Sinh năm Tân Mùi 1931 ở Đông Thôn, xã Hoằng Xuyên, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa (khi đi học khai sinh năm 1933) tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn khoa Hà Nội năm 1956, thầy Ninh Viết Giao được phân công về dạy trường phổ thông cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng ở Vinh. Niên khóa 1956 – 1957 trường có 13 lớp với 10 lớp 8 (tức lớp 10 hiện nay), 3 lớp 9 (lớp 11 hiện nay) thầy dạy văn hai lớp 8 và lớp 9C.
Thầy Ninh Viết Giao lúc về dạy trường Phổ thông cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng (1958).
Từ năm 1956 đến năm 1961, thầy Ninh Viết Giao dạy môn văn học ở trường, sau này thầy được chuyển về dạy và làm công tác bồi dưỡng ở trường Sư phạm trung cấp rồi Ty Giáo dục Nghệ An.
Với nhiệt tình sôi nổi, thầy Giao đã say sưa dạy học, truyền đạt nhiều kiến thức mới mẻ cho học sinh. Ấn tượng tốt đẹp về một người thầy tận tâm, gần gũi luôn còn mãi trong nhiều thế hệ học trò.
Ngay từ khi mới về trường Huỳnh Thúc Kháng, thầy Giao đã phát động học sinh khối 8 hồi đó có học văn học dân gian sưu tầm câu đố, ca dao, dân ca, sau mở ra nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ khác của gia tài văn hóa phi vật thể của xứ Nghệ. Phó Giáo sư Ninh Viết Giao viết:
“…Được Ban giám hiệu nhà trường đồng tình ủng hộ, học kỳ I năm học 1958 – 1959, nhân dịp học sinh được nghỉ hai tuần để giáo viên tập trung học chính trị, thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức Bính đã đọc một bài diễn văn hấp dẫn trong buổi mít tinh, phát động học sinh toàn trường sưu tầm văn học dân gian xứ Nghệ. Sau đó, một giáo viên được thầy cho phổ biến bản đề cương gồm nội dung cầu sưu tầm, các loại hình văn hóa văn nghệ ở địa phương, cùng cách thức và đối tượng sưu tầm.
Sau mít tinh, học sinh của 37 lớp trong năm học ấy được phiên chế theo đơn vị từng huyện rồi đi diễu hành trên các đường phố lớn trong thành phố Vinh. Nhân dân thành phố Vinh được nghe văng vẳng các câu khẩu hiệu như: “Quyết tâm sưu tầm cho hết văn học dân gian ở Diễn Châu”, “Ra sức sưu tầm văn học dân gian ở Nam Đàn”… Cứ thế học sinh Hưng Nguyên thì hô câu nói về Hưng Nguyên, học sinh Thanh Chương thì hô câu nói về Thanh Cương… Học sinh huyện nào về nghỉ, tranh thủ sưu tầm văn học dân gian ở huyện ấy. Buổi ra quân sưu tầm văn học dân gian của học sinh Huỳnh Thúc Kháng hôm ấy thật khí thế.
Hai tuần trôi qua trở lại trường tiếp tục học tập, có em sưu tầm ghi chép được dăm trang, có em ba bốn chục trang. Các em nộp cho giáo viên chủ nhiệm rồi giáo viên chủ nhiệm nộp cho thầy Hiệu trưởng. Kết quả thật bất ngờ. Quả là văn học dân gian đang được lưu giữ trong nhân dân xứ Nghệ – vô cùng phong phú. Đưa cho thầy Nguyễn Đức Bính xem, thầy cũng khằng định rằng văn học dân gian còn phong phú lắm, nhưng chúng sử dụng làm sao đây? Đầu tuần sau, giáo viên trong trường thấy thầy trao đổi với thầy Ninh Viết Giao rồi nói: “Giao cho anh đấy, anh giữ lấy, sử dụng sao cho có ích”. Được lời như cởi tấm lòng, nhờ kết quả sưu tầm của học sinh, mà 2 năm sau, thầy Giao đã cho ra đời: “Hát phường vải” và một số công trình khác”.
Năm 1984, thầy Ninh Viết Giao được đặc cách phong học hàm Phó Giáo sư. Thầy Ninh Viết Giao không thuộc một Viện nghiên cứu hay trường Đại học nào nên được phong chức danh Phó Giáo sư là một việc hiếm có. Thầy là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa 5 và 6, Chủ tịch Hội Văn Nghệ dân gian tỉnh Nghệ An.
Phó Giáo sư Ninh Viết Giao đã công bố 50 cuốn sách gồm nhiều thể loại văn hóa dân gian: Câu đố Việt Nam (1958), hát phường vải (1961), Ca dao xứ Nghệ, Kho tàng vè xứ Nghệ (gồm 9 tập), truyện cổ tích, truyện cười dân gian, hương ước Nghệ An, Tục thờ thần và thần tích Nghệ An, Văn hóa ẩm thực dân gian xứ Nghệ, Nghề truyền thống, Văn bia, Từ điển nhân vật xứ Nghệ, Nghệ An: lịch sử và văn hóa. Nghệ An: Đất phát nhân tài v.v..
Phó giáo sư Ninh Viết Giao đã xuất bản nhiều cuốn địa chí văn hóa và sách về các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Tương Dương, Quỳnh Hợp, Tân Kỳ….
Nhiều cuốn sách khác như: Tổng tập văn học Việt Nam (tập 19, tập 31), thơ văn Võ Liêm Sơn, Nghệ Tĩnh gương mặt nhà văn hiện đại (đồng chủ biên với Phong Lê), các tập hồi ký v.v..
Năm 2001, PGS Ninh Viết Giao đã được tặng Giải thưởng Nhà nước đợt 1 về các tác phẩm văn nghệ dân gian. Tôi đã viết kính tặng thầy bài thơ: “Kho tàng đồ sộ: gương đẹp thầy nêu”
Sinh ra trên đất mẹ Hoằng Xuyên
Vào đời: Giáo viên trường Huỳnh Thúc Kháng
Đất Nghệ An nâng tâm hồn phóng khoáng
Văn nghệ dân gian thành nợ thành duyên….
Leo lét ngọn đèn dầu dưới mái trường tranh
Trăm quê tụ về những lứa dầu xanh
Chăm chút đôi vần ca dao, câu chuyện cổ
Trong thẳm sâu mang nặng ân tình…
Có niềm vui cao cả nào hơn
Khi thầy với nhân dân trở thành máu thịt
Lưu một câu ca, ngôi đền, trang thần tích
Giữa đạn bom, giành giật với thời gian…
Xóm nhỏ Nam Đàn, cố nào mới mất
Kho tàng lịch sử cùng cố mang theo
Nghe tin buồn, thầy đau như ruột thắt
Day dứt thấy mình lỗi hẹn với xóm nghèo
Hạnh phúc tràn đầy giữa những học trò yêu
Từng gương mặt ngời ngời, tình chân chất
Nửa thế kỷ đi qua, những trang đời đẹp nhất
Kho tàng đồ sộ: gương đẹp thầy nêu….
Hà Nội, sáng 13/3/2002
Ban giám hiệu và cựu giáo viên, học sinh trường Huỳnh Thúc Kháng trong ban biên soạn cuốn “Mái trường xứng danh anh hùng”.
Kỷ niệm 90 năm Quốc học Vinh – Huỳnh Thúc Kháng (1920 – 2010), Ban Giám hiệu nhà trường đã mời một số thầy trò cũ tham gia ban biên soạn một cuốn sách lịch sử của nhà trường, lúc ấy lấy tên là “90 năm Quốc học Vinh – Huỳnh Thúc Kháng”. Khi nhà trường xuất bản đổi tên là “Mái trường xứng danh anh hùng”. Thầy Ninh Viết Giao được phân công viết về giai đoạn 1955 – 1975 của nhà trường. Năm 2011, thầy Ninh Viết Giao trích phần đó in riêng một cuốn sách lấy tên “Trường Phổ thông cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng 1955 – 1975” để kỷ niệm tuổi 80 và cùng kỷ niệm 55 năm tình thầy trò, tình giao hữu từ ngày bước vào đời (1956) làm nghề dạy học. Anh Đinh Văn Niêm và tôi đã liên lạc với nhiều học sinh cũ của trường Huỳnh Thúc Kháng để bổ sung tư liệu và hình ảnh cho phần phụ lục của cuốn sách, lo biên tập, chữa bản in và tôi lo in cuốn sách.
Thầy Ninh Viết Giao đã có 700 cuốn sách đẹp đóng bìa cứng để tặng nhà trường, bạn bè và học trò cũ.
Tháng 12/2011 Ban liên lạc cựu học sinh trường Quốc học Vinh – Huỳnh Thúc Kháng tại Hà Nội phối hợp với cựu học sinh khóa 1955 – 1958 tổ chức một buổi họp mặt mừng thọ các thầy cô trường Huỳnh Thúc Kháng trong đó có mừng thọ tuổi 80 thầy Giao và ra mắt cuốn sách nói trên.
Đại diện Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Nghệ An, Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An, Ban giám hiệu Trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng cùng hơn 100 thầy trò cũ đã quây quần nồng nhiệt chúc mừng các thầy cô, chúc thầy Giao vượt qua căn bệnh hiểm nghèo…
Với khóa học 1955 – 1958 trường Phổ thông cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng (2 lớp 10 đầu tiên hệ 10 năm), thầy Ninh Viết Giao giữ những mối thâm tình đặc biệt từ lúc thầy bắt đầu dạy lớp 9C, sau làm giáo viên chủ nhiệm lớp 10B cho đến nay. Từ Vinh, thầy ra Hà Nội dự nhiều buổi họp mặt và mỗi khi thầy ra họp, chữa bệnh, học trò cũ đã tìm đến thăm thầy.
Thầy Ninh Viết Giao với cuộc họp mặt năm 2005 học sinh lớp 10 khóa đầu tiên 1955 – 1958 tại Hà Nội.
Ngày 12/5/2012 Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Nghệ An phối hợp với Hội Văn nghệ dan gian Nghệ An cùng gia đình tổ chức mừng thọ PGS Ninh Viết Giao tuổi 80.
Từ Hà Nội, các Giáo sư Phan Huy Lê, Phong Lê, Chương Thâu cùng tôi đã vào dự. Tôi có đọc mấy câu thơ mừng thầy Ninh Viết Giao:
Mừng thầy tuổi tám mươi xuân
Mừng thầy đã sống trọn cùng dân gian
Quê Thanh Hóa, sống Nghệ An
Vắt người để lại vạn trang cho đời
Đất lành xứ Nghệ tuyệt vời
Bao năm hun đúc một người: VIẾT GIAO!
Ngày 20/5/2013, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã tiến hành tổ chức trao huy chương và xác nhận kỷ lục người có nhiều công trình nghiên cứu nhất về văn hóa dân gian xứ Nghệ cho PGS Ninh Viết Giao.
Nhớ những năm dạy ở trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng, PGS Ninh Viết Giao viết:
“…Năm năm ấy đã để lại trong tôi bao nhiêu kỷ niệm, vui có, buồn có, nhưng vui là chủ yếu, buồn là hy hữu. Tôi đã trưởng thành về đường đời từ trường cấp ba Huỳnh Thúc Kháng, có một chút công lao gì đó về đào tạo và bồi dưỡng về sưu tầm nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian, cũng từ trường cấp ba Huỳnh Thúc Kháng. Các em học sinh Huỳnh Thúc Kháng ở Nghệ An thời đó đã vui vẻ, tận tình vô tư sưu tầm giúp tôi trong những ngày nghỉ tết, nghỉ hè… một khối lượng về di sản văn hóa phi vật thể đáng kể, để tôi có bao công trình văn hóa văn nghệ dân gian xứ Nghệ mà đàu tiên là “Câu đố Việt Nam” rồi đến “Hát phường vải”, “Hát giặm Nghệ Tĩnh”…
Bao ấn tượng sâu sắc, cảm động, bao hình ảnh đẹp đẽ của thầy và trò thời đó vẫn in đậm trong trái tim tôi. Tôi vô cùng biết ơn nhà trường, cảm ơn các bạn đồng nghiệp, đồng trường, nhất là các em học sinh thời đó.”
Trong những năm bị trọng bệnh, PGS Ninh Viết Giao vẫn dành công sức biên soạn cuốn sách “Nhớ về đồng chí Võ Thúc Đồng”, nguyên Bí Thư tỉnh ủy Nghệ An xuất bản năm 2009. PGS Ninh Viết Giao bày tỏ: “Tôi có thề nhớ về ông (Võ Thúc Đồng), kể về ông nhiều điều nữa. Điều cuối cùng tôi muốn nói: Tôi được như hiện nay, có nhiều công trình về văn hóa văn nghệ dân gian xứ Nghệ đã ra mắt bạn đọc, phần lớn là nhờ sự giúp đỡ, sự tạo điều kiện của ông. Suốt đời, tôi coi ông là một người anh lớn, một ân nhân của mình”.
Sáng 6/3/2014, từ Vinh, TS Nguyễn Thái Tự – Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình cá nước ngọt ở Nghệ An, học trò của PGS Ninh Viết Giao đau đớn báo tin cho tôi: thầy Giao vừa từ trần.
Sau hàng chục năm kiên trì chống chọi với bệnh hiểm nghèo, PGS vẫn không ngừng nghiên cứu và công bố nhiều cuốn sách giá trị.
Những người học trò của thầy Ninh Viết Giao luôn nhớ ơn dạy dỗ của thầy vô cùng thương tiếc và kính cẩn cầu chúc thầy thanh thản nơi cõi vĩnh hằng.
Hà Nội, 6/3/2014
Trần Phương Trà
(tức Trần Nguyên Vấn, học sinh khóa 1955 – 1958 Trường Phổ thông cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng, Nghệ An)
Nguồn: dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/pho-giao-su-ninh-viet-giao-voi-xu-nghe-846871.htm