Sau khi kết thúc công tác tại Bộ môn Công trình Bê tông cốt thép, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, GS.TS Nguyễn Đình Cống tiếp tục tham gia giảng dạy cho nhiều trường đại học trên cả nước. Từ năm 2004 đến năm 2010, GS.TS Nguyễn Đình Cống giảng dạy tại các trường đại học ở Hải Phòng, Vinh, Quảng Bình, Đà Nẵng,… với các môn chuyên ngành như: Vật liệu cốt thép, Kết cấu gạch đá – gỗ, Xây dựng dân dụng, Quản lý xây dựng, Cấp phép xây dựng, Thép nhà công nghiệp,…
Để nắm rõ được quá trình học tập của sinh viên, dù giảng dạy ở bất kỳ trường nào, GS Nguyễn Đình Cống đều ghi chép rất tỉ mỉ trong một cuốn sổ, từ nội dung môn học, danh sách sinh viên cho đến đề thi và điểm thi môn học. Theo ông, đây là một hình thức theo dõi sinh viên hết sức cần thiết, bởi đây là cơ sở để đánh giá thái độ học tập, quá trình tiến bộ của sinh viên sau khi kết thúc mỗi môn học. Ông giải thích thêm: “Đây là cuốn sổ tôi sử dụng để theo dõi chi tiết quá trình học tập của sinh viên, qua đó tôi có thể đánh giá được sinh viên phát triển như thế nào, nắm bắt được sở trường, sở đoản của mỗi sinh viên, từ đó làm cơ sở đề ra những phương án giảng dạy tốt nhất”.
Sơ đồ vị trí sinh viên lớp KN 601, trường Đại học Dân lập Hải Phòng
Trong cuốn sổ ghi chép công việc giảng dạy của GS.TS Nguyễn Đình Cống, các trang giấy dày đặc những tên, điểm, đề cương môn học, sơ đồ vị trí sinh viên ngồi trong lớp và cả đề thi lẫn điểm thi của mỗi sinh viên, tất cả được ông viết một cách cẩn thận và chi tiết. Có lẽ, không nhiều giáo viên thực hiện được công việc mà ông làm, như ông đã chia sẻ “Không phải thầy cô nào cũng đủ kiên nhẫn để làm được điều này, bởi để làm được cần thời gian, sự tỉ mỉ, đòi hỏi trách nhiệm cao và phải là một người có cách thức làm việc nghiêm chỉnh, biết quan tâm đến sinh viên”. Đấy không phải là tạo cho sinh viên áp lực hay làm mất tự do mà chính là đưa sinh viên về một quy củ để sinh viên biết tập trung hơn trong học hành.
Với GS Nguyễn Đình Cống, khi đã đứng trên bục giảng thì bất cứ người giáo viên nào cũng cần phải làm việc hết sức nghiêm túc, có trách nhiệm, ngoài việc động viên, làm gương cho học trò thì cũng phải tạo dựng cho bản thân một cái uy nhất định.
Để quản lý giờ giấc, ông còn vẽ sơ đồ lớp học để tiện theo dõi “Chỉ cần sinh viên vắng mặt ở vị trí nào thì tôi sẽ biết ngày tên sinh viên đó mà không cần phải hỏi bất cứ ai”, ông chia sẻ. Trong mỗi giờ lên lớp, ông luôn đến trước ít nhất 15 phút, ngoài việc để theo dõi giờ giấc của sinh viên thì ông cũng muốn làm gương để rèn luyện cho sinh viên về thái độ nghiêm chỉnh, đúng giờ. Ông nói, sinh viên có học hành chăm chỉ hay không một phần rất lớn phụ thuộc vào thái độ giảng dạy của người thầy. Thầy nghiêm sinh viên sẽ phải nghe theo. Đã là thầy cần phải theo dõi sát sao quá trình học tập của học sinh để có thể đưa ra những phương pháp kịp thời giúp sinh viên phát triển tốt nhất trong quá trình học tập.
Bản thảo bài giảng môn Xây dựng dân dụng
Ở trang 28 của cuốn sổ có một nội dung mà ông lưu ý đặc biệt với chúng tôi. Nó đặc biệt ở chỗ là bản viết tay sơ thảo của môn học đầu tiên, hoàn toàn mới tại Việt Nam và ông chính là người đã vạch ra đề cương, soạn nội dung và giảng dạy môn học. Về việc này, GS.TS Nguyễn Đình Cống kể lại, tháng 5-2004, trường Đại học Dân lập Hải Phòng mở một ngành mới là Kỹ thuật nông nghiệp. Nội dung của ngành này được dạy theo giáo trình của một trường đại học tại Thái Lan, trong đó có môn Xây dựng dân dụng, “tuy nhiên, môn học này không hiểu vì lý do gì mà chỉ có tên chứ không có nội dung để giảng dạy” – GS Nguyễn Đình Cống cho biết. Ban Giám hiệu trường Đại học Dân lập Hải Phòng đã tham khảo ở nhiều trường, trong đó có trường Đại học Nông nghiệp I, nhưng tuyệt nhiên không thấy có môn học này.
Biết GS.TS Nguyễn Đình Cống là một thầy giáo có bề dày công tác tại trường Đại học Xây dựng, có kiến thức chuyên môn sâu, hiểu biết rộng nên trường Đại học Dân lập Hải Phòng đã mời ông xây dựng nội dung cho môn học. Sau gần 2 tuần làm việc, tổng hợp và soạn thảo, đề cương bài giảng môn Xây dựng dân dụng được ông hoàn thành và ông là người trực tiếp giảng dạy cho sinh viên cũng như bồi dưỡng cho lớp cán bộ mới trong Bộ môn Xây dựng dân dụng của trường.
Cho tới nay, mặc dù đã ở tuổi 76, nhưng GS.TS Nguyễn Đình Cống vẫn giữ được phong cách giảng dạy, vẫn quan tâm đến học trò theo cách của riêng mình. Ông cho rằng, đã là thầy thì phải cống hiến hết mình để sinh viên được trang bị những kiến thức về chuyên ngành, về xã hội sau khi rời ghế nhà trường. “Đối với tôi, việc ghi chép chi tiết từng khóa học, từng sinh viên cũng có thể được xem là một niềm vui lớn và là những kỷ niệm khó phai mờ. Một vài cựu sinh viên sau khi tốt nghiệp, họ có những thành công nhất định hoặc đảm nhận những vai trò đáng kể trong xã hội có hỏi tôi còn nhớ họ không? Tôi chỉ cần mở sổ ra là nhớ được hết những nét tiêu biểu nhất của họ”, GS.TS Nguyễn Đình Cống vui vẻ tâm sự.
Trình Sỹ Anh Dũng