PGS.TS Tăng Thị Chính: Nhà khoa học nặng lòng với môi trường

Hơn 20 năm qua bà đã dành hết tâm sức, trí tuệ của mình nghiên cứu sản xuất ra các chế phẩm vi sinh vật từ rác trở thành mùn hữu cơ dùng để sản xuất phân bón hữu cơ, gạch không nung.

Những thành tựu nghiên cứu của bà đã góp phần vào việc xử lý rác thải, cải tạo môi trường sinh thái. Bà là PGS.TS Tăng Thị Chính, nguyên Trưởng phòng Vi sinh vật môi trường, Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

PGS.TS Tăng Thị Chính sinh năm 1961. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, bà trúng tuyển kì dự tuyển đi nước ngoài học tập và bà tốt nghiệp khoa Công nghệ lên men, Đại học (ĐH) Công nghiệp thực phẩm Plovdiv, Bungary năm 1985.

Được đi nước ngoài học tập là niềm vinh dự không chỉ riêng bà mà còn là niềm tự hào của gia đình, của quê hương đất nước. Kể về những tháng ngày miệt mài học tập tại nước ngoài, bà tâm sự: “Hồi đó, với khát khao được vươn xa để khẳng định với bạn bè quốc tế về khả năng và trình độ của người Việt Nam lúc bấy giờ. Khi ấy, tôi còn rất trẻ và luôn vùi mình vào học tập, học không kể ngày đêm, hết trên giảng đường lại tới thư viện để mong rằng sớm lĩnh hội được những tri thức khoa học chuyên sâu rồi trở về phục vụ cho Tổ quốc”.

Được hỏi về cơ duyên khi chọn Vi sinh làm hướng đi trong xử lý ô nhiễm, bà cho biết: “Năm 1997, tôi đến Nhà máy chế biến phế thải đô thị Hà Nội, thấy họ xử lý rác bằng phương pháp tự nhiên, 3 tháng mới được một mẻ, mùi thì rất nặng. Mùa đông, các bể bốc khói, tôi phải trèo lên để quan sát, thấy nhiệt độ rất cao nên nghĩ có thể sử dụng các vi sinh vật chủng ưa nhiệt. Hồi đó tài liệu về xử lý rác còn hiếm, Internet chưa phát triển, tôi phải nhờ người quen đi nước ngoài tìm hộ các bài báo có liên quan, rồi ngày ngày tra cứu tài liệu ở Thư viện Khoa học kỹ thuật, tra cả các bài trích dẫn có rất ít thông tin. Quả thật lúc đó tôi nghĩ mình như kẻ sỹ độc hành”.

Bằng tinh thần lao động hăng say, nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học bà đã đạt được những kết quả thiết thực. Đầu năm 2000, chế phẩm biomix 1 của bà được thử nghiệm ở Nhà máy rác Cầu Diễn, giúp rút ngắn thời gian ủ yếm khí từ 45 ngày xuống còn 25 ngày, giảm năng lượng tiêu thụ và đặc biệt không còn mùi hôi.

Hiện chế phẩm đã được áp dụng ở Việt Trì và Thái Bình. Bên cạnh công việc chuyên môn bà cũng đã dành nhiều thời gian cho học tập nâng cao trình độ. Năm 2002, bà nhận bằng Tiến sỹ Sinh học tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam với luận án “Nghiên cứu các vi sinh vật phân giải cenluloza trong phân hủy rác thải hiếu khí và ứng dụng”.

Không chỉ ứng dụng công nghệ vào xử lý chất thải công nghiệp mà PGS.TS Tăng Thị Chính còn ứng dụng chế phẩm vi sinh vào xử lý rơm rạ và các chất thải hữu cơ khác như thân lá các loại rau, dưa, phân gia súc, gia cầm… để sản xuất phân bón.

PGS.TS Tăng Thị Chính tại phòng thí nghiệm
của Viện Công nghệ sinh học

Những ngày đầu tiên đưa chế phẩm sinh học vào xử lý tàn dư đồng ruộng cho 70ha đất thuộc 5 huyện của tỉnh Nam Định, bà đã không quản ngại vất vả để chung vai làm cùng nông dân. Bà tâm sự: “Nhiều nông dân hỏi tôi liệu có làm được không, tôi lập tức lội xuống ruộng thu gom phế phẩm lại một góc rồi cho chế phẩm vi sinh vào ủ. Như vậy để họ trực tiếp thấy cách mình làm, quy trình sẽ trở nên đơn giản, dễ hình dung hơn trong mắt họ”.

Sự nhiệt tình, tận tâm của bà khiến họ tin tưởng và nhiệt tình hơn trong việc ứng dụng chế phẩm và nhận thấy quá trình phân hủy chất thải hữu cơ diễn ra rất tốt, thời gian ủ được rút ngắn, không sinh mùi hôi thối, lại tiêu diệt được các vi sinh vật gây bệnh, tạo ra nguồn phân bón hữu cơ sạch.

Không chỉ có niềm đam mê, sự nhiệt huyết mà trong bà luôn dành cái tâm trong sáng, sự yêu thương, đồng cảm cùng người dân để từ đó có thêm động lực để nghiên cứu và cống hiến nhiều hơn. Theo PGS.TS Tăng Thị Chính: “Làm khoa học là phải làm thật sự, có trách nhiệm, phải không tiếc thời gian nghiên cứu thì mới hiểu được bản chất của vấn đề. Khi làm một đề tài mới, điều đầu tiên là phải đi khảo sát cùng các anh em trong nghề”.

Trải qua hơn 20 năm gắn mình với nghiên cứu khoa học, ngần ấy thời gian là cả bao công sức, trí tuệ mà bà dày công cống hiến cho nghề. Trong giới khoa học, bà được xem là một trong những tên tuổi gạo cội của lĩnh vực nghiên cứu khoa học vi sinh.

Trong cuộc đời làm khoa học của mình, PGS.TS Tăng Thị Chính đã tham gia 21 đề tài khoa học, công bố 55 công trình tại các tạp chí chuyên ngành trong nước, chủ yếu về nghiên cứu sinh tổng hợp enzym từ vi sinh vật (amylaza, cenluloza) và công nghệ xử lý rác thải bằng vi sinh vật bảo vệ môi trường.

Không chỉ dừng lại ở kết quả nghiên cứu đơn thuần mà nhiều kết quả nghiên cứu của bà đã được ứng dụng vào thực tế và mang lại những giá trị to lớn cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp cũng như bảo vệ môi trường. Phát huy những thành tựu đã đạt được, bà mong muốn sẽ được cống hiến nhiều hơn và mang đến cho người nông dân nhiều cơ hội lẫn điều kiện để sản xuất.

Bằng tài năng và nhiệt huyết với nghề cùng uy tín và tầm ảnh hưởng trong nghề bà đã tập hợp, đoàn kết được một đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm và chuyên môn cao thực hiện nhiều công trình khoa học đã mang lại lợi ích thiết thực trong sản xuất và bảo vệ môi trường sinh thái. Với vai trò là nhà khoa học bà luôn nỗ lực cống hiến cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Việt Nam cơ bản vẫn là nước chủ yếu phát triển từ nông nghiệp, diện tích trồng lúa vẫn chiếm phần lớn.

Thế nhưng người nông dân còn lúng túng trong khâu hậu thu hoạch, chính vì vậy mà lượng rơm rạ xử lý chưa triệt để gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng ấy, PGS.TS Tăng Thị Chính cùng cộng sự đã nghiên cứu thành công và áp dụng vào trong thực tiễn các công trình nghiên cứu như: Công nghệ sử dụng các chế phẩm vi sinh vật để xử lý, chế biến chất thải rắn sinh hoạt phụ phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ vi sinh; Công nghệ sử dụng chế phẩm vi sinh vật để xử lý mùi hôi cho chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, bãi chôn lấp chất thải. Không chỉ thành công trong nghiên cứu khoa học, bà còn có nhiều đóng góp quan trọng trong đào tạo.

Bà đã hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ 5 người, học viên cao học 22 người, cử nhân công nghệ sinh học – công nghệ môi trường 60 em. Tham gia giảng dạy môn Công nghệ sinh học môi trường, công nghệ xử lý nước thải, vi sinh vật môi trường của khoa công nghệ sinh học môi trường, trường Đại học dân lập Phương Đông….

Thành tựu xuất sắc của PGS.TS Tăng Thị Chính trong nghiên cứu khoa học, đào tạo và bảo vệ mội trường rất đáng được trân trọng và ghi nhận. Bà đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN giai đoạn 2005-2010. Bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam năm 2015.

Những gì PGS.TS Tăng Thị Chính đã và đang thực hiện cho thấy bà đang ngày càng thể hiện rõ vai trò của một nữ trí thức khoa học trong việc nỗ lực tìm mọi cách để cùng với các nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, giúp nông nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển bền vững trên đôi cánh của mình.


Ngọc Giáp

Nguồn: http://vietnamhoinhap.vn/