Câu chuyện ấy được PGS, Họa sỹ Trần Huy Oánh chia sẻ với nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam trong buổi làm việc tại nhà riêng của ông, chiều ngày 4-11-2015.
Sinh năm 1937, ông là người con duy nhất trong một gia đình nghèo tại xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông kể, ông ham vẽ từ nhỏ và vẽ khá đẹp, thường được thầy giáo gọi lên bảng để vẽ mẫu những nhân vật lịch sử, hay những trận đánh nổi tiếng…
Năm 1957, Trần Huy Oánh đăng ký dự thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Hà Nội) và may mắn đỗ với số điểm “vớt vát”. Mặc dù vậy, tài năng của ông ngày càng được bộc lộ trong quá trình học tập. Ông trở thành học trò “cưng” của họa sỹ Trần Văn Cẩn.

PGS. Họa sỹ Trần Huy Oánh
Năm 1963, sau khi nhận bằng tốt nghiệp chuyên ngành Hội họa, Trần Huy Oánh cùng lúc nhận được 2 thông báo: Thứ nhất, Ty Văn hóa tỉnh Nam Định mời ông về làm việc. Thứ hai, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam giữ lại làm giảng viên. Ông vẫn còn nhớ tâm trạng và suy nghĩ của mình khi ấy: Nếu về Nam Định thì có điều kiện gần gũi, chăm sóc mẹ già tốt hơn nhưng về lâu dài thì khó có điều kiện phát triển năng lực bản thân như mình mong muốn, cho nên tôi quyết định ở lại.
Ông vẫn luôn cho rằng đó là một quyết định đúng đắn. Còn chúng ta, hãy cứ nhìn vào những đóng góp của ông cho sự nghiệp giảng dạy đào tạo và những cống hiến cho nghệ thuật.
Đỗ Minh Khôi