Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam: Thưa PGS.TS Hà Thị Thúy, cơ duyên nào đưa bà đến với chuyên ngành sinh lý học thực vật mà đến nay bà vẫn theo đuổi?
Tôi sinh ra từ miền đất lúa Thái Bình, quê hương sản xuất lúa gạo lớn nhất nhì Việt
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam: Vâng, lý do bà đến với khoa học thật giản dị. Nhưng theo chúng tôi chắc cũng không dễ dàng, đặc biệt là chuyên ngành nông nghiệp. Làm thế nào bà vượt qua những “rào cản” để có được thành công trong khoa học với trên 20 đề tài nghiên cứu các cấp và hàng trăm bài viết về lĩnh vực bà đam mê theo đuổi ?
Hồi mới về công tác, có lẽ tôi là người khổ nhất Trung tâm Di truyền Nông nghiệp, mỗi ngày 25 cây số trên chiếc xe đạp mà lốp quấn đầy dây chun, cơm thì độn khoai. Ước ao lớn nhất của tôi lúc đó là tích cóp làm sao mua được chiếc xe đạp Mifa. Nhưng khó khăn đó không làm tôi nản chí. Công tác một thời gian, tôi trình bày nguyện vọng với lãnh đạo Viện xin đi học cao học. Và tôi đã rất thất vọng khi nhận được lời khuyên của cấp trên: “Phụ nữ các em chỉ học đến thế thôi, dành thời gian chăm nom gia đình”. Tôi tủi thân và buồn đến nỗi khóc hàng tuần liền. Cuối cùng tôi quyết định đi thi mà không xin phép, có kết quả tôi mới báo cáo. Thật may mắn, tôi là 1 trong 2 cán bộ thi đỗ kỳ thi cao học năm đó nên đã thuyết phục được các lãnh đạo của Viện.
Năm 2000, tôi bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ “Nghiên cứu quy trình nhân nhanh các giống mía mới bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào”. Tôi trở thành người đầu tiên nhân giống mía K84 -200 và làm ra quy trình nhân giống cây này. Với kết quả như vậy, tôi được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh. Tôi đã chọn cây cam làm đối tượng nghiên cứu cho đề tài luận án Tiến sĩ. Mặc dù được GS.TS Đỗ Năng Vịnh[1] khuyên nên tiếp tục hướng nghiên cứu về cây mía ở đề tài thạc sĩ vì: “Làm cây cam khó hơn vì đây là cây thân gỗ, xử lý consixin 36 đến 72 tiếng hoặc hơn mới có thể tạo cành tứ bội để ghép”, tôi vẫn kiên quyết muốn tìm hiểu cái khó, cái mới, cái chưa ai làm nhưng hữu ích. Sau này, đi vào nghiên cứu thực tế tôi thấy đây quả là đề tài khó vì hoa cam chỉ nở 1 lần trong năm, nếu điều kiện thời tiết không thuận lợi sẽ không lai được giống cây như mong muốn. Tôi đã gặp nhiều thất bại và khóc không biết bao nhiêu lần, có lúc tôi muốn bỏ cuộc vì không thể tạo ra giống cây trồng như mong muốn. Sau nhiều đêm thức trắng trong phòng thí nghiệm để thực hiện quá trình ngâm hạt, xử lý hóa chất và theo dõi nghiên cứu, những ngày lăn lộn bên vườn cây ăn quả của người nông dân, tôi càng quyết tâm thực hiện nghiên cứu đến cùng để bù đắp mồ hôi, công sức đã bỏ ra. Có khi, thời gian ở phòng thí nghiệm nhiều hơn ở nhà. Động lực để tôi làm được điều này là mỗi ngày đến phòng thí nghiệm nhìn thấy các mầm cây mọc lên từ nuôi cấy mô.
Năm 2003, tôi đã thuyết phục được lãnh đạo Nông trường 3/2 ở Quỳ Hợp, Nghệ An trồng thử nghiệm giống cam V2 không hạt. Năm 2005, luận án của tôi được bảo vệ thành công, giống cam V2 được công nhận chuẩn quốc gia (2006).
Khó khăn của người nghiên cứu không chỉ là tạo ra được giống mới mà còn phải thuyết phục các doanh nghiệp và nhà vườn bỏ giống cũ để trồng giống mới. Có thời gian tôi phải lăn lộn 6 tháng trời ở Công ty Mía đường Hiệp Hòa, Long An để hướng dẫn quy trình nhân giống mía và chứng minh mía nuôi cấy mô có thể sống trên đất hoang, năng suất cao hơn mía trồng hom. Hay để giống lúa Japonica được đón nhận, tôi phải nấu cơm mời các chủ nhiệm hợp tác xã ăn thử.
Thời kỳ ấy, phương tiện đi lại khó khăn, tôi đã nhiều lần đi tàu hỏa mang theo phấn hoa bưởi tứ bội vào tận Phú Trạch, Quảng Bình để lai tạo giống. Tuy nhiên, hành trình vào đến nơi trời mưa, không thể thực hiện được kế hoạch, lại phải trở về. Có khi nhân được giống, cây đã ra quả thì gặp thời tiết xấu quả rụng kín gốc. Có lần, tôi mang giống mía con đến Tây Ninh nhưng do đường xa, thời tiết khô nóng, đến địa bàn thì cây chết gần hết. Đặc biệt, những tháng ngày đem kết quả nghiên cứu đến với bà con dân tộc miền núi cũng đầy rẫy khó khăn do họ chưa tiếp xúc làm quen với những tiến bộ trong khoa học. Người dân chủ yếu làm quảng canh, khi chuyển giao giống cây trồng còn ỷ lại hỗ trợ của nhà nước. Cũng có lần chúng tôi chuyển giao hàng nghìn cây cam đến Mường Lay, tỉnh Điện Biên. Khi giao cho nông dân cây xanh tốt, phổ biến quy trình rõ ràng nhưng sau 3 năm quay lại cây chết hết. Lúc đó tôi thất vọng chỉ muốn ngồi sụp xuống khóc. Sau thất bại đó, tôi rút kinh nghiệm cử cán bộ thay nhau thường xuyên, trực tiếp giám sát hướng dẫn bà con chi tiết để có được hiệu quả mong muốn. Tôi ấn tượng với trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Oánh, hộ nông dân sinh sống ở Khe Mây, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ông Oánh tra cứu thông tin trên internet được biết Viện Di truyền Nông nghiệp có nghiên cứu nhiều giống cam có năng suất cao. Năm 2010, ông cùng con trai đi xe khách từ 3 giờ sáng đến Hà Nội để đợi gặp tôi xin mua các giống cây cam không hạt. Thời gian đó, kinh tế vẫn còn khó khăn nên ông mang đủ số tiền mua khoảng 500 cây giống (V2, BH, CT36). Tôi động viên và ủng hộ cung cấp 1000 cây giống cho gia đình ông, đồng thời hướng dẫn quy trình trồng trọt (vốn trả sau khi thu hoạch). Thời gian sau, tôi đến Khe Mây để khảo sát địa bàn, trực tiếp tập huấn cho gia đình cách chăm bón. Hồi ấy, tại Khe Mây đã có giống cam ngọt nhưng ông Oánh cần giống cam chín muộn để kế vụ, tăng năng suất thì một số giống cam do Viện di truyền nông nghiệp nghiên cứu đáp ứng được tiêu chuẩn này. Sau 3 năm, vườn cam của ông Oánh được thu hoạch cho năng suất cao, trung bình bán 70-80.000 đ/1 kg, thu nhập hơn 1 tỉ/ha. Đến nay ông và các con đã trồng trên 40 ha, gia đình đã sắm 2 ô tô, 1 xe bán tải, xây nhà 3 tầng. Đối với nhà khoa học nông nghiệp luôn phải xác định một chân ở phòng thí nghiệm, nhưng một chân phải đi đến các vùng miền để đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất. Hành trình trên từng cây số của chúng tôi không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Năm 2004, tôi và các đồng nghiệp khảo sát giống quýt ở Lạng Sơn. Đoàn gồm 6 người thuê 6 xe Minks để đi vào các bản. Đường đến bản, trời đã tối nên có xe bị chệch bánh, khiến các xe khác va chạm, mọi người ngã lăn xuống ao bùn. Tôi nhớ nhất chuyến đi khảo nghiệm cam ở Nghệ An. Xe ô tô xuất phát từ 3 giờ sáng, khi đến tỉnh Thanh Hóa bị tai nạn đâm xuống vực sâu hơn 4 mét. May quá, mọi người an toàn, riêng tôi bị nằm bất động nửa tháng. Khi ấy, tôi tự nhủ sẽ không đi công tác xa nữa nhưng khi lành bệnh, nhận được điện của bà con nông dân: “Cô Thúy lên xem giống hoa cam, bưởi đang nở rộ đẹp lắm” tôi lại lên đường., Thấy đời sống người nông dân được cải thiện nhờ những nghiên cứu của mình thì còn gì hạnh phúc hơn.
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam: Vừa làm chuyên môn, lại tham gia quản lý, vậy còn thiên chức của người phụ nữ trong gia đình, bà sắp xếp việc công – tư thế nào?
Đến giờ tôi phải thừa nhận, phụ nữ làm nghiên cứu khoa học thường gặp nhiều “rào cản”, đặc biệt lại là khoa học nông nghiệp lại càng vất vả hơn. Người phụ nữ phải gắng sức gấp nhiều lần so với nam giới. Quỹ thời gian dành cho gia đình rất ít. Khi có ý định học thạc sĩ, tôi đã phải trao đổi thống nhất với chồng về nguyện vọng học tiếp để nâng cao trình độ. Chồng tôi là cán bộ phòng tổ chức hành chính của Tổng công ty 789, Bộ Quốc phòng rất thông cảm, ủng hộ để nhường vợ học cao, chuyên tâm nghiên cứu bằng cách chăm sóc, đưa đón các con đi học và không phàn nàn. Công việc nghiên cứu nhiều khi không thể bỏ dở, việc gia đình trông hết vào người thân, tôi chỉ có thể cố gắng tranh thủ dành chút thời gian buổi tối, sáng sớm cho gia đình. Nhưng nhiều buổi tối, 11 giờ tôi vẫn còn ở phòng thí nghiệm của Viện. Đặc biệt, mẹ tôi cũng là hậu phương vững chắc, luôn động viên những lúc tôi gặp khó khăn. Thời gian dành cho gia đình không nhiều, đó là điều tôi rất áy náy, nhưng thật may mắn hai cậu con trai biết thương mẹ nên học hành chăm chỉ, ngoan. Đó là nguồn khích lệ lớn giúp tôi an tâm công tác.
PGS.TS Hà Thị Thúy làm việc ở phòng nuôi cấy mô tế bào, Viện Di truyền nông nghiệp, tháng 8-2018
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam: Suốt hơn 30 năm miệt mài với các giống cây trồng, công trình khoa học nào bà tâm đắc nhất?
Bất kỳ công trình nào thành công, tôi cũng tâm đắc, vì đó đều là kết quả của một quá trình lao tâm khổ tứ của mình đã được người nông dân tiếp nhận và hoan nghênh. Nhưng với tôi, đáng nhớ nhất là công trình nghiên cứu chọn tạo giống cây ăn quả có múi không hạt, tiêu biểu là cam. Trên những nẻo đường nông nghiệp tôi đã đi qua, nhìn thấy nông dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Giang…nhờ trồng giống cam mới không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu, nhiều nhà vườn thu hoạch cam lãi hơn 1 tỷ/ha; bà con phấn khởi vì lãi to, lãnh đạo địa phương vui vẻ, tôi đi đến đâu cũng được bà con quý mến, thế là tôi hạnh phúc lắm rồi. Tôi từng mang giống hoa lan lên Sa Pa trồng, đến mùa thu hoạch mọi người gọi đến tặng chậu hoa. Hay đến vùng Hòa Bình, Nghệ An người dân mang cam đến biếu: “Chị Thúy ơi, đây là giống cam tốt mà chị chuyển giao đấy”, hoặc khoe mua xe mới là nhờ cam của tôi… Sự cải thiện đời sống của bà con nông dân nhờ những giống cây trồng do tôi chuyển giao là nguồn động lực rất lớn thôi thúc tôi tiếp tục nghiên cứu để có nhiều sản phẩm tốt ứng dụng vào thực tiễn.
Ngoài ra, tôi cùng đồng nghiệp ở Viện Di truyền nông nghiệp có chuyển giao các công nghệ nhân giống mía, các giống hoa đẹp, dược liệu quý … cho nhiều công ty, nông trường. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các công ty nông nghiệp lớn có uy tín trong nước và quốc tế như : Công ty Mía đường Lam Sơn; Công ty Bảo vệ thực vật An Giang; Tổng công ty giống cây trồng trung ương….Họ là những đầu mối ủng hộ và đưa sản phẩm khoa học công nghệ nhanh chóng đến sản xuất. Có lẽ, điều mà tôi vui nhất là đã đưa các giống cam, lúa chất lượng cao đến các vùng xa xôi của Tổ quốc như Hà Giang, Yên Bái, Điện Biên, Lào Cai. Người dân ở đây chân thành, thật thà và rất trân trọng nhà khoa học. Vì lẽ đó, dù phải đi xa hàng trăm cây số đường núi, mệt mỏi, say xe nhưng đến nơi vẫn vui lắm.
Vụ mùa bội thu" trên nông trường Xuân Thành, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, 2015
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
Nhằm tiếp cận nhanh chóng thành tựu khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực nghiên cứu của mình, bên cạnh việc triển khai các đề tài dự án nghiên cứu trong nước, bản thân tôi cùng với ban lãnh đạo Viện di truyền nông nghiệp đang tăng cường mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế nhằm phát triển nguồn nhân lực khoa học, đầu tư cơ bản về trang thiết bị, cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng khoa học cho các hướng nghiên cứu của phòng một cách hiệu quả.
Định hướng ưu tiên là tạo giống cây trồng mới và nhân nhanh nguồn nguyên liệu. Chúng tôi đã nghiên cứu các phương pháp công nghệ tế bào khác nhau. Đối với lĩnh vực tạo giống mới, công nghệ chủ yếu được sử dụng bao gồm: Nuôi cấy noãn, tạo mô sẹo phôi hóa và phôi vô tính nhằm tạo dòng tứ bội in vitro ở cam quýt; cứu phôi hạt lép, hạt nhỏ in vitro để tạo dòng tam bội, tứ bội cam quýt, bưởi; nuôi cấy và dung hợp tế bào trần. Các phương pháp ứng dụng trong nhân giống bao gồm: Nuôi cấy đỉnh sinh trưởng và vi ghép in vitro để phục tráng giống và tạo giống sạch bệnh; nhân sinh khối mô sẹo phôi hóa và phôi vô tính, hạt nhân tạo và công nghệ bioreactor nhằm nhân giống nhanh các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao (chuối, mía, các giống hoa, các cây lâm nghiệp và dược liệu).
Chúng tôi cũng đang tiếp tục nhân các giống dược liệu quý để sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Tôi luôn mong muốn sẽ phổ biến rộng rãi các giống cam không hạt, năng suất cao đến bà con nông dân. Và rất hy vọng sự phát triển của các giống cây này sẽ là tiền đề tốt để Việt Nam sản xuất nước ép cam nguyên chất, giá thành giảm, nâng cao mức sống, thu nhập của người dân.
Một yếu tố vô cùng quan trọng, đó là nguồn nhân lực, chúng tôi sẽ tiếp tục đào tạo sinh viên, cán bộ cho các trường đại học, viện nghiên cứu nhất là đào tạo kỹ sư lành nghề cho các công ty về công nghệ sinh học.
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam: Xin cảm ơn PGS.TS Hà Thị Thúy về những chia sẻ đầy tâm huyết của bà – một nhà khoa học nữ đã và đang cống hiến không mệt mỏi cho nền khoa học nông nghiệp nước nhà. Trân trọng.
Lưu Thị Thúy
______________________
[1] Lúc đó, GS.TS Đỗ Năng Vịnh là Phó viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp.