Phát biểu của PGS.TS Nguyễn Văn Huy tại Lễ công bố quyết định cấp phép hoạt động Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam

Kính thưa bà Nguyễn Thúy Anh – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội;

Ông Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Ông Bùi Đức Hinh – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình;

GS Nguyễn Anh Trí – Chủ tịch Hội đồng cố vấn tập đoàn MED – GROUP.

Kính thưa các nhà khoa học, thưa các quý vị đại biểu,

Hôm nay là một ngày đặc biệt vui mừng với MEDDOM, bởi diễn ra sự kiện hai trong một: “Lễ công bố QĐ của UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép hoạt động cho Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam và Tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu hiện vật của nhà khoa học thứ 2000 – PGS.TS Lê Văn Truyền”. Đây là kết quả của sự cố gắng bền bỉ và sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo cùng tập thể MEDDOM trong suốt hơn 13 năm qua. Đối với chúng tôi, đó là một khoảng thời gian vô cùng quan trọng để tạo dựng những điều kiện cần thiết cho sự chín muồi của bảo tàng về di sản các nhà khoa học Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ những dấu mốc quan trọng của MEDDOM và sự xúc động tại buổi Lễ công bố quyết định cấp phép hoạt động cho Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam

Trong những năm qua, TTDS đã xác lập được quan niệm mới về di sản của các nhà khoa học, đồng thời từng bước hoàn thiện những phương pháp và cách thức tiếp cận, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản của các nhà khoa học. Từ ý tưởng ban đầu của các nhà sáng lập Tập đoàn y tế MED GROUP là muốn lưu giữ bút tích của những người thầy trong các cuốn luận án, chúng ta đã mở rộng và xây dựng một mô hình mới và duy nhất có ở Việt Nam, đó là Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, nay gọi chung là MEDDOM. Qua quá trình từng bước tạo dựng niềm tin của các nhà khoa học và xã hội, đến nay MEDDOM đã sưu tầm và lưu trữ được hơn 800.000 tài liệu, hiện vật, hàng trăm ngàn phút ghi âm, ghi hình tư liệu của 2000 nhà khoa học ở mọi lĩnh vực. Đây thực sự là những di sản có ý nghĩa không chỉ đối với cá nhân mỗi nhà khoa học, mà còn là di sản của quốc gia, của lịch sử dân tộc.

Trong những năm qua, chúng tôi đã thực hiện 7 cuộc trưng bày, ở cả Hà Nội và Hòa Bình (Khát vọng học hỏi và sáng tạo, Cháy mãi những đam mê, Chuyện nghề địa chất, Hướng tới Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Di sản còn mãi với đời, Thẳm sâu trong từng kỷ vật, Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam), đã cho xuất bản 2 bộ sách: Di sản ký ức của nhà khoa học (8 tập) và Những câu chuyện hiện vật (4 tập); ngoài ra còn biên soạn và tham gia xuất bản 4 cuốn sách khác về các nhà khoa học.

Song song với hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ và phát huy di sản, Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã được chuẩn bị cơ sở vật chất khá đầy đủ và hiện đại tại Công viên Di sản ở Cao Phong, Hòa Bình. Đó là một bước đi đúng đắn khi vừa chuẩn bị nội dung, vừa chuẩn bị cơ sở vật chất cho sự ra đời của tổ hợp bảo tàng – lưu trữ – thư viện về di sản của các nhà khoa học Việt Nam. Cơ ngơi mà quý vị thấy ở đây chính là kết quả bước đầu của sự cố gắng về mọi mặt trong hơn một thập kỷ qua.

Với tầm nhìn chiến lược cùng sự nhiệt tâm, những nhà sáng lập MED GROUP đã luôn đầu tư vô điều kiện cho hoạt động đầy tính nhân văn của MEDDOM. Nhiều lần tôi đã trực tiếp nghe GS Nguyễn Anh Trí, linh hồn của MED GROUP khẳng định: “MEDDOM chính là đích đến của cuộc đời tôi”. Bởi thế, trong nhiều năm qua, GS Nguyễn Anh Trí và lãnh đạo MED GROUP đã đầu tư cho MEDDOM hàng trăm tỉ đồng. Nguồn kinh phí ấy được trích ra từ một phần lợi nhuận của Tập đoàn y tế MED GROUP và Tập đoàn cam kết đầu tư lâu dài cho sự phát triển bền vững của MEDDOM. Đó là một tư duy, một cách làm rất hiện đại, phù hợp với các xã hội tiên tiến trên thế giới.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ của MEDDOM cho phép đi tới một quyết định quan trọng là thành lập Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam và UBND tỉnh Hòa Bình ra quyết định cấp phép hoạt động cho bảo tàng này. Thật vui mừng khi những trăn trở, suy nghĩ và sự tâm huyết của lãnh đạo MED GROUP, MEDDOM được lãnh đạo Sở VH-TT-DL, các Sở, ban ngành trong tỉnh, lãnh đạo huyện Cao Phong, và đặc biệt lãnh đạo tỉnh Hòa Bình hoan nghênh, đánh giá cao và luôn đồng hành, ủng hộ. Chúng tôi trân trọng và vô cùng biết ơn sự đồng hành, ủng hộ của chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình.

Kính thưa các vị lãnh đạo, thưa các quý vị đại biểu,

Hẳn chúng ta sẽ băn khoăn và đặt câu hỏi: Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam sẽ thế nào, có nội dung gì và có tác dụng ra sao? Xin thưa, công việc của chúng tôi để biến từ mong ước thành một bảo tàng hiện thực còn rất nhiều và vô cùng gian nan. Đây mới chỉ là sự khởi đầu. Tòa nhà chính thức của Bảo tàng sẽ được dày công nghiên cứu thiết kế và xây dựng trong thời gian tới để triển khai các trưng bày của bảo tàng. Đó sẽ phải là tòa nhà đẹp, hấp dẫn, hợp với cảnh quan, môi trường và tiện ích trong sử dụng cho các hoạt động của bảo tàng và công chúng.

Nội dung bảo tàng về khoa học và các nhà khoa học ở Việt Nam sẽ phản ánh lịch sử nền khoa học, lịch sử các ngành khoa học nước ta theo diễn trình lịch sử từ những năm đầu thế kỷ XX trở đi kết hợp với các chuyên đề. Bảo tàng này, sẽ giúp công chúng hiểu được trong tiến trình lịch sử khoa học khoảng 100 năm qua, đã hình thành nên những thế hệ các nhà khoa học Việt Nam với những đóng góp của họ cho khoa học và cho cuộc sống như thế nào.

Bằng các tài liệu, hiện vật, kết hợp với ký ức của/về các nhà khoa học là những nhân chứng đã trải qua các thời kỳ lịch sử, bảo tàng sẽ giới thiệu tới công chúng nhiều vấn đề của khoa học, chẳng hạn như: Sự xuất hiện, mở rộng, phát triển của các lĩnh vực, các ngành khoa học; Sự phát triển mỗi chuyên ngành khoa học gắn với những thành tựu khoa học và các nhà khoa học cụ thể ở mỗi thời kỳ; Sự vượt khó và sáng tạo của các nhà khoa học; Sự nỗ lực tự học nắm lấy tri thức của các nhà khoa học; Lao động khoa học…

Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam tương lai không chỉ là nơi tham quan để hiểu về lịch sử khoa học, về các nhà khoa học, mà còn là nơi để tìm hiểu những giá trị, phẩm chất của các nhà khoa học, từ đó tạo niềm cảm hứng trong cuộc sống cho mỗi khách tham quan, nhất là thế hệ trẻ. Đây cũng là nơi học tập và khám phá, bởi các tư liệu trưng bày cũng là sử liệu giúp cho những người quan tâm hiểu rõ hơn về lịch sử ngành, hoặc về các vấn đề khoa học. Đồng thời, đây là nơi khơi dậy tinh thần khoa học cùng niềm tự tôn khoa học của Việt Nam. Bảo tàng sẽ là một địa chỉ cùng với các điểm đến khác góp phần kích thích sự phát triển du lịch ở tỉnh Hòa Bình.

Thưa các quý vị đại biểu, thưa các vị khách quý,

Tôi vô cùng vui mừng và xúc động, bởi sự kiện ngày hôm nay đánh dấu bước ngoặt quan trọng của một bảo tàng độc đáo và đặc sắc ở Việt Nam: Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Đây không chỉ là niềm vui của MED GROUP, MEDDOM, mà còn là niềm vui của giới bảo tàng ở Việt Nam.

Niềm vui càng được nhân lên gấp bội, khi để chào mừng sự kiện này, Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam vui mừng tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu hiện vật của nhà khoa học thứ 2000 – PGS.TS Lê Văn Truyền (nguyên Thứ trưởng Bộ y tế). Là một nhà khoa học được đào tạo bài bản dưới mái trường Đại học Dược Hà Nội  và sau đó tại Viện Hàn lâm khoa học Rumani, PGS.TS Lê Văn Truyền có vai trò đáng kể và đã để lại những dấu ấn quan trọng đối với lĩnh vực quản lý dược cũng như sự phát triển của ngành dược ở Việt Nam; ông đặc biệt tâm huyết với đóng góp xây dựng chính sách thuốc quốc gia. Đã nhiều năm, ông theo dõi và đồng hành cùng MEDDOM, và hôm nay, nhân sự kiện trọng đại này, ông quyết định bàn giao toàn bộ khối di sản cá nhân đã gắn bó trong suốt cuộc đời học tập, nghiên cứu, giảng dạy của mình cho Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Thấu hiểu tầm quan trọng của di sản ký ức, PGS Lê Văn Truyền đã dành thời gian hồi tưởng và viết lại những câu chuyện gắn với cuộc đời mình. Đó không chỉ là câu chuyện của riêng ông, mà còn là câu chuyện của lịch sử ngành Dược, của xã hội, của lịch sử đất nước. Cuốn sách Để nhớ để thương – Hồi ức của một thầy giáo ra mắt ngày hôm nay là một cách góp thêm tiếng nói hữu ích vào câu chuyện lưu giữ và phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học Việt Nam, như một hoạt động thiết thực chào mừng Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Xin chân thành cảm ơn PGS Lê Văn Truyền và gia đình.

Kính thưa các vị lãnh đạo, thưa PGS.TS Lê Văn Truyền và các quý vị đại biểu,

Chúng tôi hiểu được trách nhiệm của mình đối với các nhà khoa học và sự kỳ vọng của xã hội đối với Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Bởi thế, chúng tôi hứa sẽ vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid 19 gây ra, cố gắng nhiều hơn nữa để biến nơi đây trở thành điểm đến, nơi sinh hoạt văn hóa, tham quan du lịch có ích không những với tỉnh Hòa Bình, mà còn với các nhà khoa học và nhân dân cả nước.

Thay mặt MEDDOM, tôi xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc tới các nhà khoa học! Xin cảm ơn lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và lãnh đạo các Bộ, các cơ quan đã luôn quan tâm, đồng hành và ủng hộ chúng tôi! Cảm ơn nhân dân huyện Cao Phong và tỉnh Hòa Bình! Cảm ơn các nhà sáng lập Tập đoàn MED GROUP và tất cả các quý vị! Kính chúc các quý vị đại biểu luôn mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc!

Xin trân trọng cảm ơn!

PGS.TS Nguyễn Văn Huy