Ngày còn công tác tại Khoa Phẫu thuật lồng ngực, BV Việt Đức, BS Lê Ngọc Thành đã luôn đau đáu vì sao Việt Nam chưa mổ được tim cho trẻ em có cân nặng dưới 10kg. Vậy là ông quyết định sang Pháp học bằng được kỹ thuật này. Nhờ vậy, năm 2005, sau gần 40 năm thực hiện phẫu thuật tim mạch, BV Việt Đức đã thành công trong việc mổ tim cho trẻ nặng dưới 10 kg.
Năm 2010, BS Thành về làm Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BV E vừa được xây dựng. Vạn sự khởi đầu nan, ông đã dồn hết tâm sức cho chuyên ngành tim mạch, vừa trực tiếp phẫu thuật, vừa đào tạo nhân lực và tìm kiếm nguồn tài trợ để nơi đây trở thành mái nhà thắp lên niềm tin cho BN tim mạch.
PGS. TS Lê Ngọc Thành – Ảnh: Văn Hải
Những năm qua, Trung tâm thực hiện hàng chục nghìn ca phẫu thuật tim cho BN đủ mọi lứa tuổi từ sơ sinh 1 tháng tuổi đến những cụ già sắp bước sang tuổi 90, có những bệnh nhi nặng chỉ 2,5 kg vẫn được phẫu thuật thành công. Trung tâm Tim mạch BV E giờ là địa chỉ tin cậy của những người mắc bệnh về tim mạch.
“Lúc đầu mới lên đây để mổ, tôi cũng lo lắm nhưng sau đó rất tự tin vì các y, BS ở đây từ Giám đốc đến nhân viên rất chu đáo, tận tình. Sau khi mổ xong tôi thấy bình thường, không đau mấy. Sức khỏe bây giờ thì ăn tốt, ngủ tốt lắm” – BN Nguyễn Thị Bình ở xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) cho biết.
Dưới sự điều hành của PGS.TS Lê Ngọc Thành, ngay trong năm đầu, Trung tâm Tim mạch BV E đã được Chính phủ đánh giá là điểm sáng hiệu quả công tác đầu tư của Nhà nước và 2 năm sau là cơ sở đầu tiên trong cả nước triển khai thường quy kỹ thuật mổ nội soi thay van tim 2 lá cho BN – một kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay. Nhờ đó, BN khi mổ không còn bị cưa xương ức, mất máu ít hơn, hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng và ra viện sớm hơn so với biện pháp mổ mở kinh điển. Tất cả bắt nguồn từ việc ông luôn quan tâm đến việc truyền nghề cho các thầy thuốc trẻ.
“Tôi truyền lại tất cả những gì tôi học được cho học trò của mình cho nên sinh viên của tôi ở Đại học Y Hà Nội và nhân viên của tôi mới tiến nhanh là vì thế. Tôi không yêu cầu gì, thậm chí nói với các học trò rằng, ngày xưa thầy học 5 năm thì bây giờ thầy chỉ muốn các em học giỏi hơn, chỉ mất 2 năm thôi. Tất cả các học trò của tôi, tôi đều dạy các em như vậy, phải trung thực, chịu khó, tận tình với người bệnh” – PGS Thành nói.
Mới đây, BS Lê Ngọc Thành còn trực tiếp phẫu thuật miễn phí cho một em nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh ở tỉnh Hòa Bình khi biết rằng, trước đó bệnh nhi này bị một số BV khác từ chối phẫu thuật vì nhiễm HIV. Hành động này không chỉ được Bộ Y tế khen ngợi, đồng nghiệp thêm yêu mến, kính trọng ông mà từ đây đã lan tỏa một bài học sâu sắc về y đức.
BS Nguyễn Công Hựu – đồng nghiệp của BS Thành cho biết: “Tôi thấy mình may mắn được học tập, làm việc trong một môi trường tốt, với những người thầy lớn, trước đây là thầy Tôn Thất Bách, Đặng Hanh Đệ và sau đó trực tiếp đào tạo và chỉ đạo là anh Thành. Anh Thành là người hết sức tạo điều kiện cho các BS trẻ chúng tôi được đi học nâng cao và được làm việc. Đối với người thầy thuốc đó là 2 điều cốt yếu nhất để mình có thể trưởng thành được. Anh Thành vừa là người thầy, người anh, rất năng động tìm các nguồn để đưa những phẫu thuật viên trẻ đi đào tạo ở nước ngoài”.
Mỗi năm, nước ta có tới 15 nghìn trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng chỉ khoảng 1/3 trong số đó được phẫu thuật, can thiệp kịp thời. Con số 10.000 bệnh nhi còn lại cần phẫu thuật tim mỗi năm để giành lại sự sống đã và sẽ là nỗi trăn trở của những thầy thuốc giỏi y nghiệp, sáng y đức như PGS. TS Lê Ngọc Thành.
Văn Hải
Nguồn: http://
This entry was posted in Ký ức nhà khoa học. Bookmark the permalink.