Tại đây, lần đầu tiên chàng thanh niên khéo tay hay làm của làng nghề gốm cổ truyền được sống những giờ phút căng thẳng, khẩn trương trong phòng mổ. Anh không thể ngờ rằng, sau đó suốt nửa thế kỷ của cuộc đời mình được gắn bó liên tục với công việc của một thầy thuốc ngoại khoa, của một nhà phẫu thuật thần kinh.
PGS.TS. Trần Mạnh Chí sinh ngày 16/6/1933 tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Cuối năm 1949, khi cùng gia đình tản cư lên Phú Thọ, anh nhập ngũ và làm y tá ở Trung đoàn Sông Lô. Từ năm 1949 – 1958, anh lần lượt làm y tá, y tá trưởng, y sĩ tiểu đoàn rồi trợ lý quân y trung đoàn và chủ nhiệm quân y sư đoàn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và sau 1954, khi hòa bình lập lại trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Từ năm 1959, y sĩ Trần Mạnh Chí được tổ chức cử về Trường Sĩ quan Quân y (nay là Học viện Quân y) để tiếp tục học tập và năm 1964, anh tốt nghiệp bác sĩ quân y loại xuất sắc, rồi được phân công làm bác sĩ điều trị tại Khoa Phẫu thuật thần kinh, Viện Quân y 103 (nay là Bệnh viện Quân y 103). Sau đó, ông được cử đi thực tập sinh ở Liên Xô và trở về làm Chủ nhiệm Khoa kiêm Chủ nhiệm Bộ môn trong giai đoạn từ sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1976 – 1987).
Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Mạnh Chí
Hiện nay, trong phòng lưu trữ hồ sơ của Thư viện Học viện Quân y vẫn còn tập luận án tiến sĩ: “Lâm sàng và điều trị ngoại khoa động kinh muộn do vết thương sọ não” của bác sĩ Trần Mạnh Chí, bảo vệ ngày 20/4/1985 đã được Hội đồng khoa học gồm các nhà ngoại khoa hàng đầu ở nước ta ngày đó như Hoàng Đình Cầu, Phạm Gia Triệu, Nguyễn Dương Quang, Nguyễn Thường Xuân… đánh giá cao. Đây là sự tổng kết có giá trị qua hơn 500 trường hợp động kinh ở trại điều dưỡng nước ta từ những năm 1980 trở về trước. Đặc biệt, Hội đồng khoa học đã khen ngợi những sáng tạo của nghiên cứu sinh trong cải tiến các dụng cụ phẫu thuật thần kinh, trong kỹ thuật hút quanh sẹo, tạo vạt da phủ kín vùng khuyết sọ…
Từ năm 1987 – 1998, được sự tín nhiệm cao của cấp trên và của đồng nghiệp, PGS.TS. Trần Mạnh Chí được cử làm Phó Viện trưởng (1987 – 1988) rồi Viện trưởng Viện Quân y 103 (1989 – 1998). Trong thời gian này, cùng với Đảng ủy và Ban Giám đốc, ông đã lãnh đạo bệnh viện đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong điều trị, đào tạo và nghiên cứu khoa học, xây dựng và phát triển bệnh viện ngày càng tiên tiến, hiện đại, trở thành một trung tâm y học lớn đáng tin cậy của quân đội và của cả nước.
GS.TS. Trần Mạnh Chí là người học trò giỏi của cố Giáo sư, Thiếu tướng Phạm Gia Triệu về phẫu thuật thần kinh. Ông là người có công đầu trong việc xây dựng Khoa Ngoại thần kinh của Bệnh viện Quân y 103; ở đây có những thầy thuốc tay nghề vững vàng, những phó giáo sư, tiến sĩ do ông dìu dắt, đào tạo như: Nguyễn Thọ Lộ, Bùi Quang Tuyển, Vũ Hùng Liên, Nguyễn Hùng Minh, Vũ Văn Hòe… Khoa Phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Quân y 103 có kinh nghiệm và uy tín trong mổ cột sống, mà phương pháp “mở cửa sổ” trong mổ cột sống được công nhận là nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp kinh điển, có sự đóng góp đáng kể của PGS.TS. Nguyễn Mạnh Chí. Trong quá trình mổ cột sống, ông còn sáng tạo ra chiếc panh tự động mở rộng vùng mổ khi mở cửa cung đốt sống để lấy đĩa đệm. Là người cần cù, tỷ mỉ, khéo tay, ông cũng thành công trong việc tạo ra lưỡi khoan đa năng kiểu mới, thay vì mỗi khi mổ sọ não phải thay 3 lần lưỡi khoan đa năng. Sáng kiến cải tiến này đã được Bộ Quốc phòng khen thưởng và từ giữa những năm 1980, lưỡi khoan này đã có mặt trong bộ dụng cụ phẫu thuật trang bị cho các phòng mổ từ cấp sư đoàn trong toàn quân.
PGS.TS. Trần Mạnh Chí luôn say mê nghiên cứu khoa học, không thỏa mãn ở những kết quả đã đạt được. Cách đây hơn 20 năm, ông đã tập hợp tất cả những kinh nghiệm và đề tài nghiên cứu điều trị vết thương sọ não trong thời gian chiến tranh ở nước ta để viết một công trình quy mô cho luận án tiến sĩ khoa học của mình. Bản luận án được viết bằng tiếng Nga đã gửi sang Viện Hàn lâm Quân sự Kirov (Liên Xô), tiếc là sau thời điểm gửi đi ít lâu, sự tan vỡ của Liên bang Xô Viết đã làm cho việc giám định luận án bị bỏ dở.
PGS.TS. Trần Mạnh Chí đã là một trong những nhà phẫu thuật thần kinh hàng đầu của quân đội, ông còn có nhiều đống góp vào việc đào tạo các thầy thuốc và phẫu thuật viên trẻ. Ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (1990) và Nhà giáo Nhân dân (2010).
Trong những năm 1994 – 1998, khi đã hơn 60 tuổi, ngoài công việc quản lý bệnh viện, ông vẫn chỉ đạo các ca phẫu thuật hoặc trực tiếp đứng mổ, giảng dạy cho học viên đại học và sau đại học. Năm 2000, cùng với một số giáo sư khác, ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ về công trình tập thể “Bảo đảm công tác Quân y trong chiến tranh giữ nước và cứu nước của Quân đội Nhân dân Việt Nam”. Ông cũng vẫn thường xuyên hướng dẫn các nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ và tham gia các hội đồng chấm luận án tiến sĩ, thạc sĩ y học ở Học viện Quân y, trường Đại học Y Hà Nội, trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh và các trường đại học khác.
Với những cống hiến to lớn của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Quân y nói chung, của Học viện Quân y và Bệnh viện Quân y 103 nói riêng, PGS.TS. Trần Mạnh Chí đã nhận được nhiều huân chương và phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến thắng hạng Ba và một số huân, huy chương khác.
PGS.TS. Trần Mạnh Chí còn rất yêu thích hội họa. Do có năng khiếu bẩm sinh, lại được sinh ra và lớn lên ở một làng nghề nghệ thuật cộng với sự chăm chỉ tự học nên nét vẽ của ông khá chuẩn và đẹp. Chẳng thế mà trong tập sách chuyên khảo “Chấn thương thần kinh”, Giáo sư Phạm Gia Triệu đã nhờ người học trò cưng của mình vẽ toàn bộ hàng trăm hình giải phẫu cơ thể để minh họa. Trong thời gian đi chiến trường, lúc rảnh rỗi, PGS.TS. Trần Mạnh Chí lại vẽ để ghi lại các hoạt động của trạm phẫu thuật tiền phương, cảnh bộ đội hành quân hay nghỉ dọc đường, phong cảnh rừng núi, suối ngàn, sông nước…
Nhưng sẽ là khiếm khuyết nếu không nhắc tới việc PGS.TS. Trần Mạnh Chí còn là một “thi sĩ nghiệp dư” tài hoa nữa. Khi còn đương chức, do bận bịu nhiều công việc, ông chỉ dành được chút ít thời gian cho hội họa; lúc về hưu rồi ông mới có điều kiện tiêu dao ngày tháng bằng thơ ca. Từ năm 1995 đến nay, ông đã xuất bản bốn tập thơ với ngót hai trăm bài thơ. Đó là các tập Cơn mưa biển (Nhà xuất bản Lao động, 1995) và Con đê làng (Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, 2000), Khát mưa (Nhà xuất bản Văn học, 2012), Trăng rừng (Nhà xuất bản Văn học, 2014) và còn nhiều bài thơ lẻ khác. Thơ của ông chân thành, trong sáng, thấm đẫm tình đời, tình người và có không ít những câu, những bài mơ màng, say đắm.
Mùa xuân năm nay, PGS.TS. Trần Mạnh Chí đã bước sang tuổi 82 của cuộc đời với hơn 60 năm tuổi nghề. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn say mê cuộc sống tích cực với những sắc màu hội họa và rung động thi ca trong tình yêu thương gia đình, tình nghĩa thầy trò và đồng nghiệp. Cách đây hơn ba trăm năm, nhà tư tưởng vĩ đại Pháp F.M. Voltaire (1694 – 1778) đã viết: “Tuổi già đối với người bình thường là mùa đông, đối với kẻ vô học là gánh nặng, còn đối với con người của khoa học là mùa thu vàng ngọc”. Buổi hoàng hôn trong cuộc đời của PGS.TS. Trần Mạnh Chí thật là một mùa thu vàng ngọc.
Lê Gia Vinh
Nguyên Trưởng phòng Sau đại học
Nguồn: www.hocvienquany.vn