PGS.TS Nguyễn Thuận: “Tôi chỉ mong được làm “cán mác” đến trọn đời”

Đầu năm 2011, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam có dịp được tiếp xúc với PGS.TS Nguyễn Thuận[1] tại nhà riêng của ông, phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội. Mặc dù sức khỏe ông đã rất yếu do phải chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác suốt 5 năm nay, nhưng ông vẫn gắng sức kể một cách khó nhọc cho chúng tôi nghe những câu chuyện đời, chuyện làm khoa học mà ông vẫn còn nhớ như in. Mong muốn của chúng tôi là được tiếp xúc nhiều lần nữa để nghe ông kể về những công trình khoa học tâm huyết của ông, nhưng mong muốn đó vĩnh viễn không thực hiện được. Lần tiếp xúc đầu tiên cũng là lần cuối cùng của chúng tôi với ông. Hình ảnh một nhà khoa học sức đã kiệt, lực đã tàn, tiếng nói đã không còn tròn vành rõ chữ nhưng từng câu, từng lời được thốt ra từ trong dòng máu nóng đang chảy chậm dần vẫn đầy tâm huyết. Câu nói nghẹn ngào “Tôi chỉ mong được làm “cán mác” đến trọn đời” vẫn cứ đọng mãi trong chúng tôi.

PGS.TS Nguyễn Thuận: “Tôi chỉ mong được làm “cán mác” đến trọn đời”

            Năm 1950, Nguyễn Thuận vào bộ đội, khi đó ông mới 15 tuổi và chỉ học hết lớp 4. Tưởng chừng những kiến thức khiêm tốn ấy  sẽ không thay đổi với một người lính, cho dù trong ông luôn có một niềm mong muốn được tiếp tục học thêm văn hóa, được bồi dưỡng kiến thức để rèn luyện bản thân. Năm 1956, thời điểm mà ông cho là may mắn khi kết nghĩa với một người anh em đã có trình độ dự bị Đại học, đó là ông Lê Hồng Chiêm, người Thanh Hóa. Vậy là mỗi tuần một buổi, ông Lê Hồng Chiêm dành thời gian để dạy học cho người em kết nghĩa. Trong vòng một năm, tuần nào cũng được học và tự học, ông đã hoàn thành chương trình từ lớp 4 cho tới lớp 7. Ông kể: khi đó toàn bộ tiền phụ cấp hàng tháng đều dành cho việc mua sách vở để tự học, không dám dùng tiền mua xà phòng để giặt quần áo. Năm 1957, một may mắn nữa lại đến khi ông được tiếp xúc với nhà báo Nguyễn Đình Ưu. Trả lời những suy nghĩ thật của mình khi được hỏi làm thế nào để đưa quân đội lên chính quy hiện đại, ông đã nói ngay: phải rèn luyện chính trị tư tưởng, phải học tập văn hóa để có thể tiếp thu các kỹ thuật hiện đại. Bài báo được đăng lên. Được lệnh lên gặp Ban chỉ huy Trung đoàn, ông rất lo lắng không biết có chuyện gì. Đồng chí Chính ủy hỏi: “Có phải cậu thích học văn hóa lắm phải không?”. Câu hỏi làm ông sợ nhưng cũng “đánh liều” trả lời cho thật, kể về những thứ mình đã tự học, học từ anh em như thế nào… Sau sự kiện đó ông được cử đi học bồi dưỡng văn hóa trong quân đội và rồi được đi đào tạo  ở Liên Xô về khoa học quân sự.

            Vào bộ đội với trình độ văn hóa lớp 4 nhưng bằng niềm đam mê học hỏi, Nguyễn Thuận đã tự mình tìm lấy sự “may mắn” để tự học tập và được học tập. Ở môi trường nào, dù trong hay ngoài quân đội, người lính này cũng luôn cố gắng, luôn nhìn nhận vai trò “cán mác” của mình.

            Giải nghĩa xuất xứ cụm từ “cán mác”, PGS.TS Nguyễn Thuận kể: lúc đầu khi tham gia các hoạt động của bộ đội công binh trong chiến dịch, dân công bảo nhau “mấy anh này không biết đánh nhau nên mới phải đi làm đường”, chúng tôi cũng tự ái. Rồi không được chiến đấu trực tiếp với kẻ thù đã làm chúng tôi nản vì cho rằng công việc của mình không vinh dự. Tôi và nhiều anh em đã gửi đơn lên trung đoàn, xin chuyển công tác sang bộ binh. Năm 1951, Bác Hồ về thăm Trung đoàn 151 Công binh, trong câu chuyện với anh em công binh, Bác hỏi: “Bộ binh có phải là mũi mác không? Tất cả trả lời: -Đúng ạ! Bác lại hỏi: -Nếu mũi mác mà không có cán mác thì có đánh được giặc không? Từ đó anh em bộ đội công binh không ai gửi đơn xin chuyển công tác nữa. Cũng từ đó, tôi luôn tự nhủ sẽ suốt đời làm cán mác, cho dù là lao động chân tay hay trí tuệ”

            Trong cả cuộc đời làm khoa học của mình, những vấn đề PGS.TS Nguyễn Thuận tâm đắc là: Nghiên cứu về sức sống công trình; Công trình phòng thủ Cánh đồng Chum (Lào); Công trình cầu cảng ở quần đảo Trường Sa. Đặc biệt trong công trình xây dựng cầu cảng ở Trường Sa, ông đã thực sự thể hiện được vai trò của một người lính bộ đội Cụ Hồ. Từ khi được ông Đào Đình Luyện (khi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) hỏi và giao nhiệm vụ, ông đã nói: “Đối với tôi, đã là một người lính công binh thì bất cứ nhiệm vụ nào cần thì tôi không bao giờ từ chối, không được phép từ chối”. Ông đã miệt mài trong việc nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, phản biện cho “đứa con khoa học” của mình đứng vững trước dư luận: không thể làm công trình cầu cảng ở Trường Sa được, Đông Nam Á chưa có nước nào làm, chỉ có thể xây dựng cái “cầu ao” chứ không thể nào làm cầu cảng được; “cưỡi lên mình hổ”,… Nhưng với sự dũng cảm và quyết tâm của người lính – nhà khoa học, 6 năm trời tâm huyết, vật lộn với sóng gió ở Trường Sa đã giúp ông thành công. Ông trở thành người đầu tiên xây cầu cảng ở Trường Sa.

            Có thể chưa có nhiều người biết đến ông, nhưng nếu đã tìm hiểu về Trường Sa, người ta sẽ phải nhớ mãi tên ông – người đầu tiên xây dựng cầu cảng Trường Sa. Ông đã và luôn xứng đáng là người lính Cụ Hồ, như những lời tâm huyết ông đã nói với chúng tôi: “Từ khi là người chiến sĩ công binh tôi là “cán mác”, đến khi làm khoa học kỹ thuật tôi cũng chỉ xin làm nghiên cứu các vấn đề về công binh thôi… Từ nay cho tới khi chết, tôi chỉ mong được tiếp tục mang danh anh bộ đội Cụ Hồ và được làm “cán mác” đến trọn đời”.

            Người lính Cụ Hồ trọn đời làm “cán mác” ấy đã yên nghỉ. Và với những gì đã cống hiến trong cuộc đời làm khoa học của mình, ông hoàn toàn có quyền thanh thản ra đi.

Nguyễn Thanh Hóa

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

 


[1] PGS.TS, Đại tá Nguyễn Thuận – Sinh năm 1935, Tốt nghiệp Học viện Công binh Matxcova, Liên Xô, nguyên Phó chủ nhiệm Khoa Công trình quân sự, Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ quốc phòng, người xây cầu cảng đầu tiên ở Trường Sa.