Đoàn công tác của Trung tâm thực sự xúc động, bởi lẽ trước đó 5 ngày, chúng tôi đã có buổi làm việc đầu tiên với PGS.TS Phan An tại Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Ông đi xe ôm trực tiếp mang tài liệu quý của các đồng nghiệp quá cố đến trao lại cho nghiên cứu viên vì sợ chúng tôi đi đường xa đến sẽ vất vả. Thông qua việc tham dự buổi lễ tiếp nhận tài liệu của GS.TS Bùi Khánh Thế vừa diễn ra sáng ngày 15-4-2017, PGS.TS Phan An hiểu hơn hoạt động ý nghĩa của Trung tâm.
Ông đã quyết định dành thời gian quý báu của mình để soạn lại các tài liệu liên quan đến hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của mình để trao tặng Trung tâm. Đó là bản luận án Phó Tiến sĩ của ông cách đây 25 năm; hàng trăm bản thảo bài viết, công trình nghiên cứu, tư liệu điều tra dân tộc học, sổ điền dã của ông về các dân tộc ở Nam Bộ như người Stiêng; Khmer; Hoa; Chăm… từ cuối những năm 1970 đến nay; hàng trăm văn bản, quyết định, giấy mời, thư mời tham dự hội thảo, hội đồng chấm luận văn, luận án ở các trường Đại học lớn trên toàn quốc, như ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Tp. Hồ Chí Minh; Đại học Sư phạm Lâm Đồng, Trà Vinh, Đại học Văn Hóa, Đại học Đà Lạt…
PGS.TS Phan An tâm sự: "Đây là những tư liệu quý nhất trong cuộc đời nghiên cứu dân tộc học của tôi, xin được trao tặng trước cho Trung tâm, còn lại tôi sẽ sắp xếp cẩn thận gửi tiếp trong thời gian tới".
PGS.TS Phan An soạn tài liệu trao tặng cho Trung tâm DSCNKHVN
Trân trọng tiếp nhận khối tài liệu quý của PGS.TS Phan An, chúng tôi sẽ cẩn thận chuyển về trụ sở Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam để tiến hành công tác kiểm kê, lưu trữ. Đây sẽ là nguồn tư liệu góp phần nghiên cứu về các nhà dân tộc học ở thành phố Hồ Chí Minh.
Lưu Thúy – Lục Mạnh