Phạm Văn Thiều: Dịch để học, để san sẻ niềm vui

Là người khá độc lập trong những quyết định, quyết định nào đã mang lại thay đổi lớn trong suy nghĩ và tâm hồn anh?

Tôi là người yêu thích tự do và độc lập trong suy nghĩ và hành động, rất ghét phụ thuộc vào người khác. Vì vậy trong công việc tôi thường có nhiều phương án để được độc lập tối đa. Thời thanh niên, cá nhân có rất ít sự lựa chọn, nhưng khi được phép lựa chọn thì tôi rất kiên định. Lựa chọn có tính quyết định cả cuộc đời tôi là chọn thi vào đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1964.

Có bao giờ anh đánh mất chính mình vì một lựa chọn sai?

Tôi không biết quyết định không hoàn tất luận án để bảo vệ học vị tiến sĩ của mình sau khi đi tu nghiệp ở Pháp về (mặc dù hội đủ các điều kiện cần thiết) là đúng hay sai, nhưng trong hoàn cảnh trọng bằng cấp như hiện nay, điều này gây ít nhiều bất tiện trong công tác.

Là người luôn đi vào bản chất của mọi vấn đề, anh có đau đớn nhiều không khi đời sống tinh thần của đại bộ phận đang lao theo những giá trị giả?

Như nhiều trí thức tâm huyết khác, tôi rất buồn về hiện tượng chuộng hư danh, chạy theo các giá trị giả trong xã hội ta hiện nay, đặc biệt là trong khoa học và giáo dục – hai lĩnh vực mà xưa nay trên thế giới đòi hỏi sự trung thực ở mức cao nhất. Để gầy dựng lại những thang giá trị đích thực, phải có sự nhận thức lại của cả xã hội, mà trước hết là chấn chỉnh lại khâu lựa chọn nhân tài, công tác cán bộ phải trọng thực tài, thực học.

Thời gian và kinh nghiệm sống có làm anh thay đổi cách nhìn về cuộc sống, về con người, về những giá trị, để định vị lại chính mình?

Điều quý giá nhất của con người theo tôi là phải có tinh thần dâng hiến đối với đồng loại, hay nói khiêm tốn hơn là đối với những người khác. Tất nhiên, những tài năng lớn sẽ có những dâng hiến lớn, nhưng có rất nhiều những người bình thường vẫn hằng ngày âm thầm dâng hiến, và chính điều đó làm cho cuộc sống trở nên nhân bản hơn, đáng sống hơn. Tôi nghĩ tinh thần dâng hiến phải thường trực ở mỗi con người.

f

Dịch giả Phạm Văn Thiều

 

Nhìn rộng ra hơn với một dân tộc, theo anh người Việt mình cần phải thay đổi như thế nào về cách nhìn xung quanh, cách nhìn nguồn cội?

Tôi có đọc đâu đó một người Pháp đầu thế kỷ trước nói rằng trong mỗi con người Việt Nam đều có một ông quan, ý muốn nói rằng hầu hết thanh niên ưu tú thời đó chỉ có một mục đích phấn đấu, là học để ra làm quan. Với tâm lý đó, nên hầu như không ai dám dấn thân suốt đời để nghiên cứu tìm hiểu tự nhiên, hay dám xông pha qua Biển Đông để khám phá những vùng đất mới, mặc dù nước ta có bờ biển dài hàng ngàn cây số.

Ngày nay, “cái ông quan” trong con người Việt Nam lại có vẻ ngọ ngoạy mạnh hơn. Tôi không biết có cơ quan nào thống kê xem có bao nhiêu người bảo vệ luận án thạc sĩ hoặc tiến sĩ mỗi năm sẽ tiếp tục làm chuyên môn, và bao nhiêu người có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ chỉ cốt để hoàn tất hồ sơ làm quan của mình. Tôi nghĩ số người thuộc loại thứ hai chắc chiếm tỷ lệ không nhỏ. Chừng nào mà người Việt Nam chưa vượt qua được thói chuộng hư danh thì nguy cơ tụt hậu so với thế giới vẫn còn nguyên.

Thời buổi “thóc cao gạo kém”, sự lựa chọn các đầu sách của anh có vẻ mạo hiểm, nhưng đã chứng tỏ được sức hút mãnh liệt với độc giả trong nước. Dường như Việt Nam mình đang thiếu những người dịch dám mạo hiểm như anh? Đã bao giờ anh nếm trải thất bại?

Tôi may mắn được tiếp cận những cuốn sách phổ biến khoa học nổi tiếng của thế giới, bản thân chúng không chỉ có giá trị về khoa học mà còn có giá trị cả về văn học nữa. Chẳng hạn như cuốn Giai điệu dây và bản giao hưởng vũ trụ của Brian Greene đã vào được tới vòng chung khảo giải Pulitzer của Mỹ. Tôi cũng có một may mắn nữa là được gặp anh Trịnh Xuân Thuận, người đã trao cho tôi quyền được dịch các tác phẩm của anh. Chính những cuốn sách và các tác giả danh tiếng này đã đảm bảo đến 80% sự thành công của tôi.

Tình yêu văn chương và sự hiểu biết khoa học đã hoà quyện trong anh như thế nào, để anh có thể dành cả đời mình nghiên cứu và dịch thuật những tác phẩm khoa học đỉnh cao?

Tôi yêu văn học từ nhỏ, lớn lên đi theo con đường khoa học nhưng tình yêu văn học vẫn âm thầm tồn tại trong tôi. Tôi nhớ hồi học đại học, sơ tán ở vùng núi heo hút Đại Từ, Thái Nguyên, nhưng rất may thư viện của trường đại học Tổng hợp Hà Nội vẫn phục vụ rất chu đáo, nên đầu giường tổ sinh viên vật lý lý thuyết chúng tôi bao giờ cũng có một chồng sách văn học. Sau này ra học tập ở nước ngoài, tôi thấy nhiều nhà vật lý lớn cũng rất yêu văn học. Tôi còn nhớ Gamow có kể rằng P. Dirac, một nhà vật lý lý thuyết xuất sắc, giải thưởng Nobel năm 30 tuổi, rất thích những tiểu thuyết của Dostoievsky.

Ông phát hiện trong cuốn Tội ác và trừng phạt nhà văn đã cho mặt trời mọc hai lần trong ngày và Gamow thú nhận rằng ông không đủ kiên nhẫn đọc lại để kiểm tra xem Dirac nói có đúng không. Đối với một nhà khoa học lớn lúc nào cũng thiếu thời gian thì phải yêu văn chương lắm mới đọc kỹ đến như vậy! Sau này khi quen với hai người bạn già là nhà vật lý Đặng Mộng Lân và nhà thơ Lê Đạt, cả hai đều đã quá cố, tôi mới nghiệm ra rằng vật lý và thi ca bề ngoài tưởng như xa lạ, chẳng liên quan gì với nhau, nhưng xét cho cùng cả hai đều chiêm nghiệm và tìm kiếm cái đẹp trong tự nhiên, chỉ có điều nó được diễn đạt bằng những ngôn ngữ khác nhau.

Mê đọc sách, khi ra nước ngoài, phát hiện thấy nhiều cuốn sách phổ biến khoa học rất nổi tiếng mà hầu như ai có văn hoá đều đọc, nhưng lại chưa được giới thiệu một cách có hệ thống ở Việt Nam, tôi nghĩ đây là vùng đất mình có thể khai phá. Ở đây tôi có thể kết hợp những kiến thức khoa học đã tích luỹ được với tình yêu và một chút năng khiếu văn chương đã có từ nhỏ. Nhưng điều quan trọng là tôi muốn chia sẻ những niềm vui mà tôi đã được hưởng khi đọc những cuốn sách đó với các bạn trẻ ở quê hương mình.

Vì sao anh không trở thành nhà văn?

Thú thực lúc học phổ thông tôi cũng ham viết văn và làm thơ lắm. Tất nhiên, lúc ấy cũng chỉ quanh quẩn ở cái tỉnh Nam Định nhỏ bé của tôi thôi. Nhưng rồi một loạt truyện của Nguyễn Công Hoan kiểu như “Tôi làm báo, anh làm báo, nó làm báo…” khiến tôi hãi quá. Văn chương như cái bùa mê, mắc vào mà không có tài thì toi đời như chơi, không thể nào thoát ra được. Và quả là tôi đã sáng suốt chọn thi vào khoa toán trường đại học Tổng hợp Hà Nội, khoá 1964 – 1968. Và số phận đã nhờ bàn tay tổ chức chuyển tôi sang khoa vật lý, theo học vật lý lý thuyết, để rồi ngày hôm nay vẫn thực hiện được mơ ước văn chương thuở nào.

“Ngoài tinh thần khoa học, phải có tinh thần thơ, tinh thần triết lý”, đó là lời giáo sư Trịnh Xuân Thuận dành cho anh, người dịch hầu hết các tác phẩm của ông. Triết lý nào mà anh theo đuổi, và coi đó như kim chỉ nam trong hành trình sống của mình?

Sách phổ biến khoa học là loại sách dành cho đại chúng, muốn thành công và được đón nhận, những kiến thức khô khan, khó hiểu phải được chuyển tải bằng thứ ngôn ngữ trong sáng dễ hiểu và càng giàu chất thơ càng hay. Và hơn thế nữa, khi khoa học đi tới những vấn đề nguồn gốc như vũ trụ ra đời như thế nào, chúng ta từ đâu tới… vân vân, thì khoa học, mà chủ yếu là vật lý, sẽ gặp triết học và tôn giáo. Chính vì vậy để dịch được các tác phẩm như thế tôi phải thường xuyên trau dồi cả ba thứ đó. Triết lý mà tôi theo đuổi trong suốt cuộc đời của mình là học bao nhiêu cũng không đủ, nên phải thường xuyên trau dồi kiến thức về mọi mặt và tìm cách tốt nhất để chia sẻ với những người khác.

Anh nghĩ gì về nỗ lực của giới trí thức trong việc xây dựng các tủ sách khoa học, tủ sách tinh hoa thế giới thời gian qua?

Đối với hai loại sách, sách phổ biến khoa học và sách tinh hoa, tôi đều tham gia làm. Loại thứ nhất với NXB Trẻ và loại thứ hai với NXB Tri Thức. Riêng loại thứ nhất, tôi cùng với hai người bạn là Vũ Công Lập và Nguyễn Văn Liễn, được sự giúp đỡ của NXB Trẻ đã cho ra mắt tủ sách Khoa học và Khám phá được bạn đọc rất hoan nghênh. Nhưng thực tế cả hai loại sách này vẫn chưa hề được các cơ quan chức năng của Nhà nước quan tâm đúng mức.

Một nhà khoa học Việt kiều có lần nói với tôi rằng sở dĩ nước Nhật được như ngày nay, một phần quan trọng là lúc mới bắt đầu phát triển họ đã cho dịch một cách hệ thống tất cả những sách tinh hoa của nhân loại. Tôi nghĩ, bộ Khoa học và công nghệ cũng như liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cần phải vào cuộc một cách nghiêm túc. Và để truyền bá cho nhũng tủ sách này, các phương tiện thông tin đại chúng cũng có vai trò rất quan trọng.

Nhìn lại tuổi trẻ của mình, điều gì đã cho anh nghị lực sống và lòng đam mê khoa học, để có thể vượt qua mọi bất trắc, gian nan? Tuổi trẻ hôm nay có thể tìm thấy ở nơi đâu ngọn lửa để nuôi dưỡng tình yêu khoa học ấy?

Tôi may mắn được học nhiều người thầy giỏi và rất tâm huyết với học sinh. Tình yêu văn học của tôi cũng bắt nguồn từ những người thầy ấy. Sách vở là người thầy thứ hai. Nhưng để có một tình yêu và niềm đam mê lâu dài đối với khoa học, bản thân mình cũng phải có một chút năng khiếu về các môn khoa học đó. Nhưng một yếu tố cực kỳ quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định, đó là sự đối xử của xã hội đối với những người làm khoa học. Một trong những mục đích dịch và truyền bá những cuốn sách tinh hoa về phổ biến khoa học của tôi và các bạn tôi chính là để kích thích niềm đam mê khoa học của các bạn trẻ.

Giảng dạy, làm báo, viết, dịch sách… có bao giờ anh cảm thấy quá mệt mỏi vì những nỗ lực của mình chưa mang lại hiệu quả mong muốn, trong tốc độ chuyển động còn quá chậm chạp của một đất nước vướng nhiều bất cập khi kinh tế tăng trưởng quá nhanh so với đời sống văn hoá?

Tôi thấy rất sốt ruột. Nhiều lần tham gia thẩm định sách giáo khoa tôi đã có những ý kiến gay gắt. Nhưng rồi suy cho cùng, thay đổi một cá nhân đã khó, thì đối với một đất nước càng không đơn giản và cần có thời gian. Thay vì chán nản và thất vọng, tôi tự nhủ mình hãy tập trung làm những việc có ích, mang lại kiến thức và niềm vui cho người khác. Đó là niềm vui lớn nhất của tôi hiện nay.

Anh có nỗi sợ nào không: sợ chết? sợ bị lãng quên?… Tâm trạng của anh khi bắt đầu một ngày mới?

Thú thực tôi không có thời gian để nghĩ tới chuyện này. Tôi mắc bệnh tiểu đường đã 12 năm nay, những vẫn vui vẻ chung sống với nó. Cố gắng không nghĩ tới bệnh tật. Mỗi một ngày mới đối với tôi là một công việc mới và một niềm vui mới.

Cảm ơn anh!

Dịch giả Vũ Công Lập, Chủ tịch hội đồng khoa học Viện Vật lý y sinh học:

“Dưới bàn tay dìu dắt của anh Thiều, nhiều thế hệ sinh viên đã trưởng thành. Nhưng cái tên Phạm Văn Thiều tồn tại lâu dài trong xã hội chính là nhờ công việc dịch thuật. Đây là sự kết tinh giữa khoa học và văn học, là sự tích hợp giữa niềm đắm say văn chương với sự chặt chẽ và rạch ròi của một ngành khoa học chính xác. Những bản dịch của anh như một lời tâm sự, truyền cho độc giả không chỉ kiến thức mà cả niềm say mê”

GS Chu Hảo, Giám đốc NXB Tri Thức:

“Được đào tạo cơ bản về vật lý, nhưng “nghề tay trái” lại làm Phạm Văn Thiều nổi tiếng trong làng dịch thuật, bởi anh có đủ các tố chất cần thiết của một dịch giả chuyên nghiệp: có nền tảng văn hoá chung vững vàng, giỏi tiếng Việt, thông thạo ngoại ngữ. Anh nổi tiếng cùng với việc chuyển ngữ các tác phẩm phổ biến kiến thức tuyệt vời của nhà văn – nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận như Giai điệu bí ẩn, Hỗn độn và hài hoà… những cuốn sách có giá trị khoa học cao, đồng thời lại là những áng văn hay. Dịch từ nguyên bản những ấn phẩm như vậy là một kỳ công. Ở đây dịch thuật còn là một nghệ thuật, và dịch giả thật sự là đồng tác giả của phiên bản chuyển ngữ.

Trong năm nay, độc giả nước nhà sẽ một lần nữa được thưởng thức tài nghệ của dịch giả Phạm Văn Thiều qua bản dịch cuốn sách mới nhất của tác giả Trịnh Xuân Thuận: Từ điển đam mê bầu trời và các vì sao (do NXB Tri Thức ấn hành)”.

 

Nguồn: bee.net.vn/channel/1984/201103/Pham-Van-Thieu-dich-de-hoc-de-san-se-niem-vui-1792577/