PGS.TS Nguyễn Huy Vị: Tận tâm với ngành, tận hiến với nghề

TS Nguyễn Huy Vị, tại buổi lễ công nhận chức danh Phó Giáo sư (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sinh năm 1959 trong một gia đình Nho học, nền nếp ở phường 1 Thị xã Tuy Hòa (nay là TP Tuy Hòa) là học sinh giỏi của Trường Trung học Tổng hợp Nguyễn Huệ Tuy Hòa (nay là PTTH Nguyễn Huệ), tốt nghiệp PTTH, tháng 9/1976 Nguyễn Huy Vị thi đại học và trúng tuyển vào Khoa Toán Trường Đại học Khoa Học TP. Hồ Chí Minh (1978 là trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, nay là Trường Đại học KHXH&NV).

Năm 1981, Nguyễn Huy Vị giảng dạy tại Trường CĐSP Nha Trang tỉnh Phú Khánh, là một nhà giáo trẻ đầy tiềm năng, được đồng nghiệp quý trọng, sinh viên kính nể vì có trình độ chuyên môn giỏi và say mê nghiên cứu khoa học (NCKH). Đề tài thay sách giáo khoa Toán lớp 6 và lớp 7 cải cách giáo dục của trường CĐSP Nha Trang, Nguyễn Huy Vị tham gia nghiên cứu đã được Bộ Giáo dục xếp hạng A và khen thưởng.

Tháng 7 năm 1989, tỉnh Phú Yên được tái lập (tách từ tỉnh Phú Khánh thành 2 tỉnh Khánh Hoà và Phú Yên. Nguyễn Huy Vị chọn cho mình con đường trở về Phú Yên để cùng với đồng nghiệp tiếp tục tổ chức đào tạo cho 350 sinh viên của Phú Yên đang học dang dở chuyển về từ trường CĐSP Nha Trang, dẫu biết ở lại thành phố biển Nha Trang sẽ có nhiều cơ hội hơn. 

Với nhiệm vụ Chủ nhiệm Khoa Khoa học-Tự nhiên, Nguyễn Huy Vị đã năng nổ, sáng tạo trong chuyên môn… năng lực của Nguyễn Huy Vị đã được nhanh chóng bộc lộ, hình thành và phát triển. Nguyễn Huy Vị đã lần lượt được lãnh đạo Sở GD&ĐT Phú Yên và UBND Tỉnh Phú Yên bổ nhiệm giữ các chức vụ: Phó Hiệu trưởng Trường Sư Phạm Phú Yên (năm 1991); Phó Hiệu  trưởng Trường Cao  đẳng Sư phạm Phú Yên (năm 1996) kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Tại chức Phú Yên (1997); Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên (năm 2007).

PGS.TS Nguyễn Huy Vị, tại cuộc họp Hội đồng Khoa học, do Liên hiệp Hội Phú Yên tổ chức. Ảnh: Huỳnh Đức Thế

Trong vai trò quản lý, Nguyễn Huy Vị  đã chấp bút xây dựng nhiều đề án để phục vụ cho sự nghiếp giáo dục tỉnh Phú Yên, điển hình như: “Đề án xây dựng đại học/cao đẳng cộng đồng Phú Yên năm 1993”; “Đề án nâng cấp Trường Sư phạm Phú Yên lên CĐSP năm 1995” …Ngoài ra, Nguyễn Huy Vị còn  chủ trì đề án cáp tỉnh “Đề án quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và phát triển trường Sư phạm Phú Yên giai đoạn 1991-1995 và định hướng đến năm 2000”

Năm 1992, khi Trường Đại học Đà Lạt tổ chức đào tạo trình độ Thạc sĩ khóa đầu tiên, Nguyễn Huy Vị là một trong năm người đầu tiên của ngành Giáo dục &ĐT Phú Yên trúng tuyển và tốt nghiệp Thạc sĩ Toán học chuyên ngành Giải tích đầu tiên của ngành GD-ĐT Phú Yên, năm 2001, Nguyễn Huy Vị  được Bộ Nội Vụ xét công nhận đặc cách chức danh Giảng viên chính ngành Toán đầu tiên ở Phú Yên.

Năm 2004, ThS Vị “khăn gói” lên đường ra Hà Thành để dự tuyển làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Quản lí Giáo dục với đề tài “Nghiên cứu mô hình trường cao đẳng cộng đồng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương ở Việt Nam”, một đề tài đã được nhiều nhà giáo dục đánh giá cao về tính khoa học và đang phát huy trong thực tiễn đổi mới công tác đào tạo nhân lực tại nhiều địa phương trong cả nước; Nghiên cứu sinh Nguyễn Huy Vị đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ một cách xuất sắc tại Đại học Quốc gia Hà Nội vào ngày 01/9/2009. Tại buổi bảo vệ Luận án, GS.TS Nguyễn Lộc, nguyên Phó Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam; Ủy viên Hội đồng chức danh GS nhà nước Ngành Giáo dục học, đã kết luận: “Nhìn chung NCS Nguyễn Huy Vị đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu đã đề ra và do đó đã đạt được mục đích nghiên cứu của Luận án. Qua việc hoàn thành Đề tài Luận án, NCS đã chứng minh khả năng tiến hành một nghiên cứu khoa học trong lãnh vực Quản lý giáo dục một cách độc lập ở trình độ khoa học rất cao. Qua giải quyết các vấn đề nghiên cứu, NCS đã chứng tỏ sự hiểu biết sâu sắc của mình về lý luận và thực tiễn đổi mới về giáo dục cao đẳng/đại học, đặc biệt dưới góc độ quản lý. Luận án được trình bày logic, rõ ràng, mạch lạc theo một ý đồ khoa  học nhất quán. Nội dung Tóm tắt Luận án phù hợp với Luận án. Những thiếu sót được chỉ ra trong Bản nhận xét này chỉ có vai trò thứ yếu chứ hoàn toàn không làm giảm giá trị khoa học và thực tiễn của Luận án. NCS Nguyễn Huy Vị xứng đáng nhận học vị Tiến sỹ Quản lý giáo dục.”

PGS.TS Nguyễn Huy Vị đã có hơn 40 công trình được công bố ở cấp cơ sở, cấp Tỉnh, cấp Bộ, cấp Nhà nước được in ấn trên các báo, tạp chí chuyên ngành, kỷ yếu khoa học và sách ở trong nước và ngoài nước từ năm 1986 đến nay. Những đề tài của anh được đánh giá cao, tiêu biểu như: Mô hình trường Cao đẳng Cộng đồng ở Việt Nam; NXB Dân Trí – Hà Nội; năm 2011; Giáo trình Logic học nhập môn; NXB Phương Đông-TP.HCM; năm 2014; “Chapter 7: The Development of the Community College Model in Vietnam at the Time of the Country’s Reorganization and International Integration”, (Phát triển Mô hình trường Cao đẳng Cộng đồng trong thời kì tái cơ cấu và hội nhập quốc tế của đất nước) Community College Models: Globalization and Higher Education Reform, Edited by Rosalind Latiner Raby (California Colleges for International Education) and  Edward Valeau (President Emeritus, Hartnell College), p 91-116 , AACC,  Springer USA, 2009; (Đồng tác giả: Đặng Bá Lãm; Nguyễn Huy Vị); Và nhiều bài báo, báo cáo khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành quản lí giáo dục và các kỉ yếu khoa học giáo dục; TS Nguyễn Huy Vị cũng là chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường: “Quy hoạch phát triển đào tạo của Trường Đại học Phú Yên đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Phú Yên và khu vực Nam Trung bộ – Tây Nguyên (giai đoạn 2014-2020 và tầm nhìn đến năm 2030)”.

PGS.TS. Nguyễn Huy Vị, hiện vẫn đang tiếp tục làm công tác quản lý ở Trường Đại học Phú Yên, vẫn tiếp tục giảng dạy, hướng dẫn luận văn cao học, xuất bản sách; vẫn tận tâm với ngành, tận hiến với nghề. Anh là tấm gương phấn đấu không biết mệt mỏi trên con đường học vấn và nghiên cứu khoa học trong thời kì đổi mới.

Huỳnh Đức Thế

Nguồn: www.vusta.vn/vi/news/Guong-hoat-dong-KHCN/PGS-TS-Nguyen-Huy-Vi-Tan-tam-voi-nganh-tan-hien-voi-nghe-59545.html