Quạt tai voi của GS.TSKH Lê Đăng Hà

Đây là quạt (thường gọi là quạt tai voi) gồm 3 cánh màu đỏ xẫm, thường gọi là quạt tai voi vì cánh to giống như tai voi, thân bằng kim loại, đã gỉ và hỏng, được GS Lê Đăng Hà sử dụng và lưu giữ như một kỷ niệm của chuyến đi Liên Xô thời gian 1968-1972.

Tháng 10-1968 Lê Đăng Hà sang Liên Xô để làm nghiên cứu sinh. Cùng đợt đi với bác sĩ Lê Đăng Hà ở bên Y còn có 3 người khác là ông Vũ Nhật Thăng – chuyên khoa Sản; bà Nguyễn Thị Đào – chuyên khoa Da liễu, bác sĩ Đỗ Trọng Hiếu – chuyên khoa Sản. Những người được cử đi học phải có lý lịch tốt, công tác tốt, ông được chính GS Hồ Đắc Di – Hiệu trưởng trường Đại học Y ký quyết định cử đi học.

Đoàn đi sang Liên Xô bắt đầu vào tháng 10-1968, có khoảng 100 người thuộc nhiều ngành khoa học khác nhau. Trước khi đi mọi người được phát giầy, vali và 2 bộ quần áo complê. Đoàn đi tàu từ Ga Hàng Cỏ, lên tới Bằng Tường là nơi giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc thì chuyển sang tàu liên vận của Trung Quốc. Sau một tuần tàu liên vận đến biên giới Liên Xô, đoàn nghiên cứu sinh Việt Nam đổi tàu để đến Matxcơva. Bác sĩ Lê Đăng Hà còn nhớ lúc sang tới Matxcơva, trong khi người Việt Nam vali bằng vải màu vàng nhạt giống hệt nhau, quần áo và giầy giống nhau thì các nước khác với đầy đủ các loại quần áo, vali màu mè khác nhau, nhìn rất vui mắt. Khi gặp các bạn Liên Xô thì họ thắc mắc rằng sao người Việt Nam nhỏ thế, tốt nghiệp bác sĩ rồi mà nhìn như cậu bé mười mấy tuổi, gọi bằng từ tiếng Nga “Man tríck”, có nghĩa là những cậu bé. Lúc đó, cảm giác của bác sĩ Lê Đăng Hà thật khác lạ, có gì đó dồn lên, nghẹn ứa ở cổ, vừa buồn vừa thương cho chính mình, nghĩ người Việt Nam thật khổ sở, chiến tranh liên miên, ăn uống thiếu thốn, cơm ăn không đủ nên thân hình bé nhỏ.

Đến Matxcơva, đoàn nghiên cứu sinh Việt Nam tập trung tại Đại Sứ quán và được phân công về các nơi học. Riêng 4 nghiên cứu sinh thuộc ngành Y được học tại Matxcơva: Lê Đăng Hà và Vũ Nhật Thăng học tại trường Đại học Y số 2 Matxcơva, bà Nguyễn Thị Đào học tại Viện Hàn lâm Y học Liên Xô, ông Đỗ Trọng Hiếu học tại trường Đại học Y số 1 Matxcơva. Các ông được người của đại sứ quán đưa đến tận nơi bàn giao cho trường học.

Luận án với đề tài Ý nghĩa lâm sàng những biến đổi các men đặc hiệu trong bệnh BOT Kin (Viêm gan do virut) được Lê Đăng Hà bảo vệ trước Hội đồng khoa học của trường Đại học Y số 2 Matxcơva. Bản luận án nhận được 100% số phiếu xuất sắc của các nhà khoa học. Trước khi về nước vào khoảng tháng 4-1972, bác sĩ Lê Đăng Hà đã mua lại chiếc quạt tai voi từ những người Việt Nam với giá 12 rúp (mua trực tiếp là 10 rúp). Vì không có thời gian xếp hàng nên ông mua lại của người Việt Nam bằng số tiền dành dụm từ tiền học bổng được khi ở Liên Xô. Hồi đó ông mua ba chiếc quạt mang về nước, giữ lại một chiếc để dùng, hai chiếc còn lại bán cho người quen.

Ông cho biết, chiếc quạt được ông dùng từ năm 1972 đến mãi cuối những năm 1979. Ngày 14 tháng 9 năm 2012, ông đã tặng hiện vật này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.