Phía sau thành công là những giọt nước mắt





Tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội năm 1970, bác sĩ Trần Thị Cẩm Vinh về công tác tại Bệnh viện Quân y 103 – Học viện Quân y. Ngay buổi đầu, cô bác sĩ trẻ tình nguyện về bộ phận công vụ để học việc với suy nghĩ: “Phải biết hết công việc của mọi người, là một bác sĩ thì càng cần hiểu được công đoạn vệ sinh dụng cụ và dụng cụ sạch như thế nào…”.

PGS.TS Trần Thị Cẩm Vinh - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Huyết học - Truyền máu, Học viện Quân y

PGS.TS Trần Thị Cẩm Vinh – nguyên Chủ nhiệm bộ môn Huyết học – Truyền máu, Học viện Quân y

Là bác sĩ quân y nên bà không ngại khó khăn khi tham gia phục vụ chiến trường hay đương đầu với thử thách. Trong Chiến dịch biên giới Tây Nam năm 1978, ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu chữa cho cán bộ, chiến sĩ, bà còn cứu hai bệnh nhân bị rối loạn đông máu vì rắn cắn. Năm 1993, dịch sốt xuất huyết lớn hoành hành ở Hà Nội, bà cùng đồng nghiệp ở Bệnh viện Quân y 103 đã tham gia chống dịch, kịp thời cứu chữa cho nhiều bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch.

Luôn dốc trọn thời gian, tâm, trí cho công việc vì thế bà có rất ít thời gian dành cho gia đình, như bà tự nhận thấy mình “không làm tròn thiên chức làm vợ, làm mẹ”. Mãi sau này, chồng bà – TS Nguyễn Chí Thành mới kể lại: “Chiều nào con cũng ra đầu phố để ngóng mẹ về”. Bởi thế, bà thường dễ bật khóc khi nhắc đến con trai, dù hiện giờ anh đã là giảng viên của một trường đại học ở nước ngoài. Bà thầm cảm ơn các thành viên trong gia đình đã thấu hiểu, cảm thông.

Bằng kinh nghiệm và tất cả niềm say mê nghiên cứu khi cùng đồng nghiệp thực hiện 14 đề tài cấp Bộ, Nhà nước, PGS Trần Thị Cẩm Vinh muốn nhắn nhủ tới thế hệ trẻ: “Mỗi người đều có ước muốn riêng, hãy cứ đam mê, tận tụy, cùng sự cần cù, chịu khó, luôn học hỏi để trau dồi chuyên môn và làm việc bằng cái tâm thì chắc chắn sẽ thành công”.

Tạ Anh

——————————–

* Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Huyết học – Truyền máu, Học viện Quân y