Bí quyết của thành công
Quen biết ông đã lâu và cũng từng quan sát ông khám bệnh nhiều lần, nhưng lần nào cũng vậy, ông mang đến cho tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Tôi nhớ trong một lần đi mổ từ thiện ở Hòa Bình, có một bé gái chừng 4 tuổi cứ khóc ré lên, giãy giụa không chịu cho bác sĩ khám. Ấy vậy mà ông chỉ xoa má và nói thì thầm điều gì đó, cháu bé đã ngoan ngoãn để ông khám bệnh và còn nhoẻn cười với ông trước sự ngạc nhiên của chúng tôi.
Đây là một trong những cách mà PGS.TS. Ngô Văn Toàn tiếp xúc với bệnh nhân. Vẻ ân cần, cởi mở mang đến cho họ một cảm giác yên tâm.
…N.H.L. không ngại ngần kéo bên chân với những vết sẹo chằng chịt lên cho tôi xem. Ngậm ngùi nhớ lại vụ tai nạn giao thông khiến chị bị gãy xương chày cách đây 3 năm. Ngay sau phẫu thuật, chân của chị bị căng tức, mất cảm giác từ cẳng chân trở xuống và không cử động được. Trong vòng 5 ngày, trải qua 3 cuộc phẫu thuật, chị lờ mờ nhận ra rằng rất có thể chị sẽ bị mất một bên chân. Vừa đau đớn, vừa tuyệt vọng, chị chỉ còn biết cầu khấn ông trời rủ lòng thương…
Và có lẽ, ông trời đã nghe được lời khẩn cầu của chị nên để chị gặp được PGS.TS. Ngô Văn Toàn. Bệnh nhân L. mắc phải hội chứng khoang sau chấn thương, nhưng đã không được chẩn đoán đúng và xử trí kịp thời nên các phần cơ và mạch máu, thần kinh… đã bị hoại tử gần hết. Sự nuôi dưỡng chi dưới vô cùng yếu ớt và khả năng giữ được cái chân rất mong manh. Nhưng với tinh thần “còn hy vọng, còn làm”, ròng rã hơn 2 năm, tỉ mỉ sửa chữa từng tí một; chăm sóc cho sự nuôi dưỡng chân tốt dần lên cộng thêm 5 lần phẫu thuật nữa, và điều kỳ diệu đã đến.
Bệnh nhân L. chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân đã được PGS.TS. Ngô Văn Toàn “sửa chữa” thành công sau những chấn thương tưởng chừng như không thể cứu nổi. Điều đặc biệt, bệnh nhân từ khắp nơi như Thái Nguyên, Lào Cai, Hòa Bình hay Hải Dương… nhưng PGS. Toàn vẫn còn nhớ rõ về tình trạng bệnh, hoàn cảnh gia đình và giữ mối liên lạc thường xuyên với họ. Phải chăng đây là một trong những bí quyết của thành công?
PGS. Toàn cho rằng, với người thầy thuốc, cơ hội để tiếp cận kiến thức trong trường y và kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm việc là như nhau. Nhưng cách thức để vận dụng “kho vàng” ấy thì mỗi người một khác. Ông rất tâm đắc khi nhắc đến tấm gương của các bậc thầy đi trước như cố GS. Đặng Kim Châu, cố GS. Nguyễn Trung Sinh về sự ân cần, cởi mở khi tiếp xúc với bệnh nhân. Trong cái tỉ mỉ, cẩn trọng rất khuôn phép của người thầy thuốc lại có cái dân dã, gần gũi lắng nghe của lòng trắc ẩn và cả cách để xây dựng một mối quan hệ thân thiện giữa bệnh nhân với thầy thuốc… Tưởng chừng là việc nhỏ, nhưng đôi khi nó lại quyết định sự thành bại trong điều trị của người thầy thuốc. Câu chuyện ấy không hề xa lạ với các đồng nghiệp ở các nước có nền y học tiên tiến mà ông từng du học như Pháp, Úc, Hoa Kỳ.
PGS.TS. Ngô Văn Toàn cùng đoàn BS phẫu thuật mổ từ thiện cho bệnh nhi ở Hòa Bình. Ảnh: Tuấn Anh
Những cơ hội mang đến một Toàn “xương”
Có lẽ danh hiệu Toàn “xương” mà người ta thương mến gọi ông vì những gì ông đã làm được cho ngành CTCH Việt Nam.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, ở Việt Nam khi đó chuyên ngành CTCH như một mảnh đất hoang sơ mà những người khai phá vừa đi vừa dò dẫm tìm đường. Cánh cửa tiếp cận thông tin với các nước phát triển rất hẹp. Các tài liệu nghiên cứu từ nước ngoài chủ yếu dựa vào quan hệ cá nhân, “được chăng hay chớ”. Thiếu con người, thiếu cơ sở vật chất nên chuyên ngành CTCH cũng vì thế mà chưa có chỗ đứng xứng tầm.
Năm 1988, BS. Toàn được cử đi học bác sĩ nội trú tại Pháp. Một chân trời mới mở toang trước mắt, “nó thay đổi toàn bộ cách nhìn của tôi về ngành CTCH”, ông tâm sự.
Bấy giờ, ông mới hiểu rõ thế nào là một cuộc mổ hoàn chỉnh. CTCH không chỉ đơn giản là “bó bột” mà phải “chỉnh hình” cho thật ngay ngắn, lành lặn, thẩm mỹ và đảm bảo chất lượng sống của bệnh nhân sau chấn thương. Ngành CTCH thế giới đã phát triển những kỹ thuật chuyên sâu và đã đi quá xa.
Năm 1990, BS. Peter Nathan ở Atlanta (Mỹ) là bác sĩ chuyên phẫu thuật bàn tay được GS. Đặng Kim Châu mời sang Bệnh viện Việt Đức làm việc. Đây là cơ hội mới cho các bác sĩ trẻ ở Việt Nam. GS. Châu đã khuyên BS. Toàn nên theo chuyên ngành phẫu thuật bàn tay.
Trong CTCH, phẫu thuật bàn tay là một phẫu thuật đặc biệt khó. Vi phẫu thuật bàn tay phải thao tác với các dụng cụ nhỏ; các bộ phận quan trọng của bàn tay sắp xếp trong phạm vi chật hẹp nên phẫu thuật mất nhiều thời gian, kỹ thuật tinh vi mà không phải bác sĩ CTCH nào cũng làm được. Nó đòi hỏi bác sĩ phải có đôi bàn tay tinh tế và một trái tim tâm huyết.
Sau này, ông còn được theo học GS. Alan Gillbert – nguyên Chủ tịch Hội phẫu thuật bàn tay của Pháp – giáo sư hàng đầu của Pháp về phẫu thuật bàn tay và vi phẫu. Được học hỏi từ những chuyên gia đầu ngành của thế giới về kỹ thuật này là điều kiện vô cùng thuận lợi cho sự thành công sau này của ông.
Ca phẫu thuật chuyển ngón đầu tiên mà ông thực hiện cùng với BS. Peter Nathan vào năm 1991 cho một bé trai bị dị tật không có ngón tay cái. Trong bàn tay con người, ngón cái là quan trọng nhất. Nó liên quan đến hầu hết các chức năng khéo léo của bàn tay như cầm, nắm, viết, lao động… Do đó, buộc người bác sĩ phải quyết định lựa chọn một ngón tay ít quan trọng nhất trong bàn tay đó là ngón tay thứ 4 (áp út) để chuyển về vị trí ngón cái. Nhưng với cấu tạo xương, khớp, kích thước giữa ngón út và ngón cái là khác nhau rất nhiều, việc tạo khớp và chỉnh hình làm sao cho vừa vặn và ngón cái mới được tạo thực hiện đúng chức năng của nó lại là điều vô cùng khó. BS. Toàn cùng kíp mổ nín thở chờ đợi sự hồng hào trở lại của ngón tay… Cuối cùng thì ông cùng đồng nghiệp đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì ngón tay mới được chuyển ngón đã hoạt động được.
Năm 2000, một sự tình cờ lại đến khiến BS. Toàn có duyên với phẫu thuật xương cổ bàn chân – cũng là một chuyên ngành rất khó trong CTCH. Đó là lần đầu tiên hội nghị về chấn thương cổ bàn chân Việt – Mỹ do Viện Hàn lâm phẫu thuật cổ bàn chân Hoa Kỳ (AOFAFS) phối hợp với Tổ chức Chân giả ngoại tuyến (POF) tổ chức tại Việt Nam mà ông tham dự.
Tại hội nghị này, ông đã gặp BS. Pierce Scranton đến từ Washington D.C – là một chuyên gia hàng đầu thế giới chuyên về cổ bàn chân và nội soi tạo hình khớp gối và khớp háng.
Từ đó BS. Toàn lại có thêm một say mê mới với lĩnh vực phẫu thuật về cổ bàn chân, khớp háng và nội soi. Trước đó, mặc dù trên thế giới, các kỹ thuật này đã phát triển rất mạnh, đặc biệt là những kỹ thuật chuyên sâu để xử lý những bệnh lý phức tạp thuộc cổ bàn chân. Nhưng tại Việt Nam, hiểu biết về lĩnh vực này còn rất mơ hồ. Hầu như các bệnh nhân mắc phải bệnh lý ở chi dưới đều được điều trị không đúng cách và thường chấp nhận phải mang dị tật, đặc biệt là chấn thương phần mềm cổ bàn chân. Dưới sự trợ giúp của đoàn bác sĩ tình nguyện đến từ Washington, BS. Toàn đã nghiên cứu chuyên sâu về bệnh lý bẩm sinh và bệnh lý mắc phải ở cổ bàn chân của bệnh nhân.
Sự hợp tác của ông với POF không chỉ mang lại cơ hội học hỏi cho các bác sĩ ngành CTCH Việt Nam mà nó còn giúp cho gần 1.000 trẻ em nghèo mắc phải dị tật bẩm sinh hoặc mắc phải ở các tỉnh phía Bắc được phẫu thuật miễn phí.
Giờ đây, cánh cửa tương lai của ngành CTCH Việt Nam đã rộng mở. Từ việc học hỏi của các đồng nghiệp quốc tế, các bác sĩ CTCH Việt Nam đã tự tin đóng góp trí tuệ để cùng xây dựng tòa lâu đài của ngành CTCH thế giới.
Và tấm lòng thiện nguyện
Sẽ là thiếu sót khi viết về ông mà không nhắc tới Câu lạc bộ Sala do ông sáng lập và là Chủ tịch câu lạc bộ. Đây là nơi tụ hội của những người tự nguyện mong muốn làm nhân đạo trong lĩnh vực y tế – sức khỏe cộng đồng phạm vi CTCH. PGS. Toàn là người đứng mũi chịu sào, tham gia kêu gọi sự đóng góp tài chính, đóng góp công sức… và tổ chức các chuyến đi về những nơi mà ngành y tế còn khó khăn, thiếu thốn. Trong 2 năm qua, PGS.TS. Ngô Văn Toàn cùng các bác sĩ tình nguyện của CLB Sala đã tổ chức nhiều chuyến đi phẫu thuật từ thiện cho hơn 100 bệnh nhi ở vùng sâu, vùng xa, mang lại cho các em một cơ hội thay đổi tương lai.
Dù vậy, nhưng ông vẫn luôn nhận: “Tôi chỉ làm từng việc nhỏ”. Vâng, nhìn lại những việc nhỏ mà ông làm còn lớn hơn xây những tòa tháp đẹp.
Thu Hà
Nguồn:suckhoedoisong.vn/20130321110945464p0c61/nguoi-lam-tung-viec-nho.htm