Quyết tâm bảo vệ luận án đúng hạn

Trong các buổi làm việc vào tháng 8-2015, GS.TS Trần Văn Tiến[1] đã tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam bộ sưu tập gồm 30 tài liệu liên quan đến quá trình ông làm luận án phó tiến sĩ tại Tiệp Khắc (1973-1977). Lật giở những trang tài liệu bằng đôi bàn tay run run, GS.TS Trần Văn Tiến vừa cẩn thận xem lại từng trang tài liệu đã ngả màu theo thời gian, vừa như chìm trong hồi tưởng về một thời tuổi trẻ miệt mài với luận án. Như ông cho biết, những kỷ niệm đó ông chưa từng kể, thậm chí là với những người thân trong gia đình, nay gặp chúng tôi, ông đã chia sẻ cặn kẽ.

Năm 1963, tốt nghiệp chuyên khoa Dịch tễ học tại trường Đại học Y Hà Nội, bác sĩ trẻ Trần Văn Tiến được điều động lên công tác tại Ty Y tế Lào Cai, chủ yếu làm về công tác chống dịch. Mỗi khi nhận được thông báo địa phương nào có dịch bệnh xảy ra như bệnh leptospirose (bệnh vàng da xuất huyết), dịch thương hàn, lỵ, sởi… là các ông cấp tốc đến kiểm tra, xử lý phòng chống dịch, tránh để lây lan trên diện rộng. Có những lúc BS Tiến cảm thấy làm dịch tễ vất vả quá vì phải đi xuống thực địa nhiều, ít có thời gian chăm sóc cho gia đình. Nhưng sức trẻ, lòng nhiệt huyết, đam mê và trách nhiệm đã giúp ông gắn bó với mảnh đất Lào Cai ngót chục năm.

Mùa đông năm 1968, ở Lào Cai dịch sởi xuất hiện, phát triển mạnh và kéo dài cho đến xuân 1969. BS Tiến tổng kết lại có 155 người chết, trong đó chủ yếu là trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi hầu hết ở vùng núi cao, nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Qua thống kê, BS Tiến thấy tỷ lệ người mắc bệnh sởi so với tổng số bệnh nhiễm vi rút đường hô hấp hàng năm khá cao, nên mong muốn đi sâu nghiên cứu để hiểu rõ về cơ chế sinh bệnh học, miễn dịch và vắc xin phòng chống bệnh sởi này.

Tháng 8-1970, BS Tiến đi tham gia chống dịch ở cơ sở, lúc về phòng làm việc ông thấy một tờ giấy ghi: BS Trần Văn Tiến lên gặp bí thư đảng đoàn và lên tỉnh làm việc về vấn đề được cử đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài[2]. Sau đó, ông được về Hà Nội để chuẩn bị đề cương nghiên cứu sinh. Là người đã có thực tiễn trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch sởi, trong bản đề cương ông đã xác định đề tài nghiên cứu là: Đánh giá tác dụng phòng bệnh về mặt vi sinh vật học và dịch tễ học thực địa một loại vắc xin chống bệnh truyền nhiễm đường hô hấp do virut sởi hoặc rubella. Mục đích nghiên cứu nhằm: Tìm hiểu một loại vắc xin có hiệu lực phòng chống bệnh cao, giá thành kinh tế thấp, sử dụng thuận tiện trong hoàn cảnh ở nước ta; biết được phương pháp tìm vắc xin và đánh giá hiệu lực về mặt vi sinh vật học và dịch tễ học thực địa trong hoàn cảnh ở nước ta và trên cơ thể của người Việt Nam[3].

Tháng 11-1971, BS Tiến đã hoàn thành bản đề cương nghiên cứu gồm 5 trang được đánh máy chữ trên giấy pơlyua. Ông chọn nghiên cứu về vi rút học theo hướng của CHDC Đức hoặc ở Liên Xô thời bấy giờ. Ông kể lại: Tôi được biết bấy giờ có TS Hoàng Thủy Nguyên và TS Đặng Đức Trạch đều đi học ở CHDC Đức về. Sách tham khảo về dịch tễ học tôi chỉ có duy nhất một cuốn tiếng Nga của GS B.M Zdanov tôi mua từ năm 1963 để sử dụng tra cứu. Từ hai lý do trên tôi đăng ký xin làm nghiên cứu sinh ở nước Cộng hòa dân chủ Đức hoặc ở Liên Xô[4]. Việc đi làm nghiên cứu sinh của BS Tiến được TS Hoàng Thủy Nguyên[5] ủng hộ và xác nhận: Đề nghị gửi BS Tiến đi học có hệ thống thêm. Trong điều kiện thuận lợi đó BS Tiến sau này sẽ phát huy được hết khả năng sẵn có của mình[6].

Ngoài việc hoàn tất các thủ tục hồ sơ, BS Tiến còn tập trung chuẩn bị cho kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh. Ông ôn thi trong thời gian gần 2 tháng. "Các thí sinh ôn thi xong phải chờ quyết định thống nhất chủ trương của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp về việc tổ chức thi tuyển chọn nghiên cứu sinh đi học ở nước ngoài, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và góp phần giải quyết tình trạng nghiên cứu sinh kéo dài thời hạn nghiên cứu và bảo vệ luận án lúc bấy giờ. Tôi nộp hồ sơ nghiên cứu sinh từ năm 1971 nhưng đến năm 1972 mới đi thi, sau khi Bộ thống nhất được chủ trương[7].

GS.TS Trần Văn Tiến tại nhà riêng, ngày 25-8-2015

Năm 1972, BS Tiến đạp xe đạp đi thi, ông còn buộc theo cả bếp dầu và thực phẩm để tự nấu ăn. GS Tiến kể: Tôi nhớ đợt thi tuyển đó rất đông, được tổ chức tại huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Chúng tôi ở nhờ nhà dân, mỗi nhà 2-3 học viên. Phải thi viết 4 môn học, kể cả đề cương nghiên cứu khoa học. Tôi phải thi môn khoa học cơ bản là sinh học, khoa học cơ sở là sinh hóa và môn chuyên ngành là dịch tễ học và vi trùng học. Phần đề cương nghiên cứu khoa học của tôi do TS Hoàng Thủy Nguyên, TS Đặng Đức Trạch và PTS Đoàn Xuân Mượu chấm[8].

Ba ngày thi ở huyện Phúc Thọ để lại những dấu ấn sâu đậm trong tâm trí của GS Tiến. Thoáng nhìn xa xăm, ông nhớ lại buổi thi hôm đó: Thời kỳ bấy giờ đang có chiến tranh chống Mỹ nên chúng tôi phải thi buổi tối, bắt đầu thi từ 8h tối, trong thời gian khoảng từ 3-4 tiếng, tùy từng môn. Lúc đi thi, mỗi người cầm theo một chiếc đèn dầu nhỏ nhưng không được thắp. Lúc về, chúng tôi thắp đèn đi qua các lũy tre làng, cánh đồng, ngoảnh lại tôi thấy rất nhiều đèn sáng như sao sa. Hai tối đầu tiên chúng tôi đi thi về không thấy vấn đề gì. Nhưng đến buổi thi thứ ba thì nhận được thông báo phải thi sớm hơn và sau khi thi xong lập tức phải rời ngay địa điểm thi, bởi địa điểm thi đã bị lộ và có thể sẽ bị máy bay Mỹ oanh tạc. Tôi làm bài thi xong, về ngay nhà trọ thu xếp đồ đạc, chia tay với chủ nhà rồi nhanh chóng đạp xe về Hà Nội[9].

Tháng 8-1972, BS Trần Văn Tiến thi đỗ kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh và được gọi đi học chuyên tu tiếng Nga ở nơi sơ tán là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên chuẩn bị đi học nước ngoài. Sau khóa học, các học viên về trường Đại học Ngoại ngữ ở Hà Nội thi lấy chứng chỉ (tháng 6-1973).

Nhưng BS Tiến lại được cử đi học tại Tiệp Khắc. Cuối tháng 8-1973, ông lên đường sang Praha bằng tàu hỏa. Ông phải mất một năm học tiếng Tiệp để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, viết luận án, cũng như để trao đổi với bạn đồng nghiệp và các chuyên gia Tiệp Khắc. Ngày 2-9-1974 BS Trần Văn Tiến đã đạt kết quả thi nhận vào học tại Khoa Vệ sinh, trường Đại học Tổng hợp Charles ở Praha. Cơ sở nghiên cứu là bộ môn Dịch tễ học thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ học Praha. Thầy hướng dẫn là PGS Josef Pečenka[10]. Vì thầy bận nhiều công việc, nên ngay trong buổi nhận nghiên cứu sinh, PGS Josef Pečenka đã nói với BS Tiến: Tôi chỉ có thể sẵn sàng ký giải quyết các yêu cầu của anh trong quá trình học tập và nghiên cứu[11]. Thầy hướng dẫn phân công PTS Jan Šejda trực tiếp giúp đỡ và cùng làm với ông.

Với tinh thần quyết tâm bảo vệ đúng hạn theo quy định của Bộ, BS Tiến miệt mài đi sâu nghiên cứu những tài liệu chuyên môn đã có tại bộ môn dịch tễ học cũng như làm thực hành các thí nghiệm. Trong năm học 1974-1975, BS Tiến đã học tập về những phương pháp, tổ chức, thực hành về các hoạt động chống dịch ở Tiệp Khắc. BS Tiến đã làm quen với những phương pháp chung về công tác chống dịch và thống kê y tế, với những nguyên tắc tiến hành chẩn đoán vi trùng học, virút học, huyết thanh học và miễn dịch học của những bệnh truyền nhiễm quan trọng nhất đã xuất hiện ở Tiệp Khắc[12]. Nhớ lại những lúc còn ở Hà Nội, BS Tiến thấy thật khó khăn khi không kiếm được tài liệu tham khảo ở các thư viện để viết đề cương nghiên cứu khoa học. Quả thật là vừa thiếu thầy, vừa thiếu tài liệu chuyên môn và thông tin khoa học chuyên ngành. Khi được nhận vào làm nghiên cứu sinh của viện, ông thật sự cảm thấy sung sướng khi nhìn thấy rất phong phú những tài liệu chuyên môn và thông tin khoa học chuyên ngành ở các nước trên thế giới gửi đến hàng tuần cho thư viện của viện, kể cả thư viện nhỏ của bộ môn. Đó là những tài liệu tham khảo có hệ thống sẽ giúp ông trong quá trình nghiên cứu và viết luận án sau này.

Những vấn đề đặt ra trong đề cương nghiên cứu khoa học đã được BS Tiến chuẩn bị ở trong nước, nhưng khi sang Tiệp Khắc ông thấy vấn đề này đã được bạn nghiên cứu xong và công bố. Bởi vậy, PTS Jan Šejda đã giúp ông xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học cho đề tài mới là Đánh giá kết quả 6 năm thực hiện chương trình miễn dịch học bệnh sởi ở nước CHXHCN Tiệp Khắc, đặc biệt phân tích tình hình mắc bệnh sởi ở những trẻ em đã được tiêm vắcxin. Trên cơ sở đó, ông đã chọn viết tiểu luận về Phân tích tình hình dịch tễ học sau những kết quả của công tác tiêm phòng bệnh sởi, để thi minimum (thi tối thiểu). Những ngày chuẩn bị cho kỳ thi tối thiểu, BS Tiến phải tập trung học về virút học. Nhờ sự giới thiệu của PGS Josef Pečenka, BS Tiến đã được hướng dẫn về lý thuyết và thực hành trong phòng thí nghiệm virút sởi – rubella của GS Strauss; các vi rút đường hô hấp của PGS Tunrová và được PGS.TS toán học Babrová giảng một số buổi về toán thống kê trong nghiên cứu y học.

Việc học tập và nghiên cứu của BS Tiến mới được bắt đầu, còn nhiều bỡ ngỡ thì PTS Jan Šejda có quyết định đi Mỹ làm chuyên gia cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong ba tháng. Trong thời gian này, BS Tiến tập trung đi thư viện tham khảo tài liệu và viết tiểu luận, đồng thời thực hành các kỹ thuật xét nghiệm trong labô virút học bệnh sởi trong phòng thí nghiệm của GS Strauss. Khi PTS Jan Šejda về nước đã nhanh chóng tổ chức hội đồng thi tối thiểu cho BS Tiến. Hội đồng chấm thi gồm có: GS V. Kredba – Chủ tịch hội đồng, hai ủy viên là PGS B. Burianová và PGS Josef Pečenka. NCS Trần Văn Tiến đã trình bày tiểu luận trước Hội đồng về vắcxin sởi và bệnh sởi ở trẻ em đã được tiêm vắcxin. Sau đó các thành viên hội đồng đặt câu hỏi. GS Trần Văn Tiến vẫn nhớ những câu hỏi của PGS Josef Pečenka đưa ra và ông đã trả lời rất trôi chảy:

– Tôi có hai chiếc cốc sữa, một cốc bỏ virút viêm gan A, một cốc bỏ vi khuẩn thương hàn. Nếu chẳng may uống phải một trong hai cốc sữa này thì cốc nào sẽ nguy hiểm hơn?.

– Người uống phải sữa có vi khuẩn thương hàn thì nguy hiểm hơn.

– Tại sao?

– Vi rút viêm gan A không tự dưỡng được trong môi trường sữa mà nó chỉ được nhân lên trong tế bào sống của cơ thể. Còn vi khuẩn thương hàn có thể sinh khối rất nhanh trong môi trường sữa nên nếu uống phải sẽ bị mắc bệnh.

– Được. Tại sao anh lại nghiên cứu về bệnh sởi? Bệnh sởi ở nước anh như thế nào?

– Ở nước tôi điều kiện kinh tế xã hội còn hạn chế, trong nước chưa có vắc xin dự phòng. Theo chu kỳ, cứ 5-6 năm lại có một chu kỳ dịch sởi lớn, hầu hết những trẻ em chưa có miễn dịch đều bị mắc bệnh. Dịch sởi xảy ra ở Việt Nam năm 1968-1969 đã gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản, viêm phế quản phổi, tiêu chảy, viêm tai giữa… và tỷ lệ tử vong cao, nhất là ở trẻ nhỏ. Trước tình hình đó, tôi muốn đi sâu nghiên cứu về bệnh sởi.

– Vắc xin sởi rất đắt, nếu trong điều kiện được hỗ trợ vắc xin sởi với số lượng hạn chế để tiêm cho trẻ em thì anh sẽ triển khai thực hiện như thế nào?

– Chỉ số lây truyền của bệnh sởi rất cao, trên 99,9%. Bởi vậy, muốn ngăn chặn được bệnh sởi thì hầu hết số trẻ cảm nhiễm với bệnh sởi trong cộng đồng phải được tiêm vắcxin hiệu lực có kết quả. Trường hợp số lượng vắcxin sởi có hạn thì phải tập trung tiêm cho trẻ có nguy cơ cao. Đó là nhóm trẻ có tỷ lệ mắc bệnh sởi, tỷ lệ biến chứng và tỷ lệ tử vong cao, nhất là ở vùng có trình độ phát triển kinh tế – xã hội thấp.

Sau khi thi xong, PGS Josef Pečenka vỗ vào vai ông nói: Anh là nhà dịch tễ học, không nên chuyển sang nghiên cứu virút sởi nữa[13]. Do đó, đề tài luận án của ông làm về dịch tễ học của bệnh sởi. Ngày 11-3-1976, PGS Josef Pečenka qua đời, PTS Jan Šejda được thay thế là thầy hướng dẫn chính cho ông.

NCS Trần Văn Tiến đang tra cứu tài liệu, Tiệp Khắc, năm 1975

Trong quá trình lấy số liệu làm luận án, nhờ sự giúp đỡ của PTS Jan Šejda nên những mẫu ông gửi xuống địa phương đều được họ thực hiện một cách rất nghiêm túc, gửi đều đặn về cho ông và có độ tin cậy cao. Các địa phương gửi mẫu đến đâu, ông xử lý ngay đến đó; số liệu được lấy cho đến cuối năm 1976. Khi phân tích được một nửa số liệu, ông đã viết và gửi 2 bài để đăng trên tạp chí Vệ sinh dịch tễ Praha: bài Phân tích tình hình dịch tễ bệnh sởi sau khi tiêm vắcxin ở Tiệp Khắc và bài Kết quả tiêm chủng chống sởi. Khi cập nhật hết số liệu thống kê, ông cũng hoàn thành việc tham khảo tài liệu trong và ngoài nước và bắt đầu viết luận án từ tháng 11-1976.

Theo GS Trần Văn Tiến, viết luận án bằng tiếng Việt đã khó, viết bằng tiếng Tiệp khó hơn rất nhiều. Do vậy, ông thấy khổ nhất là viết luận án. Như thành lệ, buổi tối ông ngồi viết, ban ngày ông vẫn tới viện làm việc. Viết được đến đâu, ông tranh thủ tự đánh máy ngoài giờ hành chính tại viện. Việc tập trung viết luận án khiến ông nhiều đêm ngủ không ngon giấc: Tối ngủ tôi toàn nằm mê đến chữ nghĩa, con số, số liệu, cảm giác người bồng bềnh. Có hôm nằm mãi không ngủ được, nằm nghĩ đến luận án, tự dưng ý tưởng lóe sáng, tôi dậy bật đèn ở ngay đầu giường ngồi viết. Khổ nỗi năm cuối tôi lại ở cùng với một nghiên cứu sinh ngành giao thông đã quá hạn 2 năm mà chưa bảo vệ được, tôi bật đèn sáng khiến anh ấy không ngủ được, dẫn đến hai người xích mích nhau[14].

Sau khi viết xong luận án, NCS Tiến gửi cho PTS Jan Šejda đọc góp ý để ông hoàn thiện. Ông nhờ bà Stanislava Kadlěcková thư ký của PTS Jan Šejda làm giúp việc đi in và đóng quyển. Ông cũng nhờ nữ BS Melita Losová giúp chỉnh lý ngôn ngữ trong bản luận án. Tháng 4-1977, NCS Tiến hoàn chỉnh luận án, sau đó viết bản tóm tắt để nộp cho bộ môn, chờ đến tháng 7-1977 thì bảo vệ. Trong thời gian chờ đợi, ông học thêm kiến thức chuyên ngành về viêm gan virút HIV… Ngoài phần chuẩn bị cho luận án phó tiến sĩ, BS Tiến học tiếng Anh một cách bền bỉ và có sự quan tâm đặc biệt vào việc tận dụng thời gian lưu trú ở Tiệp Khắc để bổ sung thêm cho những kiến thức của mình, ngay cả những phần khác của dịch tễ học chuyên đề và những ứng dụng của những phương pháp công tác dịch tễ học[15].

Đồng thời, ông cũng tranh thủ tự dịch và đánh máy bản luận án sang tiếng Việt. Ngày nào ông cũng có mặt tại viện lúc 8h sáng và ra về lúc 20h 30. Ngày 23-6-1977, ông hoàn thành việc dịch luận án nhưng lại có chuyện không may xảy ra. GS Tiến nhớ: Hôm đánh máy xong bản dịch tiếng Việt của luận án, lúc ra về gặp trời mưa đá lạnh, tôi chờ mãi không ngớt. Tôi dùng chiếc cặp đang cầm trên tay đội lên đầu che mưa để đi ra bến xe buýt, nhưng vẫn bị ướt hết. Ngày hôm sau tôi vẫn đến viện làm việc bình thường. Đến ngày thứ 3 tôi bị ốm, đến bệnh viện Motol kiểm tra phát hiện tôi bị phế quản phế viêm, phải nằm viện trong thời gian ba tháng để chẩn đoán xem tôi có bị bệnh lao phổi hay không?[16].

Bản luận án Phó tiến sĩ và các tài liệu liên quan đến quá trình làm luận án của NCS Trần Văn Tiến, từ năm 1971 đến năm 1977

Trong thời gian điều trị, theo dõi tại bệnh viện, ông sụt cân chỉ còn 49kg. Chính lúc này, ông mới có thời gian ngoảnh lại quá trình làm luận án đã qua của mình thật vất vả, cũng như lo lắng tới sức khỏe của bản thân mà bấy lâu nay ông chưa quan tâm. Nhưng nếu đúng là lao thật thì mình đã đổi lấy bằng Phó tiến sĩ khá đắt. Suốt từ ngày 8-5-1975 làm việc thật căng thẳng. Vì vừa làm minium, vừa học Anh văn để tham khảo. Suốt ngày làm việc ở viện, tối lại làm việc ở nhà. Nhưng từ khi viết luận án từ tháng 11-1976 đến khi hoàn thành, dịch và đánh máy xong sang tiếng Việt thì mình lao động rất là nặng nề. Cũng có thể đó làm cho sức khỏe của mình giảm sút[17].

Dù lo lắng cho sức khỏe, nhưng BS Tiến chỉ mong sớm ra viện để tranh thủ lên thư viện tra cứu tài liệu chuẩn bị cho quá trình công tác khi về nước và điều quan trọng nữa là kịp bảo vệ luận án đúng thời hạn. Cứ ở mãi trong bệnh viện thì ông xót thời gian lắm. Đã nhiều lần ông xin bác sĩ trưởng khoa cho ra viện nhưng không được. Ngày 22-8-1976: Tình trạng vẫn bình thường. Yêu cầu BS Silhanová cho về trong tuần này nhưng BS nói cần nghỉ ngày nào thì giải quyết, còn phải chờ xét nghiệm nuôi cấy vi trùng… Ngày 24-8: Toàn trạng tốt. Sáng lấy máu xét nghiệm. Bác sĩ trưởng khoa đến thăm. Đề nghị xin về nhưng trưởng khoa nói là chưa được, cần chờ thêm kết quả xét nghiệm vi trùng. 2h chiều Viện trưởng Helcl và thầy hướng dẫn Šejda đến thăm báo cho biết đã chuẩn bị cho các thủ tục bảo vệ, đã có các nhận xét của phản biện. Yên tâm điều trị và cuối tháng 9 về bảo vệ. Hai ông có hỏi thăm tình hình bệnh tật, thuốc men. Mình có đưa hai người vào văn phòng nhưng ông trưởng khoa đi vắng. Gặp được BS Silhanová cho biết phải ở lại ba tuần nữa và có thể học tại bệnh viện[18].

Nhờ quyết định trên của bác sĩ, ông được phép mang tài liệu vào bệnh viện để chuẩn bị bảo vệ luận án. Buổi trưa và buổi tối muộn, khi bệnh nhân đã ngủ, rất yên tĩnh, ông mượn chiếc ghế con của bệnh viện và đặt lên giường để viết bản tóm tắt sẽ trình bày trước hội đồng chấm luận án.

Đầu tháng 9-1977, NCS Tiến từ Bệnh viện Motol đi đến Viện Vệ sinh và dịch tễ học Praha để bảo vệ luận án. Hội đồng chấm luận án gồm 10 thành viên: GS V. Kredba (Chủ tịch), PGS Syrůček (Phó chủ tịch), GS Havlik, PGS V.B. Burianová, PGS B. Slonim, PGS Kintera, GS Škovránek, Viện trưởng Helcl, PTS Jan Šejda (thầy hướng dẫn) và một vị giáo sư là Chủ nhiệm bộ môn Dịch tễ học ở trường ĐH Y Olomouce. GS Tiến cho biết: Hôm bảo vệ, thầy phản biện Slonim chỉ hỏi tôi hai câu về vắcxin sởi sống giảm độc lực và bệnh sởi ở trẻ đã được tiêm vắcxin. Tôi đoán các thầy biết tôi đang điều trị ở bệnh viện nên cũng thương và hỏi ít. Mặt khác, họ cũng xem xét nhân cách, quá trình làm luận án của tôi và nhất trí bỏ phiếu công nhận học vị Phó tiến sĩ cho tôi[19].

Sau khi bảo vệ thành công luận án, BS Tiến quay trở lại Bệnh viện Motol tiếp tục điều trị bệnh lao. Ngày 14-10-1977, ông được ra viện để điều trị ngoại trú, đến ngày 10-12-1977 ông về nước.

Ngẫm lại quá trình học tập của mình, GS.TS Trần Văn Tiến cho rằng mỗi giai đoạn đều có những ấn tượng riêng, nhưng không có gì ấn tượng bằng thời đi làm nghiên cứu sinh[20]. Theo GS Tiến, một cán bộ công tác ở miền núi như ông được cử đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài là cả một may mắn lớn. Ông vẫn tiếc rằng khi đó không có nhiều thời gian, không biết nhiều ngoại ngữ để có thể đọc được nhiều tài liệu hơn nữa. Nhưng dù sao, ông cũng đã nỗ lực, làm hết trách nhiệm và quyết tâm bảo vệ đúng hạn. Tôi quyết tâm bảo vệ đúng hạn bởi đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc mà đó còn là danh dự[21] – GS.TS Trần Văn Tiến chia sẻ.

Hoàng Thị Liêm

[1] Nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

[2] Phỏng vấn GS.TS Trần Văn Tiến ngày 11-8-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Đề cương nghiên cứu sinh của Trần Văn Tiến, tr. 3, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Phỏng vấn GS.TS Trần Văn Tiến ngày 20-8-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[5] Bấy giờ là Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

[6] Đề cương nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh Trần Văn Tiến, tr. 2, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[7] Phỏng vấn GS.TS Trần Văn Tiến ngày 4-8-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[8] Phỏng vấn GS.TS Trần Văn Tiến ngày 11-8-2015, tài liệu đã dẫn.

[9] Phỏng vấn GS.TS Trần Văn Tiến ngày 11-8-2015, tài liệu đã dẫn.

[10] Chủ nhiệm bộ môn Dịch tễ học kiêm Giám đốc Trung tâm Dịch tễ học và vi trùng học của Viện Vệ sinh dịch tễ học Praha.

[11] Phỏng vấn GS.TS Trần Văn Tiến ngày 11-8-2015, tài liệu đã dẫn.

[12] Bản nhận xét của giáo sư hướng dẫn đối với bác sĩ Trần Văn Tiến, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[13] Phỏng vấn GS.TS Trần Văn Tiến ngày 11-8-2015, tài liệu đã dẫn.

[14] Phỏng vấn GS.TS Trần Văn Tiến ngày 11-8-2015, tài liệu đã dẫn.

[15] Bản nhận xét của giáo sư hướng dẫn đối với bác sĩ Trần Văn Tiến, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[16] Phỏng vấn GS.TS Trần Văn Tiến ngày 11-8-2015, tài liệu đã dẫn.

[17] Sổ ghi chép của GS.TS Trần Văn Tiến từ năm 1973 đến năm 1977, tr. 23, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[18] Sổ ghi chép của GS.TS Trần Văn Tiến từ năm 1973 đến năm 1977, tr. 30, tài liệu đã dẫn.

[19] Phỏng vấn GS.TS Trần Văn Tiến ngày 11-8-2015, tài liệu đã dẫn.

[20] Phỏng vấn GS.TS Trần Văn Tiến ngày 18-8-2015, tài liệu đã dẫn.

[21] Phỏng vấn GS.TS Trần Văn Tiến ngày 11-8-2015, tài liệu đã dẫn.