Ở tuổi 85, GS-TSKH Hoàng Xuân Sính vẫn dành thời gian nghiên cứu toán học
và làm công tác đào tạo tại Trường ĐH Thăng Long.
Nữ giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam Hoàng Xuân Sính chậm rãi nói những lời gan ruột, nước mắt không chảy mà nghẹn nơi cổ họng. Ngày 8.3, bà kể về cuộc đời mình, một phụ nữ làm khoa học, với những nốt lặng phía sau vinh quang:
Những cuộc đánh đổi
Tôi may mắn hơn nhiều nhà khoa học nữ khác, khi sinh ra trong trong một gia đình có truyền thống hiếu học và có những người phụ nữ dũng cảm đấu tranh để tôi được đi học. Bà nội tôi chẳng biết chữ gì, vì thời đó con gái không được đi học. Mẹ tôi chỉ đọc được chữ Hán, tiếng Việt mới biết đánh vần. Các cô cũng vậy, chỉ được học về công-dung-ngôn-hạnh.
Vậy mà mẹ tôi luôn có niềm tin và quyết tâm phải cho tôi đi học. Khi tôi lên 8 thì bà mất, bố tôi thực hiện tâm nguyện của mẹ. Tôi được sang Pháp học, cho đến khi lấy được bằng thạc sĩ về toán ở nước ngoài.
Năm 1960 tôi trở về giảng dạy môn Toán và nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội.
Lần đó là một sự đánh đổi, khi tôi về mà chỉ có con trai nhỏ về cùng…
Hồi đó nhà tôi ở phố Hàng Bông, hằng ngày lóc cóc đạp xe 10km đến trường giảng dạy. Có hai mẹ con nương tựa vào nhau, nhưng tôi hoàn toàn không chăm nom được con một chút nào.
GS Hoàng Xuân Sính
Từ thời học vỡ lòng, con tự phải đi học. Tan trường thì lông bông ngoài đường với trẻ con cùng phố, tối về tự ăn, tự ngủ. Đó là một ân hận của cuộc đời tôi. Tại sao lại bỏ mặc con như thế?
Nhưng tôi không thể nào làm khác được, khi nghiên cứu khoa học trở thành lẽ sống và đi dạy mới có tiền để lo cho hai mẹ con có miếng ăn. Làm nghiên cứu khoa học nếu không dành 12 tiếng/ngày ở trong phòng thí nghiệm thì không thể làm nên chuyện gì.
Sau này con tôi trở thành một kiến trúc sư. Con cũng chưa bao giờ oán trách mẹ. Con vẫn nói thương mẹ. Lúc đó tôi chỉ khóc…
Tôi biết hiện nay Việt Nam có rất nhiều nhà khoa học nữ, họ rất giỏi, nhưng có lẽ đều trải qua những cuộc đánh đổi như thế. Tôi nể phục họ. Tôi may mắn khi con tự biết điều chỉnh, thành ra cuối cùng thuyền cũng đến bến. Nhiều đồng nghiệp nữ của tôi không được như thế.
Khó khăn mới là cuộc đời
Thời tôi còn ở Pháp, trong câu lạc bộ các nhà khoa học nữ vẫn liên tục hỏi nhau: Tại sao chúng ta lại vất vả đến vậy?
Cô bạn thân của tôi là một GS Vật lý, lấy chồng là người nghiên cứu về Toán. Tưởng rằng cùng dân nghiên cứu sẽ hiểu cho nhau, nhưng chỉ cố được 8 năm là chia tay. Vì một lý do là cứ đến giờ nấu cơm anh chồng bảo phải đi họp, đúng giờ chị vợ nấu xong là anh ta về nhà. Chị vợ đòi bình đẳng khi làm việc nhà, anh ta không chịu, thế là chia tay.
Tôi nói thật đàn ông thời nào thì cũng ngại làm việc nhà. Họ nghĩ đó là ba cái việc của phụ nữ.
GS Hoàng Xuân Sính trong một tiết dạy Toán.
Rồi một điều nữa là tư tưởng không muốn phụ nữ hơn mình vẫn tồn tại trong đầu nhiều người đàn ông. Ngay cả trong gia đình cũng thế. Chồng hơn vợ thì không sao, vợ giỏi hay thành đạt hơn chồng là thể nào cũng sinh chuyện.
Giờ các nhà khoa học nữ lợi hơn chúng tôi khi được giải phóng khỏi việc nhà, khi có sự hỗ trợ của máy móc. Nhưng khi đâm vào khoa học thì vẫn cần hy sinh.
Không phải vì khoa học khó hay khổ, mà vì phải mò mẫm đi bóc tách, phá bỏ từng lớp rào cản trong nhận thức và định kiến của xã hội về người phụ nữ.
Nhưng đừng vì điều đó mà phụ nữ không dám dấn thân. Đàn ông cũng đang dần thay đổi quan niệm. Phụ nữ cứ nghiên cứu, làm những việc mà mình yêu thích. Khó không phải là khổ. Khó để ta phải vượt thôi. Có khó, có khổ mới là cuộc đời…
GS-TSKH-Nhà giáo nhân dân Hoàng Xuân Sính là người phụ nữ nước ngoài đầu tiên đến Paris bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc gia về Toán học.
Bà cũng là người góp phần chủ yếu vào việc hình thành giải thưởng Kovalevskaya vinh danh các nhà khoa học nữ ở Việt Nam… Cả sự nghiệp của bà gắn với Toán, giáo dục và thúc đẩy phụ nữ làm khoa học.
Đặng Chung (ghi)
Nguồn: https://laodong.vn/xa-hoi