Phần thưởng cao quý cho một giảng viên trẻ

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Đặng sinh năm 1930, mất năm 2018, nguyên Hiệu phó trường ĐH Xây dựng Hà Nội. Ông có nhiều đóng góp cho ngành thủy lợi Việt Nam trong lĩnh vực Thủy công, chống thấm và ổn định các công trình thủy công, mô hình thủy lực.

Năm 1958, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Thiên Tân ở Trung Quốc, Nguyễn Xuân Đặng về nước và công tác tại bộ môn Thủy lợi, khoa Xây dựng, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Thầy giáo Nguyễn Xuân Đặng là người năng nổ, tự chế tạo giáo cụ trực quan, làm mô hình đập bằng gỗ để phục vụ cho giảng dạy; thầy đến thư viện tham khảo sách chuyên môn của nước ngoài, dịch và dựa vào những tài liệu này, các giảng viên soạn thành giáo trình, xuất bản một số cuốn như Bê tông cốt thép, Sổ tay thủy lợi… để giảng dạy cho sinh viên.

Thầy giáo Nguyễn Xuân Đặng đã hướng dẫn các sinh viên của mình tham gia thực tế, lao động tại các công trình: Đại thủy nông Bắc Hưng Hải năm 1958, thực tập thực tế tại Nhà máy Điện ở Nam Định năm 1959, cùng sinh viên tham gia khảo sát và thực hiện đề tài thiết kế hồ Thành Xăng, giải quyết được vấn đề chống hạn ở Đông Triều, Quảng Ninh.

Suốt ba năm đầu tiên làm giảng viên ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thầy Nguyễn Xuân Đặng đã tích cực cống hiến trong công tác đào tạo, nghiên cứu, phục vụ thực tiễn. Tập thể cán bộ giáo viên ở bộ môn và khoa đã ghi nhận những hoạt động sôi nổi và nhiệt tình ấy, kết quả là hai năm liền (1960 và 1961) thầy Đặng được Bộ Giáo dục và Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội công nhận đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Đặng còn nhớ, năm 1961, cả trường Đại học Bách khoa Hà Nội có 4 người được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua, trong đó có hai cán bộ giảng dạy là ông và giảng viên Đặng Hữu, còn hai người là cán bộ lãnh đạo: Hiệu trưởng Hoàng Xuân Tùy và Chủ nhiệm khoa Mỏ – Luyện kim Nguyễn Đức Thừa. Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Đặng cũng chưa quên, việc bình chọn Chiến sĩ thi đua được thực hiện nghiêm túc: khoa Xây dựng đề xuất những cán bộ xuất sắc lên trường, để trường xét duyệt rồi trình đồng thời lên Bộ Giáo dục và Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội. Nhưng việc trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua rất đơn giản, nhà trường thông báo trên loa và mời người được tặng đến khoa để nhận giấy chứng nhận cùng huy hiệu.

Trải qua thời gian trên 50 năm, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Đặng vẫn giữ được cả hai giấy chứng nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua năm 1960 và 1961, nhưng chỉ còn một chiếc huy hiệu năm 1961. Tất cả đều đã cũ, tờ giấy chứng nhận đã bị ố, chiếc huy hiệu đã han gỉ. Đó là những kỷ vật quý giá về thời ông còn trẻ, mới trở thành thầy giáo ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trong bối cảnh những năm đầu nhà trường mới thành lập và miền Bắc nước ta mới bước vào thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa.