Những nét chữ khỏe khoắn, những đường gạch bỏ dứt khoát, lối căn lề chỉnh chữ đầy cảm quan mỹ thuật… trên từng trang bản thảo cho thấy sự tinh anh, mực thước nhưng cũng đủ phiêu lãng của một học giả đã đi qua 80 mùa xuân của đất trời. Ở vào tuổi của ông quả là hiếm có. Ông vẫn miệt mài rà soát, chỉnh sửa từng thanh sắc, vần điệu; từng dấu chấm, dấu phấy đến bố cục trình bày…, vẫn cặm cụi “chắp nhặt” những “lời quê” – ngõ hầu gửi tới cho độc giả một tác phẩm nghệ thuật với tất cả tấm chân tình.
Đã có nhiều người viết về PGS Nguyễn Thạch Giang, nhưng dù là nhà văn, nhà báo, nhà khoa học, hay thậm chí là một chính khách… thì tất cả đều dành sự kính trọng đối với một vị học giả uyên bác, một bậc thầy trong nghiên cứu Văn học Hán Nôm. Năm ngoái (2012), Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ V cũng đã vinh danh ông bởi những đóng góp lớn lao trong lĩnh vực này. Cho tới nay, 72 đầu sách có thể coi là kết quả của những “chắp nhặt” hăng say, nghiêm túc và đầy tâm huyết của ông về Di sản Văn học Việt Nam. Và có lẽ số lượng sẽ không dừng lại ở đó, bởi ông còn sung sức và đam mê lắm! Mới đây, ông có chia sẻ với chúng tôi về dự định xuất bản cuốn “Nguyễn Du toàn tập” trong năm nay. Như vậy đã đủ thấy được những nỗ lực không biết mệt mỏi của ông nhằm hiến dâng những “hoa trái” ngọt lành cho lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn của đất nước. Hoa trái ấy hẳn sẽ mãi còn sum suê, tươi tốt – chứ không bao giờ là “cuối mùa” như ông khiêm tốn nhận về mình.
PGS Nguyễn Thạch Giang
Dừng lại ở phần XI, tập IV của cuốn “Lời quê chắp nhặt” ta sẽ hiểu thêm đôi nét về tâm hồn Nguyễn Thạch Giang. Bởi lẽ, như một người bạn ông – GS.TS Phan Hữu Dật đã từng tâm sự: “Thơ là tiếng nói tâm tình, cộng cam đồng điệu. Thơ là cuộc đời, thơ là con người… Mấy vần thơ tâm huyết không hẳn là mấy vần thơ hay. Nhưng nó là máu thịt của một cuộc đời của một con người trong suốt thời đại lịch sử”[1].
Nếu những pho sách đồ sộ về Di sản Văn học chữ Nôm và Văn học chữ Hán của PGS Nguyễn Thạch Giang đã dành được vị trí trang trọng nhất nơi thư phòng những con người nặng lòng với thư tịch cổ Việt Nam bởi kiến thức sâu sắc được chắt lọc từ một nhà nghiên cứu lão luyện, thì tập thơ “Hai lần em – Mơ mùa chín” của ông đem đến cho độc giả một dư âm trong trẻo, thánh thiện về tình yêu ở độ xuân xanh. Và, lật giở mỗi trang thơ sẽ là một lần ngược dòng tìm lại quá khứ yên lành, thơ mộng với những ai “đã sống qua một thời vàng son của tuổi xuân”[2]. Đó cũng là ý niệm đầu tiên – và sau cùng của “kẻ bạch đinh” một đời tìm niềm vui thanh nhã trong nghiệp viết lách.
Bản thảo và cuốn sách “Lời quê chắp nhặt”
Tựa đề “Hai lần em – Mơ mùa chín” đã truyền tải hết cái tinh thần của tác giả trong tập thơ này. Ông đã rất tinh tế khi lọc lựa cái tứ của bài “Phiếu mai” (Mai rụng) trong Kinh Thi, đến cái ý nhị trong lời khuyên của Thúy Vân khi xin Kim Trọng và Thúy Kiều tái hợp kết duyên sau bao cuộc trầm luân: “Quả mai ba bảy đương vừa/ Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì”. Hẳn rằng, ẩn sau tựa đề ấy là niềm luyến nhớ, sự hoài vọng thiết tha và thái độ đầy trân trọng đối với những giai nhân đã đến trong đời ông – những “vóc gấm của mùa xuân” đã mang đến những ba động thầm lặng thuở ban đầu, để rồi “Hồn thơ say từ buổi đón hương em…”. Bút danh Thẩm Mỹ Lan mà ông sử dụng trong tất cả các thi phẩm của tập thơ này cũng không nằm ngoài ý nghĩa đó. Và có lẽ, sự rung động xao xuyến ban đầu của tuổi xuân thuở ấy đã bắt đầu từ đôi mắt:
“Ai đã từng gặp em
Ra về lòng hẳn nhớ
Mắt nhung buồn hương êm
Cho đời vơi nỗi khổ”[3]
Trong nhiều bài thơ của ông đều phảng phất hình ảnh của đôi mắt – một đôi mắt đẹp, trong trẻo và đượm nét buồn. Đôi mắt dịu hiền ấy gợi lên nét đẹp từ tâm hồn bên trong, đem đến một sức hút kỳ diệu đối với ông. Trong bài “Tiếng hát qua làn sóng”, Thạch Giang đã tỏ niềm nhớ thương về đôi mắt thuở nào, ông viết:
“Tình chung một thuở vàng son,
Đâu rồi vẻ ngọc mơ buồn mắt em?
Mắt buồn tỏa mát hương êm,
Cho đời cay đắng có thêm ngọt bùi.”
Là một con người say mê nghiên cứu đến độ “quanh năm suốt tháng không có lấy một ngày chủ nhật, một ngày nghỉ hè”[4], nhưng đồng thời ông cũng là một con người luôn thiết tha với cuộc sống, nồng nàn với tình yêu. Những dư vị ngọt ngào mà tình yêu mang đến luôn là một chất men đặc biệt làm thăng hoa cảm xúc, để từ đó chắp cánh cho niềm cảm hứng đối với Khoa học được bay cao. Ông từng nói: “Tình yêu là đặc ân của Thượng đế, là giá trị văn hóa cao cả nhất mà loài người đã đạt được, vì tình yêu là động lực của mọi sự sống và sáng tạo”[5]. Năm 1988, ông được Bộ Đại học cử đi xây dựng ngành Việt
“Truyền cho anh tình văn và sức sống,
Dậy hương nồng phả ấm giấc mơ.”[6]
Trong tình yêu, sự xa cách về không gian và thời gian có khi càng làm cho những kỷ niệm xưa cũ trở về nguyên vẹn trong một khoảnh khắc trong trẻo, nhiệm màu – cho dù đó chỉ là “Kỷ niệm thoáng qua”:
“Dáng dấp quê hương thoáng mong manh,
Mặt buồn điểm lạnh nét đan thanh.
Ngọt lành giọng nói vương đài các,
Tím Huế áo màu đọng mắt xanh.”[7]
Và có lẽ kỷ niệm một thời “còn rất ngây thơ, hồn nhiên và khuôn phép” đối với giai nhân đất thần kinh vẫn còn đọng mãi trong ký ức sâu thẳm của Nguyễn Thạch Giang. Nhân dịp chào đón mùa xuân lần thứ 80 của cuộc đời, ông có viết bài thơ gửi người năm cũ, trong đó có đoạn:
“Nắng dệt hương trời thu Huế ơi,
Vàng son thu ấy tưởng qua rồi,
Cảo thơm xông đượm phòng văn rộng,
Người đẹp phương trời chạnh nhớ ai.”[8]
Một khía cạnh dễ dàng nhận thấy ở con người ông, đó chính là tình yêu đối với cảnh sắc tươi đẹp của đất trời, đặc biệt là sắc xuân. Tiết trời dịu mát, biếc trong, những nhành cây đâm chồi nảy lộc đã tiếp thêm cho lòng người niềm hứng khởi trong tự do sáng tạo, và trước hết là trong thơ:
“Hồng nhung ánh mắt trao tình muộn,
Đào nụ môi hồng đợi ý xuân.
Non nước mặn mà bao khởi sắc,
Sài Phi rộn rã những trang văn.”[9]
Sự thăng hoa trong cảm xúc được Thạch Giang gói trọn trong mỗi vần thơ – là chứng tích cho tình yêu trong sáng đối với những “giai nhân muôn thuở trinh thục, dịu hiền”, là minh chứng cho một tâm hồn thiết tha yêu cuộc đời, và sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến tình yêu đối với Khoa học và Nghệ thuật luôn cháy bỏng trong ông:
“May mắn đời buồn đã có Em
Canh tàn bấc lụi mãi thâu đêm,
Trang văn tiếp nối tình muôn dặm,
Vạn cổ sầu chung một ánh đèn.”[10]
Đó là những câu thơ họa lại bài thơ “Sầm Sơn” của GS.TS Trần Hồng Quân, nhằm ghi chút kỷ niệm mối duyên thơ giữa hai người. Ông gọi Khoa học và Nghệ thuật bằng danh từ Em đầy âu yếm – tưởng rằng chỉ để gọi những bóng hồng bằng xương bằng thịt. Nhìn lại một chặng đường mà ông đã đi qua, mới thấy được tình yêu mà ông dành cho văn chương sâu sắc nhường nào. Trải qua những “giai đoạn nát óc tìm cho mình một hướng đi trên con đường nghiên cứu”[11], đến nay các công trình nghiên cứu đồ sộ về thư tịch cổ Việt Nam có thể coi là thành quả từ những nỗ lực hết mình của ông – mà tâm – sức – trí lực ông có được nhờ Tình yêu.
“Hai lần em – Mơ mùa chín” đã được in trong tập IV của cuốn “Lời quê chắp nhặt” từ năm 2009. Đến nay, những trang bản thảo cuối cùng của tập thơ đang được Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt
Đỗ Minh Khôi
Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt
[1] Lời phát biểu của GS.TS Phan Hữu Dật trong lễ nhận giải thưởng Sài Phi Thư Trang ngày 10-2-1998
[2] Lời tựa phần XI, cuốn “Lời quê chắp nhặt” tập IV của PGS Nguyễn Thạch Giang
[3] Trích trong bài thơ “Đôi mắt” của PGS Nguyễn Thạch Giang
[4] Trích lời “Cùng bạn đọc”, trong cuốn “Lời quê chắp nhặt”, trang 7, tập IV
[5] Trích trong “Lời quê chắp nhặt”, tập IV của PGS Nguyễn Thạch Giang
[6] Trích trong bài thơ “Từ Varsava làm thơ gửi cho Em – Hà Nội (II)”
[7] Trích trong bài thơ “Kỷ niệm thoáng qua”
[8] Trích trong bài thơ “Chào xuân 80! Gửi người năm ấy”
[9] Trích trong bài thơ “Canh Ngọ – Xuân, chào em”
[10] Trích trong bài thơ “Đời buồn đã có em”
[11] Trích trong bài viết “Từ những bước đi ban đầu đến giải Sài Phi Thư Trang” của PGS Nguyễn Thạch Giang