Ra đi từ chiến khu Việt Bắc

Sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh, sau cách mạng tháng Tám, Phạm Lương Tuệ xin vào làm công nhân ở xưởng Phúc Đồng (Hương Khê, Hà Tĩnh), sau đó thi vào trường Kỹ nghệ thực hành Huế (sơ tán ở Hà Tĩnh), rồi tiếp tục làm công nhân ở nhà máy quân giới Hà Huy Tập. Từ năm 1951-1953, ông Tuệ được cử ra Việt Bắc học tập và công tác ở Trung ương Đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam. Việc được cử đi học ở nước ngoài trong hoàn cảnh kháng chiến là một bước ngoặt lớn trong đời mà ông cũng chưa bao giờ nghĩ tới.

GS.TS Phạm Lương Tuệ

Khoác trên vai một chiếc ba lô với vỏn vẹn 2 bộ quần áo, một chiếc áo tơi tự làm bằng lá cọ và một chiếc đèn dầu tự chế, Phạm Lương Tuệ cùng đoàn lưu học sinh Việt Nam đi bộ lên Lạng Sơn để qua biên giới sang Trung Quốc và tiếp tục hành trình bằng tàu hỏa đến Liên Xô học tập. Với trình độ mới chỉ khoảng lớp 7, chưa biết một từ tiếng Nga nào, kiến thức cơ bản đã bị lãng quên sau nhiều năm không được dùng tới, Phạm Lương Tuệ gặp muôn vàn khó khăn.

Ông chia sẻ: “Lúc đó nhìn lại kiến thức của mình thì trống như vực thẳm, nhưng sau một thời gian cố gắng thì đã vượt qua được những khó khăn, môn nào cũng đạt điểm 5”.

Từ một anh công nhân, ra đi từ núi rừng Việt Bắc, với nỗ lực không mệt mỏi, Phạm Lương Tuệ đã  trở thành một Giáo sư, tiến sĩ, một người có nhiều đóng góp trong việc xây dựng và phát triển bộ môn Công nghệ Nhiệt của trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Nguyễn Thanh Hóa
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam