Biết tôi có con nhỏ, bà dặn đi dặn lại: “Cháu nên viết nhật ký cho con. Mỗi ngày dù bận mấy cũng nên dành một chút thời gian, chỉ cần viết một câu đơn giản như: “Trời mưa, bé đái dầm” hay “Hôm nay con đánh bạn”… Sau này con lớn lên, đó là tư liệu rất quý”. Ánh mắt ân cần, thúc giục đó khiến tôi nhận ra lý do khiến bà gắn bó với văn học thiếu nhi lâu đến vậy: Tình yêu dành cho con trẻ.
“Một cô bé nhiều tuổi”
Đó là cách ví von của PGS-TS Lã Thị Bắc Lý – Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Đại học Sư phạm Hà Nội – khi nói về PGS-TS Vân Thanh – người phụ nữ đã gần 80 tuổi vẫn mê xem hoạt hình “Tom and Jerry”, vẫn háo hức tìm hiểu các trò chơi của lũ cháu như trò bắt pokemon, hay nấu những món ngon để “quyến rũ” bọn trẻ. “PGS Vân Thanh có một tâm hồn trẻ thơ, trong sáng và hồn nhiên. Bà giống như một cô bé nhiều tuổi vậy” – TS Bắc Lý nói.
PGS-TS Vân Thanh tại bàn làm việc. Ảnh: Dung Đoàn
Rất dễ nhận ra “cô bé” đó trong nụ cười dịu hiền pha nét tinh nghịch, lém lỉnh của TS Vân Thanh, nụ cười khiến tôi không còn ngạc nhiên khi nghe kể rằng thời trẻ, tuy là tiểu thư nhưng ước mơ nghề nghiệp đầu tiên của bà lại là… lái máy cày.
Có bố là bác sỹ phụ trách bệnh viện tỉnh, mẹ là giáo viên, TS Vân Thanh sống trong nhung lụa từ bé. Nhà lúc nào cũng có vú nuôi, chị sen, bác bếp, bác lái xe…, bà không phải lo nghĩ hay động tay đến bất cứ việc gì. Ấy vậy mà hồi du học ở Trung Quốc, khi sắp tốt nghiệp về nước, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp yêu cầu điền vào bản đề xuất nguyện vọng làm việc thì lái máy cày là điều đầu tiên cô tiểu thư nghĩ đến.
TS Vân Thanh cười, lý giải bằng giọng ấm áp: “Trong những bộ phim tôi được xem, lái máy cày là một công việc rất hấp dẫn và lý thú, nhưng tôi lại không dám đề xuất, chỉ dám ghi nguyện vọng 1 là đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần, nguyện vọng 2 là văn học thiếu nhi. Tôi yêu trẻ nhỏ, yêu những cuốn sách gắn với tuổi thơ của mình như “Không gia đình”, “Robinson ngoài đảo hoang”… nên ghi thế thôi chứ kỳ thực có biết văn học thiếu nhi là gì đâu”.
Sau khi đề đạt nguyện vọng, bà được cử ở lại Trung Quốc thêm nửa năm để tìm hiểu về văn học thiếu nhi vì vấn đề này còn quá mới mẻ đối với Việt Nam. “Khi đi thực tập ở Đại học Sư phạm Bắc Kinh, tôi có đến gặp Hội nhà văn Trung Quốc, họ bảo: “Sao Việt Nam giỏi thế, Trung Quốc chúng tôi cũng chỉ có rất ít người nghiên cứu về văn học thiếu nhi”. Lúc đó tôi mới nhận ra rằng, con đường mình lựa chọn đầy chông gai và cách vượt qua duy nhất là tìm đọc tài liệu càng nhiều càng tốt. Tôi tìm tất cả sách thiếu nhi thế giới dịch sang tiếng Trung và tiếng Pháp để đọc, nghiên cứu” – TS Vân Thanh tâm sự.
Người độc hành
Nhớ lại những ngày đầu về nước, làm việc tại Viện Văn học, TS Vân Thanh kể, thời đó truyện viết cho thiếu nhi rất ít, chỉ có khoảng chục cuốn của Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyên Hồng… mà hầu hết các tác giả này đều không chuyên viết về thiếu nhi. Trong khi đó, nghiên cứu về văn học thiếu nhi là một lĩnh vực hoàn toàn mới.
Một số tác phẩm của PGS-TS Vân Thanh. Ảnh: Đ. Dung
“6 tháng sau khi về nước và thực tập tại Nhà xuất bản Kim Đồng, được sự giúp đỡ của các nhà văn Võ Quảng, Phạm Hổ, Thi Ngọc, tôi đã hoàn thành bản báo cáo “Văn học thiếu nhi Việt Nam”. Bản báo cáo được bác Đặng Thai Mai (Viện trưởng Viện Văn học) và bác Hoài Thanh (Viện phó) cho in ngay trong tập san “Nghiên cứu văn học” số 6/1962, nhuận bút 36 đồng (theo thời giá lúc bấy giờ mua được 144 bát phở). Tôi sướng lắm. Đó là động lực giúp tôi tiếp tục đi theo hướng mình đã chọn” – TS Vân Thanh kể.
PGS-TS Vân Thanh tên thật là Nguyễn Thị Thanh Vân, sinh năm 1939 tại Hà Nội, công tác tại Viện Văn học từ năm 1961-1999. Bà từng nhận Huy chương Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khoa học xã hội và nhân văn.
Ngoài các tác phẩm nghiên cứu được nhắc đến trong bài, bà còn là tác giả của nhiều công trình công phu như: “Phác thảo văn học thiếu nhi Việt Nam”, “Văn học thiếu nhi Việt Nam – nghiên cứu, phê bình, tiểu luận, tư liệu”, “Từ điển tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam”, “Văn học thiếu nhi Việt Nam, như tôi được biết”…
Đến giờ, bà không nhớ mình đã đọc bao nhiêu sách, dành bao nhiêu thời gian đến Thư viện quốc gia tìm đọc mọi tác phẩm văn học thiếu nhi. Bà kể: “Trong một đợt sang Liên Xô công tác, tôi được Thư viện quốc gia Liên Xô tặng một số tập truyện tranh thiếu nhi. Nhiều người bảo tôi mang sách đó về làm gì cho nặng, có ai đọc đâu, tốt nhất là mua ấm điện, bàn là về mà dùng; nhưng tôi vẫn quyết mang nó về”.
Và đó chính là những tư liệu quý báu đã giúp bà hoàn thành luận án tiến sỹ đầu tiên của Viện Văn học năm 1981: “Truyện viết cho thiếu nhi dưới chế độ mới”. Đây là công trình về văn học thiếu nhi Việt Nam đầu tiên của giới nghiên cứu, phê bình, giảng dạy văn học Việt Nam. Bà cũng là người đầu tiên đưa ra khái niệm văn học thiếu nhi là gì, thế nào là một tác phẩm văn học thiếu nhi.
“Cần phân biệt truyện/thơ viết cho thiếu nhi và viết về thiếu nhi. Viết về thiếu nhi thì có thể trẻ con không đọc, còn viết cho thiếu nhi thì trẻ con đọc được” – bà lý giải rồi lại cười: “Tôi có đùa với mọi người rằng đáng lẽ phải làm tượng tôi vì tôi là tiến sỹ đầu tiên của Viện Văn học, cũng là tiến sỹ đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu về văn học thiếu nhi”.
TS Lê Nhật Ký – Giảng viên Đại học Quy Nhơn – từng nói: “Nghiên cứu văn học thiếu nhi rất khó vì thành tựu của mảng này chưa nhiều; văn học thiếu nhi lại không có tính đa nghĩa nên phân tích, diễn giải cho hay là rất khó. Nếu không có đam mê và tình yêu với con trẻ thì khó có thể đeo đuổi công việc này”. Đó cũng là cách lý giải hợp lý nhất cho thái độ cống hiến một cách an nhiên của “người độc hành” Vân Thanh.
Trong cuốn kỷ yếu của Hội Nhà văn, phầm tự bạch bà viết: “Tôi yêu văn học thiếu nhi bởi tôi rất yêu trẻ em. Cảm ơn Viện Văn học và Nhà xuất bản Kim Đồng cùng các nhà văn viết cho thiếu nhi đã giúp tôi có được sự yên tâm và kiên trì trên con đường nghề nghiệp, dẫu đôi khi rất nản mỏi”.
Nhà thơ Định Hải – nguyên Trưởng ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam: PGS Vân Thanh có công lớn đóng góp cho sự phát triển ngày một lớn mạnh của văn học thiếu nhi. Bà luôn chăm chút, nâng niu, động viên, giúp đỡ đồng nghiệp, đặc biệt là những cây bút trẻ.
PGS-TS Lã Thị Bắc Lý: Nghiên cứu văn học thiếu nhi không phải khó mà là vô cùng khó. Số nhà văn viết cho thiếu như như Võ Quảng, Phạm Hổ ngày trước và Nguyễn Nhật Ánh bây giờ rất ít, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy để nghiên cứu mảng này, ngoài sự đam mê thì phải có phẩm chất riêng, phải gần gũi với trẻ thơ. Cô Vân Thanh là người rất hồn nhiên, trong sáng. Nhiều khi gặp chuyện buồn, có những lo toan trong cuộc sống, tôi lại tìm đến gặp cô nói chuyện và cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm đi rất nhiều.
TS Lê Nhật Ký – Giảng viên Đại học Quy Nhơn: Bất cứ ai làm về văn học thiếu nhi cũng đều được cô Vân Thanh động viên, khuyến khích. Tuy không phải là người hướng dẫn tôi làm luận án tiến sỹ nhưng lâu lâu cô lại hỏi nghiên cứu đến đâu rồi, như nhắc nhở, thúc giục tôi làm việc. Khi đọc được một tài liệu hay, cô lại gọi điện bảo tôi tìm đọc hoặc gửi nó cho tôi. Hồi làm luận án, nhiều lúc tôi cảm thấy bế tắc và muốn buông xuôi. Trong những cơn khủng hoảng đó, tôi rất cần một người có thể trao đổi, làm tôi vững tâm hơn và người tôi hay nghĩ đến đầu tiên là cô Vân Thanh”.
Minh Nhật
Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc