Một trong những công trình nổi bật là áp dụng tiêm vắcxin ho gà vô bào cho phụ nữ mang thai để bảo vệ trẻ ngay từ phút lọt lòng mẹ. Đó là Phó Giáo sư – tiến sỹ (PGS-TS) Hoàng Thị Thu Hà – Trưởng khoa Vi khuẩn, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nhà khoa học nữ duy nhất được đề cử giải Tạ Quang Bửu 2017.
Mất ngủ mỗi lần lấy mẫu máu trẻ
Chia sẻ về công trình nghiên cứu tiêm vắcxin ho gà vô bào cho bà mẹ mang thai, PGS-TS Hoàng Thị Thu Hà kể: “Năm 2012, Đại học Antwerp, Vương quốc Bỉ mời phía Việt Nam hợp tác thử nghiệm lâm sàng vắcxin ho gà vô bào trên phụ nữ có thai ở Việt Nam, tôi và đồng nghiệp rất phân vân nhưng với kiến thức khoa học có được, chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Đề cương nghiên cứu được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, Hội đồng Y đức của Bộ Y tế thông qua; phía Việt Nam sẽ làm độc lập hoàn toàn về kinh phí, nhưng phương pháp thực hiện, chọn đối tượng thì tương tự với Bỉ”.
Nghiên cứu được thực hiện tại Hà Nam và để đánh giá tác dụng của việc tiêm phòng cho thai phụ, những đứa trẻ cũng được lấy máu xét nghiệm.
TS Vũ Ngọc Hà – khoa Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, một cộng sự của PGS-TS Hoàng Thị Thu Hà trong nghiên cứu kể trên – cho biết trong 3 năm thực hiện, PGS Hà gần như không có thời gian nghỉ ngơi bởi phải dành rất nhiều tâm trí, thời gian cho các đối tượng nghiên cứu.
PGS Hà chia sẻ: “Không phải bà mẹ nào có thai mà cũng dám tiêm vắcxin ho gà vô bào, vì vậy chúng tôi phải cởi mở hoàn toàn, nói rõ những rủi ro có thể xảy ra và chúng tôi phải chạy đi chạy lại gặp gỡ họ suốt quá trình nghiên cứu. Nhiều trường hợp đã đồng ý tiêm nhưng sau đó lỡ hẹn. Để lấy máu của em bé, tôi phải xuống tận nhà họ. Có trường hợp đến thời điểm lấy máu thì bà mẹ đưa con sang tỉnh khác, chúng tôi cũng tìm mọi cách để gặp được”.
Phó Giáo sư – tiến sỹ Hoàng Thị Thu Hà. Ảnh: Châu Long
Nhà khoa học tâm sự, bà có thể kiên nhẫn “chạy theo” như vậy vì rất hiểu nỗi lòng người mẹ. Bản thân bà cũng thấy xót khi phải lấy mẫu máu của trẻ: “Mẫu máu lấy từ các em nhỏ, chúng tôi gọi là kim cương vì nó rất quý, lấy cực kỳ khó và không được lấy nhiều. Mỗi lần thực hiện, chúng tôi đều bố trí một y tá hộ sinh, một bác sỹ, một cán bộ cấp cứu hồi sức và một cán bộ nghiên cứu”.
PGS Hoàng Thị Thu Hà cũng cho biết, trước mỗi lần lấy mẫu máu của trẻ sơ sinh hay tiêm cho thai phụ trong nghiên cứu, bà đều lo lắng gần như không ngủ được. Sự hồi hộp này cũng kéo dài suốt quá trình theo dõi trẻ sau sinh xem có các triệu chứng giống ho gà hay không. Ngày nào bà cũng gọi điện cho các bà mẹ để hỏi.
Những vất vả đã được đền bù khi nhóm nghiên cứu chứng minh được việc tiêm vắcxin ho gà vô bào cho thai phụ giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh cho trẻ – đặc biệt là trẻ dưới 2 tháng tuổi, chưa đến thời điểm tiêm vắcxin phòng bệnh này.
“Làm nhà vi sinh thì phải tham”
Tâm sự về con đường sự nghiệp của mình, PGS Hà cho biết, bà từng nghĩ mình sẽ “an phận” làm một bác sỹ ở khoa Vi sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp, Hải Phòng cho đến khi có dịp nghiên cứu sâu về vi sinh y học trong một khóa học tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương mà bệnh viện cử đi. Khao khát gắn bó với lĩnh vực nghiên cứu này và những nỗ lực trong công việc giúp nữ bác sỹ trẻ được giữ lại viện.
Cơ hội du học Thụy Điển đến khi đứa con đầu lòng mới hơn 4 tháng tuổi, bà đã phải để con ở nhà để đi; nhưng rồi sau đó nhà khoa học nữ nhận ra, làm mẹ và nghiên cứu đều là thiên chức của mình và bà đã tìm cách kết hợp “hai trong một” rất ấn tượng.
Bà kể: “Tôi sinh bé thứ hai đúng thời gian viết luận án tiến sỹ nên cứ về nước liên tục. Con chưa đầy tháng đã phải làm việc cùng mẹ thường xuyên. Vì mình lệch múi giờ với Thụy Điển nên tôi cứ đặt con trên đùi rồi cắm cúi viết luận án đến 4-5h sáng để tiện trao đổi với các chuyên gia bên đó”.
Mặc dù PGS Hà nói rằng cho đến giờ, bà vẫn không hiểu nổi tại sao mình có thể vượt qua thời điểm đó, nhưng những người xung quanh lại hiểu rất rõ tình yêu của bà đối với ngành vi sinh. Mặc dù chứng kiến nhiều đồng nghiệp ở viện đi tìm công việc khác tốt hơn, bà vẫn kiên định ở lại do “thích làm việc trong một môi trường tĩnh lặng và phải tìm ra một thứ gì đó mới” – sự tìm tòi gắn với thế giới vi sinh mà bà say mê tìm hiểu, tận dụng mọi cơ hội để sưu tầm các mẫu vi khuẩn.
“Tôi thừa nhận là mình rất tham” – PGS Hà hóm hỉnh nói. “Một người thầy của tôi bảo, làm nhà vi sinh thì phải tham, phải giữ tất cả các chủng vi khuẩn, phải tạo ra “ngân hàng” của mình. Vì thế mà đến nay, tôi đã lưu giữ được khá nhiều mẫu vi sinh để làm “của hồi môn” cho mình trong nghiên cứu. Mẫu vi sinh mà các thầy để lại, tôi cũng nhập luôn vào kho “của hồi môn” này”.
Muốn lan tỏa tình yêu nghề đó của mình sang thế hệ trẻ, PGS-TS Hoàng Thị Thu Hà cố gắng tham gia thường xuyên việc giảng dạy cho sinh viên các trường đại học, học viên cao học hay cán bộ y tế tuyến dưới. TS Vũ Ngọc Hà – người vẫn coi bà là một người thầy – cho biết: “PGS Thu Hà là nhà nghiên cứu cẩn trọng, giàu trách nhiệm với cộng đồng, cũng là một người thầy mẫu mực. Những người được chị hướng dẫn làm luận án tiến sỹ, thạc sỹ luôn nhận được sự quan tâm sát sao. Bản thảo nào của tôi, chị cũng đọc đầu tiên và đọc rất kỹ”.
TS Ngọc Hà cũng cho biết, PGS-TS Hoàng Thị Thu Hà không chỉ truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm mà điều quan trọng là bà “truyền lửa” cho đồng nghiệp học trò: “Trên những chuyến đi thực tế, tôi luôn thấy chị tràn đầy sinh lực và truyền cảm hứng cho mọi người quên đi khó khăn để đạt mục tiêu”.
PGS-TS Hoàng Thị Thu Hà sinh năm 1969 tại Thanh Oai, Hà Nội. Bà tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, bảo vệ luận án tiến sỹ năm 1992 tại Học viện Karolinska, Thụy Điển. Bà có 25 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín của quốc tế và gần 20 bài báo trên các tạp chí trong nước. Các hướng nghiên cứu chủ yếu của bà là: Nhiễm trùng vi khuẩn gây viêm loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày; bệnh ho gà ở trẻ em; các bệnh lây truyền từ động vật sang người như vàng da, dịch hạch…
Lê Loan