Sau 4 lần được trường cử đi nghiên cứu sinh tại nước ngoài mà không thành, năm 1975, giảng viên Bùi Long Biên đã tự nghiên cứu để làm luận án phó tiến sĩ (nay là TS) để bảo vệ trong nước. Việc khó khăn nhất đối với ông là chọn được đề tài có nội dung mới để đề tài được công nhận. Sau một thời gian nghiên cứu, giảng viên Bùi Long Biên quyết định làm luận án phó tiến sĩ về đề tài “Xác định các nguyên tố Ce, Pr, Nd trong La2O3 và các nguyên tố Ce, La, Pr, Nd trong quặng đất hiếm Việt Nam bằng phương pháp quang phổ phát xạ dung dịch điện cực mao dẫn xốp”. Ông chia sẻ: Thời kỳ đó, ở nước ta chưa có ai thành công trong việc kết hợp phương pháp quang phổ thuộc ngành vật lý với chuyên môn trong ngành hóa học. Mặt khác, tôi làm luận án phó tiến sĩ mà không có thầy hướng dẫn nên gặp nhiều khó khăn. Nhưng trải qua 3 năm nghiên cứu và tự học thêm về quang phổ (Vật lý) tại Liên đoàn Vật lý Địa chất, Tổng cục Địa chất tôi hoàn thành đề tài”.
PGS.TS Bùi Long Biên
Năm 1980, ông Bùi Long Biên bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, được các chuyên gia trong lĩnh vực hóa học và vật lý trong hội đồng chấm luận án đánh giá cao. Với PGS.TS Bùi Long Biên thời gian làm luận án phó tiến sĩ tuy khó khăn nhưng ông rất tự hào, vì ông là một trong hai cán bộ đầu tiên thuộc chuyên ngành hóa học của ĐH Bách khoa Hà Nội bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ trong nước.
Lê Thị Hằng
_____________________________
* PGS.TS Bùi Long Biên, sinh năm 1938 tại xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ông là nguyên cán bộ giảng dạy bộ môn Hóa phân tích, khoa Hóa kỹ thuật (nay là Viện Kỹ thuật Hóa học), trường Đại học Bách khoa Hà Nội.