PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc chuyên môn Trung tâm báo cáo sơ lược về những thành quả mà Trung tâm đã đạt được trong năm 2010: với 226 buổi gặp gỡ với 69 nhà khoa học; 38 nhà khoa học Trung tâm đã bắt đầu phỏng vấn sâu có ghi âm, ghi hình về những tâm đắc, trăn trở trong cuộc đời làm khoa học của họ, những kỷ niệm với đồng nghiệp, bạn bè, học trò, thầy cô giáo; những thành công và thất bại trong cuộc đời… Tổng số tài liệu sưu tầm được năm 2010 là 13.404, nâng số tổng số tài liệu hiện vật Trung tâm đang lưu trữ lên 16.000, trong đó 80% là các tư liệu gốc bao gồm: bản thảo các bài viết, công trình nghiên cứu, bản thảo sách đã xuất bản và chưa xuất bản, thư từ, nhật ký, hồi ký, sổ tay ghi chép,… hàng trăm hiện vật thể khối, băng tư liệu gốc là những kỷ vật gắn liền với cuộc đời khoa học của họ, hơn 4000 ảnh tư liệu và chụp hàng trăm bức ảnh tư liệu khác. Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cũng đã thông báo đầy đủ về tiến độ dự án Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình trước Hội đồng cố vấn.
GS.TSKH Phạm Minh Hạc – Chủ tịch Hội đồng cố vấn phát biểu tại phiên họp
Với tâm huyết muốn xây dựng một trung tâm lớn lưu trữ di sản các nhà khoa học Việt Nam, nhiều ý kiến hay, bổ ích đã được các thành viên Hội đồng cố vấn nêu ra. Một lần nữa, GS.TSKH Phạm Minh Hạc – Chủ tịch Hội đồng cố vấn khẳng định hướng đi của Trung tâm là hoàn toàn đúng đắn và hợp với xu thế phát triển của thế giới. “Việc đổi mới cả về tên gọi lẫn phương thức hoạt động của Trung tâm là phù hợp, chính điều này đã giúp Trung tâm ngày càng phát triển và đạt nhiều kết quả khả quan trong thời gian qua. Đây là xu hướng chung của sự phát triển trên thế giới khi con người dần quan tâm nhiều hơn đến những giá trị tinh thần, giá trị tri thức của con người”, GS.TSKH Phạm Minh Hạc đã phát biểu như vậy trong cuộc họp.
PGS.TS Nguyễn Anh Trí – Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn đề cao giá trị cốt lõi của Trung tâm
Còn theo TS Đặng Văn Bài – nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Việt Nam, việc tôn vinh các nhà khoa học Việt Nam cũng chính là tôn vinh nguyên khí quốc gia, góp phần nâng cao hình ảnh cả về con người lẫn tri thức Việt lên tầm quốc tế. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất cần làm bây giờ là đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống thông tin các nhà khoa học để có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân, các nhà nghiên cứu khi cần tìm hiểu.
Vậy nhưng, để có được những điều đó là hoàn toàn không dễ dàng. “Hoạt động của Trung tâm đầy tính nhân văn, văn hóa, tuy nhiên việc kết hợp phát triển kinh tế là điều vô cùng quan trọng giúp Trung tâm nâng cao hơn nữa chất lượng cũng như phát triển Trung tâm theo hướng lâu dài. Bên cạnh đó, Trung tâm cần huy động được sức mạnh từ chính những nhà khoa học cả trong và ngoài Hội đồng cố vấn”, GS.TS Nguyễn Phùng Hồng, Tổng Biên tập tạp chí Công an nhân dân nói.
Ban Giám đốc cùng các thành viên Hội đồng cố vấn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Kết thúc phiên họp, PGS.TS Nguyễn Anh Trí – Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn đã kết luận rằng: “Để phát triển theo đúng hướng đi mà Ban Giám đốc cũng như Hội đồng cố vấn đề ra, một lần nữa Trung tâm cần xác định rõ giá trị cốt lõi, sứ mạng, mục đích và nhiệm vụ của mình. Không những chỉ dừng lại ở việc lưu trữ, bảo tồn mà cần phát huy được giá trị tri thức của các nhà khoa học”.
Ngay sau phiên họp, toàn thể thành viên Hội đồng cố vấn đã thăm hệ thống kho lưu trữ tài liệu hiện vật của Trung tâm tại tòa nhà số 66 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội.
Trình Sỹ Anh Dũng