bận làm việc trong bệnh viện (mẹ PGS.TS Đỗ Doãn Lợi là bác sĩ thuộc thế hệ đầu tiên thành lập Khoa A9, Bệnh viện Bạch Mai), nên mấy anh em chúng tôi đều tự lập, từ ăn, học đến các công việc khác. Tất cả việc học hành của tôi cũng như các anh em khác trong nhà, bố tôi đều không can thiệp. Cụ cũng không ép, không soi việc học của con cái mà chỉ động viên, tạo điều kiện về sách vở. Trẻ con không tránh khỏi có lúc mải chơi, học kém. Nhưng trong trí nhớ của tôi, mấy anh em ít khi bị bố trách mắng, đánh đòn, chỉ thỉnh thoảng làm bố bực thì ông phệt cho cái vào mông.
PGS Đỗ Doãn Đại cùng vợ và các con
Luôn nhận phần nhỏ
Từ bé, bố mẹ đã dạy chúng tôi sống nhường nhịn. Vì thế, nếu cắt một quả táo, ai là người nhận phần trước thì bao giờ cũng nhận phần nhỏ hơn, bất kể người nhận trước là anh hay em. Nhà tôi có 4 anh em, 3 trai, 1 gái, cô em gái thứ 3 có vẻ được bố mẹ chiều hơn cả, nhưng mấy anh em chẳng bao giờ tị nạnh về điều này, coi đó là việc đương nhiên.
Từ bé đến giờ, chưa bao giờ tôi thấy bố mẹ cãi nhau. Có lẽ vì vậy mà anh em chúng tôi cũng không cãi nhau, con cái không cãi bố mẹ. Có một quy tắc bất thành văn: Trong nhà chúng tôi, khi một người có vẻ bực, nói to… thì những người khác lảng đi. Sau đó, ai biết mình sai thì tự sửa. Hai vợ chồng tôi và cô em gái đều công tác ở Bệnh viện Bạch Mai. Nhưng khi sum họp gia đình, không bao giờ cụ hỏi về công việc của chúng tôi. Chỉ khi nào chúng tôi có điều cần hỏi thì cụ trả lời. Cụ cũng chưa bao giờ can thiệp vào việc của chúng tôi.
Lúc 75 – 80 tuổi, cụ vẫn đi học ngoại ngữ ở phố Nhà Chung với cái lý: Ở nhà cũng chỉ xem ti vi với đọc mấy tờ báo; đến lớp có thầy, có các bạn trẻ, vừa được học hỏi, vừa vui… Bố tôi hay sợ làm phiền đến người khác. Ốm, cụ tự mua thuốc uống, không kêu ca. Hôm vừa rồi, nhà tôi đi du lịch, ông cụ đã 86 tuổi nhưng vẫn tự xách hành lý, kéo vali rầm rập, không cần sự giúp đỡ của bất cứ ai.
Bố mẹ tôi thường ít khi dạy chúng tôi phải thế này thế kia, nhưng qua cách sống của bố mẹ, anh em chúng tôi cứ theo gương một cách tự nhiên. Cho đến những ngày này, cả đại gia đình chúng tôi vẫn về sum họp ở nhà bố mẹ, ăn uống vui vẻ cả 3 thế hệ con cháu mỗi tối thứ 7, quan tâm thăm hỏi sức khoẻ của bố mẹ và mọi người.
(*) Cô em gái Khánh Hỷ nay là PGS.TS Đỗ Khánh Hỷ, Phó Viện trưởng Viện Lão khoa.
Nguồn: kienthuc.net.vn/phong-the/pgsts-do-doan-loi-hoc-su-nhuong-nhin-tu-cha-220787.html