Kính thưa TS Hoàng Đình Chân và các vị đại diện gia đình GS Hoàng Đình Cầu!
Kính thưa Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS Lê Quang Cường
Kính thưa các nhà khoa học cùng các vị khách quý!
Kính thưa bà Võ Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty MEDLATEC!
Thưa các bạn đồng nghiệp!
Hôm nay chúng ta có mặt ở đây để chứng kiến một sự kiện quan trọng của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, đó là Lễ tiếp nhận hơn 6000 đơn vị tài liệu, hiện vật đã gắn bó suốt cuộc đời của nhà y học đáng kính – GS. AHLĐ Hoàng Đình Cầu.
Đây là lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật khoa học lần thứ 17 trong chặng đường hoạt động của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Buổi lễ hôm nay rất đặc biệt và vô cùng ý nghĩa, bởi lễ tiếp nhận được tổ chức đúng vào dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh của GS Hoàng Đình Cầu (1917-2017).
Kính thưa quý vị!
Từ năm 2012, nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận nghiên cứu lịch sử cuộc đời của GS Hoàng Đình Cầu. Chúng tôi vô cùng xúc động và nhớ mãi hình ảnh bà Nguyễn Thị Thanh Hương – phu nhân của GS Hoàng Đình Cầu mặc dù tuổi cao, sức khỏe giảm sút, nhưng mỗi khi nhớ ra một kỷ niệm về người chồng kính yêu, dù là chi tiết nhỏ nhất bà lại nói cho người nhà ghi vào một tờ giấy để chuẩn bị cho buổi làm việc tiếp theo với Trung tâm. Chỉ một điều đó thôi cũng đủ để chúng ta thấy được bà đã dành cho người bạn đời tình cảm sâu đậm đến nhường nào! Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam rất biết ơn tấm lòng của bà đối với Trung tâm.
Ngôi nhà số 25A Trần Bình Trọng là nơi sinh thời GS Hoàng Đình Cầu cùng gia đình sinh sống. Khi chúng tôi đến thăm gia đình, GS Hoàng Đình Cầu đã đi xa 7 năm trước, nhưng phòng làm việc trên tầng 2 của Giáo sư vẫn nguyên vẹn như hồi ông còn sống, ở giữa phòng vẫn là một chiếc bàn gỗ to nơi Giáo sư ngồi làm việc, xung quanh đầy ắp những bản thảo, sách vở,… Dường như vợ và các con của GS không muốn xa rời những kỷ vật của ông mà qua đó có thể nhìn thấy bóng dáng, gợi nhớ những kỷ niệm về người chồng, người cha yêu dấu của mình.
Khi cuốn sách “Giáo sư Hoàng Đình Cầu – Cuộc đời và sự nghiệp” hoàn thành nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư, tháng 4-2017 gia đình quyết định trao tặng toàn bộ tài liệu quý giá và thân thương của GS Hoàng Đình Cầu cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ. Đây thực sự là một niềm vui lớn và rất hân hạnh với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Kính thưa các quý vị! Khối tư liệu đồ sộ của GS Hoàng Đình Cầu bao gồm nhiều loại hình: bản thảo công trình; bản thảo chuyên môn về phẫu thuật phổi; quản lý bệnh viện; bản thảo về y xã hội học về các vấn đề: dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe ban đầu, xây dựng trạm y tế cơ sở; bản thảo bài giảng; thư từ; sổ công tác; giấy tờ cá nhân; các văn bản hành chính; sách; ảnh tư liệu… phản ánh các mặt hoạt động và công tác quản lý của GS.
Trong bộ sưu tập tài liệu của Giáo sư Hoàng Đình Cầu Trung tâm đón nhận hôm nay, có nhiều hiện vật đặc biệt ấn tượng và quý hiếm. Đó là bản đánh máy chữ màu tím trên giấy pơ-luya về cuộc họp của Tiểu ban y thuộc Cục Quân y đề xuất với Trung ương cử ông đi học tại Liên Xô, vào tháng 2-1955. Tại cuộc họp này gồm có các ông Phạm Ngọc Thạch, Vũ Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tín, Nguyễn Đức Thắng, Hoàng Đình Cầu, Nguyễn Trinh Cơ, Nguyễn Sĩ Quốc đã quyết định và phân công 7 bác sĩ đi học ở Đức và 18 người đi học ở Liên Xô thuộc các lĩnh vực, các ngành khác nhau của y học. Sau này họ đã trở thành những người xây dựng ngành Y tương lai như Hoàng Thủy Nguyên, Trương Công Trung, Nguyễn Thiện Thành, Phạm Gia Triệu, Nguyễn Huy Phan, Bùi Đại và nhiều người khác nữa. Văn bản đó cho thấy tìm nhìn của những người lãnh đạo ngành y tế và Cục Quân y lúc bấy giờ.
Trong thời gian 3 năm học tập tại Liên Xô (1955-1958), BS Hoàng Đình Cầu đã dành dụm tiền mua được trọn bộ bộ Đại Từ điển bách khoa toàn thư y học (tiếng Nga), gồm 35 cuốn, mỗi cuốn hơn 1000 trang, mỗi lần gửi về Việt Nam, ông đều đánh số cẩn thận. DS Hoàng Thanh Châu chia sẻ: “Tôi nhớ mãi hình ảnh mẹ tôi đều đặn ra bưu điện Bờ Hồ, Hà Nội để nhận sách của cha tôi ở Liên Xô gửi về”. Các cuốn từ điển đã được ông sử dụng trong suốt cuộc đời nghiên cứu của mình, có những chỗ ông dùng bút đỏ gạch chân hay dịch sang tiếng Việt bằng nét bút chì. Những tài liệu trên cho thấy ở ông một ý chí, một sự tâm huyết, miệt mài học tập, nghiên cứu. Thời kỳ học tập ở Liên Xô là tiền đề để sau này khi về nước ông bắt tay xây dựng Khoa phẫu thuật phổi đầu tiên ở miền Bắc và trở thành người sáng lập chuyên ngành Phẫu thuật phổi ở Việt Nam.
Bộ sưu tập gồm hơn 600 tài liệu nghiên cứu về ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin ở người và môi trường trong hồ sơ của GS Hoàng Đình Cầu là một bộ sưu tập đặc biệt quý hiếm. Đó là những tập bản thảo thống kê tình hình các cựu chiến binh Việt Nam (trên địa bàn 26 xã) đã từng hoạt động ở Nam vĩ tuyến 17; thống kê tình hình dị tật; tài liệu về gia phả; thống kê dioxin trong mẫu (mẫu đất, lương thực thực phẩm, mẫu máu, mẫu gan thai nhi…); các bản đồ, thư từ trao đổi, hồ sơ bệnh án của bệnh nhân bị dị tật; các tài liệu liên quan đến hội nghị, hội thảo về ảnh hưởng của chất độc da cam và những bài nghiên cứu GS Hoàng Đình Cầu về Dioxin.
Bộ sưu tập thư của GS Hoàng Đình Cầu rất lớn và đặc sắc gồm 941 bức thư thuộc nhiều nội dung khác nhau: Thư của bệnh nhân, thư trao đổi công việc, thư của người thân, bạn bè gửi Giáo sư, thư GS Hoàng Đình Cầu gửi các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước… Những lá thư bệnh nhân gửi GS Hoàng Đình Cầu gây ấn tượng rất lớn. Chẳng hạn lá thư của nhà văn Thiên Giang (tên thật là Trần Kim Bảng) ở thành phố Hồ Chí Minh có viết năm 1982 viết: “Thấm thoắt đã mười năm qua, kể từ ngày nhờ bàn tay cứu độ của anh mà tôi thoát khỏi tử thần. Nhiều đồng chí ngày đó đã nói là tôi đội mồ sống dậy… ”. Hoặc thư của bệnh nhân Trịnh Tuynh ở Thanh Hóa gửi GS Hoàng Đình Cầu năm 1995 viết: "Cuộc đời còn sống đến ngày hôm nay là nhờ bàn tay khối óc, tấm lòng nhân đức đại nghĩa của Bác đã cải tử hồi sinh cứu sống tôi… Bác là người mẹ hiền, là hạt gạo tám thơm, là con tằm nhả tơ để cứu thoát bao người đã bị hiểm họa khôn lường". Từ những bức thư trong bộ sưu tập này có thể hiểu thêm nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, con người nhưng đặc biệt cho thấy tài năng, tấm lòng luôn hết sức tìm mọi cách cứu chữa cho bệnh nhân của giáo sư Hoàng Đình Cầu.
Kính thưa quý vị, được trực tiếp tiếp cận với những tư liệu hiện vật của GS Hoàng Đình Cầu, chúng tôi không chỉ hình dung quá trình Giáo sư miệt mài, say sưa nghiên cứu khoa học, tâm huyết với việc xây dựng, phát triển ngành Y mà còn thấy được nhân cách của ông, hết sức khiêm tốn, nhân ái và tôn trọng con người.
Thưa quý vị, khối tài liệu hiện vật của GS Hoàng Đình Cầu được gia đình sắp xếp cẩn thận và trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam hôm nay có giá trị không chỉ về sự nghiệp và cuộc đời hoạt động khoa học của ông mà còn liên quan đến nhiều vấn đề về sự phát triển của ngành Y, hệ thống đào tạo y khoa của Việt Nam. Trung tâm chúng tôi có trách nhiệm sẽ giữ gìn và bảo tồn tốt nhất bộ sưu tập này cho hiện tại và tương lai bởi đó là những nguồn sử liệu quý giá của dân tộc. Việc nghiên cứu, phát huy được những giá trị của khối tài liệu, hiện vật đồ sộ do GS Hoàng Đình Cầu để lại là một vấn đề lâu dài nhưng chắc chắn sẽ mở ra một viễn cảnh mới.
Nhân dịp Trung tâm vinh hạnh được tiếp nhận toàn bộ di sản cuộc đời của GS.AHLĐ Hoàng Đình Cầu, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành nhất tới toàn thể gia đình Giáo sư.
Xin kính chúc gia đình luôn mạnh khỏe, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc!.
Kính chúc tất cả quý vị sức khỏe và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
Xin cảm ơn!
PGS.TS Nguyễn Văn Huy
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam