Phần thưởng cao quý cho một giảng viên trẻ

Năm 1958, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Thiên Tân ở Trung Quốc, Nguyễn Xuân Đặng về nước và công tác tại bộ môn Thủy lợi, khoa Xây dựng, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tuy là thầy giáo trẻ mới bước vào nghề, nhưng năm đầu tiên thầy Đặng đã được phân công giảng môn bê tông cốt thép cho sinh viên khóa I chuyên ngành Xây dựng và Thủy lợi, rồi năm thứ hai giảng môn thủy năng và năm thứ ba giảng môn thủy công. Mặc dù là giảng viên mới, nhưng thầy năng nổ trong giảng dạy, ngay cả vào ngày nghỉ cũng hướng dẫn sinh viên học tập. Những năm đầu ấy, trường mới thành lập, trang thiết bị và tài liệu còn rất thiếu thốn, thầy Đặng đã tự chế tạo giáo cụ trực quan, làm mô hình đập bằng gỗ để phục vụ cho giảng dạy; thầy đến thư viện tham khảo sách chuyên môn của nước ngoài, dịch và dựa vào những tài liệu này, các giảng viên soạn thành giáo trình, xuất bản một số cuốn như Bê tông cốt thép, Sổ tay thủy lợi… để giảng dạy cho sinh viên.

Cũng năm 1958, Công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải khởi công xây dựng để cung cấp nước tưới cho một vùng rộng lớn ở đồng bằng Bắc bộ. Hàng vạn nhân công được huy động tham gia công trường lớn này, không chỉ công nhân, bộ đội, mà cả trí thức, sinh viên cũng về đây lao động, trong đó có thầy trò trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong quá trình tham gia hai tháng lao động ở đây, thấy việc chuyển đất từ dưới hố lên mất quá nhiều sức người, thầy Đặng đề xuất sử dụng dây tời (còn gọi là ròng rọc) cho bớt nặng nhọc. Đó là giải pháp phổ biến ở Trung Quốc trong thời kỳ “đại nhảy vọt” mà ông biết được khi còn là sinh viên ở nước bạn. Được sự đồng ý của Ban chỉ huy công trường, thầy Đặng cùng giảng viên Nguyễn Đông Hải đã thiết kế hệ thống dây tời chuyển đất. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, dây tời bị bùn đất bết vào làm cho trơn trượt, nên như ông nhận định thì công cụ cải tiến này mang lại hiệu quả không lớn lắm[1]. Không chịu dừng ở đó, thầy Đặng lại đưa ra ý tưởng làm đường ray chở đất bằng xe goòng. Giải pháp này đáp ứng được nhu cầu thực tế lúc bấy giờ nên được sử dụng rộng rãi tại công trường.

Một thời gian sau, thầy Nguyễn Xuân Đặng được phân công đưa sinh viên năm thứ 3, khóa 1, chuyên ngành Kiến trúc đi thực tập tại Nhà máy Điện ở Nam Định. Tại đây, thầy và trò đã thi công một sàn bằng bê tông cốt thép. Từ việc gánh đất, trộn bê tông, đến việc đầm đất, thầy Nguyễn Xuân Đặng đều cùng làm với sinh viên. Sau đợt thực tập, sinh viên phải viết bài thu hoạch, đồng thời đưa ra những cải tiến hợp lý với công trường. Ông còn nhớ: sinh viên Phạm Ngọc Đăng (sau này trở thành Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội) đã đề xuất làm máy trát vữa xi măng. Tuy khó thực hiện được trong thời gian này, nhưng ý kiến đó đã thể hiện sự sáng tạo của sinh viên. Đây cũng là lần đầu tiên nhóm sinh viên này được thầy giáo đào tạo ở nước ngoài về tận tình hướng dẫn, dạy bảo, nên họ vô cùng quý mến và tôn trọng thầy.

Giấy chứng nhận và huy hiệu Chiến sĩ thi đua của GS.TS Nguyễn Xuân Đặng

Năm 1960, Bộ Thủy lợi giao cho trường Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu để thiết kế hồ Thành Xăng ở Đông Triều, Quảng Ninh. Lúc đó, giảng viên chuyên ngành Thủy lợi đều còn rất mới, không có những người kỳ cựu, nhà trường đã giao đề tài này cho thầy Nguyễn Xuân Đặng. Thầy cùng tất cả sinh viên khóa 3, chuyên ngành Thủy lợi đạp xe ra Quảng Ninh để khảo sát và thực hiện đề tài. Đây là những sinh viên năm cuối, tuy đã nắm được những kiến thức cơ bản, nhưng chưa có kinh nghiệm thực tế, nên thầy phải vừa trực tiếp nghiên cứu, vừa hướng dẫn họ. Kể lại chuyện ấy, GS.TS Nguyễn Xuân Đặng cho biết: Mục đích của tôi là muốn sinh viên làm quen với công việc thiết kế và muốn đóng góp một phần kiến thức vào sản xuất[2]. Sinh viên được chia thành những tổ chuyên môn: tổ nghiên cứu về đập, tổ thủy văn, tổ công trình lấy nước, tổ hệ thống kênh mương, tổ làm trạm thủy điện nhỏ. Thầy Đặng cùng sinh viên đi khảo sát địa hình, đo đạc trắc địa, rồi vẽ địa hình, trên cơ sở đó thầy nghiên cứu và xác định vị trí đặt tuyến đập, tuyến công trình tràn, công trình tháo nước… Đồng thời, thầy còn hướng dẫn sinh viên thiết kế trạm thủy điện nhỏ với công suất 5-6KW. Cả thầy và trò phải mang theo lương thực, thực phẩm và ở nhờ trong nhà dân. Sau 6 tháng, công trình thiết kế hồ Thành Xăng hoàn thành, giải quyết được vấn đề chống hạn ở Đông Triều, Quảng Ninh.

Trên cơ sở phân nhóm thực hiện đề tài đó, khi làm luận văn tốt nghiệp, mỗi nhóm cùng nhau làm một đề tài cũng do thầy Đặng trực tiếp hướng dẫn. GS.TS Nguyễn Xuân Đặng vẫn nhớ: Mỗi tổ khoảng 3-4 sinh viên cùng làm chung một đề tài. Vì thiếu giáo viên nên đây là khóa sinh viên đầu tiên và cũng là duy nhất làm luận văn theo nhóm[3]. Theo yêu cầu, luận văn của mỗi nhóm phải bao gồm đầy đủ các phần: mục tiêu nghiên cứu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, các phần nội dung chính… Khi bảo vệ luận văn, mỗi thành viên trong tổ chỉ trình bày phần nội dung do mình thực hiện, nhưng các thầy có thể đưa ra những câu hỏi về bất kỳ phần nào. Vì vậy, sinh viên không chỉ nắm vững phần do mình đảm nhiệm nghiên cứu, mà còn phải hiểu rõ toàn bộ những kiến thức trong luận văn, dù là các phần do thành viên khác thực hiện. Trên cơ sở kết quả kiểm tra như vậy, hội đồng chấm điểm luận văn cho từng sinh viên. Được học tập từ thực tiễn, nên những sinh viên ngày ấy sau khi ra trường có thể bắt tay ngay vào công việc. GS.TS Nguyễn Xuân Đặng vui mừng vì sinh viên khóa 2 năm nào đến nay đều đã thành đạt trên những cương vị công tác khác nhau, nhiều người nắm giữ các chức vụ từ Trưởng phòng, Phó phòng chuyên môn, đến Giám đốc Sở Thủy lợi, có người là Phó Chủ tịch tỉnh.

Suốt ba năm đầu tiên làm giảng viên ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thầy Nguyễn Xuân Đặng đã tích cực cống hiến trong công tác đào tạo, nghiên cứu, phục vụ thực tiễn. Tập thể cán bộ giáo viên ở bộ môn và khoa đã ghi nhận những hoạt động sôi nổi và nhiệt tình ấy, kết quả là hai năm liền (1960 và 1961) thầy Đặng được Bộ Giáo dục và Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội công nhận đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua. GS.TS Nguyễn Xuân Đặng còn nhớ, năm 1961, cả trường Đại học Bách khoa Hà Nội có 4 người được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua, trong đó có hai cán bộ giảng dạy là ông và giảng viên Đặng Hữu[4] còn hai người là cán bộ lãnh đạo: Hiệu trưởng Hoàng Xuân Tùy và Chủ nhiệm khoa Mỏ – Luyện kim Nguyễn Đức Thừa. GS.TS Nguyễn Xuân Đặng cũng chưa quên, việc bình chọn Chiến sĩ thi đua được thực hiện nghiêm túc: khoa Xây dựng đề xuất những cán bộ xuất sắc lên trường, để trường xét duyệt rồi trình đồng thời lên Bộ Giáo dục và Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội. Nhưng việc trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua rất đơn giản, nhà trường thông báo trên loa và mời người được tặng đến khoa để nhận giấy chứng nhận cùng huy hiệu.

Cũng trong năm 1961, khoảng 5 tháng sau khi nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua, thầy Nguyễn Xuân Đặng còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Ông là giảng viên đầu tiên của trường vinh dự được nhận phần thưởng cao quý này. Hiện nay ông vẫn treo trang trọng Huân chương Lao động hạng Ba tại phòng khách ở nhà riêng. GS.TS Nguyễn Xuân Đặng tâm sự: Thời kỳ đó, hưởng ứng phong trào thi đua trong nước, mọi người đăng ký thi đua ngay từ đầu năm. Chúng tôi hào hứng phấn đấu mà không màng đến những giá trị vật chất khác. Niềm tự hào của tôi là được học sinh quý trọng[5].

Trải qua thời gian trên 50 năm, GS.TS Nguyễn Xuân Đặng vẫn giữ được cả hai giấy chứng nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua năm 1960 và 1961, nhưng chỉ còn một chiếc huy hiệu năm 1961. Tất cả đều đã cũ, tờ giấy chứng nhận đã bị ố, chiếc huy hiệu đã han gỉ. Đó là những kỷ vật quý giá về thời ông còn trẻ, mới trở thành thầy giáo ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trong bối cảnh những năm đầu nhà trường mới thành lập và miền Bắc nước ta mới bước vào thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa. Những kỷ vật này gắn liền với ký ức của ông về thời kỳ đáng nhớ mãi ấy.

Nguyễn Thị Phương Thúy

_____________________

[1]. Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Xuân Đặng ngày 14-3-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2.]Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Xuân Đặng ngày 14-3-2015, tài liệu đã dẫn.

[3]. Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Xuân Đặng ngày 14-3-2015, tài liệu đã dẫn.

[4] Sau này là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

[5]. Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Xuân Đặng ngày 13-5-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.